Làn sóng chuyển dịch FDI: Thêm cơ hội cho lao động trẻ

TÂM LÊ 12/01/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Thay đổi bản thân ra sao để đón xu hướng chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn từ các nước lân cận sang Việt Nam đang là câu chuyện thời sự đối với nhiều người trẻ, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.

Công nhân đang làm việc tại một công ty điện tử thuộc KCN Sài Đồng, Hà Nội. Ảnh: C.T.V.

Nhiều sự lựa chọn

Ngô Bá Mạnh làm điện tử tại Công ty TNHH Compal VN ở (KCN) Bá Thiện 1 (Vĩnh Phúc) cho biết anh đang có công việc đều với mức bình quân 9 triệu đồng/tháng. “Compal hiện có 7.000 công nhân, đang có kế hoạch mở rộng nhà máy lên gấp đôi với tổng số lượng công nhân sẽ lên 15.000 người. 

Nếu yêu cầu công nhân tay nghề cao hơn thì tôi sẽ sẵn sàng học thêm để nâng cao tay nghề, vì ai cũng mong mức lương và công việc tốt”, Mạnh nói.

Quản lý một dây chuyền lắp ráp trong công ty điện tử của Nhật ở KCN tỉnh Hải Dương, Nguyễn Thị Bé luôn bận rộn vì công ty vừa nhận hai lô hàng lớn từ Trung Quốc.

 “Công nhân có thêm việc làm là vui rồi. Mặt hàng cao cấp yêu cầu cả người làm và quản lý phải chặt chẽ, cẩn thận và trách nhiệm cao hơn” - Bé nói và cho biết khi có sản phẩm mới, công ty sẽ có đội ngũ đào tạo, hỗ trợ công nhân. 

Nhưng hiện nay do dịch COVID-19, các chuyên gia từ Trung Quốc không thể trực tiếp sang Việt Nam hỗ trợ được mà hướng dẫn trực tuyến. Cách thức hướng dẫn từ xa khiến việc tiếp thu bị hạn chế, nhất là đối với sản phẩm cao cấp, yêu cầu kỹ thuật cao.

Những lô hàng chuyển từ Trung Quốc sang thường ở công đoạn khó nên công nhân càng vất vả hơn. Bé hi vọng dịch giã sớm kết thúc để mọi việc trở lại guồng quay ban đầu.

Nhiều lao động trẻ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại một số nhà máy lớn ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), Bắc Ninh, Hải Dương đều có chung nguyện vọng: chuyển dịch chuỗi sản xuất giúp họ có thêm việc làm và ngày càng hoàn thiện tay nghề hơn. 

Những lao động này là kỹ sư chất lượng cao, sinh viên khối kỹ thuật vừa tốt nghiệp hoặc đang học năm cuối tại các trường đại học, cao đẳng.

“Các công ty chuyển sang VN là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các lao động trẻ như em. Cơ hội là sinh viên mới ra trường có nhiều lựa chọn trong tìm việc làm, nhưng thách thức cũng rất lớn vì các công ty nước ngoài càng lớn thì họ đòi hỏi chất lượng đầu vào của lao động càng cao, việc tuyển dụng khắt khe so với các công ty trong nước, đặc biệt là về kỹ thuật và ngoại ngữ. 

Nhưng ngược lại, giá nhân công rẻ của VN là một trong những lợi thế. Mỗi người phải biết được giá trị bản thân đến đâu để có sự lựa chọn công việc cho phù hợp. 

Nhưng điều quan trọng là mỗi người phải cố gắng hơn để chứng minh chất lượng của đội ngũ lao động trẻ ở VN” - Nguyễn Ngọc Đăng, sinh viên khoa công nghệ thông tin của một trường đại học công nghệ, nói.

“Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là sẽ trở thành kỹ sư dữ liệu, tôi đang học thêm ngoại ngữ và những kỹ năng cần thiết để chờ đón cơ hội việc làm này. Cơ hội cho nghề kỹ thuật dữ liệu trong các đợt chuyển dịch vừa qua khá ít, nhưng tôi sẽ không từ bỏ hi vọng”, Đăng nói.

Một sinh viên năm cuối ngành công nghệ cho rằng trước đây VN chưa có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu tư, nhiều người giỏi thường chọn cách ra nước ngoài làm việc để vừa học hỏi kinh nghiệm vừa được lương cao.

Tới đây, làn sóng chuyển dịch mạnh hơn, hi vọng những người này sẽ quay về Việt nam làm việc, truyền đạt kinh nghiệm cho những người trẻ để hình thành lớp lao động mới có trình độ, kỹ năng có thể cạnh tranh với lao động nước ngoài, đặc biệt trong ngành công nghệ cao.

Nguyễn Quốc Linh, sinh viên năm cuối khoa công nghệ thông tin Trường ĐH FPT, đang làm kỹ sư phần mềm cho một công ty của FPT. 

Linh cho biết trước đây công ty của Linh chủ yếu làm hàng cho thị trường Nhật Bản nhưng gần đây đã mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, Mỹ. Linh đánh giá ngành công nghệ thông tin ở VN đang phát triển rất tốt, cần tuyển dụng kỹ sư phần mềm với số lượng lớn.

“Ở công ty tôi lao động chưa có tay nghề vẫn được tuyển dụng và đào tạo chuyên môn, sau 8 tháng có thể đảm nhận công việc. Tuy nhiên, nếu có bằng cấp chuyên môn vừa có tay nghề cao thì cơ hội sẽ tốt hơn, mức lương cao hoặc được làm quản lý”, Linh nói thêm.

Công nhân đang làm việc tại một nhà máy lắp ráp điện tử thuộc KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: C.T.V.

Yêu cầu khắt khe hơn

Nguyễn Lâm, sinh năm 1989 ở Gia Lâm (Hà Nội), là kỹ sư cơ điện tử đã từng làm việc trong công ty công nghệ cao của Nhật ở KCN Sài Đồng (Hà Nội), cho biết: “Môi trường làm việc rất áp lực; thời gian, tính chất công việc, trách nhiệm khi xảy ra lỗi, thời gian máy bị dừng sửa chữa nhưng không có máy dự phòng... 

Họ tính bảng hiệu suất chi tiết với con số cụ thể làm thước đo”. Tuy nhiên, cách quản lý của công ty rất thông minh, sử dụng máy móc chất lượng, ưu tiên công nghệ tốt, bền... Nhờ làm việc trong môi trường như vậy nên Lâm đã học được nhiều kinh nghiệm và tự tin khi làm quản lý ở công ty mới.

Ông Tạ Văn Thảo, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết hiện trung tâm có ba cơ sở cung ứng lao động cho các tỉnh phía Bắc.

Để đón làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu trung tâm chuẩn bị từ khá lâu và xác định đây là cơ hội để tạo bước đột phá trong việc kết nối, cung ứng lao động, việc làm.

Tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội), Công ty TNHH Nhân lực quốc gia Dahashi cũng đang được hưởng lợi rõ rệt từ sự chuyển dịch sản xuất từ các doanh nghiệp FDI. 

Lãnh đạo của công ty cho biết vừa qua đã nhận được nhiều đơn hàng cung ứng lao động cho một công ty Nhật Bản tại các KCN Bắc Thăng Long, KCN các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. 

Thế mạnh của công ty là cung ứng lao động thời vụ, lao động tạm thời và cho thuê lại lao động… Riêng năm 2020, công ty này đã cung ứng 40.000 lao động cho các KCN phía Bắc, tăng 45% so với năm ngoái. 

“Lao động phổ thông của VN có ưu điểm là sự chịu khó, song trình độ học vấn, tin học, ngoại ngữ thấp, nhất là lao động ở khu vực miền núi xuống. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận máy móc, công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Văn hóa ứng xử trong môi trường làm việc cũng là vấn đề cần phải nâng cao hơn”, lãnh đạo công ty cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, giám đốc Công ty Dahashi, việc tuyển dụng lao động của các công ty nước ngoài, đặc biệt là những công ty công nghệ cao, rất khắt khe. Họ đưa ra những tiêu chuẩn chặt chẽ như cân nặng, chiều cao, thị giác...

“Chúng tôi phải tổ chức đào tạo lại lao động những kiến thức cơ bản trước khi đưa vào các công ty. Nhu cầu lao động hiện nay đang rất lớn, vấn đề là các nhà cung ứng lao động cần đảm bảo nguồn lao động đều về số lượng và chất lượng để tạo sự tin cậy cho các nhà đầu tư lớn của nước ngoài”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Với lao động trình độ cao, kỹ sư công nghệ…, thường các doanh nghiệp kết hợp với các trường đại học đào tạo tại chỗ, khi tốt nghiệp sẽ tuyển vào công ty làm ngay. 

Điển hình như Trường ĐH Công ngiệp (Hà Nội) đang kết hợp với một doanh nghiệp tư nhân chuyên về ngành điện tử để đào tạo sinh viên ngay từ năm nhất. Hình thức là phỏng vấn tuyển chọn các sinh viên giỏi và cấp học bổng cho các sinh viên này trong suốt quá trình học tập. 

Ngoài kiến thức học trong trường, doanh nghiệp sẽ dạy thêm khóa ngắn hạn về chuyên ngành mà công ty đang có nhu cầu. Trong khi đó tại Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) có thành lập công ty dạng khởi nghiệp. Sinh viên ngoài học lý thuyết sẽ được thực hành tại công ty và khi ra trường có thể ứng dụng ngay cho công việc.■

Nhu cầu lao động của TP.HCM năm 2021: tăng nhẹ

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới, dự kiến nhu cầu nhân lực TP.HCM năm 2021 cần khoảng 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ làm việc mới. 

Nhu cầu nhân lực năm 2021 sẽ tập trung ở các ngành như kinh doanh - thương mại (chiếm 20,16%), điện tử - công nghệ thông tin (10,96%), dịch vụ - phục vụ (7,25%), cơ khí - tự động hóa chiếm (5,6%), vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng (5,41%), dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế chiếm (5,37%)... 

Trong khi đó, các ngành như dệt may - giày da, du lịch - nhà hàng - khách sạn chỉ xấp xỉ khoảng 3%.

Nhìn chung, nhu cầu nhân lực trong năm 2021 tăng nhẹ so với 2020 (năm 2020, TP.HCM có khoảng 256.959 chỗ làm việc). Thị trường lao động TP trong năm 2021 dự báo sẽ phát triển theo hướng tăng dần tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Dự kiến lao động làm việc năm 2021 khoảng 4,8 triệu người, trong đó lao động làm việc trong các doanh nghiệp là 3,1 triệu người.

VŨ THỦY

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận