​Làm sao quản trị được rủi ro?

LÊ THANH HẢI 20/04/2015 18:04 GMT+7

TTCT - Ở Việt Nam, các hệ thống bảo hiểm được xây dựng chưa lâu và thật sự chưa hạn chế được rủi ro cho cộng đồng. Khái niệm quản trị rủi ro cho cộng đồng bằng cơ chế kinh tế cũng chưa được chú ý thích đáng.

 

Một anh bạn tôi quen, dân giỏi toán ở Sài Gòn, làm lãnh đạo trong một tập đoàn tài chính. Anh chọn taxi để đi làm hằng ngày với tính toán cụ thể: tránh rủi ro bị tai nạn giao thông hay gây ra tai nạn giao thông cho người khác nếu đi xe máy, tránh mọi phí tổn liên quan đến cảnh sát giao thông hay mất mát nếu tự lái xe hơi.

Đây là một loại tính toán tối ưu của một cá nhân trong xã hội. Xét từ góc độ kinh tế thì mỗi chúng ta là một doanh nghiệp tự đầu tư vào bản thân và tùy vào khả năng, trình độ tính toán mà mỗi người sẽ sinh lợi khác nhau. Khi chung sống trong một thành phố, lợi ích giữa các cá nhân sẽ được kết hợp lại như là một tập đoàn kinh doanh lớn và một phần tiền thuế sẽ được trích ra để bảo đảm an toàn tối thiểu cho toàn xã hội.

QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Ở nước Anh, ngoài khoản thuế liên quan tới thu nhập, mỗi hộ dân sống ở địa phương sẽ đóng một khoản tiền thuế tùy thuộc vào diện tích và tình trạng nhà của mình. Số tiền này dùng để duy trì cuộc sống nơi công cộng, ngoài chuyện bảo trì, sửa chữa đèn đường và dọn rác còn bao gồm cả hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc người già và trẻ em cơ nhỡ, chỗ ở cho người vô gia cư, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Đó là cách cộng đồng giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương chăm sóc cho mình khi thất thế.

Những năm tháng phát triển tư bản đã khiến xã hội Anh biết nhìn cuộc sống một cách nhân đạo hơn và xây dựng mô hình quản trị rủi ro trong nền kinh tế thị trường. Với một số tiền tối thiểu góp vào quỹ bảo hiểm y tế (NHS), khi đau ốm bạn sẽ được điều trị miễn phí, tương tự vậy cho quỹ bảo hiểm quốc gia (NI) để được trợ cấp khi thất nghiệp hay lương hưu sau này. Người thu nhập cao thì có thể mua thêm bảo hiểm sức khỏe của các hệ thống bệnh viện cao cấp hay quỹ đầu tư lương hưu.

Những người chủ có tấm lòng trích một phần tài sản cho các tổ chức từ thiện và nghiên cứu khoa học để bảo đảm cuộc sống cho những người đang ở dưới đáy xã hội.
 

Ở Việt Nam, các hệ thống bảo hiểm chỉ mới bắt đầu được xây dựng và thật sự chưa hạn chế được rủi ro cho cộng đồng: bảo hiểm trách nhiệm giao thông đường bộ, bảo hiểm y tế, hệ thống an sinh cho người nghiện ma túy hay người vô gia cư, cơ sở nuôi trẻ mồ côi... Khái niệm quản trị rủi ro cho cộng đồng bằng cơ chế kinh tế còn quá mới ở Việt Nam, và chỉ một số ít người hiểu và sử dụng hiệu quả hệ thống này.

Một số tổ chức và cá nhân sử dụng môi trường xã hội dân sự để xây dựng các cơ chế như vậy để bảo vệ động vật và môi trường sống, nhưng hầu như chỉ mới kết nối được với trí thức trẻ ở thành phố.

Làng quê Việt Nam và không ít khu phố nơi đô thị tự hình thành những cơ chế quản trị rủi ro cho mình hoàn toàn khác. Trong các khu phố nghèo, ta vẫn thấy hàng xóm giúp đỡ, đùm bọc nhau theo kiểu “lá lành đùm lá rách”, hay “tắt lửa tối đèn có nhau”, cân chỉnh cuộc sống cộng đồng thông qua hệ giá trị tình làng nghĩa xóm. Khi có tang gia người ta tự động đến giúp đỡ, hay dịp tân hôn đôi vợ chồng trẻ được tặng tiền để lập nghiệp. Những người có điều kiện kinh tế thì làm từ thiện với tầm hoạt động rộng hơn.

Ngày nay, cả hai hệ thống kinh tế nhà nước và dân gian đều lúng túng vì chưa kịp cơ cấu lại để đối phó với những rủi ro hoàn toàn mới và quy mô hơn do toàn cầu hóa.

Lụt lội ở Thái Lan làm nhà máy của Honda ngưng hoạt động khiến nhân viên bán xe ở Mỹ mất thu nhập. Núi lửa tại Iceland làm các hãng hàng không ở Úc và châu Á thất thu vì không thể hạ cánh xuống các sân bay ở Anh. Vỡ tín dụng ở một nước có thể làm cả hệ thống tài chính trên toàn thế giới lung lay và kéo theo một chuỗi ngân hàng ở nhiều nước phá sản, thải hồi nhân viên. Đập thủy điện ở một nước tại thượng nguồn khiến nước mặn tràn vào các ruộng lúa hay bè cá một nước nằm ở hạ nguồn. Nhu cầu gỗ hay món hàng nào đó từ một quốc gia khiến môi trường sống của một nước khác bị tận diệt hay tràn ngập đỉa và ốc bươu vàng độc hại.

Ngay cả trong địa phận một tỉnh, thiếu kết nối giữa các ban ngành cũng tạo ra hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của người dân: xả lũ không thông báo hoặc thông báo không được chuyển nhanh đến cho người canh tác, lấp kênh rạch hoặc lấn sông kéo theo triều cường về lâu dài...

Xã hội hoàn toàn thiếu vắng những cơ chế mới để giảm thiểu rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân hoặc một cộng đồng dân cư. Một dự án xây dựng khu đô thị mới - cư dân mới đem theo cuộc sống mới về một vùng làng quê truyền thống - tạo ra những vấn đề mà không ai biết cách giải quyết và tích lũy dần theo thời gian sẽ biến thành xung đột và bạo lực.

THÔNG BÁO RỦI RO VÀ KHÍCH LỆ XÂY DỰNG TRUYỀN THỐNG NHÂN ÁI

Ảnh: blogcdn.com

Không phải rủi ro nào cũng ngay lập tức có giải pháp, chẳng hạn các tranh cãi bất tận nay vẫn còn diễn ra trên thế giới về cắt giảm khí thải nhà kính, hay công ước quốc tế về hạt nhân. Nhưng nguy cơ rủi ro cần được xác định và thông báo để mỗi cá nhân trong cộng đồng biết rõ. Đó là trách nhiệm của giới chuyên gia - tầng lớp quan trọng trong xã hội.

Giới chuyên gia tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm và các bài học từ quá khứ, tạo thành một hệ thống toàn cầu để cảnh báo và giúp xây dựng cơ chế quản trị rủi ro. Các doanh nhân thành đạt trên thế giới như Bill Gates và trùm tài chính George Soros nổi tiếng về việc tài trợ cho các ngành khoa học mà họ nghĩ là sẽ giúp thế giới bình ổn và đáng sống hơn.

Truyền thống philanthropy (nhân đạo) phát triển mạnh ở những nơi có môi trường tri thức và kinh tế phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 18, đặc biệt là ở Anh. Cơ cấu kinh tế bất ngờ thay đổi khiến nhiều người dân kém tri thức không biết phải xoay xở như thế nào để duy trì gia đình và nuôi sống bản thân.

Những người chủ có tấm lòng trích một phần tài sản cho các tổ chức từ thiện và nghiên cứu khoa học để bảo đảm cuộc sống cho những người đang ở dưới đáy xã hội. Kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng là một môn học đã được đưa vào chương trình đào tạo các doanh nhân trẻ để họ ý thức được vai trò của mình.

Xã hội hiện đại còn kéo theo thêm một rủi ro nghiêm trọng khác nữa là lỗi lầm từ một người xử lý sai có thể gây hại cho cả một tập thể. Những vụ tai nạn hàng không luôn được người ta đặc biệt quan tâm là vì vậy. Còn rất nhiều loại rủi ro khác mà chúng ta không dễ dàng nhìn thấy ngay hậu quả, ví dụ như thói cửa quyền hay sự chậm chạp có thể phá hỏng toàn bộ vụ mùa dưa hấu của người dân nghèo, hay đầu tư khai thác khoáng sản sai lầm kéo theo những khoản lỗ nặng nề mà chính dân chúng sẽ phải trả nợ vào ngân sách.

Ở một quốc gia văn minh, sự giàu có của đại gia được đo bằng những đóng góp của họ cho xã hội chứ không phải những bộ quần áo hay giày dép, khăn quàng như một ca sĩ nào đó đem ra khoe trên báo chí.
 

Khi có quyền lực, chỉ cần một quyết sách chính trị sai lầm là sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, như phát động chiến dịch diệt chim sẻ để chúng khỏi ăn lúa, nhưng cuối cùng vì không có chim để ăn sâu bọ mà mất mùa. Cũng giống như doanh nghiệp, môn học về trách nhiệm cộng đồng cần phải được đưa vào chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo để họ ý thức được nguy cơ rủi ro do chính bản thân mình gây ra cho xã hội.

Xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ chóng mặt, cho nên rất cần những cơ chế quản trị rủi ro cho tất cả mọi người. Nhiều tổ chức quốc tế đã có mặt ở Việt Nam, nhưng hoàn toàn thiếu vắng các tổ chức nội địa được phát triển từ những cơ chế đã được duy trì trong văn hóa bản địa. Hầu như chưa thấy có đại gia nào đầu tư cho khoa học và giáo dục trên địa bàn, chưa có doanh nghiệp lớn nào tài trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Có thể lấy một ví dụ rất đơn giản có thể thực hiện được ngay trong khu vực một khu dân cư giàu có ở Sài Gòn. Chúng ta ai cũng lo ngại về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi không thể mong chờ vào cơ quan vệ sinh dịch tễ với lượng ngân sách và nhân lực giới hạn, thì đại gia trong phường có thể dành một phần tiền để một nhóm sinh viên đại học có thể nghiên cứu dòng chảy của hàng hóa trong chợ và xác định nguồn hàng. Tiếp theo đó là đánh giá chất lượng và đánh sao các quầy hàng giống như các khách sạn vẫn làm. Tương tự như vậy cho các hàng quán trong khu vực.

Với một số tiền không nhiều ta cũng có thể tự xây dựng một hệ thống cảnh báo và quản trị rủi ro cho thực phẩm ăn hằng ngày. Bước tiếp theo có thể là giáo dục miễn phí và có thưởng về vệ sinh thực phẩm cho người giúp việc và nhân viên phục vụ cũng như chủ hàng quán, trở thành một tiêu chuẩn sống trong phường.

Ở tầm tài chính nhiều hơn, các đại gia có thể chi tiền để chăm sóc cho cuộc sống của công nhân nhập cư và con cái họ, mở thư viện và khu vui chơi miễn phí. Với trẻ em nghèo chỉ cần một chiếc xích đu và cầu tuột là đủ để nuôi dưỡng một ước mơ cho tương lai của các em sau này, giảm bớt một nguy cơ nghèo đói hay tội phạm.

Ở một quốc gia văn minh, sự giàu có của đại gia được đo bằng những đóng góp của họ cho xã hội chứ không phải những bộ quần áo hay giày dép, khăn quàng như một ca sĩ nào đó đem ra khoe trên báo chí. Một xã hội giàu có không được định giá bằng vàng bạc đeo trên cổ cô dâu, chú rể trong đám cưới, mà là những công trình công cộng gia tộc họ đã và đang đóng góp cho xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận