Làm sử

LƯU GIA 13/03/2013 21:03 GMT+7

TTCT - Lúc cao đàm khoát luận chuyện việc viết văn, viết sử, nhiều người tin rằng “văn sử bất phân”, có khi hứng chí đưa cả triết học vào chung mớ ấy, bàn về chức phận của nhà văn, nhà sử, nhất là nhà văn nhà sử thời nay.

Nhưng nhà văn xông vào đời, lao vào cõi người mà quan sát, ghi chép. Được chút lưng vốn rồi thì chong đèn nặn óc, rút ruột ra mà viết.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Quan sát con người, quan sát đời sống ở cự ly gần quá cũng nguy hiểm và tổn hại sức khỏe. Không thể nào đóng vai một khán giả vô tư lạnh lùng tuyệt đối, nhà văn dù muốn dù không, ở chừng mực nào đó cũng đã tham dự vở diễn cùng các nhân vật của mình.

Anh ta quả thật đã sắm một vai, đã sống một thời gian trong tấn trò được mô tả trong cuốn sách, và nhiều khi tâm trạng diễn viên ấy còn ám ảnh anh ta một thời gian nữa sau khi cuốn sách được xuất bản. Dễ gì vượt thoát, dễ gì quên đi. Bởi vậy viết văn thường đau đớn. Ra được tác phẩm là lúc thấy mình hao hụt kha khá. Ai nói quên mất rồi, rằng “thành công nào cũng tê buốt”.

Nhà sử viết chuyện ngày xưa, những chuyện đã xảy ra, không khổ như vậy. Một vở diễn đã xong từ lâu, nhà hát tắt đèn, sân khấu vắng lặng, trống trơn hoặc đôi khi chỉ còn một vài thứ đạo cụ lộn xộn chưa dọn dẹp là lúc nhà sử đến. Bật ngọn đèn chiếu thứ ánh sáng phát ra từ kiến thức thủ đắc, từ sử liệu đa dạng, nhờ khả năng phân tích logic và óc phán đoán thiên phú, anh ta cố gắng phục hiện phần nào cái đã xảy ra, thường từ rất lâu.

Đầu tiên là thỏa mãn cái óc tò mò muốn biết và hay nghi ngờ của mình, sau nữa cung hiến cho người cùng thời và hậu thế một phần sự thật lịch sử trong khi hầu như không bị những phát hiện hay hiểu biết của mình hành hạ nhờ sự cách biệt lớn về không gian và thời gian giữa nhà sử với đối tượng nghiên cứu của anh ta. Thành công khỏe re mà thất bại cũng chẳng tổn hại gì!

Thật ra, nếu có nhỏ nhen và lầm lẫn, nhà sử có thể ghen tị với nhà văn vì mình chỉ được săm soi những mảnh vụn quá khứ. Anh ta biết giờ đây, ngay bên mình, lịch sử đang hình thành từng ngày. Nhưng mô tả nó là việc của văn, của báo hôm nay và của các nhà sử mai hậu. Tốt nhất, nhà sử nên chú tâm vào quá khứ. Anh ta có khả năng và sứ mạng phải tìm thấy và giữ lại cho chúng ta quá khứ - loại tài sản đặc biệt đã và đang biến mất mà không có cách chi bù đắp.

Chẳng tổn hại gì, làm sử thật sướng. Vẫn biết các sự kiện hay nhân vật lịch sử lớn lao quan trọng hầu như đã được các nhà làm sử đi trước khảo kỹ lắm, không còn mấy đất mà dụng võ nữa, nhưng nhà sử bây giờ cũng chẳng lấy thế làm buồn. Đọc cho kỹ những gì người xưa hay thầy mình viết, miệt mài rà soát soi mói, thể nào chẳng thấy cái sai hoặc chí ít cái đáng nghi vấn. Dụng công vào đó, vạch được cái sai, cái nhầm lẫn của người chép sử xưa, bổ chú phần khuyết thiếu, ấy cũng là đất tựu nghiệp vậy.

Sử đòi hỏi khoa học, rành mạch đúng sai, công bằng nên tìm sai và sửa sai là loại việc không đến nỗi khó kiếm. Văn thì không vậy, đối với người đọc chỉ có văn hay, văn dở thôi (trừ loại không phải là văn thì không xét).

Phân biệt văn đúng, văn sai hay văn tốt, văn xấu thì dễ lạc lối cãi cọ. Chịu khó hít bụi lục dò tàng thư nơi văn khố hay đào cuốc săm soi mảnh y phục, mẩu xương khô dù sao cũng dễ thở hơn rất nhiều so với việc khảo nghiệm nỗi đau hay dằn vặt, bế tắc... hết sức nhiêu khê của con người. Vậy thì đừng để lịch sử cứ tồn tại mãi với những khoảng trống nghi hoặc cho hậu thế hay nắn vặn nó đi theo ý mình tùy thời.

Mà không làm nhà văn hay nhà sử, làm người cũng đủ bận rộn. Một đời mấy chục năm, đặt trong lịch sử chẳng đáng nửa cái chớp mắt, vậy mà cũng thấy đủ mênh mông, cam go rồi…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận