Ký ức làng

LÊ THIẾT CƯƠNG 09/10/2015 20:10 GMT+7

TTCT - Nước Việt chính là nước - làng, làng Việt là làng nước. Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng, làng chính là hình ảnh cô đọng của nước Việt.

l
lY Moan (người dân vẫn gọi anh với tên thân mật là “Con sói đại ngàn”), người Ê Đê, ca sĩ nổi tiếng của núi rừng Tây nguyên

Ký ức làng, “làng qua điểm nhìn, cách nhìn của tôi” không ngoài quan niệm này. Trong mắt của Nguyễn Hữu Bảo, nước Việt có bốn ngôi làng: làng vùng châu thổ sông Hồng, làng biển, bản làng Tây Bắc và Đông Bắc, buôn làng Tây nguyên. Đương nhiên làng - châu thổ sông Hồng vẫn là cái lõi của làng Việt.

Triển lãm ảnh cá nhân Ký ức làng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo trưng bày 60 bức ảnh, diễn ra từ ngày 2 đến 15-10-2015 tại Hàng Da Gallery (Hà Nội).

Bản giao hưởng bốn chương này sẽ có giai điệu chủ đề là làng - châu thổ sông Hồng, đó cũng chính là vùng hiện thực mà ống kính của Nguyễn Hữu Bảo quan tâm nhất, anh chỉ chụp những gì mình hiểu nhất.

Trong những người chụp về làng thì phần lớn đều dừng lại ở “cưỡi ngựa xem làng”, tức khai thác chủ yếu ở khía cạnh hình thức của làng, vẻ đẹp thị giác của làng như đường làng ngõ xóm, cổng làng, ao làng, giếng làng, đình làng, chùa làng, đống rơm, mùa gặt, hội làng...

Đó là nhiếp ảnh nghệ thuật, là ảnh phong cảnh lấy tiêu chí đẹp làm trọng. Ký ức làng của Nguyễn Hữu Bảo không phải thể loại ảnh nghệ thuật phong cảnh làng quê duy mỹ nhưng cũng không phải là ảnh phóng sự báo chí hiểu theo nghĩa ảnh - tin, thời sự nóng hổi, nhanh nhạy tức thời.

Ảnh của Nguyễn Hữu Bảo là nhiếp ảnh câu chuyện. Nhiếp ảnh của khoảnh khắc, dài lâu. Mỗi bức ảnh đều có một thông tin gì đó, đôi khi là một thông điệp, đều có một câu chuyện bên trong, dưới mỗi bức ảnh đều có một lời nói, đôi khi chỉ thầm thì, nhắc nhở hoặc liên tưởng.

Mỗi bức ảnh đều như một câu hỏi dành cho người xem ngẫm nghĩ để tự họ trả lời hoặc có thể câu hỏi - ảnh ấy đồng thời đã là câu trả lời. Đặt câu hỏi cũng là một cách bày tỏ thái độ, cũng đã là một tấm lòng.

Như đã nói ở trên, ảnh chụp người của Nguyễn Hữu Bảo không phải dạng ảnh nghệ thuật, đẹp, đèm đẹp, mượt mà, bàng bạc, chung chung. Anh không đi theo lối chụp “tô vẽ”, sắp đặt, dàn dựng. Anh tôn trọng sự trung thực, sự trung thực sẽ nói lên tất cả và có lẽ theo Nguyễn Hữu Bảo thì đó là đủ “đẹp” rồi.

Ống kính của Nguyễn Hữu Bảo hiếm khi có toàn cảnh, phần lớn là trung cảnh, trung cận và cận để được gần hơn, được va chạm, tiếp xúc với làng trực tiếp hơn, nghe được rõ hơn tiếng làng, chuyện làng, hơi thở, số phận của làng. Nhìn được rõ hơn việc làng. Sống chung với làng như người làng thì mới hiểu để chụp và chụp trung thực được.

Ký ức làng chính là ký ức về người làng trong “cảm xúc của tôi, cách nhìn của tôi”. Chân dung làng chính là chân dung những con người ở làng. 64 bức ảnh trong Ký ức làng chính là 64 câu chuyện người của ngôi làng Việt. Dù là vui buồn, được mất, hạnh phúc hay bất hạnh, gặp gỡ hay chia ly, dông bão hay bình yên... thì vẫn là chuyện người. Kiếp người là kiếp làng, phận người là phận làng. Làng chỉ là cái vỏ, nội dung của làng phải là con người.■

Một thoáng Chiêu Quân
Một thoáng Chiêu Quân

 

Liền chị quan họ
Liền chị quan họ

Một quán nước Thuận An, Huế
Một quán nước Thuận An, Huế
Bếp của người Mông Xanh
Bếp của người Mông Xanh
Trong nhà thờ họ
Trong nhà thờ họ
Vật liệu xây dựng truyền thống
Vật liệu xây dựng truyền thống
Làng chài Hải Hòa
Làng chài Hải Hòa
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận