Lênh đênh thuyền buồm

DƯƠNG THẾ HÙNG 28/01/2013 04:01 GMT+7

TTCT - Một chiếc thuyền buồm kiểu dáng châu Âu được đóng tại Việt Nam dưới bàn tay của những người thợ trẻ đang mong muốn tiếp cận phương pháp đóng thuyền buồm bằng gỗ hiện đại của phương Tây.

Ít ai biết rằng mọi chuyện khởi đầu từ một duyên may.

Chiếc thuyền buồm L.J.B. đã đóng xong phần vỏ và cabin - Ảnh: D.T.H.

Một ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm xưởng đóng thuyền buồm của anh Lưu Nhật Trường (38 tuổi, nhóm trưởng phụ trách kỹ thuật nằm trong khu vực cảng Đông Xuyên, Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Chiếc thuyền to cao chiếm gần hết diện tích nhà xưởng, dài 22m, rộng 6m, cao 3m, đã xong phần vỏ và cabin, toàn thân sơn màu trắng. Nhóm thợ đang gọt giũa các thanh gỗ để ghép thành cột buồm.

Điều ấn tượng nhất là hai cột buồm cao 23m, đường kính rộng tới 40cm để chịu được sóng gió. “Để đảm bảo đi giáp vùng biển Đông, từ Việt Nam qua Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, cả vùng Đông Nam Á và chỉ chạy bằng buồm” - anh Trường cho biết hải trình dự kiến của con thuyền sau khi hoàn thành. Đây là loại thuyền buồm phổ biến nhất hiện nay trên thế giới, tên gọi theo tiếng Anh là Schooner.

Duyên may

Năm 2007, Trường (tốt nghiệp khoa ngoại ngữ, ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận lời mời làm phiên dịch cho một dự án đóng thuyền buồm tại Việt Nam của ông Derek Taylor, người Scotland. Chiếc thuyền có tên L.J.B., phiên bản gốc là con thuyền Tree of Life được thiết kế bởi ông Ted Brewer, kiến trúc sư hàng hải người Canada, đóng năm 1985 và từng vào top 100 chiếc thuyền đẹp nhất của tạp chí chuyên ngành Sail Magazine.

Ông Taylor đã mua bản thiết kế con thuyền này và nhờ ông Luc Vernet, một chuyên gia thiết kế thuyền buồm, “độ” lại theo hướng sang trọng và tiện nghi hơn, đồng thời thuê một nhóm chuyên gia người Scotland sang đảm nhận kỹ thuật đóng thuyền.

Trong lúc làm phiên dịch, anh Trường phải nghiên cứu những từ ngữ chuyên dùng, xem bản thiết kế gốc cùng bản “độ” lại mới diễn đạt đúng và đầy đủ ý nghĩa của nó giữa chuyên gia nước ngoài và người Việt. 

Quá trình triển khai thi công, từ lúc đặt thanh gỗ đầu tiên làm “long cốt” (tức xương sống của con thuyền) cho tới khi đặt cái cong đà, lên những ván be và hoàn thành bộ khung, anh Trường đã nhập tâm những kỹ thuật đóng thuyền buồm từ chuyên gia nước ngoài hồi nào không biết. Khi đóng được 2/3 vỏ thuyền thì nhóm chuyên gia về nước. Dự án phải tạm ngưng một thời gian do không tìm được người thực hiện thay.

Quá nóng ruột vì dự án kéo dài, anh Trường mạnh dạn đề nghị đứng ra đảm nhận kỹ thuật đóng phần còn lại của con thuyền. Đề nghị của người phiên dịch trẻ khiến ông Taylor sững sờ vì khó tin. Ông không biết rằng anh Trường đã có nhiều năm kinh nghiệm với nghề đóng tàu cá ở quê anh, khu Bến Đá (phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu).

Năm 16 tuổi, Trường đã theo cha và các anh đi đóng tàu cá mướn cho các chủ tàu. Anh đã quen với những công việc của người thợ đóng tàu như cưa, đục, uốn những thanh đà, cong, ván be, lắp mũi, cabin… theo kiểu tàu cá Việt Nam thường thấy. Những tàu cá này thường đóng thủ công, theo kiểu truyền thống, tức càng nặng càng bền chắc, nhưng có nhược điểm là lực cản nước nhiều, di chuyển chậm, hao nhiên liệu.

Riêng kỹ thuật đóng cabin thì người dân chỉ thích sao cho đẹp chứ không nghĩ tới tiện ích của nó, khiến thủy thủ không có chỗ nghỉ ngơi tốt, chậm hồi phục sức lực, năng suất đánh bắt thấp. Từ lâu anh Trường đã ôm ấp ước mơ được tiếp cận kỹ thuật đóng tàu hiện đại hơn, làm ra những con tàu tiện ích hơn cho người sử dụng. Và mơ ước cũng chỉ là ước mơ.

Không ngờ với duyên may được tiếp cận con thuyền L.J.B., anh Trường cứ nôn nao chờ đợi quyết định của ông chủ dự án. Để tìm hiểu năng lực của Trường, ông Taylor đã nhờ ông Luc gặp gỡ và trao đổi với anh rất kỹ về bản thiết kế, về khả năng nắm bắt kỹ thuật của anh và cả dự kiến những người thợ sẽ tham gia cùng anh. Ông Luc rất ngạc nhiên trước kiến thức cũng như am hiểu tường tận kỹ thuật đóng thuyền buồm trên thế giới của anh Trường.

Nhờ vốn tiếng Anh học được từ đại học, cộng với quãng thời gian làm việc thực tế với các chuyên gia cùng việc nghiên cứu thêm nhiều tài liệu nước ngoài, Trường có thêm tự tin nhận lãnh trọng trách này. Anh hết sức hứng thú với kỹ thuật đóng thuyền hiện đại của châu Âu, đặc biệt thuyền buồm khác xa thuyền máy.

Boong thuyền bao giờ cũng rộng rãi, mũi thon dài, lực cản nước ít, đặc biệt có cái “long cốt” giúp thuyền chẻ nước lướt băng băng. Dưới long cốt lúc nào cũng dằn cục chì nặng cả 30 tấn giúp thuyền giữ thăng bằng, nhờ đó mà thuyền nghiêng tới 45 độ cũng không bị lật. Sức chứa của thuyền là 18-20 người (kể cả thủy thủ đoàn), trọng tải 20 tấn.

Với những hiểu biết đó, Trường tự tin trình bày nguyện vọng của mình và mạnh dạn giới thiệu những người thợ tay nghề cao, có kinh nghiệm lâu năm cộng tác với anh thời còn làm ở xưởng đóng tàu cá. Cuối cùng, ông Derek gật đầu.

Anh Lưu Nhật Trường trên boong chiếc L.J.B. đang hoàn thiện phần nội thất - Ảnh: D.T.H.

Chăm chút từng chi tiết

Những ngày cuối năm 2012 cũng là thời điểm Trường cùng những người thợ của mình bước vào giai đoạn hoàn thiện nội thất con thuyền. Dẫn chúng tôi đi một vòng trên boong tàu, anh chỉ rõ từng chi tiết nhỏ mà chủ dự án yêu cầu phải làm cho bằng được. 

Đó là những rãnh thoát nước, tưởng đơn giản lại hết sức phức tạp. Chúng nằm quanh đường viền bằng gỗ của cửa kính, liên kết chặt chẽ với cabin, rồi từ đó dẫn xuống boong thuyền, đưa nước thoát ra ngoài mạn.

Vai trò chủ yếu của nó là không để lọt bất cứ giọt nước nào vào bên trong. Hoặc vị trí những lỗ thoát nước trên mạn thuyền có chức năng thoát nước, nhưng lại ngăn giữ được những vật dụng nhỏ của khách vô tình đánh rơi, sẽ ở lại boong thuyền chứ không rơi xuống biển. Thật là ý nhị và vẹn toàn.

Còn trên boong, vì là nơi du khách thường lên đó thưởng ngoạn nên sẽ được lát toàn bằng gỗ teck, loại gỗ quý nhập từ nước ngoài. Trên đó cũng sẽ bố trí một bàn tiệc vừa đủ cho 7-8 người, có đủ các món nướng đánh bắt tại chỗ từ biển khơi, trong hành trình con thuyền. Ở đuôi thuyền, anh Trường và thợ phải hoàn thiện một phòng VIP chỉ để cho một người ở, trong đó có đầy đủ tiện nghi cao cấp, phòng ngủ, phòng tắm, kể cả phòng xông hơi… Ngoài ra, con thuyền sẽ có phòng đọc sách, xem tivi, phòng tiệc, phòng hội thảo cho nhóm mười khách trở lại.

Con thuyền sẽ thực hiện những chuyến du lịch từ 5-7 ngày trên biển, khách chỉ việc đặt tour rồi xách túi lên tàu. Mọi chuyện ăn uống, vui chơi, thưởng ngoạn trời biển sẽ có êkip 7-8 người vừa phục vụ vừa là thủy thủ. Hãy thử tưởng tượng ngồi trên chiếc thuyền buồm sang trọng, lênh đênh nhiều ngày trên biển cả, không có tiếng động cơ gầm rú, không có mùi hăng hắc của dầu máy, không khói bụi ô nhiễm, chỉ có tiếng sóng gió, biển cả và trời mây bao la… cảm giác sẽ lâng lâng tới cỡ nào.

Chiếc “day boat” vừa hạ thủy chạy thử dọc bờ biển Vũng Tàu - Ảnh: D.T.H.

Ước mơ thuyền buồm “made in Việt Nam”

Trường bộc bạch: “Với bờ biển dài hơn 3.200km, chúng ta có tiềm năng dồi dào về phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch biển. Thuyền buồm du lịch biển là một trong những tour hấp dẫn du khách mà các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore phát triển rất mạnh. Mỗi nước có không dưới cả ngàn chiếc phục vụ du lịch. Với chiếc L.J.B. này, doanh nhân Việt Nam có thể kết hợp đi du lịch với hội thảo chuyên đề, bàn chuyện làm ăn rất phù hợp. Hoặc đi một vòng ra Côn Đảo, đến Phú Quốc vài ngày thì thú vị biết bao”.

Để chứng minh điều thú vị đó, Trường sử dụng ngay chiếc thuyền buồm vừa đóng xong, đưa khách đi chơi thử một vòng quanh bờ biển Vũng Tàu. Chiếc thuyền nhỏ này anh gọi nó là “day boat”, có nghĩa là “thuyền chơi trong ngày”, dài 5,4m, rộng 2,4m, có thể chở 4-5 người. Trường cho biết đây đã là chiếc “day boat” thứ ba (hai chiếc trước anh đã giao cho khu du lịch Flamingo Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc).

Với chiếc “day boat” này, khách sẽ có dịp đi từ bãi Trước, bãi Sau hoặc bãi Dâu qua đảo Long Sơn thăm thú, ăn tôm hùm nướng, qua Cần Giờ, lênh đênh trên biển cả ngày rồi về.

Chúng tôi lên thuyền để Trường dong buồm ra khơi. Quả là không gian êm đềm, không có tiếng máy, không có bụi bặm ồn ào, chỉ có sóng gió, biển cả và tiếng nước vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Không cần động cơ, chiếc thuyền vẫn băng băng lướt sóng trong niềm phấn khích của mọi người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận