TTCT - Giả dụ chúng ta thu nhỏ xã hội cả triệu lần còn lại một nhóm người, bỗng dạt vào một hoang đảo nào đó. Lúc đó mọi vấn đề xã hội, chính trị, tôn giáo, y tế, giáo dục... về bản chất là cùng nhau “tổ chức cuộc sống” sao cho tốt nhất cho hiện tại và có trách nhiệm với các thế hệ tương lai trên hoang đảo đó. Phóng to Tranh: Lê Thiết Cương Nay dù có bung trở lại cái giả định trên để giữ nguyên xã hội như đang có, mọi vấn đề suy cho cùng cũng là nỗ lực “tổ chức cuộc sống” như nói ở trên. Có đại biểu Quốc hội vừa đi Myanmar về tuyên bố: “Tôi đi Myanmar thấy tụt hậu cách ta 30 năm trước” (báo Lao Động). Đây là nhận xét chủ quan của người nói nên không thể phán xét đúng sai. Có thể Myanmar trong mấy chục năm qua đã “tổ chức cuộc sống” theo cách sai lệch nên bị tụt lại đằng sau, nhưng điều chắc chắn là họ đã nhận ra điều đó và đang có những nỗ lực “tổ chức lại”. Không bao lâu họ sẽ đuổi kịp chúng ta trong khía cạnh “tổ chức cuộc sống”. Nhìn xã hội ở góc cạnh này, có lẽ Nhật Bản là nơi cho chúng ta cái cảm nhận rõ nét nhất: dường như mọi chuyện ở đây xoay quanh khái niệm “tổ chức cuộc sống” sao cho an toàn, sạch đẹp, tiện nghi, văn minh, lịch sự, tôn trọng con người và môi trường... Dường như mọi hoạt động của người dân Nhật Bản, nhất là chuyện giáo dục, là nhằm để phục vụ các hoạt động “tổ chức cuộc sống” này. Đó vừa là cái hay vừa là cái dở của xã hội này. Cái hay là một Nhật Bản, ít nhất là những nơi người viết được đi qua, quan sát và chứng kiến, được tổ chức một cách tốt nhất, tốt theo nghĩa không thể dùng đơn vị năm để so sánh sự tụt hậu của chúng ta với nước họ - chục năm hay trăm năm cũng khó theo kịp họ. Nhưng để duy trì mức độ này, có lẽ mức độ căng thẳng trong cuộc sống của Nhật Bản cũng cao không kém. Nếu đặt những câu hỏi đơn giản, rằng những nỗ lực “tổ chức cuộc sống” đã mang tính dành cho tất cả mọi người chưa, hay vẫn chỉ “sao cho tốt đẹp nhất” với một thiểu số khiến việc tổ chức đó, cách thức tổ chức đó làm cho đa số còn lại phải chịu những khó khăn, thua thiệt, bất công đến đâu sẽ thấy ngay câu trả lời. Và liệu đó có phải là cách “tổ chức cuộc sống” đang dựa vào những công thức cũ kỹ, đã bị chứng minh là không hiệu quả ở những nơi khác, nhưng vì giúp cho thiểu số nói trên duy trì được ưu thế với đa số còn lại nên được bảo vệ bằng mọi giá? Cuộc sống có cái hay là muôn màu muôn vẻ, không ai có thể định khuôn mẫu cho một cách “tổ chức cuộc sống” duy nhất đúng, duy nhất hiệu quả, duy nhất mang đến hạnh phúc cho mọi người. Nhìn thành phố khổng lồ như Tokyo hay thậm chí một nơi nhỏ hơn nhiều như Đà Nẵng, làm sao ai có thể đứng ra tổ chức việc cung ứng rau xanh cho toàn bộ dân cư tiêu thụ trong một ngày? Thế mà ngày xưa có lúc chúng ta nghĩ là làm được và cố gắng làm bằng mọi giá. Chỉ đến nay, khi mọi việc trôi chảy đến nỗi không ai nghĩ đến hệ thống cung ứng tự động này khi ăn rau xanh, người ta mới nhận ra không một tổng công ty, không một hệ thống chính thức nào có thể liên tục, không ngừng nghỉ, không sai chậy, không dư thừa, không thiếu thốn, cứ liên tục, liên tục cung ứng rau xanh cho vài trăm ngàn đến cả chục triệu con người. Tất cả đều chỉ nhờ vào một quy luật được cuộc sống tự khai sinh và tự duy trì: quy luật cung cầu. Thế thì tại sao bây giờ vẫn còn nhiều ảo tưởng rằng chúng ta có thể “tổ chức cuộc sống” tốt nhất bằng các bàn tay hữu hình, từ các “nắm đấm” kinh tế đến các chương trình giáo dục nặng nề, không mang tính thực tiễn? Thế giới loay hoay với các phương thức “tổ chức cuộc sống” khác nhau. Cách nào cũng được, chỉ có điều phải tôn trọng nguyên lý “cùng nhau làm”. Ở Mỹ, các nghị sĩ bên ngoài thì xem như tranh cãi cách “tổ chức cuộc sống” có trách nhiệm với mai sau khi nói chuyện nợ nần của nước họ, nhưng bên trong thực chất là giành quyền được “tổ chức cuộc sống” sao cho có lợi cho mình hay nhóm của mình nhất. Ngay lập tức mọi người nhận ra điều cốt lõi này và có phản ứng tức thì. Chắc chắn các nghị sĩ Mỹ phải tự điều chỉnh nếu không muốn bị thải loại để người khác thay mặt dân “tổ chức cuộc sống” cho tất cả. Với chúng ta, “tổ chức cuộc sống” như thế nào cho tốt nhất là chuyện phải cùng nhau tranh luận cho ra lẽ, nhưng một khi cái nguyên lý “cùng nhau” nói trên không được tôn trọng, lúc đó không phải là “tổ chức cuộc sống” nữa mà giành nhau không gian sống như thời tiền sử. Tags: NGUYỄN VẠN PHÚPhiếm đàm
Thuế mới cho hộ kinh doanh: Cần bước đi phù hợp NGUYỄN NHẬT KHANH (Trường ĐH Kinh tế - Luật) 26/06/2025 1641 từ
Túi Hermès Birkin: Từ biểu tượng thời trang đến tài sản đầu tư của Gen Z NGỌC KHANH 25/06/2025 1919 từ
Tin tức sáng 1-7: Giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí; TP.HCM cảnh báo khẩn dầu phong thấp giả LÊ THANH 01/07/2025 Tin tức đáng chú ý: Giảm một nửa mức thu hơn 40 khoản phí, lệ phí; Quy định mới từ 1-7 doanh nghiệp cần lưu ý; TP.HCM cảnh báo khẩn dầu phong thấp Trường Thọ giả...
Tin tức thế giới 1-7: Mỹ cảnh báo áp thuế cao sau 9-7; Nga kiểm soát làng mới ở miền Trung Ukraine THANH HIỀN 01/07/2025 Mỹ cảnh báo các nước sẽ bị áp thuế cao sau ngày 9-7 nếu không đạt thỏa thuận; Tỉ phú Elon Musk lại kêu gọi lập đảng mới quan tâm đến dân hơn.
Khởi tố vụ án làm lộ đề toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 TUỔI TRẺ ONLINE 01/07/2025 Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án vô ý làm lộ bí mật nhà nước để điều tra vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT xảy ra tại Hà Nội vào ngày 26-6.
Cơn địa chấn lớn FIFA Club World Cup 2025: Inter Milan bị loại ở vòng 16 đội HOÀI DƯ 01/07/2025 Rạng sáng 1-7, Inter Milan đã nói lời chia tay FIFA Club World Cup 2025 khi để thua Fluminense 0-2 ở vòng 16 đội.