Lễ Tạ ơn không có gà tây

TRÚC ANH 30/11/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Cần phải nói ngay năm nay người Mỹ vẫn có gà tây cho bữa tối mừng lễ Tạ ơn (25-11), bất chấp lo lắng nguồn cung thiếu hụt trước đó. Tuy nhiên, ngay cả khi thiếu món linh hồn của bữa tiệc thì với nhiều người không có vấn đề gì, thậm chí càng hay, bởi với họ, hai mùa Tạ ơn gắng gượng với COVID-19 vừa qua là cơ hội để mạnh dạn xóa bỏ truyền thống phải có bằng được gà tây cho ngày này.

 
 Ảnh: iStock

 Từ khi có COVID, lễ Tạ ơn của người Mỹ không còn như trước nữa. Với mùa lễ năm ngoái, những buổi đoàn tụ gia đình bị hủy hoặc thu nhỏ quy mô, còn năm nay, khi đã có thể tề tựu trở lại, vấn đề nằm ở chỗ làm sao lo đủ bữa tiệc tối truyền thống, trong tình hình giá cả leo thang vì lạm phát và hàng hóa thiếu hụt vì chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn tắc nghẽn.

Trong thời buổi cái gì cũng thiếu thốn, người ta thậm chí còn lo mùa Tạ ơn này sẽ không có gà tây. Đến mức trang Vox phải làm ngay một “cuộc điều tra” xem “có hay không sự thiếu hụt gà tây”. 

Thực tế không đến nỗi, gà tây vẫn có chứ không thiếu, có điều giá cao và khó đến tay người dùng nhanh và dễ dàng như trước, nên phải tranh thủ mua sớm và phải áp dụng tinh thần như khi tiêm vắc xin: “Gà tây Tạ ơn ngon nhất là con gà mà bạn có thể mua”, chớ không còn chuyện chọn lựa cho đúng kích cỡ, thương hiệu yêu thích. 

Nhờ báo chí cảnh báo, chuyên gia mách nước từ sớm nên khi số báo này tới tay bạn đọc, người Mỹ cũng vừa kịp quây quần bên bàn tiệc Tạ ơn, dù phải móc hầu bao kha khá. Nhưng sẽ có người tiếc nuối vì lại lỡ mất cơ hội thay đổi truyền thống.

Miễn cưỡng không hạnh phúc

Viết trên tờ The Boston Globe ngày 19-11, cây bút tự do Tom Keane cho rằng điều anh thấy biết ơn nhất trong lễ Tạ ơn này là sự thiếu hụt gà tây. Keane không cho rằng thiếu gà tây là thảm họa như mọi người lo lắng, mà trái lại, đó là một món quà, một cơ hội cuối cùng cũng đến để dẹp hẳn món gà tây cho tiệc Tạ ơn. “Hãy thẳng thắn nhìn nhận đi nào. Chúng ta đâu có khoái món này. Chúng ta ăn nó vì buộc phải thế, chứ không phải vì ta muốn thế” - Keane viết.

Tác giả cho rằng xét về mặt ẩm thực, gà tây là món thảm họa. Các tạp chí nấu ăn, các trang web ẩm thực năm nào cũng có bài cho rằng gà tây ăn không ngon là do người nấu không biết cách, sau đó đưa ra “mẹo nấu nướng mới nhất” để có món gà hoàn hảo. Năm nào người ta cũng làm theo và kết quả vẫn vậy: chúng khô khốc và nhạt thếch, vì “vấn đề không phải do bạn mà chính tại con gà tây, thứ vốn dĩ nhạt nhẽo và vô vị”.

Theo Keane, việc gà tây và các món dọn cùng với nó chỉ xuất hiện trong mùa lễ Tạ ơn đã nói lên nhiều điều. Quẳng vài miếng bít tết lên lò, mọi người ùn ùn kéo đến. Rủ đến nhà ăn gà tây, thiên hạ vội vàng cáo bận. Trừ tháng 11 ra, không nhà hàng nào cho gà tây vào menu, siêu thị cũng không chất chúng đầy kệ. “Món đặc biệt mỗi năm chỉ có 1 lần hả? Ơn Chúa, ai mà muốn ăn chúng 2 lần trong năm chứ?” - tác giả viết như có thù với món ăn tội nghiệp.

Sau khi chê không thương tiếc (Khi mọi người thay nhau bày tỏ lòng biết ơn trước khi vào tiệc, tôi sẽ nói mình biết ơn vì bữa tối này sẽ kết thúc trong vài giờ nữa), Tom Keane cho rằng bất cứ cái gì cũng có thể thay thế tốt hơn gà tây trong bữa tối Tạ ơn. Tốt nhất là với các món mà ta lúc nào cũng có thể vui vẻ mời mọi người ăn, vì “nếu chúng ngon quanh năm suốt tháng, hẳn sẽ đủ ngon để dành cho ngày thứ năm thứ tư của tháng 11 (tức lễ Tạ ơn)”.

Đã có khảo sát về độ yêu thích dành cho món gà tây trong buổi tối Tạ ơn của người Mỹ. Chẳng hạn, một thăm dò trên 1.092 người tuổi từ 18 trở lên cho thấy món bị ghét nhất trên bàn tiệc trong dịp này là xốt nam việt quất (29,92% người phản hồi), theo sau là gà tây (28,09%). Món ít bị chê nhất là cà rốt (12,08%). 

Theo khảo sát không chính thức của AFBF, công ty bảo hiểm đại diện cho ngành nông nghiệp Mỹ, tại các cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc, một con gà tây nặng 16 cân Anh (7,2kg) năm nay có giá trung bình 24 đôla, đắt hơn gần 5 đôla so với năm ngoái. 

Chi phí trung bình để chuẩn bị bữa tối lễ Tạ ơn cho 10 người - bao gồm gà tây, hỗn hợp nhồi, khoai, đậu, khay rau, bánh bí ngô, cà phê và sữa - vào khoảng 53,31 USD, tăng 14% so với năm ngoái. Lạm phát, các vấn đề về chuỗi cung ứng và “nhu cầu thực phẩm cao trên toàn cầu, đặc biệt là thịt” đều góp phần làm tăng giá cả, theo Veronica Nigh, kinh tế gia của cơ quan này.

Gì cũng được chứ đừng gà tây

Năm ngoái, khi người Mỹ đón lễ Tạ ơn mà chưa có vaccine, nhiều đầu bếp và cây bút ẩm thực đã khuyến khích mua gà tây nhỏ hơn (bình thường là 4,5 - 9kg/con hoặc hơn), mua theo phần thay vì nguyên con, hoặc khỏi có món này luôn. Nhân đà đó mà Rachel Askinasi, cây bút ẩm thực của Insider, còn cho rằng “không có gà tây nên là bình thường mới” của những bữa tiệc Tạ ơn.

“Đừng vờ vịt nữa, chúng ta đâu có thích gà tây. Gà tây chả ngon lành gì trong ngày lễ Tạ ơn hay bất kỳ ngày nào khác” - Askinasi viết, gay gắt không kém Tom Keane. Tác giả cho rằng khi số khách dự tiệc giảm mạnh so với mọi năm, và nếu một nửa số người ngồi vào bàn ăn chả hứng thú gì với món thịt gia cầm kia, thì chả cần nấu nướng món đấy làm gì cho nhọc, thay vào đó hãy nhân cơ hội này mà thử vài công thức mới hay làm các món thịt nướng khoái khẩu của cả nhà.

Askinasi cũng chê thịt gà tây không thương tiếc và bất bình vì phải ăn món này trong lễ Tạ ơn chỉ vì “phong tục xưa nay nó thế”. Gà tây nhạt nhẽo nên mới phải đi kèm với hàng tá món rau củ, bánh trái, và hiếm khi nào được nấu đúng, thành ra thường khô và “thỉnh thoảng - và cũng thảm họa nhất - là rã đông chưa hết”. 

Đó là chưa kể món gà to cộ lúc nào cũng thừa khi tiệc tan, chủ nhà và gia quyến phải ăn phần còn lại trong mấy ngày liền mới hết (Nói xem, bao nhiêu ngày liên tục trong tuần quý vị có thể ăn - và thấy thích thú - thịt gà tây thừa?).

Những tiếng nói như của Keane và Askinasi không hẳn là lạc lõng. Sheinelle Jones, phát thanh viên chương trình Today của kênh NBC, thú nhận trong một buổi phát sóng ngay trước lễ Tạ ơn 2020 rằng bản thân không thích gà tây nhưng vẫn làm món đó khi đãi tiệc chỉ để làm vui lòng khách.

Tác giả sách nấu ăn Priya Krishna khi tham gia podcast ẩm thực Recipe Club của đầu bếp và chủ nhà hàng nổi tiếng David Chang cũng không giấu giếm: “Tôi ghét gà tây. Chưa từng thích. Mỗi lần ăn gà tây tôi chỉ ước mình đang ăn món khác”. Người chủ trì podcast cũng tán thành, khi kết thúc chương trình bằng lời khuyên: “Đừng nấu gà tây; hãy gọi gà rán”.

“Nghiêm túc đấy, hãy bỏ qua món gà tây! Nó thậm chí còn không ngon. Và khi căng cả bụng với món rôti khoái khẩu hay một đĩa mì ống dễ chịu và tinh tế, tôi chắc rằng bạn sẽ chả bao giờ tiếc nhớ gà tây” - Askinasi kết luận.

Tiếc là số đông vẫn cảm thấy phi gà tây bất thành tiệc Tạ ơn. Năm ngoái thì tìm cho bằng được gà tây cỡ nhỏ, năm nay thì tranh thủ “săn lùng” gà và các nguyên liệu khác cho ngày lễ từ sớm. “Lễ Tạ ơn là phải có gà tây” - Tonya Nash, cư dân TP Atlanta (bang Georgia), tuyên bố với Đài NPR, khi tìm mua gà tây cỡ nhỏ hồi năm ngoái. 

Còn năm nay, báo Wall Street Journal dẫn trường hợp điển hình: Alex Hart, sống ở TP Shoreline (bang Washington), từ tháng 9 đã đặt mua gà tây và gom dần các nguyên liệu khác, đến giữa tháng 11 là mọi thứ sẵn sàng để nấu tiệc mời bạn bè thân, bù cho năm ngoái chỉ có 3 người trong nhà ăn tối với nhau vì virus corona.■

Lễ Tạ ơn là ngày lễ đặc trưng của Mỹ, tổ chức vào ngày thứ năm thứ tư của tháng 11 hằng năm. Người Mỹ mỗi năm ăn khoảng 46 triệu con gà tây vào dịp Tạ ơn. Có ý kiến cho rằng gà tây đã có mặt trong buổi lễ Tạ ơn đầu tiên vào năm 1621, khi những người di dân từ Anh đến Mỹ mời người bản địa đến dự tiệc để cảm ơn họ, nhưng giả thuyết này không được các ghi chép lịch sử ủng hộ. Tuy vậy, gà tây, một cách tự nhiên, đã trở thành món chính của tiệc Tạ ơn khi tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố dịp này thành ngày lễ chính thức vào năm 1863 vì nhiều lý do: chúng là đặc trưng của vùng Bắc Mỹ; có sẵn trong nhà dân, cần là thịt ngay; kích thước lớn, một con là đủ cho rất nhiều người ăn, theo bách khoa toàn thư Britannica.

Gà tây và lễ Tạ ơn trên bưu thiếp năm 1908. Ảnh: Getty Images

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận