Minh họa: Ry Nguyễn TTCT- Tôi không phải là bác sĩ. Tôi chưa từng học trường y. Tôi thậm chí chưa từng học môn khoa học nào kể từ khi tôi 18 tuổi. Khi tôi đi gặp bác sĩ, tôi hỏi rất nhiều câu hỏi và cố gắng là người bệnh có hiểu biết nhất có thể - nhưng cuối cùng, tôi hiểu rằng bác sĩ mới là chuyên gia ở đây và tôi không làm thay công việc của họ được. Những nghề cần chuyên môn cao, như bác sĩ, luật sư, phi công, được tôn trọng ở mức độ cơ bản này. Cho dù chúng ta có thể đặt câu hỏi hoặc không đồng ý với phương pháp của họ, chúng ta đa số đều công nhận chuyên môn của những vị này. Chúng ta biết họ đã trải qua đào tạo chuyên sâu. Trong nhiều trường hợp, chúng ta tin vào đánh giá của họ. Vậy tại sao chúng ta không làm điều tương tự với nghề giáo? Tại sao và tại sao? Từng là giáo viên, tôi đã đọc và rất quan tâm đến câu chuyện xảy ra ở Long An, nơi một vị phụ huynh bị tố cáo là đã ép giáo viên dạy con mình - cậu học trò lớp 4 - phải quỳ vì để trả giá cho hình phạt tương tự mà người giáo viên này đã sử dụng trong lớp. Cộng đồng giáo viên và rất nhiều người Việt Nam đã phản ứng với sự giận dữ và diễn biến câu chuyện được đăng tải trên báo chí là người phụ huynh đó rất có thể sẽ bị khai trừ Đảng vì hành động này. Vấn đề cơ bản trong câu chuyện trên cũng là vấn đề quen thuộc với tôi khi tôi là giáo viên ở một trường trung học bên Mỹ quê tôi. Sự tương tác của tôi với các phụ huynh là tích cực và hiệu quả. Nhưng đối với một số ít phụ huynh, kinh nghiệm và quan điểm của tôi không có ý nghĩa gì với họ. Dường như họ nghĩ rằng họ có thể làm công việc của tôi tốt hơn tôi. Tôi có một số giả thiết về việc tại sao chuyên môn của người giáo viên đôi khi lại bị thử thách. Tôi nghĩ một trong những lý do chính là sự phổ biến. Đa số chúng ta không trải qua nhiều năm trời học lái máy bay, trong tòa án và trong (hi vọng là) bệnh viện. Chúng ta tin tưởng phi công, luật sư và bác sĩ vì chúng ta chỉ biết đôi chút về công việc họ làm. Nhưng đa số mọi người đều có nhiều năm ngồi học dưới mái trường, điều này dường như khiến họ cảm thấy công việc của người giáo viên trong mắt họ là ít khó khăn hay khó hiểu. Sau tất cả, khi bạn là sinh viên, bạn nghĩ làm giáo viên có vẻ như không quá khó, và một số người duy trì thái độ này khi họ trở thành phụ huynh. Một lý do khác, cả ở Mỹ và ở Việt Nam, là mức lương thấp mà nhà giáo được trả, đôi khi còn là do tiêu chuẩn thấp của ngành. “Tôi đứng về phía cô” Có một quan niệm phổ biến là người theo nghề sư phạm là những người không có cửa thành công ở những nghề có danh tiếng khác. Điều này có thể đúng với một vài giáo viên và tôi nghĩ những tiêu chuẩn cao hơn (và lương cao hơn) là quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục công ở cả hai đất nước. Nhưng, dù sao đi nữa, giáo viên vẫn là những người có kỹ năng chuyên môn thông qua kinh nghiệm của họ và phụ huynh chưa bao giờ được cảnh báo là hãy thận trọng và đừng đánh giá thấp kinh nghiệm của người dạy dỗ con cái mình. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là giáo viên luôn đúng hoặc phụ huynh nên đứng ngoài việc học hành của con cái hoàn toàn. Trên thực tế, khi còn là giáo viên, tôi thấy những học sinh ưu tú nhất là những em có bố mẹ tham gia nhiều vào việc học của con và rất tôn trọng giáo viên. Điều này đặc biệt đúng khi có tình huống phải phạt học sinh - một phần việc không mấy dễ chịu của nghề giáo. Những ấn tượng rập khuôn về sự tàn ác của giáo viên là hoàn toàn sai, ít nhất theo kinh nghiệm của tôi. Giáo viên không phạt học sinh để thỏa mãn bản thân mình, để làm đứa trẻ thấy xấu hổ, hay để cảm thấy mình có quyền lực. Mục tiêu của việc phạt là để kìm lại hay chỉnh đốn hành vi sai nhằm đảm bảo việc dạy học cho cả lớp không bị ảnh hưởng. Khi tôi đọc về cuộc đối chất giữa phụ huynh và giáo viên ở Long An, tôi chẳng thể làm gì để thay đổi nó nhưng tôi nghĩ đến một sự tương tác tích cực, mang tính xây dựng hơn. Có thể người bố có những lý do chính đáng khi cho rằng phạt quỳ con ông ấy là không hiệu quả và không thích hợp. Nếu như thay vì hỏi giáo viên có quỳ được không, ông tiếp cận người giáo viên với quan điểm cởi mở hơn, lắng nghe và chia sẻ quan điểm riêng của ông. Phụ huynh là những người hiểu rõ nhất ưu, nhược của con mình. Giáo viên hiểu rõ nhất làm sao để quản lý và xây dựng một lớp học. Cùng với nhau, họ đều có được những chuyên môn cần thiết để tìm ra một cách giải quyết vấn đề mới, có thể là một giải pháp không cần phải quỳ gối. Tôi chưa có con, nhưng khi tôi có con, tôi luôn biết rằng những gì mình sẽ nói với cô giáo trước mỗi năm học là: “Tôi từng là giáo viên, tôi biết công việc đó khó khăn như thế nào. Đừng lo lắng, tôi đứng về phía cô”. Tags: Giáo viênKỷ cương trường họcBị thách thức
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.