TTCT - Câu chuyện lạc lối trong chủ trương duy trì, phát triển hệ thống đào tạo tại chức xem ra khó có hồi kết khi mà từ phía các lãnh đạo Bộ GD-ĐT hiện hành vẫn chưa đưa ra được ý tưởng nào chấm dứt tình trạng xem tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học. Thay vì mang sứ mệnh đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời, nâng cao kiến thức của người lao động thì ở nước ta, đào tạo vừa làm vừa học (còn gọi là tại chức) lại lần hồi trở thành “nồi cơm” của các cơ sở đại học (ĐH). Trên thực tế, điều đó diễn ra như thế nào?“Nồi cơm” tại chứcKể từ lúc VN thực hiện chính sách mở cửa, xóa bỏ bao cấp, các trường ĐH bung ra làm “kế hoạch ba”, đào tạo tại chức được xem là nguồn thu béo bở của các trường. Người trong giới vẫn gọi nó là “nồi cơm” của mình. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006, khái niệm “nồi cơm” mới được xuất hiện một cách công khai trước bàn dân thiên hạ, qua phát biểu của người vừa nhậm chức tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó - ông Nguyễn Thiện Nhân.Tại hội thảo bàn về đề án xây dựng mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 được tổ chức vào ngày 10-11-2006, ông Nhân nói: “Tại chức là “nồi cơm” của các trường, họ đã có từ 40-50% khoản thu từ đó, nếu siết lại ngay thì khổ cho các trường nên chỉ cần gióng chuông cảnh báo”.Lần thứ hai, chỉ sau đó chừng nửa tháng, chiều 25-11-2006, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Nhân nhắc lại khái niệm “nồi cơm”: “Nguồn thu chủ yếu các trường ĐH hiện nay là đào tạo tại chức. Chúng tôi cũng có nhận thức được bất cập đào tạo, nhưng giải quyết phải có lộ trình. Nếu siết chặt ngay thì ảnh hưởng đến “nồi cơm” của họ”.Thời điểm ông Nhân phát biểu các ý kiến trên, hệ tại chức đang ở giai đoạn bung ra rực rỡ về mặt quy mô. Tại hội nghị tổng kết giáo dục ĐH không chính quy tháng 2-2008, Bộ GD-ĐT cho biết năm 2007 quy mô đào tạo hệ này khoảng 835.000 học viên, chiếm xấp xỉ 50% (chính xác là 49,79%) tổng quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH (gần 1,7 triệu học viên - sinh viên).Cá biệt, trong số 14 ĐH, trường ĐH trọng điểm quốc gia có những đơn vị đào tạo tại chức chiếm tới hơn 60% trong tổng số chỉ tiêu đào tạo của mình: ĐH Sư phạm TP.HCM - 64% (12.461/19.476); ĐH Kinh tế quốc dân - 62,5% (24.903/39.861). Hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Kinh tế TP.HCM cũng không kém mấy về tỉ lệ đào tạo tại chức, đều chiếm quá nửa so với tổng số chỉ tiêu đào tạo.Trong các đơn vị mà số học viên tại chức nhiều hơn sinh viên chính quy còn có ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên. Chỉ một trường ĐH Y Hà Nội có tỉ lệ đào tạo tại chức thấp (8%). Và tổng số học viên - sinh viên của trường này (khoảng 3.000 người) cũng chưa bằng số lẻ của đào tạo tại chức các trường khác!Do nhiều nguyên nhân, trong đó có phản ứng của các cơ quan tuyển dụng và động thái siết chặt quản lý của Bộ GD-ĐT, “nồi cơm” của các trường đã thu hẹp đáng kể nhưng vẫn chiếm gần 30% so với tổng số học viên - sinh viên đang được đào tạo. Tuy vậy, hiện nay vẫn có hơn 400.000 học viên tại chức đang được đào tạo bởi các trường ĐH mà trong đó phần lớn học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh thành trên cả nước.Ngay lãnh đạo bộ cũng chưa hình dung trọn vẹn triết lý giáo dục của đào tạo ĐH tại chức mà chỉ đơn giản xem nó là “nồi cơm” của các cơ sở ĐH. Góc nhìn này dẫn đến tình trạng đào tạo vừa làm vừa học không được quan tâm đúng mức, bị rẻ rúng trong con mắt xã hội với câu nói đầy miệt thị “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, một so sánh mà lẽ ra nó không phải lãnh nhận” - TS Lê Viết Khuyến, nguyên vụ trưởng Vụ ĐH - Bộ GD-ĐT, bình luận. Rẻ rúngNơi đầu tiên công khai “quay mặt đi” với nhân lực được đào tạo ở hệ tại chức là TP Đà Nẵng. Ngày 3-12-2010, Sở Nội vụ Đà Nẵng trình HĐND TP xin ý kiến về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp, theo đó từ ngày 1-1-2011, các đơn vị hưởng lương ngân sách của TP này không tuyển mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức.Trong khi dư luận chưa ngừng tranh cãi về sự đúng/sai trong phản ứng này của Đà Nẵng thì một loạt địa phương khác tiếp nối bày tỏ thái độ từ chối thẳng thừng với tại chức.Tháng 5-2011, tỉnh Vĩnh Phúc cũng quy định người dự tuyển công chức phải có bằng tốt nghiệp ĐH chính quy. Tháng 9 cùng năm đến lượt Hải Dương. Tỉnh này không chỉ nói “không” với tại chức mà còn từ chối cả những người lao động tốt nghiệp ĐH ngoài công lập. Sang năm 2012 tiếp tục có nhiều tỉnh nữa áp dụng chính sách tuyển dụng không nhận người có bằng tại chức như Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Bình, Nam Định...“Trên thực tế từ nhiều năm nay nhiều nơi ngấm ngầm loại hồ sơ của những ứng viên chỉ có bằng tại chức. Dư luận chỉ ồn ào khi những chủ trương đó được thể hiện bằng văn bản có dấu đỏ của các cơ quan nhà nước” - GS Văn Như Cương nhận xét.Theo nhiều chuyên gia, thái độ rẻ rúng bằng tại chức không chỉ từ đánh giá của xã hội mà trước hết xuất phát từ nhận thức về hệ đào tạo này ngay từ nội bộ ngành giáo dục.“Ngay lãnh đạo bộ cũng chưa hình dung trọn vẹn triết lý giáo dục của đào tạo ĐH tại chức mà chỉ đơn giản xem nó là “nồi cơm” của các cơ sở ĐH. Góc nhìn này dẫn đến tình trạng đào tạo vừa làm vừa học không được quan tâm đúng mức, bị rẻ rúng trong con mắt xã hội với câu nói đầy miệt thị “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, một so sánh mà lẽ ra nó không phải lãnh nhận” - TS Lê Viết Khuyến, nguyên vụ trưởng Vụ ĐH - Bộ GD-ĐT, bình luận.Vì coi thường chất lượng đào tạo tại chức nên mới có tình trạng các trường chạy theo “nồi cơm”, ồ ạt liên kết mở trường khắp nơi.“Đến mức Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào tận Cà Mau, Kiên Giang, ĐH Sư phạm TP.HCM thì ra Bắc, ĐH Vinh thì ngược ra Hải Dương, còn ĐH Huế ra Nghệ An, Thanh Hóa để mở lớp tại chức... thì đúng là khó chấp nhận. Đã vậy còn liên kết được chỗ nào là liên kết, từ cục thuế, viện kiểm sát đến các hiệp hội như hội tâm lý, phụ nữ, nông dân... dù những nơi đó không có chức năng” - ông Lê Viết Khuyến nói.Ngay cả những nơi liên kết đúng đối tượng, đúng chức năng thì thực chất của việc mở lớp tại chức cũng diễn ra phổ biến như lời ông Vũ Duy Hiền, cán bộ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương, mô tả (về một buổi học tại chức do Trường ĐH Thương mại mở ở tỉnh mình): “18g vào học nhưng 18g30 giảng viên mới vào lớp và cũng chỉ mới một nửa số học viên có mặt. Vào học, người dạy giảng đều đều bên trên, học viên ở dưới người mải mê nói chuyện, người gục đầu xuống bàn ngủ, vài người lớn tuổi thì tranh thủ lôi sổ sách ở cơ quan ra làm việc”.Ông Hiền hiện đang làm công trình nghiên cứu về việc tìm giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH tại chức nên đã bỏ công khảo sát thực trạng đào tạo của hệ này. Kết quả khảo sát của ông Hiền cho thấy thực trạng tại chức đúng như dư luận đồn đoán. Từ các khâu tuyển sinh đến đào tạo, thi đầu ra... đều được các cơ sở đào tạo làm lấy lệ. Giáo viên thì dạy qua loa, dạy dồn, dạy ép, dạy nhồi nhét. Có môn học trong kết cấu chương trình 30 tiết thì giáo viên chỉ dạy trong hai ngày là xong.“Đầu ra của đào tạo ĐH vừa làm vừa học do cơ sở giáo dục ĐH tự quyết, không có sự tham gia giám sát của các bên liên quan, dẫn tới kết quả đào tạo là... khó tin. Phần lớn học viên học kém nhưng vẫn tốt nghiệp” - ông Hiền cho biết.Sai lầm từ nhiều loại bằng?Nhiều nhà nghiên cứu cho biết mô hình đào tạo tại chức của ta bắt đầu hình thành và phát triển từ những năm 1960. Ban đầu nó thật sự là một phương thức đào tạo hữu ích, đáp ứng được nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức của người lao động. Rất nhiều cán bộ cao cấp đã đi lên, trưởng thành từ các khóa đào tạo tại chức. Đó cũng là con đường đến với học vấn cao hơn cho những người do điều kiện riêng mà không vào được ĐH sau khi tốt nghiệp phổ thông.Một người từng là học viên tại chức, bà Lê Thị Bích Hà ở 23 ngõ 154, Đội Cấn kể: “Học xong trung cấp cơ điện, tôi về Nhà máy Chế tạo điện cơ công tác. Năm năm sau, do thành tích công tác tốt, tôi được nhà máy xét đủ điều kiện dự thi vào khoa tại chức Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đầu những năm 1970 tôi đã đi học nhưng vì có con nhỏ nên không theo được đều. Đến năm 1975 tôi mới quyết tâm học lại, vậy mà cũng trầy trật đến năm 1982 mới lấy được bằng vì hồi đó học thật thi thật, không có chuyện đánh trống ghi tên, đến hạn là tốt nghiệp hết như về sau”.Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng tại chức bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng kể từ những năm 1990, khi Bộ GD-ĐT mở rộng đối tượng tuyển sinh, kể cả học sinh mới tốt nghiệp phổ thông cũng được học ĐH tại chức cho dù vừa trượt kỳ thi tuyển sinh ĐH chính quy.Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên chủ nhiệm khoa ngôn ngữ và văn hóa Nga Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), cho rằng ngành GD-ĐT từng có hai chủ trương sai lầm: một là mở rộng (thực chất là phá vỡ) khái niệm tại chức, hai là cấp văn bằng riêng cho từng hệ đào tạo.Theo thầy Khôi, chủ trương thứ nhất ban đầu nhằm đáp ứng truyền thống hiếu học của dân ta nhưng lại biến thành công cụ để thu bộn tiền cho những quỹ tự tạo của các cơ sở đào tạo tại chức. Chủ trương thứ hai thì ngược đời, không giống ta mà cũng chẳng giống tây.“Ngày xưa ta chỉ có một loại mũ áo tiến sĩ do triều đình cấp, làm gì có kiểu “mũ áo tiến sĩ tại chức”, “mũ áo tiến sĩ chính quy”? Anh học ở Quốc Tử Giám với chư vị giảng sư là hoàng giáp, tiến sĩ hay học với cụ Tú Đụp ở một thục xá (*) làng quê nào đó vua không quan tâm. Đi thi hội “đè đầu” được các ông cử, ông giám thì cứ việc nhập Đông Hoa môn mà lĩnh mũ áo tiến sĩ.Thực tế khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm 1822 của triều Nguyễn không có một giám sinh nào! Ở Mỹ thì có quy trình ĐH full-time và quy trình part-time, chỉ khác nhau về lịch trình học tập, tùy theo khả năng và điều kiện cá nhân, nhưng số lượng tín chỉ phải tích lũy được để cấp bằng cử nhân là như nhau!”- thầy Khôi so sánh.Bút tích “chậm lại để bàn thêm” của nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân trên công văn 6544/ĐH - Ảnh: Thư HiênTương lai nào cho tại chức?Một số người là cựu cán bộ quản lý Vụ ĐH của Bộ GD-ĐT, những nhân chứng của quá trình phát triển giáo dục ĐH, cho biết không phải đợi đến khi cả xã hội công khai rẻ rúng bằng tại chức thì lãnh đạo ngành GD-ĐT mới nhận ra vấn đề.“Trong hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ toàn quốc tháng 8-1993, kết luận hội nghị, bộ trưởng Bộ GD-ĐT thời đó là ông Trần Hồng Quân đã cho rằng cần phải khắc phục tình trạng rối rắm trong việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo.Theo ông Trần Hồng Quân, cả nước sẽ thống nhất chỉ có hai loại hình cơ bản trong đào tạo ĐH là tập trung và không tập trung, hai trình độ chuẩn là đại học và cao đẳng” - ông Lê Viết Khuyến nhớ lại.Được sự đồng ý của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, cuối tháng 10-1993 vụ trưởng Vụ ĐH hồi đó là ông Lâm Quang Thiệp đã ký công văn 6544/ĐH hướng dẫn triển khai phương thức đào tạo không tập trung. Theo đó, từ năm học 1993-1994, một số trường ĐH, CĐ được mở thêm phương thức đào tạo không tập trung cấp văn bằng tốt nghiệp chính quy. Học viên của phương thức đào tạo này là người lao động (nhà nước cũng như tư nhân) do phải làm việc nên không thể dành toàn bộ thời gian cho học tập.Nhưng khác với đào tạo tại chức, ở phương thức đào tạo không tập trung, người học được đào tạo cùng chương trình, nội dung và được đánh giá kết quả học tập theo cùng chuẩn mực như phương thức đào tạo chính quy tập trung. Điểm khác nhau căn bản giữa chính quy không tập trung với chính quy tập trung là thời gian đào tạo mềm dẻo hơn và thường lâu hơn. Còn lại, từ tuyển sinh đầu vào đến nội dung đào tạo, thi đầu ra giống hệt nhau.“Ý tưởng của chúng tôi khi đó là vẫn duy trì tại chức nhưng dần dần sẽ mở rộng chính quy không tập trung để tiến tới bỏ hẳn kiểu đào tạo tại chức với chương trình nội dung riêng, bằng riêng” - ông Khuyến chia sẻ.Tuy nhiên, công văn 6544/ĐH đã không bao giờ được ban hành. Hiện tại ông Khuyến vẫn lưu bản photo công văn trên, bên lề trái trang đầu tiên vẫn còn bút lục của Bộ trưởng Trần Hồng Quân: “Chậm lại để bàn thêm”.Câu chuyện lạc lối trong chủ trương duy trì, phát triển hệ thống đào tạo tại chức xem ra khó có hồi kết khi mà từ phía các lãnh đạo Bộ GD-ĐT hiện hành vẫn chưa đưa ra được ý tưởng nào chấm dứt tình trạng xem tại chức là “nồi cơm” của các trường ĐH. Những nỗ lực của Bộ GD-ĐT mấy năm gần đây chỉ để làm bé lại “nồi cơm” đó. Vấn đề là không “bé” lại được bao nhiêu khi mà chỉ tiêu tại chức được xác định căn cứ vào chỉ tiêu chính quy, chỉ cần ít hơn.Ngoài ra, trong các hội nghị, hội thảo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT không ngớt lời kêu gọi các trường “nghiêm túc nhìn nhận thực tế này để có giải pháp chấn chỉnh”. Giải pháp tiến tới chỉ có một loại văn bằng, một chương trình - nội dung dù đào tạo bằng phương thức gì đi chăng nữa thì chưa một lãnh đạo bộ nào đả động. Trao đổi với chúng tôi, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, người đã ký công văn 6544/ĐH, cho biết ông không nhớ cụ thể vì sao công văn trên bị ách lại nhưng nhớ rất rõ quan điểm của lãnh đạo Vụ ĐH về việc nâng cao chất lượng đào tạo ĐH theo phương thức vừa làm vừa học hồi đó.“Quy về một chuẩn đầu ra, kèm theo đó là chuẩn văn bằng là điều cần thiết, các nước có nền giáo dục ĐH phát triển vẫn làm. Họ chỉ cấp một loại bằng cho dù anh học theo phương thức nào. Tinh thần này đã được ban soạn thảo Luật giáo dục 2005 lĩnh hội và thể hiện trong văn bản luật. Nếu như Luật giáo dục 1998 quy định trong bằng tốt nghiệp mà các trường cấp cho sinh viên phải ghi rõ loại hình đào tạo nào thì Luật giáo dục 2005 đã xóa bỏ.Luật giáo dục 2005 buộc các trường ĐH phải đảm bảo sự tương đương của bằng tốt nghiệp cấp cho hai loại hình chính quy và không chính quy đối với cùng một ngành đào tạo ở trường mình. Nhưng thực tế Bộ GD-ĐT không những không hướng dẫn các trường phải thực hiện theo luật mà còn phát hành hai loại phôi bằng khác nhau để bán cho các trường: một loại phôi cho chính quy, một loại phôi cho không chính quy” - GS Lâm Quang Thiệp cho biết.(*): Ngôi nhà nhỏ dành cho việc học. Tags: Giáo dụcTHƯ HIÊNTại chứcĐào tạo tại chức
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
'Những câu chuyện về tình người trong bão lũ trên Tuổi Trẻ sẽ đi vào trang giáo án của tôi' TRẦN TUẤN ANH (TRƯỜNG THCS COLETTE TP.HCM) 13/09/2024 Cứu trợ đồng bào bị bão lũ mà xếp hàng chờ tới lượt. Đó là tư liệu phong phú để trang giáo án của tôi tới đây thêm những bài học về tình người.
Người thoát nạn trong vụ sạt lở Làng Nủ: Mọi thứ quá nhanh, chỉ trong vài phút, cả làng bị sập hết THÀNH CHUNG 13/09/2024 "Tôi chạy vội hô cả làng ở, sập đồi, chết hết rồi nhưng mọi thứ quá nhanh, chỉ trong vài phút, cả làng bị sập hết cả", ông Hoàng Văn Tiện nhớ lại.
Đang dọn dẹp bến phà, chuẩn bị lắp cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập DƯƠNG LIỄU 13/09/2024 Sáng 13-9, khu vực bến phà tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, lực lượng chức năng đang dọn dẹp bến phà, sẵn sàng lắp đặt cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập ngày 9-9.
Xuyên đêm 'check var' sao kê, dân mạng cười xỉu NGUYỄN HOÀNG TUẤN 13/09/2024 Đêm 12-9, sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải hơn 12.000 trang sao kê, dân mạng đã dành cả đêm check var người nổi tiếng, bạn bè…