TTCT - Cuộc tranh luận về giá trị của giáo dục tổng quát (GDTQ) đang tiếp diễn trong giới giáo dục ĐH. Tỉ lệ thất nghiệp cao của những người tốt nghiệp những ngành không đào tạo các kỹ năng “cứng” của một nghề nghiệp cụ thể được dẫn chứng cho mối lo ngại này khi các công ty không tìm được đủ người để làm những công việc đòi hỏi chuyên môn sâu về kỹ thuật.

Sinh viên lớp Statistics for Businese SB-DH41 ISB tại Viện Đào tạo Quốc tế. Ảnh: Tự Trung


Đồng thời, các công ty và doanh nghiệp cũng đánh giá cao những kỹ năng “mềm” như thể hiện cảm xúc, vận dụng trí thông minh, nhận thức toàn cầu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề và giao tiếp xã hội.

Thất nghiệp và thiên kiến

Việc “giảm giá” bằng cấp ĐH còn mạnh thêm bởi khả năng hoàn vốn của nó đang giảm. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, trong vòng mười năm kể từ năm 1997, chi phí trung bình để lấy được bằng cử nhân ở trường công, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 30% trong lúc khả năng tìm kiếm thu nhập của người có bằng cử nhân thì vẫn thế.

Rõ ràng đang có một khoảng cách giữa giáo dục và thị trường việc làm. Khoảng cách này ngày càng lớn một phần là do mức tăng theo cấp số nhân của những thay đổi công nghệ.

Cuộc tranh luận trở nên mạnh mẽ hơn trong các trường ĐH, đặc biệt là khi thảo luận về tỉ lệ thời lượng giữa các môn GDTQ với những môn chuyên ngành, ví dụ kế toán, tài chính, kỹ thuật hay công nghệ thông tin.

Giảng viên có một ấn tượng sai lạc rằng những nỗ lực nhấn mạnh kỹ năng cứng hoặc kỹ năng mềm có ý nghĩa loại trừ nhau và phần lớn tin rằng những gì họ dạy là có giá trị nhất, nhà trường phải dành nguồn lực thích đáng cho thứ này thay vì thứ kia.

Kết hợp những điều này với thiên kiến của các trường về kỹ năng cứng hay kỹ năng mềm là cơn bão sa thải đang lan rộng ở nhiều trường ĐH và cao đẳng. Nó khiến quá trình ra quyết định ở các trường bị gây nhiễu. Vậy “Làm thế nào để chúng ta làm tốt nhất cả hai: GDTQ và đào tạo chuyên ngành?”.

Trường ĐH Harvard là nơi tạo ra mô hình hiện đại trong giáo dục ĐH ở Hoa Kỳ. Các trường chuyên ngành được thành lập trước đó như trường y khoa (1782), trường luật (1817), khoa học tự nhiên (1847) và nha khoa (1867).

Các môn GDTQ và xã hội nhân văn được coi là môn bắt buộc đối với sinh viên Harvard chỉ từ cuối những năm 1940. Sinh viên phải đăng ký hơn 1/3 tổng số giờ học cho các môn này, phải học ít nhất một môn trong mỗi lĩnh vực: khoa học xã hội, các ngành nhân văn và khoa học tự nhiên.

Trong thập kỷ 80, ý tưởng về môn tự chọn bắt đầu hình thành ở Harvard tạo ra tiền lệ cho các trường bốn năm đào tạo chuyên ngành có thể đưa GDTQ vào chương trình đào tạo của họ.

Hiện nay người ta có thể lấy bằng liberal arts mà không nhất thiết có phần chuyên ngành đi cùng. Đó có thể là bằng cử nhân cao đẳng nghệ thuật, trong đó 60 tín chỉ đều là các môn thuộc GDTQ.

Những người ủng hộ GDTQ tin rằng nó giúp người học có một nền tảng giáo dục rộng và sâu hơn. Một trường liberal arts sẽ hỗ trợ cho việc đào tạo xuyên ngành và mang lại cho người học một quan điểm rộng lớn hơn trong khi học tập, nghiên cứu về nghệ thuật.

Nhìn chung, GDTQ tạo ra những người có tinh thần khai phóng và có khả năng thích nghi tốt hơn trong một xã hội đang thay đổi không ngừng. Với ý tưởng đó, mục đích chủ yếu của việc xây dựng chương trình GDTQ là tạo ra những môn đa dạng và năng động, có thể giúp người học hiểu biết nhiều vấn đề khác nhau, học được cách trân trọng sự đa dạng về văn hóa và nhận thức.

Ngược lại, chương trình đào tạo dựa trên chuyên ngành thì nhấn mạnh tính hiệu quả về một lĩnh vực chuyên môn. Một sinh viên theo học cử nhân kỹ thuật cơ khí chẳng hạn, sẽ cần hoàn tất 136 tín chỉ với 30 tín chỉ GDTQ và một số ít đề tài/dự án truyền thông và cộng đồng.

Những môn liberal arts thuần túy như lịch sử nghệ thuật, văn minh phương Tây hay văn học không phải là yêu cầu bắt buộc. Nhu cầu phải thành thạo các kỹ năng chuyên môn như kỹ thuật, kiến trúc, công nghệ thông tin, khoa học máy tính... mạnh tới nỗi các môn liberal arts giảm sút đáng kể.

Ban thưởng từ thị trường tự do

Để chuẩn bị tốt hơn cho người học bước vào thế giới việc làm, các trường phải gắn kết nhiều hơn với các doanh nghiệp. Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã đạt được điều này qua hoạt động thực tập của sinh viên - người học sẽ làm việc ở một công ty hay doanh nghiệp vài ngày mỗi tuần trong một học kỳ.

Một mô hình khác do Trường ĐH Cincinnati khởi xướng từ năm 1906 là đào tạo hợp tác với các doanh nghiệp.

Sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên có thể chọn học toàn thời gian trọn một học kỳ và làm việc toàn thời gian một học kỳ trong một công ty theo chuyên ngành đã chọn. Chương trình hợp tác này mất 5 năm học thay vì 4 năm. Tuy nhiên, người học có được 12 tháng kinh nghiệm việc làm khi họ tốt nghiệp.

Các trường ĐH và các doanh nghiệp phải mở rộng quan hệ đối tác trong hoạt động nghiên cứu để sinh viên được tiếp cận những thành tựu khoa học hiện đại nhất trong chuyên ngành. Một cách tiếp cận khác là giảng viên sẽ làm việc với các doanh nghiệp khi xây dựng chương trình để nội dung đào tạo gắn bó mạnh mẽ hơn với nhu cầu của thế giới việc làm.

Giới doanh nghiệp cũng cần dành nguồn lực thích đáng cho việc củng cố và cải thiện chương trình đào tạo của các trường, vì nó sẽ có tác động trực tiếp tới chất lượng nguồn nhân lực. Giới giảng viên cần có thái độ cởi mở với những góp ý từ bên ngoài trong lúc duy trì tự do học thuật trong trường và đáp ứng những đòi hỏi về kiểm định.

Các trường có thể tiếp tục làm phong phú chương trình GDTQ, cùng với sự nhấn mạnh những kỹ năng mềm và tạo điều kiện cho sinh viên thụ đắc kỹ năng kỹ thuật khi gắn với thực tiễn của chuyên ngành. Chúng ta có thể và cần phải làm cả hai.

Thị trường lao động đòi hỏi những đặc điểm có được từ cả hai: GDTQ và đào tạo chuyên ngành. Đó là một thị trường tự do, nơi sẽ chỉ ban thưởng cho những ai có thể thay đổi và thích nghi với những đòi hỏi của nó. Các trường cần phải đánh giá lại tính hiệu quả của mình một cách trung thực trong từng môn học là để tối đa hóa hiệu quả mang lại cho người học.

Khả năng thứ hai là đóng cửa trường - một điều thật khó mà chấp nhận nổi đối với các trường cũng như với các doanh nghiệp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận