TTCT - Đang quen với cái dao, cái thớt mổ lợn, đột ngột lão đổi nghề sang làm nhà báo điều tra, làm tay săn ảnh, rồi lập hẳn một “đội đặc nhiệm”... Phóng to Hàng chục tấm ảnh của “nhà báo điều tra” Hữu Ngụ trong hành trình hơn nửa năm cứu rừng Thấy thế cả làng cho là lão bị gàn, nhưng cuối cùng mọi người đều té ngửa vì lão gàn ấy đã cứu hàng nghìn hecta rừng đầu nguồn Kẻ Gỗ thoát khỏi lưỡi cưa trong một “dự án” phá rừng lớn nhất nhì miền Trung. Lão “gàn” đó là Nguyễn Hữu Ngụ, ở xóm 5, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. 1. Một ngày cuối năm 2006, đang thả bộ trong làng bỗng ông thấy từng đoàn xe tải, xe công nông hàng chục chiếc chất đầy gỗ lao ầm ầm từ trong rừng ra, ngang nhiên phóng qua trạm kiểm soát của lực lượng kiểm lâm trạm bảo vệ rừng số 6 của khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ như chốn không người. “Quái lạ thật” - ông chột dạ chốc lát rồi bám theo đoàn xe, cuối cùng ông phát hiện số gỗ kia được chặt từ trong các khu rừng đầu nguồn hồ Kẻ Gỗ, sau đó bán cho các tay “trùm” ở các khu cảng Vũng Áng, Cửa Lò. Về nhà đêm hôm đó ông trằn trọc không ngủ, hôm sau ông dậy rất sớm rồi tất tả chạy ra trụ sở xã hỏi rõ ngọn ngành. Một cán bộ xã cho ông biết đây là dự án của tỉnh về việc giao đất khoán rừng và chuyển đổi sang trồng cây nguyên liệu. Nghe thế ông lý sự: “Từ đời các cụ kỵ, ông bà tui đã có rừng Kẻ Gỗ, lúc tóc còn để chỏm theo cha vào rừng lấy củi, lấy mật tui cũng đã thấy những cây gỗ to mấy người ôm không xuể, mà toàn là gỗ quí: sến, cà ổi, dổi, vàng tâm, táu... sao người ta lại chặt đi để trồng cây mới”. Rồi ông tự nhủ: “Rừng mất, nước hồ Kẻ Gỗ sẽ cuốn phăng cả làng, cả xã, cả huyện Cẩm Xuyên này trôi theo. Phải cứu rừng thôi”. Phóng to Ông Ngụ và đống đơn khẩn cầu cứu rừng Nói là làm, từ tờ mờ sáng ông gò lưng đạp xe vượt ngót nghét 20km vào rừng. Đến nơi, ông giấu xe đạp vào bụi cây rồi vác balô men theo sườn núi, lội qua suối tìm đến hiện trường. Ông kể: “Đi đến đâu thấy xót xa đến đó, từng cánh rừng, quả đồi ngày trước xanh ngút ngàn, phải bươn, phải lách mới qua được giờ bị cày xới xác xơ, cây cối chỉ còn trơ lại gốc. Dân chặt một cây gỗ cũng bị liệt là lâm tặc và bị phạt tiền, thế mà từng đoàn người với xe công nông, cưa máy cày nát cả một vạt rừng lại chẳng bị sao, thấy mà căm phẫn”. Thấy sức mình yếu quá ông về thôn vận động bà con tham gia cứu rừng. Đầu năm 2007 ông thành lập “Đội đặc nhiệm chống phá rừng” của thôn 5, Cẩm Thịnh với năm thành viên đều thuộc lứa “U-50”. Những chiến thuật đặc công, trinh sát từ thời còn trong quân ngũ được ông linh hoạt cải tiến áp dụng để chống phá rừng. Ông Ngụ (là thợ mổ lợn), ông Cảnh (thợ xây) có nhiệm vụ nắm thông tin từ quần chúng, bà Cử, ông Bắc (làm nương rẫy) dò la tin tức lâm tặc từ những cánh rừng, bà Bằng (bán quán tạp hóa đầu làng) chuyên quan sát những đối tượng khả nghi... Vì vậy, tất cả những động tĩnh trong làng đều nằm trong “tầm ngắm” của “đội đặc nhiệm”. Sau khi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ông đóng vai nhà báo vào rừng săn ảnh lâm tặc. Leo lên đồi chọn một vị trí đắc địa ngồi phục và bấm máy lia lịa, ông bảo: “Phải bắt tận tay day tận cánh chứ để đến buổi sau là chúng phóng hỏa đốt gốc xóa sạch dấu vết”. 2. Ông kể: “Tháng 5-2007, khi có trong tay bằng chứng xác thực, tui tìm đến từng cơ quan gõ cửa nhưng chồng đơn đầu tiên đã bị “cười khảy”. Ra xã, xã chỉ lên huyện, lên huyện, huyện lại chỉ về xã, không nản tui nhảy xe tìm ra tận UBND tỉnh Hà Tĩnh, rồi Sở Tài nguyên - môi trường Hà Tĩnh để nộp đơn, thậm chí tui còn gửi đơn cầu cứu các vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ”. Xong xuôi ông về nhà “nằm vùng” nghe ngóng tình hình nhưng gần một tháng trôi qua vẫn không có hồi âm. Quá sốt ruột ông định lặn lội ra tận Hà Nội để “gặp trung ương” và nói cho “mấy ông Quốc hội” nghe, nhưng sau mấy đêm vắt tay suy nghĩ ông quyết định ôm cả “gia tài” là những tấm ảnh, tư liệu mà ông ghi chép được tới các cơ quan thông tin đại chúng ở Hà Tĩnh, rồi sau đó bất chấp những lời đe dọa của lâm tặc, ông xung phong làm hoa tiêu dẫn các đoàn báo chí đi tác nghiệp. Ngày 5-6-2007 báo chí, truyền hình đăng tải những hình ảnh đầu tiên về cảnh phá rừng Kẻ Gỗ thì đến ngày 7-6-2007 thanh tra của tỉnh về kiểm tra. Ông kể lại: “Lần đó vị thanh tra khi tiếp xúc với dân đã đưa ra lý lẽ: rừng Kẻ Gỗ không thể gọi là rừng nguyên sinh vì rừng nguyên sinh là rừng chưa có dấu vết của con người đặt chân tới”. Bằng lý luận của một người chỉ mới học lớp 8, ông cự lại: “Rừng này mọc lên từ ngày xưa, không do ai trồng không gọi là rừng nguyên sinh thì gọi là rừng gì?”. Vị thanh tra nọ đành tặc lưỡi đánh trống lảng: “Nhưng rừng gì thì rừng, các ông là nông dân thì cứ lo tu chí làm ăn chứ kiện tụng làm gì cho mệt”. Ngay lập tức ông Ngụ đứng phắt dậy: “Chúng tôi có ra tòa hay tranh chấp quyền lợi đâu mà gọi là kiện tụng, chúng tôi chỉ phản ảnh, khẩn cầu các cơ quan chức năng cứu lấy rừng, rừng là tài sản của cả quốc gia chứ của riêng gì chúng tôi đâu”. Nghe ông nói có lý cả hội trường vỗ tay rần rần. Phóng to Những cánh rừng ở Kẻ Gỗ bị đốn hạ và đốt trơ gốcVụ việc đến đó tưởng được giải quyết xong xuôi, ai dè đoàn thanh tra rời đi được mấy ngày lâm tặc lại đua nhau vào chặt, đốt rừng ồ ạt. Sốt ruột ông lại tiếp tục lặn lội ra tỉnh, lần này ông vào tận văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh báo cáo sự việc. Ngày 16-7-2007 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Tĩnh tổ chức cuộc họp khẩn ngay tại xã Cẩm Thịnh. Hôm đó trời mưa như trút, bùn lầy ngập gối, ông tất tả chạy đi huy động bốn xe công nông và máy cày chở bà con đến tham gia. Sau vụ đó việc phá rừng bị chặn đứng, các cơ quan điều tra ngay lập tức vào cuộc làm rõ những đối tượng liên quan. Rừng Kẻ Gỗ được cứu sống. 3.Hơn nửa năm trời chạy đôn chạy đáo cứu rừng, việc nhà ông bỏ bê không đụng đến, thấy ông mất hút tối ngày thậm chí nhiều hôm còn đi qua đêm, vợ con ông giận lắm. “Đã không chịu tu chí làm ăn lại còn lấy cả tiền tiết kiệm để mua máy ảnh tôi cứ tưởng ông ấy trăng hoa ong bướm ở đâu, không ngờ... Bây giờ thì tôi thương và phục nhà tôi lắm” - vẻ thẹn thùng, bà Quế, vợ ông, nhớ lại. Sau khi biết ông đi cứu rừng, bà con Cẩm Thịnh phấn khởi lắm, không ai bảo ai họ kéo đến chật cả nhà, người góp 2.000 đồng, người 5.000, 10.000 đồng giúp ông làm lộ phí. Bà Phan Thị Hòe cùng xóm với ông cảm kích: “Một mình ông Ngụ mà vừa chăm vợ ốm (ông từng phải đôn đáo đưa vợ chạy chữa ở Bệnh viện Bạch Mai, Viện 103), lo cho bốn đứa con ăn học, vừa cày cấy tám sào ruộng và kiêm luôn nghề mổ lợn. Cực nhọc thế mà ông còn đi làm việc xã hội không công thật đáng nể phục”. Ông Trần Đình Tiến, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, nói: “Không có ông Ngụ và những người tâm huyết với rừng chắc khu rừng quí Kẻ Gỗ giờ đã không còn”. Tháng 12-2006, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định chuyển đổi 6.543,3ha rừng phòng hộ đầu nguồn Kẻ Gỗ, lưu vực Rào Pheo thuộc địa bàn ba xã Cẩm Sơn, Cẩm Quan và Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên thuộc các tiểu khu 325A, 336A, 330, 319, 321 do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý, sử dụng sang đất sản xuất, chủ yếu trồng cây nguyên liệu phục vụ nhà máy gỗ băm dăm. Lợi dụng danh nghĩa này, một số cá nhân đã cho chặt phá rừng đầu nguồn để trục lợi. Tháng 10-2007 vụ án phá rừng Kẻ Gỗ được khởi tố, bảy cán bộ trong đó có hai đối tượng sai phạm chính là Nguyễn Trọng Hảo - đội trưởng đội bảo vệ số 6 Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ; Nguyễn Trọng Hải - trạm trưởng trạm số 1 (Hạt kiểm lâm Cẩm Xuyên) bị khởi tố với những tội danh: thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng rừng phòng hộ đầu nguồn và hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cảm kích: “Có công đầu và lớn nhất trong việc phát hiện, ngăn chặn vụ phá rừng Kẻ Gỗ thuộc về ông Ngụ và những người dân Cẩm Thịnh”.
Ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính THÀNH CHUNG 28/11/2024 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bí thư Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải THÀNH CHUNG 28/11/2024 Với 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 'room' tín dụng cho nhiều ngân hàng ÁNH HỒNG 28/11/2024 Ngân hàng Nhà nước vừa tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.