Làm gì cho doanh nhân?

KIM HẠNH 16/10/2004 21:10 GMT+7

TTCT - Trong lúc giải lao tại buổi họp mặt sớm mừng Ngày doanh nhân, nhân khai mạc Hội chợ Hàng VN chất lượng cao 2004 tại Cần Thơ ngày 8-10, giám đốc một công ty nhựa nói với tôi: “Chúng tôi mừng vì có sự khẳng định chính thức của xã hội là doanh nhân đáng được đối xử công bằng. Nhưng tôi ngán những lời chúc tụng rôm rả, những hội thảo toàn chuyện vĩ mô cao xa. Mong ước của anh em tôi tầm thường lắm: mong ngày này đánh dấu bằng những hành động cụ thể gỡ khó cho mình làm ăn, ví dụ những vướng mắc về thuế và hải quan nói hoài mà chưa chuyển bao nhiêu”.

Tôi nhớ lại hàng loạt mẩu chuyện liên quan các “mong ước tầm thường” của họ - giới doanh nhân. 

Ảnh: dribble.com

 

Tại cuộc gặp giữa chủ tịch UBND TP.HCM với đại diện 13 hội ngành nghề và câu lạc bộ ở thành phố, các ý kiến tập trung nhất vào các vấn đề: thuế, hải quan, đất đai, di dời giải tỏa và quĩ tín dụng. Khó khăn nhiều, cạnh tranh ác liệt, họ ít có thì giờ đòi hỏi xã hội tôn vinh. 

Giám đốc một công ty du lịch lữ hành lớn chép miệng: “Hơn nửa thời gian của tôi là để đối phó với các qui định chồng chéo, trói tay”. 

Một nhà đầu tư Việt kiều thì khen thật tình: “Càng ngày tôi càng hiểu, những nhà sản xuất ở VN là những người yêu nước, can đảm và kiên nhẫn nhất”. 

Giám đốc một trung tâm ngoại ngữ nói điều anh tâm đắc: nhìn đoàn Chính phủ Singapore qua xứ mình tập trung lo cho hàng loạt doanh nghiệp của họ khai trương, động thổ, tăng vốn mà ham. Họ chuẩn bị kỹ từ lâu, đeo đuổi cho đến đạt hiệu quả thật mỹ mãn mới chịu về!

Bốn năm sau khi có Luật doanh nghiệp, 75.000 doanh nghiệp tư nhân đã ra đời, bổ sung vào đội ngũ đông đảo những người lính của thời bình một lực lượng đi đầu làm giàu cho đất nước. 

Doanh nhân Việt không có truyền thống kinh doanh nên khi mà chính sách và việc thực thi chính sách còn nhiều bất cập, thương trường thời mở cửa còn đầy rủi ro, họ cần được sự ủng hộ của xã hội, Nhà nước và giới truyền thông.

Trong những ngày này, gặp nhau họ nhắc chuyện thống đốc bang Washington (Mỹ) đi tiếp thị máy bay, gà rán. Các tổng thống, thủ tướng dự ASEM thảo luận tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy làm ăn cho doanh nghiệp nước mình. 

Đó cũng là biểu hiện cụ thể điều mà doanh nghiệp cần ở các nhà lãnh đạo. Mà không chỉ có vậy, họ cần nhà nước làm nhiều điều cho họ và làm đúng những việc của mình, không ai làm thay được. 

Một hệ thống thể chế đồng bộ, minh bạch. Các chính sách khả thi và hiệu lực. Một hạ tầng được đầu tư tương xứng kế hoạch phát triển: giao thông, viễn thông, vận tải, kho bãi, cảng... Hệ thống thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. 

Các chương trình đào tạo nâng cao tính chuyên nghiệp về quản trị doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn, huấn luyện phù hợp và thật sự có ích cho doanh nghiệp.

Kể lể thì thấy quá dài và thoáng qua, thấy là ta đâu có thiếu gì. Nhưng ở mỗi khâu, sự thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiệu lực đã dẫn tới cớ sự là doanh nghiệp vẫn gặp quá nhiều khó khăn. 

Cuộc điều tra mới công bố đầu tháng 9-2004 của Ngân hàng Thế giới tại 145 nước trên thế giới đã cho kết quả: VN xếp nhóm chót, thuộc vào những nước có môi trường kinh doanh kém thuận lợi nhất. Trong khi đó, sức ép mở cửa kinh tế và hội nhập ngày càng tăng. 

Thực tế, có khi Nhà nước lại rơi vào một thái cực khác là “giúp” doanh nghiệp bằng ban phát, bao cấp như cách mà cơ quan xúc tiến thương mại công bố tài trợ công khai trên báo hay tài trợ cào bằng, vô tình khuyến khích cơ chế xin cho và tâm lý ỷ lại cũ kỹ, trái ngược với xu thế cạnh tranh và hội nhập hiện nay.

Gần đây đã có một số cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông. Bối cảnh hội nhập, thị trường mở cửa và ngày càng coi trọng thương hiệu, tất cả đã nâng cao vai trò của truyền thông trong đời sống kinh tế cũng như với hoạt động của doanh nhân. 

Các nhà báo ban thời sự VTV có lần bộc bạch: một số doanh nghiệp chỉ coi báo chí như cái loa tuyên truyền hay quảng cáo sản phẩm cho họ. Khi ra mắt sản phẩm mới họ mời, nhưng khi có những biến động thị trường, hỏi họ không nói.

Phóng viên trẻ Như Hằng của báo Tuổi Trẻ thẳng thắn: “Ban biên tập khuyến khích phóng viên gắn bó với doanh nghiệp, nhưng có hai điều ngại: thân quá mang tiếng lợi dụng hay viết bài ca ngợi thì sợ rủi ro”. 

Ông Phan Minh Có, tổng giám đốc Tribeco, bộc bạch: “Có lúc Tribeco đứng bên bờ vực phá sản, giả sử lúc ấy không gượng được thì không có vị trí ngày nay, lúc đó nhà báo ở đâu, giúp chúng tôi gượng dậy hay bỏ mặc cho chết luôn. Doanh nghiệp cạnh tranh gặp nhiều rủi ro mới cần nhà báo. Sợ gì mang tiếng, đâu tránh được rủi ro, thời buổi này mới cần nhà báo có bản lĩnh và có tấm lòng!”.

Bà Phạm Thị Việt Nga, tổng giám đốc Dược Hậu Giang, nêu yêu cầu đừng ngại thông tin tốt cho doanh nghiệp là quảng cáo. 

Người dân chưa hiểu GMP, HACCP, những chứng chỉ khẳng định tiêu chuẩn quốc tế cho hàng Việt, nhà báo nên thông tin quá đi chứ; nhiều doanh nghiệp dược VN đã đạt các chứng nhận này đâu có đủ tiền quảng bá so với các công ty dược quốc tế. 

Ông Viêm Hoàng của Đài truyền hình Hà Nội xác nhận: doanh nghiệp VN không đủ tiền cạnh tranh bằng quảng cáo trên truyền hình, vì thế có thể và cần tìm những cách ủng hộ khác của truyền hình và báo chí cho hàng Việt.

Xã hội VN không có truyền thống kinh doanh. Những nhân vật xếp hạng sau cùng thang bậc xã hội phong kiến - sĩ, nông, công, thương - giờ được trân trọng trong vai trò trung tâm của thời kỳ phát triển kinh tế. 

Làm sao để xã hội hiểu họ, những con người doanh nhân, với tất cả mặt mạnh, nhược điểm, tấm lòng và ý chí làm giàu cho mình và đất nước, để xã hội chuyển từ ác cảm sang thiện cảm? 

Và để các cơ quan và viên chức nhà nước không còn vô cảm mà đồng cảm? Ngày doanh nhân VN góp thêm một viên gạch xây dựng sự nhìn nhận đúng vị trí doanh nhân trong xã hội. Nhưng hãy đánh dấu Ngày doanh nhân bằng những hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Lại nói về hai chữ “hỗ trợ”. Tôi thường tự vấn về hai chữ hỗ trợ trong suốt mười mấy năm làm công việc xúc tiến cho doanh nghiệp. 

Hỗ trợ doanh nghiệp là giúp họ. Nhưng từ “giúp” hình như còn chưa hoàn toàn chuẩn xác. Mình giúp họ vì họ giúp đời. Ừ, thì nói vậy cũng xuôi nhưng nên nói là hãy hiểu họ, chia sẻ, hợp tác, đồng hành cùng họ thì hợp lý hợp tình hơn chăng? 

Và cùng với cụm từ khẳng định sự đồng hành giữa Chính phủ với doanh nghiệp là “Nhà nước của doanh nhân”, có thể đã đến lúc phải khẳng định “doanh nhân giàu, nước mạnh”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận