TTCT - Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên có gói kích thích kinh tế để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi virus corona. Liệu chính sách này có là cần thiết? Các cơ sở chế biến, kho thanh long đã thu mua với mức giá 15.000 - 20.000 đồng/kg để cung ứng cho các đầu mối phía Trung Quốc đặt mua và các doanh nghiệp chế biến sản phẩm thanh long trong nước. Ảnh: Sơn Lâm Dịch bệnh COVID-19 khiến các hãng hàng không Việt Nam ước tính mất khoảng 10.000 tỉ đồng doanh thu ban đầu sau khi lệnh cấm bay đến Trung Quốc có hiệu lực. Ngành du lịch nghỉ dưỡng cũng công bố sẽ thiệt hại hàng tỉ USD trong 3 tháng tới khi du khách quốc tế sụt giảm. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN Index tụt dốc chỉ còn 934 điểm vào ngày 18-2, giảm gần 6% so với ngày 22-1. Giữa tâm bão, cùng yêu cầu phải đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm nay, nhiều hiệp hội doanh nghiệp và giới phân tích khuyến nghị Chính phủ nên ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế hợp lý. Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chính sách tiền tệ năm nay có thể được nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Vì dịch virus corona, cộng nhiều sự cố trên thế giới khác như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay Brexit đều đang tác động lớn đến Việt Nam. “Tôi cho rằng nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Trong đó có vấn đề tìm cách giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đối với một số đối tượng của nền kinh tế” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất (cafef.vn 18-2). Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng đã đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn. Tất nhiên một chính sách hỗ trợ, đặc biệt là gói tín dụng lãi suất thấp có thể là liệu pháp kích thích hiệu quả cho các bệnh nhân đang ốm yếu, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn hạn chế về năng lực tài chính. Tuy vậy, nó có thể làm trầm trọng thêm một số vấn đề lớn của nền kinh tế, đặc biệt khi xét đến triển vọng dài hạn. Ngày cuối tuần, phố đi bộ Hồ Gươm vẫn nườm nượp du khách tới tham quan dù đang trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: HIẾU THƯƠNG Thật vậy, hiện quy mô tín dụng của toàn bộ nền kinh tế đang ở mức rất cao (135% GDP). Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây đã liên tiếp thực hiện các chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng để hạn chế rủi ro của hệ thống tài chính trước các cú sốc của kinh tế thế giới cũng như kìm hãm dòng vốn chảy vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ là 12,1% và là mức thấp nhất trong năm năm gần đây. Vì vậy, nếu xuất hiện một gói hỗ trợ tín dụng vì dịch corona, sẽ đi ngược lại nỗ lực lành mạnh hóa hệ thống tài chính của Ngân hàng Nhà nước vốn rất khó khăn mới thiết lập được, đồng thời có thể khiến nợ xấu quay trở lại trong các năm sau đó. Hiện vốn tự có của các ngân hàng vẫn khá mỏng. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hệ số an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 9-2019 là 12%, tiếp tục giảm nhẹ so với mức 12,14% cuối năm 2018. Đặc biệt, tỉ lệ CAR khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chỉ đạt 9,78%, tức khó lòng hấp thụ được các cú sốc lớn. Một rủi ro khác cần cân nhắc là liệu gói hỗ trợ, nếu được triển khai, có mang đến lợi ích thực chất cho các đối tượng cần hỗ trợ, hay sẽ lặp lại trường hợp của gói kích thích năm 2009, khi phần lớn dòng tín dụng lại đổ vào bất động sản và chứng khoán, tạo nên bong bóng tài sản rất nguy hiểm ngay sau đó. Một chính sách bơm tiền mạnh tay cũng có thể khiến lạm phát quay trở lại giữa lúc chỉ số CPI tháng 1-2020 tăng tới 6,43% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhớ trong quá khứ, Việt Nam loay hoay với các giải pháp mang tính tình thế với các gói kích thích mạnh tay khi nới lỏng cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa để rồi sau đó lại phải vội vã áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ khắc nghiệt khi lạm phát leo thang và tỉ giá căng thẳng. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định chính thức về gói hỗ trợ mới, Chính phủ sẽ phải cân nhắc rất thận trọng trước những đánh đổi giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời Chính phủ cần ưu tiên các chính sách ổn định vĩ mô, tái cơ cấu các khu vực kinh tế chưa hoạt động hiệu quả, cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Đó mới là những việc khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Còn bơm tiền vào nền kinh tế bằng một “gói kích thích” là điều dễ dàng, nhưng xử lý các hậu quả của nó lại là chuyện khác.■ Tags: Việt NamTăng trưởng kinh tếCOVID-19Gói kích thích kinh tế
Ông Medvedev: Nga sẽ đáp trả hạt nhân nếu phương Tây chuyển giao vũ khí này cho Ukraine NGHI VŨ 26/11/2024 Theo ông Medvedev, một khi phương Tây chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Matxcơva có thể xem đó là một cuộc tấn công vào Nga.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Anh trai vượt ngàn chông gai ra nhóm nhạc; Eun Jung T-Ara du lịch Việt Nam LAN HƯƠNG 26/11/2024 Một số thông tin nổi bật: Anh trai vượt ngàn chông gai chuẩn bị ra mắt nhóm nhạc; Hoa hậu Lê Hoàng Phương lột xác trong Bước nhảy hoàn vũ; Thành viên T-Ara du lịch Việt Nam; Hé lộ sự thật đằng sau Hoa hậu Hoàn vũ 2024.
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.