Còn năm năm nữa, tới năm 2020 “Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (*) hay không, câu trả lời đã có thể thấy từ hiện trạng công nghiệp hóa hiện nay. Trong đó, một phần quan trọng nằm trong hiện trạng phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) mà cuộc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tại Quốc hội mới đây là một cố gắng “thành thật khai báo”. Lối cũ ta về Bộ trưởng Bộ KH-CN khẳng định: Hằng năm có khoảng 3.000 tỉ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học từ cấp quốc gia cho tới cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Và khi bị chất vấn về tình trạng “đề tài nghiên cứu trường kỳ xếp ngăn kéo”, ông đưa ra một phân loại gồm ba dạng: Dạng đầu gồm những “đề tài nghiên cứu cơ bản về cơ bản là xếp ngăn kéo, bởi vì nó đi trước thời đại, nó phải nằm trong ngăn kéo để chờ đợi trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới có thể ứng dụng được”. Dạng thứ hai gồm “những đề tài nghiên cứu ứng dụng, có một số đề tài để nó trở thành sản phẩm hàng hóa được ứng dụng kèm theo nó phải có điều kiện về đầu tư, rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Do đó, muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có sự đầu tư từ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội...”. Dạng thứ ba gồm “một số loại đề tài xếp ngăn kéo thật sự, tức là nghiên cứu xong không ứng dụng được. Điều này xuất phát từ chỗ các đề tài này không được nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp và từ nền kinh tế, nghiên cứu theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học”. Bộ trưởng giải thích vấn đề là “nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh, cho nên khi nghiên cứu xong thì không ứng dụng được”. Dư luận đoán ý bộ trưởng cho là vì nghiên cứu lâu quá, xong xuôi thì đã lạc hậu. Và giải pháp, theo bộ trưởng Bộ KH-CN, là cứ “thực hiện nghiêm Luật KH-CN 2013” thì sẽ không còn tình trạng “đề tài nghiên cứu xong phải xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mà không ứng dụng được”. Luật KH-CN ban hành năm 2013. Nghị định hướng dẫn thực thi đi kèm cũng đã có ngay năm sau... Vậy giờ cứ áp dụng sẽ thành công? Khẳng định này thêm một lần nữa cho thấy như trong mọi lĩnh vực khác, giải pháp cho các vấn đề lớn nhỏ vẫn chỉ là qua một đạo luật và nghị định, tức một quy định hành chính! Nói cách khác, lại là lấy “thuyết lý” giải quyết thực tiễn. Phải nói thẳng rằng đây chính là một nỗi buồn KH-CN cũ mèm. Do lẽ, lẽ ra ở một bộ có cái tên hết sức “tiên phong” là Bộ KH-CN, cách nhìn vấn đề cũng phải tiên phong không kém, tiên phong trong việc “nhìn ra khỏi cái hộp”, thay cho một cách nhìn “đóng hộp”, cứ lối cũ mà đi, vẫn là thói quen bám vào quy với định, nghĩ rằng cứ quy định xong thì tự khắc mọi người sẽ tự động “theo quy định mà làm”, quên rằng các quy định vẫn cứ do con người lập ra. Hơn ai hết, Bộ KH-CN phải là nơi cổ xúy mạnh mẽ cho những cách nhìn vượt ra ngoài những gì có sẵn, háo hức tìm đến những chân trời và viễn cảnh mới thông qua nghiên cứu và tìm tòi. Làm mới từ bên trong Cách đây 10 năm, trong suốt bốn tuần du khảo các đại học Úc, người viết bài này đi đến đâu cũng thấy một tấm biển ghi khẩu hiệu có chữ “Innovation”. Đừng nghĩ chỉ Việt Nam mới kẻ khẩu hiệu, các nước cũng có rất nhiều khẩu hiệu, chỉ khác ở chuyện thực thi khẩu hiệu mà thôi. Sau mấy tuần ngó tấm bảng kẻ chữ “Innovation” đó miết, thắc mắc quá, tôi hỏi: “Thế các ông hô hào innovation nghĩa là gì?”. Sáng hôm sau, câu trả lời được cho thấy ở một trung tâm nghiên cứu tự động hóa. Hai kỹ sư trẻ giới thiệu một chiếc xe tự lái: một rađa doppler gắn ở mũi xe sẽ báo về máy tính mọi vật và chuyển động phía trước, máy tính sẽ phân tích và xử lý tay lái trong thời gian thực. Và họ biểu diễn: chiếc xe quả thật tự lái êm ru. 10 năm sau, cái ý tưởng “không tưởng” hồi ấy đã trở thành món hàng trong thị trường với các xe tự lái đầu tiên của Công ty Induct (Pháp), Nissan, nay đến lượt Google cho biết sắp cho ra xe hơi tự lái do chính họ sản xuất. Lần đó, tôi được hiểu “innovation” một mặt là làm mới (nova-tion) từ bên trong bản thân (in), mặt khác chính là những ý tưởng mới, quy trình, hoặc kỹ thuật, thiết bị hiệu quả hơn... Thí dụ trên, trong số vô vàn thí dụ có thể có khác, tỉ như điện thoại di động, từ cái “cục gạch” chỉ để alô, rồi đến có thêm máy chụp hình, trước khi trở thành điện thoại thông minh với vô vàn ứng dụng như đang thấy, là một minh chứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học ứng dụng. Đó là một bằng chứng đơn giản cho tính gắn kết giữa nghiên cứu và triển khai. Đã có những tập đoàn do chỉ chăm chăm vào công dụng alô mà thôi, như Nokia, đã phải nhường chỗ cho những tập đoàn nhìn ra một dạng điện thoại mới bên ngoài chức năng alô... Nokia suy sụp là do không chịu “làm mới từ bên trong”, không “nhìn ra khỏi cái hộp”. Có một tương quan mật thiết giữa “làm mới từ bên trong” với “nhìn ra khỏi cái hộp”. “Cái hộp” vừa là cơ chế, vừa là phương cách hoạt động, vừa là mục đích tồn tại. Một cơ quan nghiên cứu trước nay cơ chế như thế nào, từ chức năng hoạt động, sơ đồ tổ chức, bộ máy nhân lực, ngân sách và cơ chế phân bổ ngân sách, công việc thường nhật... tất thảy đều đã được vạch ra, giấy trắng mực đen. Trước giờ tuyển người vào như thế nào, làm chuyện gì, cứ thế mà tiếp diễn, nên mới cứ kéo dài cái vòng luẩn quẩn gồm ba “nhóm nghiên cứu” mà ông bộ trưởng Bộ KH-CN đã mô tả. Cả ông lẫn bộ của ông và xã hội đều biết như thế là luẩn quẩn, song tại sao vẫn cứ nhất định không ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó? Nếu không “làm mới từ bên trong”, tức cởi bỏ thói quen “tự trói” và “trói” người khác bằng những quy định như vẫn thấy mỗi lần một “Hai Lúa” phát kiến ra một cái gì hữu ích, thì làm sao có thể nghĩ ra được những ý tưởng, quy trình hay kỹ thuật, thiết bị mới? “Làm mới từ bên trong” trong Bộ KH-CN đầu tiên, chắc sẽ là dẹp thói quen cứ duyệt những cái gì biết trước cũng sẽ “xếp vào ngăn kéo”. Anh đang nghiên cứu cái gì mới? Các nghiên cứu khoa học có một bước khởi đầu quan trọng là sự xuất hiện của nó trên những diễn đàn nghiên cứu khoa học công khai, ví dụ đơn giản nhất là các tạp chí khoa học. Cách đây chục năm, khi đóng góp cho nội dung tờ báo dạng này của một trường đại học ở TP.HCM, một ý kiến đã thẳng thắn đề nghị tờ báo nên là nơi đầu tiên đưa ra những ý kiến mới, chí ít cũng giới thiệu những điểm mới học thuật trong ngành thay vì trở thành một điểm tập kết cho những bài dạng “cậy đăng” của các ứng viên thạc sĩ, tiến sĩ, cứ “giáo khoa thư” mà trích. Tờ báo có thể là một nơi cho sinh viên bổ sung kiến thức và tầm nhìn, bên cạnh các môn giáo khoa trong chương trình đào tạo, thay vì tầm chương trích cú, đăng loại bài liệt kê kiểu “10 năm Việt Nam gia nhập ASEAN” chỉ thấy ghi chép ngày tháng nào họp cái gì, ở đâu, ký cái gì... Sau góp ý này, quan chức đại diện bộ phía Nam khi đó bế mạc bằng phát biểu: “Anh X. đã nói hết rồi, thôi tôi khỏi nói nữa!”. Có thể ra khỏi “cái hộp” đó được không? Có thể chấm dứt việc nhận, duyệt và đăng những bài “cậy đăng” cho đủ yêu cầu làm thạc sĩ, tiến sĩ hay không? Câu hỏi thật ra đã có câu trả lời. Muốn thế phải nâng cấp công việc duyệt bài của ban biên tập các tờ báo đó, phải định hướng lại tôn chỉ và mục đích của các tờ báo đó là nghiên cứu và truyền bá những ý tưởng nghiên cứu mới, qua đó vừa nâng cấp chất lượng các tờ báo đó lên tầm “nghiên cứu chuyên ngành”, vừa nâng cấp chất lượng đào tạo các bậc học đó cho xứng đáng với tên gọi của nó. Tòa báo chuyên ngành sẽ đòi hỏi hơn, từ đề tài của bài báo đến nội dung, và kể cả cách viết hàn lâm (academic writing). Ở Canberra (Úc), tôi từng gặp một thạc sĩ sang đó học, anh ta vã mồ hôi vì bị cô giáo môn academic writing phê chi chít trên bài tập là không biết cách trích dẫn! Từ những sửa đổi từ trong “trứng nước” đó sẽ có một thế hệ sinh viên cao học học thật, hơn nữa có cách chọn đề tài, suy nghĩ, tham khảo, viết những gì mới, hữu dụng và chân thật. Khi các thạc sĩ, tiến sĩ tương lai ra khỏi được lối mòn “trả bài, sao chép” thì mới hi vọng có một thế hệ nhà nghiên cứu mới, dễ dàng nhận diện những gì cũ, xơ cứng, sáo mòn, song lại cực kỳ nhạy cảm, khát khao những cái mới. Trong “cơn sốt” mang tên kinh tế gia Thomas Piketty năm ngoái mà báo chí đăng dài dài, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy về sau, có ai đã lục lọi các khóa học mà giáo sư kinh tế này đã và đang giảng từ 30 năm qua, các đề tài tiến sĩ đã làm giáo sư bảo trợ... để nhận ra rằng góc nhìn duy xã hội của ông giáo sư này là cả một quá trình dài, trong bối cảnh một xã hội Pháp mà ảnh hưởng của cánh tả luôn hữu hình trong tư tưởng, học thuật. Ra khỏi thói quen “trả bài” đã là một bước tiến nhảy vọt, đã là một sự “mở mắt nhìn đời” rồi. Từ đó sẽ bắt đầu thấy được xã hội cần gì, ngành của mình đang thật sự cần những đề tài gì... ---------------------------------------- (*): Vấn đề “Đến năm 2020, Việt Nam về cơ bản trở thành một nước công nghiệp” đã được đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 (năm 2001). Đến Đại hội thứ 11 (năm 2011), vấn đề này lại được nhấn mạnh với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, coi đây là mục tiêu cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tags: Làm mới từ bên trong
Khách rồng rắn 'đội nắng' xếp hàng mua bánh mì NHẬT XUÂN 22/03/2025 Trong tiết trời nóng nực, nhiều thực khách vẫn kiên nhẫn chờ mua bánh mì tại Lễ hội bánh mì Việt Nam đang diễn ra ở TP.HCM.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio: Đài CNN là ‘báo lá cải’, thường đưa tin chống ông Trump UYÊN PHƯƠNG 22/03/2025 Ngày 21-3, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gọi CNN là 'báo lá cải', sử dụng ít nguồn tin tạo ra các bài báo để chống lại Tổng thống Trump.
Đề xuất lấy tên cấp huyện cũ đặt cho cấp xã mới, tại sao không? QUỐC NAM 22/03/2025 Nhiều huyện, thị tại Quảng Bình đề xuất lấy tên cấp huyện cũ đặt cho cấp xã mới. Phương án này đang nhận được nhiều sự ủng hộ.
Xác minh clip người chê khu nhà Công tử Bạc Liêu và nói 'đi sở thú hấp dẫn hơn' TIẾN LUẬN 22/03/2025 Một người đàn ông quay clip chê khu nhà Công tử Bạc Liêu 'chẳng có gì' mà giá vé 45.000 đồng là quá cao, và cho rằng 'đi sở thú hấp dẫn hơn'.