Làm ơn đừng giúp lũ trẻ làm bài tập về nhà

THỦY TIÊN 22/09/2022 06:13 GMT+7

TTCT - Không có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê nào giữa sự giúp đỡ làm bài tập về nhà của cha mẹ với thành tích học tập của con cái họ trong môn toán và tập đọc. Nói cách khác, không có lợi ích nào của việc giúp con làm bài tập về nhà.

Đầu năm học, hàng xóm nhà tôi có một bé gái vào lớp 1. Thế là từ đó đến nay, hầu như mỗi tối, cả xóm phải học bài theo bé. Những bài tập buổi tối bao gồm đánh vần và luyện chữ, chúng tôi đều phải cùng học theo những lời nhắc nhở, quát tháo, dụ dỗ, hăm dọa… đủ mọi sắc thái của bà và mẹ con bé.

Làm ơn đừng giúp lũ trẻ làm bài tập về nhà - Ảnh 1.

"Em xin lỗi vì đến muộn. Em phải chờ bố em làm xong bài tập ạ". Tranh: Ken Benner

Năm học mới luôn gây căng thẳng cho cả trẻ con lẫn cha mẹ chúng, nhất là với những em bé bắt đầu lớp 1. Với những em học lớp 5, đây là năm học hứa hẹn căng thẳng nhất bởi chúng tiến tới một kỳ thi chuyển cấp quan trọng để lên trung học cơ sở. Nhưng bất luận thế nào, các nghiên cứu khoa học vừa xác quyết một điều: các bậc cha mẹ của những đứa trẻ tiểu học không nên quá căng thẳng giám sát bài tập về nhà hằng ngày của con mình, vì có bằng chứng cho thấy sự giám sát đó thực sự không có tác động tích cực đến thành tích học tập của trẻ.

Cho đến giờ, các nhà giáo dục vẫn còn tranh luận về việc bài tập về nhà có lợi cho bọn trẻ ở bậc tiểu học hay không. Quan điểm trung dung nhất là bài tập về nhà vẫn có thể có nếu nó được thiết kế phù hợp với trẻ từng độ tuổi, các bé có thể hoàn tất một cách độc lập (không cần người lớn giám sát, ví dụ ngồi yên đọc sách 20 phút mỗi ngày) và như thế, nó giúp hình thành các thói quen học tập cho trẻ về sau.

 Và sau nhiều năm xã hội ta thán về bài tập về nhà quá nhiều đối với trẻ thì ngành giáo dục cũng yêu cầu các giáo viên tiểu học chấm dứt giao bài tập về nhà (một cách chính thức). Trên thực tế, bài tập về nhà vẫn tồn tại dưới rất nhiều hình thức, đôi khi chỉ cần một nhận xét nhỏ nhẹ của giáo viên "cháu viết còn chậm và xấu, phụ huynh cho cháu luyện thêm ở nhà giúp em" là thế giới bài tập về nhà vẫn nguyên đó. Lại không được lý tưởng như quan điểm trung dung nói trên đã vạch ra.

Câu hỏi về "sự giám sát của cha mẹ với việc học của con trẻ" là chủ đề nghiên cứu của Katerina Bodovski, một nhà nghiên cứu ở ĐH Penn State, với nỗi hoài nghi trước tuyên bố từ lâu của nhiều nhà giáo dục và hoạch định chính sách rằng đó là một cơ chế hiệu quả để giúp trẻ em thành công. 

Bà sử dụng bộ dữ liệu đại diện trên toàn nước Mỹ, mỗi bộ theo dõi khoảng 20.000 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 5 cùng các điều tra khác, đi tới kết luận: các bậc cha mẹ đang lãng phí thời gian của họ khi cố giúp con làm bài tập về nhà. Bà khẳng định không có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê nào giữa sự giúp đỡ làm bài tập về nhà của cha mẹ với thành tích học tập của con cái họ trong môn toán và tập đọc. Nói cách khác, không có lợi ích nào của việc giúp con làm bài tập về nhà.

Khi chỉ có chừng 1 giờ mỗi tối để giúp con làm bài tập, áp lực thời gian khiến cha mẹ nghĩ rằng họ nên giúp đứa trẻ bằng cách trả lời hộ các câu hỏi hoặc đưa ra đáp án đúng. Cách làm này khiến mục đích chính của việc làm bài tập ở nhà của học sinh - rèn giũa khả năng giải quyết vấn đề - bị mất sạch. Người giáo viên chấm loại bài tập về nhà được làm hộ này cũng không thể phát hiện những lỗ hổng kiến thức hoặc kỹ năng của đứa trẻ.

Thế rồi, người bà và người mẹ căng thẳng đề cập ở đầu bài có thể vì bực bội với công việc dạy kèm bất đắc dĩ ấy mà quay sang chỉ trích giáo viên và ngành giáo dục, tiếp tục tạo ra những tình huống căng thẳng hơn về sau khi cảm thấy công lao giúp sức của mình hình như chưa được như ý, điều đó có thể dẫn đến những căng thẳng kiểm soát mới lên đứa trẻ. Trong nhiều nghiên cứu, Katerina Bodovski dẫn lại, còn cho thấy kiểu hành vi đó của cha mẹ liên quan đến việc làm giảm thành tích học tập của con cái họ.

Thế rồi, đứa trẻ sau nhiều ngày tháng bị cha mẹ liên tục kiểm tra giám sát việc học, sẽ có cảm nghĩ rằng trách nhiệm hoàn thành bài tập về nhà thuộc về cha mẹ chứ không phải chính các em. Mục tiêu phát triển tinh thần trách nhiệm để hoàn thành một nhiệm vụ với một đứa trẻ thông qua bài tập về nhà vì thế là thất bại.

Lẽ dĩ nhiên, Katerina Bodovski gợi ý rằng cha mẹ vẫn nên tham gia giúp con làm bài tập, nhưng bằng những cách khác, chẳng hạn cho các em một không gian thuận lợi để học (không khí yên tĩnh, không bị phân tâm), sẵn sàng cho con một gợi ý khi các em thực sự cần đến ý kiến của cha mẹ, mục tiêu để đứa trẻ biết rằng nếu chúng thực sự gặp khó khăn sẽ có một người lớn có thể giúp đỡ.

Vì thế, khoảng thời gian để cùng căng thẳng tô chữ hay làm toán mang danh nghĩa giúp con làm bài tập về nhà sẽ được chuyển thành khoảng thời gian để thúc đẩy sự phát triển cảm xúc tích cực của trẻ, chẳng hạn trò chuyện về trường học và bạn bè của con, những gì các con thích và ghét trong lớp học. Khi cùng nhau gầy dựng và phát triển mối quan hệ ấm áp, gần gũi như thế, cả cha mẹ và con cái rốt cuộc cũng sẽ đều thấy được tầm quan trọng của việc học tốt ở trường.

Khi những đứa trẻ tiểu học của bạn mang bài tập về nhà, hãy chống lại sự cám dỗ của việc "cùng nhau làm bài tập".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận