TTCT - Giữa không khí lạc quan của chính phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, góc nhìn của người nông dân thận trọng hơn dẫu họ vừa qua một năm bội thu. Giá lúa gạo không biết rớt lúc nào bởi thị trường đang "sốt" Ông Nguyễn Văn Đời. Ảnh: ĐẶNG TUYẾTÔng Nguyễn Văn Đời - giám đốc Hợp tác xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) trò chuyện đầu năm với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Vì sao ông có cái nhìn thận trọng như vậy?- Thực ra, chỉ nhìn giá lúa gạo thì phấn khởi nhưng năm 2023 vừa qua người nông dân đối mặt với không ít khó khăn. Đầu năm giá vật tư, phân bón tăng hơn 100% (so với năm 2021) nên chi phí sản xuất cao. Đến vụ thu đông vừa rồi giá phân bón giảm, giá lúa tốt nhưng năng suất giảm 30-40% do bị dịch muỗi hành. Vì vậy, mặc dù giá lúa bán được tới 7.900 - 8.000 đồng/kg nhưng thu nhập của nông dân năm 2023 chưa được như mong muốn.Đến vụ đông xuân này lúa bị dịch rầy phấn trắng, chi phí phòng trị rất cao, trước kia chỉ xịt một cữ thuốc, nay tăng ba cữ mà chỉ diệt được ấu trùng, con rầy trưởng thành không chết nên rầy tái đi tái lại. Với hợp tác xã của tôi, đến thời điểm này cơ bản thiệt hại ít, lúa vô bông đạt 95-97%. Nông dân kỳ vọng nhiều nhất vào vụ lúa đông xuân này vì thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt, giá phân bón ổn định, năng suất đạt cao nhất so với các vụ khác trong năm và giá lúa đang tăng.Theo ông, giá lúa năm 2024 có tiếp tục tăng? Người nông dân phải gieo trồng ra sao để được lợi nhuận cao trong năm 2024?- Về giá cả có mấy chuyện diễn biến. Trước Tết một tháng giá lúa cao thượng đỉnh, có nơi bán 10.000 đồng/kg vì các doanh nghiệp mua lúa trả nợ hợp đồng cuối năm. Nhưng khi vào Tết thì doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới, giá sụt khoảng 1.000 đồng/kg. Sát Tết giá lúa còn khoảng 8.600-8.700 đồng/kg (đối với giống OM380, Đài Thơm 8 tại xã Bình Thành).Theo kinh nghiệm của tôi thì giá lúa gạo "sốt" kiểu này thật khó lường, ví như bong bóng bay cao phải rớt. Các doanh nghiệp đang rất thận trọng, chỉ mua lúa đủ trả đơn hàng chứ không dự trữ nhiều vì thị trường nay lên mai xuống.Trước mắt vụ đông xuân giá lúa tốt nhưng sau nữa thì chưa biết. Nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, giá gạo Việt Nam giảm thì giá lúa sẽ xuống. Mấy ngày nay mình nghỉ Tết, gạo Thái Lan sụt 20 USD/tấn nhưng Việt Nam vừa trúng 400.000 tấn gạo đi Philippines và một số nước nên giá gạo tăng.Tôi có tham khảo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đa số đều xuất khẩu cầm chừng để trả nợ hợp đồng cũ chứ không mạnh tay mua lúa trữ, ôm lúa lúc này nhiều chi phí, nguy cơ lỗ.Những diễn biến thực tế đầu năm 2024 cho thấy thị trường và tự nhiên đang ủng hộ người nông dân: giá vật tư giảm khoảng 40% so với năm 2023, nguồn nước ổn định, xâm nhập mặn chưa có, sản xuất lúa vẫn đảm bảo.Sau thu hoạch, nông dân phải nắm lịch xuống giống, biết con gì gây hại thời điểm nào để chủ động phòng trừ, ngay thời điểm dịch bệnh phải nắm được cách điều trị. Năm rồi là xử lý dịch muỗi hành, năm nay điều trị rầy phấn trắng… Trồng lúa tốt cho năng suất cao là cách duy nhất người nông dân có thể làm để bảo đảm thu nhập cho mình, còn thị trường vô chừng, không nắm được.Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: ĐẶNG TUYẾTNhiều người cho rằng giá lúa gạo lên xuống thất thường do thương lái "làm giá". Hoạt động trong nghề lâu năm, ông thấy đúng không?- Trước đây, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu mới đủ điều kiện xuất khẩu gạo nhưng hiện nay quy định đã được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo tức nhiều đầu mối mua lúa. Ghe mua lúa của các doanh nghiệp lúc nào cũng đậu sẵn dưới kênh, lúa đẹp thì thu nhanh hơn, không đẹp có quyền lựa chỗ khác, doanh nghiệp không cần trực tiếp lên đồng kiểm tra như trước.Tôi thấy nếu không có thương lái thì nông dân và doanh nghiệp đều "chết đứng". Doanh nghiệp giao cho thương lái cầm tiền đi mua chứ bản thân doanh nghiệp không thể đi tiếp xúc từng hộ để mua lúa, nông dân chỉ biết thương lái chứ ít người biết mình bán lúa cho doanh nghiệp nào.Điển hình như hợp tác xã Bình Thành bán lúa cho thương lái theo vùng, tới ngày cắt có cò lúa đi coi, được giá thì một người đại diện lấy cọc, kêu máy cắt. Định ngày xong nông dân xách bao ra đồng cắt lúa, cân chuyển xuống ghe xong, lấy tiền về mà không biết mình bán lúa cho ai, máy nào cắt. Khi bán lúa được giá, suôn sẻ thì nông dân vỗ tay khen, khi có chút trục trặc thì nông dân đổ thừa cho thương lái làm giá.Hiện nay, các doanh nghiệp chọn thông qua hợp tác xã để làm đầu mối ký hợp đồng với nông dân. Hợp đồng không ký ngay từ đầu vụ mà gần đến ngày thu hoạch mới định giá. Nếu trước ngày cắt lúa mà giá lúa tăng hay giảm so với hợp đồng thì hai bên sẽ chia đôi phần chênh lệch. Qua hợp tác xã, nông dân không dám "bẻ kèo" vì mức phạt rất nặng. Hợp tác xã cũng có những ràng buộc chặt chẽ với thương lái (như buộc đặt cọc cao) để thương lái không bỏ cọc.Với các diện tích lúa nằm ngoài hợp tác xã, nếu không được doanh nghiệp bao tiêu thì nông dân sẽ tự thương lượng với thương lái. Thời gian gần đây, nông dân ngoài hợp tác xã có xu hướng liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp giống, phân thuốc, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu lúa. Cách làm như vậy sẽ giảm đi tình trạng nông dân "bẻ kèo", thương lái bỏ cọc, làm giá…Nông dân Đồng Tháp vừa được mùa vừa bán được giá cao. Ảnh: ĐẶNG TUYẾTHiện nay, người nông dân ra đồng có máy móc công nghệ cao trợ giúp, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí sản xuất. Ông còn băn khoăn điều gì ở vụ sản xuất năm nay?- Cách đây 15 năm, không nói riêng chuyện trồng lúa, mình mua một ghe cát cất nhà giá 40.000 đồng thì phải mướn người đội cát từ ghe lên bờ hết 160.000 đồng, còn giờ làm đường cao tốc, máy móc thổi nền lên 3-4m khỏe re.Tương tự chuyện sản xuất, ngày xưa "con trâu đi trước cái cày theo sau", tôi mướn nhân công xới đất, ban ngày phải đội cơm nóng, đêm đến lại phải đội gà, vịt, cơm cháo ra đồng sưng cái đầu mà họ chưa làm tới đất mình. Cứ vậy cho đến khi lúa sạ xong, rồi tới rải phân, xịt thuốc, thu hoạch…, khâu nào cũng rất hao tốn chi phí, nhân công.Từ 5 năm trở lại đây, nông nghiệp có bước chuyển mạnh mẽ nhất. Ban đầu là bình xịt thuốc bằng máy 7 béc quơ một vòng giáp nửa công ruộng thay thế bình thủ công gạt tay, rồi đến drone làm được cả 3 công đoạn sạ lúa, rải phân, xịt thuốc... Nông dân giờ ngồi trên bờ, tích tắc là hoàn tất rải phân, xịt thuốc hàng chục ha lúa, không còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ ngày này qua ngày khác như xưa.Tuy nhiên hiện nay cơ chế chính sách cho hợp tác xã còn hạn chế, thuế thu nhập còn cao (khoảng 20%), một số dịch vụ bán lẻ chịu thuế VAT từ 5% - 10%. Căng nhất là tới đây điện được phép lên giá 3 tháng/lần ở mức dưới 5% một lần (năm rồi đã tăng hai lần khoảng 7,5%).Nếu Chính phủ không can thiệp thì sẽ khó cho nông nghiệp, bởi hiện nay 100% diện tích lúa hợp tác xã bơm tưới bằng điện. Năm 2018-2019 tiền điện của hợp tác xã chỉ hơn 350 triệu đồng, năm 2022 tăng lên hơn 1 tỉ đồng, năm 2023 còn khoảng 900 triệu đồng do tiết kiệm. Trước kia tiền điện tính giá bình quân, hiện nay tính giá theo định mức thêm một năm có 2-3 lần tăng giá thì sẽ khó khăn hơn.■ Gói ghém để vượt giai đoạn hậu covidKhi dịch COVID-19 diễn ra, Hợp tác xã Bình Thành của ông Nguyễn Văn Đời "vững như bàn thạch". Nhưng hai năm sau dịch, hợp tác xã cũng như nhiều doanh nghiệp khác "thấm đòn" suy thoái kinh tế. Trong khi trên thị trường cái gì cũng tăng giá nhưng chi phí dịch vụ cung cấp cho người dân không được tăng. Như năm 2023, tiền điện tăng 7,5% nhưng hợp tác xã phải gói ghém tiết kiệm, cắt giảm những thứ khác để bù vô chứ không tăng phí dịch vụ. Các dịch vụ của hợp tác xã vẫn "chạy" bình thường nhưng nhân viên vất vả hơn trước bởi phải điều tiết thời gian, tiết kiệm điện, tập trung tối đa nguồn lực vào cán bộ nòng cốt, ít thuê mướn. Có gói ghém như vậy mới không tăng chi phí sản xuất và giữ cho nông dân một khoản thu nhập ổn định sau mỗi mùa thu hoạch. Tags: Thị trường lúa gạoBong bóng bayDoanh nghiệp xuất khẩuXuất khẩu gạoGiá lúa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".