Làm khoa học cần mơ mộng

THƯ HIÊN 06/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - VŨ HÀ VĂN là một trong số ít giáo sư quốc tế của Việt Nam có nhiều công trình công bố trên các tạp chí toán học hàng đầu thế giới. Nhưng ở Việt Nam, anh được biết đến nhiều trước hết bởi anh là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương. Về nước tham gia giảng một số chuyên đề cho Viện Nghiên cứu cao cấp về toán và một số trường ĐH trong nước tháng 8 này, anh dành cho TTCT một buổi trò chuyện thú vị trong quán cà phê Hà Nội...

GS Vũ Hà Văn - Ảnh nhân vật cung cấp

Con trai và cha

* Bố anh không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là một diễn giả nói chuyện thơ ca rất có duyên. Người ta còn thống kê trong 40 năm qua, bố anh có hơn 2.000 cuộc trò chuyện về thơ ca. Anh đã bao giờ mơ ước sẽ trở thành nhà thơ như bố mình?

- Tôi chưa bao giờ mơ giấc mơ đó, đơn giản vì thấy mình không đủ khả năng. Tôi thích đọc văn xuôi hơn đọc thơ, mặc dù rất thích nhiều bài thơ của bố, có những bài đến giờ tôi vẫn tâm đắc. Hơn nữa, tôi cảm thấy nếu xem việc làm thơ như một nghề thì hơi chông chênh.

Tuy nhiên, nhờ có một người bố là nhà thơ mà trong nhà tôi đầy sách văn học, những người đến chơi nhà cũng toàn là bạn văn chương với bố tôi. Sống trong một môi trường như thế, tôi cảm thấy trí tưởng tượng của mình được phát triển và điều này có lẽ rất tốt cho tư duy toán học sau này của tôi.

GS Vũ Hà Văn sinh năm 1970 tại Hà Nội.

Ông từng làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp IAS (Princeton) và Viện nghiên cứu của Microsoft, giảng dạy tại Đại học California, Đại học Tổng hợp Rutgers (Mỹ). Từ tháng 7-2011: là giáo sư toán Trường đại học Yale, thành viên hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, Việt Nam.

Ông nhận Giải thưởng Sloan năm 2002, Giải thưởng NSF Career Award năm 2003 dành cho các nhà toán học trẻ tuổi tại Mỹ, Chủ nhiệm chương trình “Số học tổ hợp” của IAS năm 2007, Giải thưởng Polya năm 2008. Đã công bố gần 100 công trình, trong đó có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí toán học đỉnh cao. Ông đã cùng Terence Tao viết chung 15 công trình, trong đó có cuốn Số học tổ hợp (Additive Combinatorics) nổi tiếng. 

* Anh là một nhà toán học danh tiếng, nhưng ở Việt Nam, bố anh có lẽ được nhiều người biết đến hơn…

- Thật sự bố tôi nổi tiếng hơn. Điều này rất dễ hiểu: những người sáng tác văn học nghệ thuật bao giờ cũng nổi tiếng hơn giới làm khoa học!

Thật ra ở nước mình mới có một số nhà khoa học nổi tiếng ở mức nhà nhà biết tiếng, chứ ở nước ngoài hãn hữu lắm. Ngoại trừ những cá nhân xuất chúng như Albert Einstein, còn nhà khoa học nói chung ít được người dân biết tới. Bạn tôi là Terence Tao, một người được xem là nhà toán học xuất sắc nhất thế giới bây giờ, nhưng ở Mỹ gần như chỉ trong giới mới biết, ra phố thì chẳng ai biết anh ấy là ai.

Trước đây, đi đâu người ta cũng giới thiệu anh này là con ông Vũ Quần Phương. Mấy năm gần đây, khoảng 30% trường hợp người ta giới thiệu bác này là bố của anh Vũ Hà Văn (cười).

Hạnh phúc là được theo đuổi cái mình thích

* Anh thi vào ĐH Bách khoa, sang Hungary lại học ở khoa điện tử ĐH Bách khoa. Bước ngoặt nào dẫn anh sang nghiên cứu toán?

- Tôi vốn là học sinh chuyên toán, trước tiên học ở Trường THPT Chu Văn An, sau đó sang học ở Hà Nội - Amsterdam. Nhưng khi thi ĐH, theo lời khuyên của gia đình, tôi lại chọn ngành kỹ thuật. Sang Hungary, tôi được học với một cô giáo dạy toán hay ra những đề tài nghiên cứu nho nhỏ cho sinh viên. Lúc đó tôi vẫn còn mê toán lắm nên rất hứng thú với các đề tài nghiên cứu đó.

Khi trường tổ chức một cuộc thi toán dành cho sinh viên, tôi tham gia, kết quả đạt được không cao nhưng cũng đáng khích lệ đối với sinh viên không phải ở ngành toán. Thấy tôi mê toán, cô giáo dạy tôi đã giới thiệu tôi với chồng cô, ông Lovasz - một viện sĩ rất có tiếng tăm ở Hungary.

Ông gặp tôi vài lần và khuyên tôi sang học toán lý thuyết. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định chuyển sang học toán ở Trường ĐH Eotvos, cũng ở Budapest.

* Như vậy bước ngoặt đó được tạo ra bởi sự dẫn dụ của người thầy hay do ý chí của cá nhân anh?

- Nền tảng là đam mê cá nhân, nhưng sự khích lệ của người thầy giỏi đã khiến mình tự tin hơn. Khi thi ĐH, lý do chọn nghề của tôi cũng đơn giản. Tôi nghĩ học kỹ thuật còn sửa được cái tivi, còn học toán thì chẳng làm nên của cải vật chất gì cho xã hội. Nhưng về sau đam mê của mình vượt ra khỏi mọi tính toán, học thì cứ học, dù chưa biết ra trường sẽ làm được gì. Nhưng khoảng ba năm sau thì mọi cái sáng rõ hơn, nhất là sau khi được mời dự hội thảo tại Trường Cornell (Mỹ), cảm nhận được nhịp sinh hoạt thật sự sống động của giới nghiên cứu ở đó.

Tôi hiểu và tin tưởng vào tương lai của một người học toán, và cũng thấy rõ sự quan trọng của toán học. Đó chính là công cụ chính thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Rất nhiều phát minh lớn làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của xã hội được dựa trên nền tảng toán học, như máy tính chẳng hạn.

- Bối cảnh xã hội lúc đó cũng đơn giản. Sự khác biệt về tương lai giữa người học ngành này với người học ngành khác không rõ lắm. Với những sinh viên du học ở Đông Âu thường có hai lựa chọn: một là học hành chỉn chu, hai là đi buôn. Nhu cầu về vật chất của tôi cũng đơn giản nên tôi không quan tâm chuyện đi buôn. Mối bận tâm của tôi lúc đó là được làm cái mình thích.

 Muốn học khoa học cơ bản, người ta cần mơ mộng một chút. Học toán rất khô khan nên mình phải có đam mê để nó quyện vào mình, nó mới thành vật thể sống. Tôi nhận thấy giới trẻ ngày nay vẫn có nhiều bạn đam mê nhưng họ không gặp được thầy giỏi, không gặp được cơ hội.

Đầu tư cho 1km đường = 10 nhà nghiên cứu tốt

* Anh nhận xét thế nào về cộng đồng toán học người Việt ở nước ngoài?

- Họ đều là những người tương đối trẻ, khoảng dưới 45 tuổi, nói chung đều khá, phần lớn ở Mỹ và Pháp. Trong một vài lĩnh vực cũng có những chuyên gia đầu ngành (mang tính toàn cầu), chẳng hạn anh Ngô Bảo Châu làm chương trình Langlands, nói rộng ra là hình học đại số. Có anh Lê Tự Quốc Thắng (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ) làm về hình học topo. Anh Đinh Tiến Cường ở Pháp làm về giải tích. Anh Phạm Hữu Tiệp ở Mỹ làm về đại số...

Đội ngũ kém chúng tôi khoảng 5-10 tuổi có những em rất khá. Riêng ở Mỹ có thể kể ra khoảng 10 người có khả năng trở thành những giáo sư quốc tế có uy tín trong tương lai: Nguyễn Hoài Minh (ĐH Minnesota), Lê Quang Nẫm (ĐH Columbia), Nguyễn Hữu Hội (ĐH Pennsylvania), Ngô Đắc Tuấn (ĐH Paris 11)…

Những người học toán ngày xưa hầu hết làm việc trong nước và các anh ấy gần đến tuổi về hưu rồi. Thế hệ của tôi về sau thường học xong ở Đông Âu thì sang Tây Âu hoặc Mỹ. Các em sau này phần lớn đi Tây Âu hoặc đi Mỹ luôn.

* Được đào tạo và nghiên cứu ở các nước phương Tây phải chăng là lý do để các anh có thể bật lên?

- Sự khác nhau giữa các trường ĐH của Mỹ và các nước Đông Âu không nhiều. Thậm chí ĐH của Mỹ còn dạy ít hơn. Nhưng đào tạo sau ĐH ở Mỹ rất mạnh. Khoảng 80% giáo sư tên tuổi, uy tín nhất thế giới làm việc ở Mỹ, hệ thống sau ĐH ở Mỹ giỏi vì họ có thầy rất giỏi. Đó là lý do để các nhà khoa học Việt Nam khi làm việc ở Mỹ bật lên được.

Người Việt Nam không thiếu sự thông minh, cần cù. Vừa rồi tôi đi giảng bài ở ĐH Vinh, gặp nhiều nghiên cứu sinh rất giỏi nhưng họ không có chủ đề để làm. Thầy giỏi, hướng dẫn được một nghiên cứu sinh thông minh thì trong một năm họ có thể dạy được một chủ đề nào đó rồi. Nếu mình cứ học mà chẳng biết cần chú trọng mặt nào, cứ đọc mãi thì chẳng bao giờ đọc hết được cả.

* Trong giới làm khoa học người Việt ở nước ngoài, có vẻ giới toán học sôi nổi và nổi bật hơn cả?

- Những người làm toán thường hay trao đổi với nhau. Toán cũng đông người theo học nên sôi nổi. Lý do này xuất phát từ hệ chuyên toán trước đây khá phát triển. Những học sinh thông minh nhất đều thích học chuyên toán. Khi trưởng thành, một bộ phận trong số này tiếp tục nghiên cứu về toán hoặc những ngành liên quan mật thiết với toán.

Hai mươi năm nữa bức tranh này có thể thay đổi. Những em giỏi, thông minh bây giờ học kinh tế, tài chính, không học toán nữa. Tương lai có thể những người có tiếng ở Việt Nam sẽ là những nhà kinh tế.

* Theo anh, làm sao để những em xuất sắc nhất không chỉ học tài chính, ngân hàng mà còn dám theo đuổi khoa học cơ bản?

- Nếu những người học khoa học cơ bản giỏi có cuộc sống giống những người làm kinh tế, tài chính thì họ sẽ có ước mơ vào các ngành khoa học cơ bản, giảm áp lực thi kinh tế, tài chính. Nhưng thực tế họ không có cơ hội nào. Làm một giáo sư toán tại Việt Nam lương chỉ 3-5 triệu đồng/tháng, trong khi một sinh viên ngành kinh tế vừa ra trường đi làm hãng nước ngoài có thể kiếm gấp đôi, gấp ba.

Các ngành khoa học cơ bản chưa được tạo điều kiện cơ bản cũng là một nguyên nhân khiến xã hội đẩy lùi nó. Thật ra cái giá đầu tư phát triển lực lượng làm khoa học rất rẻ. Ví dụ với số tiền để làm 1km đường có thể đào tạo khoảng chục nhà nghiên cứu tương đối tốt.

 Vừa rồi, tôi được mời giao lưu với học sinh chuyên toán một trường ở Hà Nội, có mười em hỏi thì chín em đề cập vấn đề học tiếng Anh thế nào, xin học bổng ra sao..., chỉ một em hỏi toán có những ngành nào! Hiện thực này cho thấy một bức tranh khá… ảm đạm.

Khi học sinh không hứng thú với khoa học cơ bản thì số lượng, chất lượng những người theo học các ngành này ít đi và như thế giáo dục ĐH không phát triển được, và chúng ta cũng không đào tạo ra được nhà nghiên cứu, giáo sư giỏi. Điều này tác động ngược trở lại hệ thống giáo dục phổ thông. Giáo viên là những người tốt nghiệp ĐH, họ được đào tạo bởi những giáo sư không giỏi thì làm sao họ trở thành giáo viên giỏi?

Và điều này sẽ như một cái vòng luẩn quẩn, kéo chất lượng giáo dục đi xuống mãi.

Hiện nay chúng ta chi rất nhiều tiền để mở ra những trường ĐH “xuất sắc” nhưng phần lớn số tiền đó là để xây nhà. Trong khi chất lượng ĐH cao hay thấp cốt là ở giảng viên giỏi hay không. Số người làm nghiên cứu ở ta quá ít. Khoa toán của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một khoa toán gần như lớn nhất nước mà làm nghiên cứu có lẽ chỉ chừng 10 người. Trong khi đó một khoa toán ở Mỹ có ít nhất 30-40 giáo sư.

GS VŨ HÀ VĂN


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận