TTCT - LTS: Hồng Thanh Thoại Nhi là bà mẹ có con bị tự kỷ. Câu chuyện đầy nước mắt nhưng cũng rắn như thép của chị “Cuộc chiến của một người mẹ” đã được kể lại trên TTCT (số 9-2010 ra ngày 7-3-2010).

TTCT vừa gặp lại chị tràn đầy lạc quan khi chị chia sẻ một dự định tâm huyết không chỉ dành cho trẻ tự kỷ.

Cuộc chiến của một người mẹ
Nhật ký của mẹ và con

Phóng to
Fanta tại tiệm làm tóc ở thành phố thu nhỏ Weinberg Village

Từ sau bài báo ấy, gần hai năm qua chị vẫn ở Mỹ để tiếp tục chữa trị cho Fanta. Và chị đã tìm được một mô hình giáo dục “hơn cả tuyệt vời” cho con mình.

Thành phố thu nhỏ

Tại West Bloomfield, bang Michigan (Mỹ) có một trung tâm do cộng đồng người Do Thái cùng một số doanh nghiệp xây dựng và tài trợ hoạt động, dành cho trẻ em cần sự chăm sóc đặc biệt tên là The Meer Family Friendship Center, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2,4ha. Nhưng trung tâm của phức hợp này chính là Weinberg Village rộng hơn 2.000m2, nằm dưới mặt đất, được xây dựng như một thành phố thu nhỏ. Đây là một dự án dành cho trẻ khuyết tật, từ khiếm thị, khiếm thính, bại não, khuyết tật vận động đến trẻ mắc bệnh Down, tự kỷ... dựa trên phương pháp “giáo dục vì cuộc sống”: tạo ra một không gian như thật để giúp trẻ có cơ hội rèn luyện thông qua thực tế trải nghiệm nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập khi tiếp xúc với thế giới thực bên ngoài.

Trẻ bước vào đây sẽ gặp từ cửa hàng bán dược phẩm, thức ăn uống, quần áo tới tiệm bán các loại thú cưng, thậm chí có cả salon làm tóc, làm móng. Trẻ sẽ học cách đi mua sắm, trả tiền và cả cách boa cho nhân viên phục vụ.

Tại nhà hát Friendship, trẻ học cách xếp hàng mua vé, mua bỏng ngô, chọn chỗ ngồi... Thư viện West Bloomfield ở đây sẽ giúp trẻ dùng thẻ thư viện, sử dụng hệ thống phân loại sách của thư viện Mỹ, tìm kiếm thông tin trên Internet... Ngân hàng Huntington bày các em việc rút tiền mặt (tiền thật), giữ các hóa đơn, cách gửi lại tiền dư sau khi chi tiêu... Phòng khám Henry Ford với trang thiết bị hiện đại giúp trẻ làm quen việc khám bệnh, chữa răng...

Nơi đây có cả nhà bếp giúp trẻ học làm người phục vụ: nhận đặt món, chuẩn bị thức ăn, bưng bê phục vụ, giao tiếp với thực khách... Có cả nhà hàng để trẻ tập cách gọi món, cách xã giao khi ăn uống, ăn uống điều độ... Và thành phố dĩ nhiên phải có đường sá, có vạch vôi, có đèn xanh đèn đỏ... để trẻ làm quen với việc đi bộ hay đi xe đạp (cho thuê) đúng luật giao thông!

Phóng to
Chị Thoại Nhi và bé Fanta tại siêu thị - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vòng tay bè bạn

Toàn bộ hoạt động của trung tâm do Tổ chức Friendship Circle (*) điều phối. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động dựa trên ý tưởng hết sức độc đáo: kết nối mỗi trẻ em cần sự chăm sóc đặc biệt (trẻ khuyết tật) với một tình nguyện viên tuổi teen trên cơ sở một tình bạn lâu dài thông qua các chương trình hoạt động theo triết lý “giáo dục vì cuộc sống”.

Các tình nguyện viên này dĩ nhiên sẽ phải qua một khóa huấn luyện (bốn tuần) để nhận diện các loại khuyết tật, học cách tương tác với trẻ khuyết tật, cách ứng xử khi làm tình nguyện viên cũng như nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của tinh thần phục vụ cộng đồng. Hiện Friendship Circle có khoảng 450 tình nguyện viên tuổi 14-21, tự nguyện chăm sóc lâu bền theo tỉ lệ “một - một” với trẻ khuyết tật (dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về sức khỏe, tâm lý giáo dục, phát triển cộng đồng).

Các tình nguyện viên không chỉ có mặt cùng với trẻ trong các hoạt động tại trung tâm mà còn về tận nhà của trẻ để cùng nướng bánh, đọc sách, chơi game, làm thủ công... Thậm chí để chia sẻ gánh nặng của phụ huynh có con là trẻ khuyết tật, trung tâm có chương trình vui chơi tự do để trẻ được thoải mái sử dụng tất cả tiện nghi, dịch vụ của trung tâm không theo giáo trình như ngày thường, với sự có mặt của tình nguyện viên vào mỗi buổi sáng chủ nhật.

Trong thời gian đó, bố mẹ được thảnh thơi đi mua sắm, làm việc nhà hay nghỉ ngơi thư giãn hầu “nạp” lại năng lượng phục vụ cuộc hành trình lâu dài đưa con mình trở lại đời sống bình thường.

Friendship Circle đồng thời còn có khoảng 350 tình nguyện viên người lớn làm nhiệm vụ sắm vai “cư dân” trong thành phố như: nhân viên ngân hàng, thủ thư, chủ tiệm, bác sĩ, nha sĩ... hoặc là những nhà hướng dẫn chuyên môn cho trẻ như thầy dạy võ, thể thao, vẽ tranh, hát múa, khiêu vũ... Đó là những người không chỉ có chuyên môn phù hợp với vai trò của mình, mà còn là những bậc thầy về kiên nhẫn trong giao tiếp với trẻ khuyết tật vốn là những bạn nhỏ thụ động, mặc cảm, trái tính trái nết.

Phóng to
Fanta trong thành phố thu nhỏ Weinberg Village: Qua đường theo tín hiệu đèn giao thông... - Ảnh do nhân vật cung cấp

Xây “thành phố tình bạn” trên quê hương

Chị Thoại Nhi tâm sự: “Con gái tôi là một ví dụ điển hình cho sự thành công của mô hình này. Khi rời Việt Nam (năm 2005), Fanta hơn 5 tuổi và tôi rất đau lòng khi nhớ lại lúc đó con mình chỉ hơn người sống đời thực vật ở chỗ bé biết chạy nhảy!

Đến đâu bé quậy phá, la hét đến đó. Vào nhà hàng thì quăng bát đũa xuống đất, cướp thức ăn của các thực khách, đi siêu thị thì la hét, không chịu xếp hàng, đi khám răng thì bị trói nghiến vào một cái bàn như bàn mổ, khám bác sĩ, cắt tóc phải có bốn người như hộ pháp giữ chân giữ tay, móng tay thì mẹ phải rình cắt khi con đang ngủ và tất nhiên là không được đi học.

Cuộc sống của hai mẹ con lúc đấy là địa ngục trần gian và tôi thậm chí từng muốn tự sát. Bây giờ Fanta dù vẫn là một trẻ tự kỷ điển hình (vì cháu bị tự kỷ nặng) nhưng khi bước ra đường, đi siêu thị, vào nhà hàng... nếu tôi không nói ra sẽ không ai biết cháu là người tự kỷ.

Chỉ sau thời gian ngắn đến với mô hình này từ sau năm 2010 đến nay, nghĩa là chỉ hơn một năm, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một giờ vào “sống” trong thành phố mô phỏng ấy, con gái tôi đã tiến bộ không ngờ. Vào siêu thị hết phá phách, kiên nhẫn xếp hàng đợi trả tiền. Bé tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh...

Tháng 5-2011, tại hội thi Olympic dành cho trẻ khuyết tật ở trường, Fanta đã đoạt giải năm môn chạy, giải ba môn nhảy xa và giải nhất môn ném bóng! Các bạn của tôi cũng là những phụ huynh có con bị tự kỷ ở Sài Gòn rất bất ngờ và ấn tượng với sự thay đổi của Fanta khi mới gặp lại cháu mấy hôm nay”.

Tháng 2-2012, chị Thoại Nhi về Việt Nam mang theo dự định xây dựng một trung tâm hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập với xã hội, theo mô hình của Friendship Center tại Đà Nẵng.

Trả lời câu hỏi tại sao là Đà Nẵng mà không phải TP.HCM hay Hà Nội, chị nói không chỉ vì Đà Nẵng là quê hương, mà vì tại Hà Nội hay TP.HCM hiện nay đã có khá nhiều cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ khuyết tật. Trong khi đó ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, sự tiếp cận các phương pháp giảng dạy, điều trị tiên tiến cũng như kinh nghiệm giúp người khuyết tật hòa nhập xã hội còn khá chậm.

Chị kể: “Đi thăm Trường tiểu học chuyên biệt Tương Lai (cũng là để xin học cho Fanta nếu như chị có cơ hội trở về Đà Nẵng thực hiện dự án này), tôi rất đau lòng khi biết cả thành phố chỉ có một trường dành cho trẻ khuyết tật, và tất nhiên là không đủ nhu cầu giáo dục cho tất cả trẻ khuyết tật của thành phố. Đây là trường công, phải tuân thủ tỉ lệ 1:8 do Bộ GD-ĐT quy định nên trường không thể tiếp nhận nhiều học sinh hơn nữa”.

Phóng to
Học sử dụng Internet và đọc sách tại thư viện West Bloomfield - Ảnh do nhân vật cung cấp

Với mong muốn trung tâm này là một tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải mô hình kinh doanh của tư nhân, ý nguyện của chị là để mọi người khuyết tật dù giàu hay nghèo đều có thể được hưởng lợi từ mô hình này. Trình bày ý tưởng này với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, chị cho biết Sở Lao động - thương binh và xã hội Đà Nẵng đã gửi email thông báo về việc cử một cán bộ hỗ trợ chị phát triển ý tưởng này.

Trình bày sơ bộ ý tưởng này với Đại học Đà Nẵng, chị cũng được các thầy cô đồng cảm và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cũng như nguồn nhân lực từ khoa giáo dục đặc biệt của trường. Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai cho biết sẵn sàng đồng hành khi dự án được thực hiện.

Chị hi vọng nếu dự án này thành công sẽ có thể là một mô hình tốt để các nơi khác cùng thực hiện. Nó sẽ nâng tầm các đô thị lên thành những “thành phố đáng sống” bởi có một cộng đồng nhân văn, tạo cơ hội cho mọi người, cả những người bất hạnh, thiệt thòi nhất!

* “Tôi rất ủng hộ ý tưởng này và lạy trời cho nó thành hiện thực vì hiện ở TP Đà Nẵng và khu vực lân cận số lượng trẻ em bị khuyết tật nhiều nhưng ít được quan tâm. Nhà trường có thể phối hợp để kêu gọi sự giúp đỡ về chuyên môn và đào tạo của các tổ chức quốc tế trong cộng đồng Pháp ngữ. Thậm chí sẽ cử người qua giảng dạy nếu dự án hoàn thành”.

* “Đây là một ý tưởng tốt dành cho trẻ em khuyết tật. Lâu nay trường muốn mở rộng, thành lập một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ hoặc trẻ mắc bệnh Down nhưng không đủ lực. Nếu cô Nhi kêu gọi được sự tài trợ của cộng đồng quốc tế để phát triển dự án này thì quá tốt.

Trường Tương Lai sẽ tư vấn thêm về chuyên môn. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án này phải lưu ý một điều đây là những đối tượng đặc biệt, nên dạy cho các em kỹ năng sống là cực kỳ khó và cần sự kiên nhẫn lâu dài”.

__________

(*) Địa chỉ trang web của Friendship Circle: friendshipcircle.org

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận