Lịch sử dạy ta gì về bùng nổ kinh tế sau đại dịch?

TUẤN SƠN 11/05/2021 04:00 GMT+7

TTCT - Ở thời điểm này, liệu có viển vông khi kỳ vọng vào cú bung mình của những chiếc lò xo kinh tế bị đè nén vì đại dịch suốt hơn một năm qua? Nếu lịch sử là định chế tham khảo đáng tin cậy, câu trả lời là có.

 
 Tranh vẽ Johannes Gutenberg (phải) tại xưởng in. Có ý kiến cho rằng “Cái chết đen” đã tạo cơ hội cho Johannes Gutenberg đặt nền móng ngành công nghiệp in ấn ở châu Âu vào thế kỷ 15. Ảnh: Britannica

Ở thời điểm hiện tại, dù COVID-19 vẫn đang tiếp tục ám ảnh các nước nghèo, phần giàu có của thế giới đang trên đà bùng nổ về kinh tế sau đại dịch. Tại những nước này, các biện pháp giãn cách đang dần được nới lỏng và dỡ bỏ khi tiêm chủng đại trà giúp kéo giảm số ca nhập viện và tử vong.

Kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng trên 6% trong năm nay, cao gần gấp 3 so với trước dịch. Các quốc gia khác trong nhóm G7 cũng có tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự báo cao bất thường, từ 1,5-3 lần so với mức tăng trưởng GDP trung bình 4 năm trước dịch, theo phân tích của Economist.

Lần gần nhất những diễn biến bất thường nói trên xảy ra là trong thời kỳ bùng nổ kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, giới kinh tế gia đã tiếp tục giở lại quá khứ, ngõ hầu dự đoán được điều gì sắp xảy ra, theo Economist.

Lịch sử cho thấy, sau những giai đoạn đứt gãy phi tài chính như chiến tranh hay đại dịch, GDP thật sự bật trở lại. Dịch tả đầu những năm 1830 đã giết chết gần 3% dân số Paris chỉ trong một tháng. Bệnh dịch kết thúc cũng là khởi đầu cho thời kỳ phục hồi kinh tế mạnh mẽ, với việc Pháp theo chân Anh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 19.

Lịch sử cũng cho ta ba bài học về xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng và cấu trúc nền kinh tế sẽ thay đổi ra sao dưới tác động của khủng hoảng.

Đầu tiên, dù tâm lý của số đông bây giờ là muốn được ra ngoài và xài tiền, nỗi ám ảnh về những sự cố không thể lường trước vẫn thường trực và có thể thôi thúc người dân tiếp tục giữ tiền. Bằng chứng từ các đại dịch trước đây cho thấy người dân có xu hướng gia tăng tích lũy tiết kiệm khi các cơ hội chi tiêu không còn. 

Vào các năm 1919-1920 khi dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành, người Mỹ đã tích trữ nhiều tiền mặt hơn bất kỳ năm nào sau đó. Kỷ lục này chỉ bị phá khi Thế chiến thứ hai nổ ra: giai đoạn 1941-1945, các hộ gia đình Mỹ đã tích lũy số tiền trị giá khoảng 40% GDP.

Thứ hai, khủng hoảng khuyến khích người dân và doanh nghiệp thử những cách làm mới và chấp nhận các rủi ro lớn hơn. Nhiều nhà sử học tin rằng Cái chết đen - trận dịch hạch lịch sử đã giết chết 30-60% dân số châu Âu vào thế kỷ 14 - đã khiến người châu Âu thích phiêu lưu mạo hiểm hơn. Giong buồm ra khơi đến những vùng đất mới so với nằm ở nhà chờ chết xem ra ít rủi ro hơn hẳn.

Một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ công bố năm 1948 cho thấy số lượng công ty khởi nghiệp đã bùng nổ từ năm 1919, sau dịch cúm Tây Ban Nha. Trở lại hiện tại: trong năm qua, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lại một lần nữa nở rộ khắp nơi để lấp đầy những khoảng trống do các mô hình kinh doanh cũ không thể sống sót qua mùa dịch để lại.

Cuối cùng là bài học, hay đúng hơn là lời cảnh báo: biến động chính trị thường đến sau đại dịch, kéo theo những hệ quả kinh tế khó lường. Khi quá nhiều người ta thán cuộc sống khó khăn, giới chính khách không thể ngó lơ. 

Bài học này dường như đang ứng nghiệm: các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới giờ đây ít quan tâm hơn đến việc giảm nợ công hoặc ngăn chặn lạm phát, mà mục tiêu quan trọng nhất là giảm tỉ lệ thất nghiệp. 

Một nghiên cứu mới đây của nhóm học giả Trường kinh tế London phát hiện COVID-19 đã khiến người dân châu Âu có cái nhìn ác cảm hơn trước sự bất bình đẳng.

Trong một số trường hợp, những bất mãn không được giải quyết đã bùng nổ thành rối loạn chính trị. Một nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn 2013-2016, dịch bệnh Ebola đã làm tăng 40% bạo lực dân sự ở Tây Phi. Một nghiên cứu khác gần đây của IMF xem xét ảnh hưởng của các đại dịch ở 133 quốc gia kể từ năm 2001 và rút ra rằng chúng đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể tình trạng bất ổn xã hội.

Theo Economist, bất ổn xã hội dường như có xu hướng đạt đỉnh điểm 2 năm sau khi đại dịch kết thúc. “Hãy tận hưởng sự bùng nổ (kinh tế) sắp tới khi có thể. Sớm thôi, câu chuyện có thể sẽ có bất ngờ” - tạp chí này viết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận