Logistics cho doanh nghiệp: Hãy đợi đấy!

TRUNG TRẦN 06/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Khi chính quyền buộc mọi hoạt động của một siêu đô thị như Sài Gòn phải đứng yên một thời gian để kiểm soát dịch bệnh, gần như mọi chuyển động buộc phải dừng lại một cách đột ngột.

Người dân chấp nhận điều đó trên cơ sở mong chờ các hành động hỗ trợ hợp lý để họ có thể tồn tại ở mức tối thiểu trong thời gian thành phố sống trong không khí “thời chiến”. 

Vận tải và kho vận của doanh nghiệp đã gặp rất nhiều trắc trở suốt thời gian chống dịch. Ảnh: lecvietnam.com

 

Có thể nhận thấy, người dân Sài Gòn đồng thuận với chính quyền và chia sẻ tích cực với những động thái siết chặt quyết liệt được áp dụng. 

Khi nhận thấy giải pháp đi chợ hộ gây quá tải cho hệ thống nhân lực của phường, hầu hết các tổ dân phố, tòa nhà chung cư đã thành lập đội tình nguyện để hỗ trợ, kết hợp với shipper công nghệ. 

Bài toán giao nhận dân sinh, được chính người dân giải quyết, trước hết vì logic cuộc sống thường nhật. Nhu cầu của họ phải được giải quyết bởi chính họ.

Không có đội tình nguyện nào cho doanh nghiệp

Nhưng với doanh nghiệp, không có một đội tình nguyện viên nào cả. Câu chuyện được báo chí cảnh báo và đã kêu gào hơn một tuần nay, là làm sao để xe của doanh nghiệp có thể lưu thông được trên đường? 

Phải thấy rằng hầu hết doanh nghiệp đã chấp nhận yêu cầu dừng các hoạt động lưu thông từ ngày 23-8 để chính quyền có thời gian kiểm soát những gì trước đó họ bỏ lỡ cơ hội kiểm soát.

Doanh nghiệp biết các cơ quan công quyền cần thời gian để giải quyết những vấn đề gây ra bởi sự dừng gãy đột ngột. Nhưng thời gian đấy là bao nhiêu ngày? 

UBND TP.HCM ngày 21-8 ra quy định về các đối tượng được phép ra đường và các đầu mối chịu trách nhiệm cấp phép. 

Ngày 23-8, UBND TP lại ra tiếp quy định bổ sung các đơn vị được phép lưu thông. 

Ngày 24-8, Sở Công thương, sau khi nhận được nhiều lời kêu cứu của doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ”, ra một văn bản đề nghị cấp thêm cho các đối tượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất và do... UBND các cấp chịu trách nhiệm.

Tức việc các doanh nghiệp sản xuất có được ra đường hay không không phải là trách nhiệm của sở này. Thêm một ngày nữa, ngày 25-8 có thông báo sẽ dùng giấy đi đường mẫu mới của ngành công an. 

Thêm hai ngày nữa, khi một số doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục cấp giấy phép đi đường, họ nhận được thông tin hết phôi in giấy phép, hãy đợi đấy!

Nếu một doanh nghiệp cần đến 7 ngày để trả lời yêu cầu của khách hàng (như cách mà các cơ quan công quyền đã làm), thì chắc chắn 100% doanh nghiệp đó sẽ phá sản sau cũng chừng ấy ngày. 

Với lý do hết phôi in giấy phép thì người ta không hiểu được mức độ ứng dụng công nghệ thông tin để chống dịch của các cơ quan này là mấy chấm không?

Giải thích chuyện này, hơi cay đắng, nhưng bản chất vấn đề có thể bởi đó là rắc rối của doanh nghiệp, chứ không phải của cơ quan công quyền. 

Việc doanh nghiệp hoạt động được hay không hiện giờ không có tác động trực tiếp gì lên công cuộc chống dịch, nên không nhất thiết phải làm nhanh?!

Nếu Sở Công thương chịu một phần trách nhiệm về số thuế phải thu hằng năm của doanh nghiệp, liệu sở này có đổ trách nhiệm sự chậm trễ cho các tổ chức ban ngành khác không? 

*** Error ***

 

Còn nếu tìm một lý do nào khác, thì có thể đấy là những hàng rào kỹ thuật mà các cơ quan hữu trách buộc phải triển khai để hạn chế lưu lượng giao thông vì mục đích chống dịch. 

Trong trường hợp đó, với cuộc chiến chống COVID-19, doanh nghiệp phải được coi là chốt chặn cuối cùng, vừa phải chấp nhận mọi thiệt thòi, vừa phải duy trì sản xuất. 

Bản thân doanh nghiệp hiểu điều đấy. Tuy nhiên, cái gì sẽ là cọng rơm cuối cùng chất lên con ngựa đang kiệt sức, họ không được biết.

Không cần nói đi nói lại chuyện đứt gãy hệ thống logistics sẽ ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp như thế nào và gây mất mát ra sao cho nền kinh tế và sinh kế của dân chúng. 

Nhưng cũng phải nhắc lại là cả thế giới đang bị dịch và những doanh nghiệp không thể lý giải với khách hàng ở bất cứ đâu rằng tôi không thể giao hàng vì dịch. 

Bởi câu trả lời là nếu thế, chỗ nào có dịch mà vẫn có thể giao hàng, chúng tôi sẽ chuyển đơn hàng đang đặt chỗ quý vị qua đấy.

Phận sự của nhà nước

Việt Nam đã cần hơn 30 năm nỗ lực để có được những đơn hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng có thể chỉ cần 6 tháng để mất gần hết những đối tác đấy. 

Chủ doanh nghiệp không mong Sở Công thương hay cơ quan nào chuyên cấp giấy phép cho xe của doanh nghiệp ra đường hiểu đến như thế. 

Doanh nghiệp chỉ cần nhà chức trách hiểu cho rằng một trong những điều cốt lõi để cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả đúng nghĩa, là phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của mình, ngay cả lúc bình thường, chứ đừng nói ở trạng thái khẩn cấp như bây giờ.

Thật thất vọng khi giới doanh nhân không nhận được sự thông hiểu và hỗ trợ, tương đối thôi, từ phía các cơ quan công quyền, để họ có thể hoạt động đúng theo quy định. 

Cơ quan công quyền không chịu hiểu, hay khả năng của họ không đủ linh hoạt để ứng phó với các tình huống khẩn cấp? Và luôn được biện minh bởi một con ngáo ộp vô hình có tên quy trình?

Bản thân người viết ngay từ giữa tháng 6 đã đeo đuổi giải pháp để khối tư nhân giải quyết công việc của họ. 

Hãy nhìn vào hoạt động giao hàng dân sinh hiện nay: Grab, các nền tảng giao hàng công nghệ, và Zalo, đang gánh hầu hết công việc giao nhận cho cá nhân và hộ gia đình ở nội ô.

Với hệ thống vận tải cho các ngành sản xuất, chúng ta không có được nền tảng mạnh như thế, nhưng nếu để các doanh nghiệp vận tải tư nhân làm công việc shipper của Grab, Gojek... trên cơ sở nhúng nền tảng công nghệ sẵn có của họ vào hệ thống dữ liệu của các sở ban ngành, hay thậm chí với các app như di biến động... của công an thì chắc chắn có thể kiểm soát được lưu lượng vận tải trên đường tốt hơn rất nhiều so với cách làm gần như thủ công hiện nay.

Nếu các sở ban ngành có một nền tảng công nghệ và dữ liệu đủ mạnh, chắc chắn việc cấp giấy phép đi lại không cần đến gần một tuần để giải quyết, và càng giải quyết thì càng rối. 

Với mỗi giai đoạn diễn tiến của dịch bệnh, cơ quan kiểm soát lưu thông có thể đưa ra con số phương tiện vận tải tối đa để cấp quota số đầu xe cho các đơn vị vận tải chuyên nghiệp, được kiểm soát 5K theo đúng quy trình. 

Cộng với chính sách ưu tiên cho các ngành sản xuất thiết yếu được phép và đủ điều kiện hoạt động có thể tiếp tục sử dụng hạn chế phương tiện của chính doanh nghiệp, bài toán sẽ giải được.

Cụ thể, không gì khả thi hơn là mời các chuyên gia có kinh nghiệm thực chiến trong lĩnh vực vận tải công nghệ, dịch vụ, logistics, dịch tễ học cùng tham gia để đưa ra giải pháp. 

Thất bại của việc sử dụng tổ tư vấn hàn lâm trong thời gian vừa qua, hay việc chậm đưa ra giải pháp thay thế phương án “3 tại chỗ” hiện nay, thể hiện sự thiếu thực tế của các chính sách áp dụng cho doanh nghiệp. 

Sự thiếu thực tế này xuất phát từ 3 yếu tố: chất lượng tư vấn chính sách, giải pháp mang tính thực tế, và quan điểm không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Tình hình hiện tại, khả năng cao là dịch bệnh còn kéo dài ít nhất đến hết năm nay và tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, nơi tạo ra máu cho nền kinh tế vốn đã bắt đầu suy kiệt. 

Nếu không có sự thay đổi trong quan điểm và cách hành động của các cơ quan hữu trách, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.

Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ về chiến lược mới cho công cuộc phòng chống dịch là lấy đơn vị xã phường làm pháo đài. 

Thực tế chỉ ra, pháo đài đó được chia lửa rất tốt bằng chính người dân ở từng xã, phường. Các doanh nghiệp kinh doanh, cũng có thể coi như một đơn vị cấp pháo đài. Tiếc thay, họ đang khá đơn độc.

Xin hãy biết thương họ!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận