Lượm trái bàng

TRẦN HUIỀN ÂN 26/02/2014 23:02 GMT+7

TTCT - Sáng nay, trời gió se se, ra đường thấy lá bàng phơi màu đỏ sẫm khắp các lối đi. Ngày tháng đã vào xuân, nhưng thời tiết vẫn còn ở cuối mùa đông, lành lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng và thú vị. Liền nhớ câu ca xứ Huế: Văn miếu trồng thông/ Võ miếu trồng bàng/ Ngó qua Xã Tắc hai hàng mù u...

Minh họa: viip

Cây thông có cốt cách văn nhân, mùa đông vẫn xanh tươi, trồng ở Văn miếu. Cây bàng gan góc chịu đựng, nắng lửa không nề, những phiến lá dày trước khi rơi rụng không héo úa mà chuyển sang màu đỏ, trồng ở Võ miếu. Cây mù u là nam mai trồng ở đền Xã đền Tắc.

Quê cụ Phan Thanh Giản ở Gãnh Mù U, cụ lấy bút danh là Mai Khê (khe mai). Nhiều nhà thơ coi cây bàng là biểu tượng của làng xóm. Đến một nơi xa, thấy cây bàng chạnh nhớ về xóm nhỏ. Cũng là cây bàng nhưng mỗi cây bàng mang một “hồn quê” riêng biệt.

Nhìn qua cây bàng ngoài thiên nhiên có hai dạng. Một dạng vươn lên tương đối cao, dáng vẻ mạnh mẽ, lá màu xanh đậm. Một dạng thấp, tán lá chia thành nhiều tầng, cách quãng nhau rõ rệt, như những chiếc lọng chắp chồng lên nhau, màu lá xanh lợt hơn, hơi bạc, mau ngả vàng ngả đỏ hơn. Theo ông nhà văn Vũ Bằng thì loại thứ hai này mới là bàng chính thống.

Ở quê tôi cây bàng không nhiều, mỗi làng có năm ba cây trồng trước sân đình, sân lẫm, sân trường, sân chợ, là loại bàng thân thấp. Những cây này trồng xong không cần chăm sóc, mặc kệ nó sống sao thì sống, và nó vẫn sống tốt, cho nên dù là cây trồng, trái bàng thuộc loại trái hoang, chẳng khác trái rừng, còn tệ hơn trái rừng là ra lúc nào, rụng lúc nào không ai để ý.

Cây bàng thuộc loại thân gỗ tầm trung bình. Lá đơn nguyên hình trứng ngược, rộng, thường tụ lại ở đầu cành, khi còn non màu xanh, khi già màu nâu đỏ. Cây ưa sáng, rụng lá về mùa đông. Cụm hoa như chiếc vòi dài, mọc ở đầu cành hay nách lá. Hoa cái thường ở phần gốc, hoa đực phần ngọn, ra hoa vào khoảng tháng 4 tháng 5, kết trái vào tháng 5 tháng 7. Trái bàng hình bầu dục dẹt, hai đầu hơi nhọn, vỏ láng, màu xanh, khi chín ngả màu hơi vàng.

Theo nhiều người cho biết thì thịt trái bàng chín ăn được, có vị ngọt, hạt cũng ăn được. Đối với chúng tôi, hạt trái bàng là món ăn vui của tuổi học trò bậc sơ học, tiểu học.

Văn hào Nhất Linh có tả chị em đứa bé Hà thành nhặt lá bàng vào một đêm đông. Vẫn biết rằng gió lên thì lạnh chúng vẫn “lạy trời” cho gió lên để lá bàng rụng nhiều. Chúng tôi không nhặt lá bàng. Lá bàng chỉ là thứ rác, làm phiền lòng ông cai trường, người góp chợ phải quét dồn lại hun đốt. Chúng tôi chỉ lượm trái bàng.

Có những buổi năm ba đứa thơ thẩn ở sân đình, sân lẫm, hoặc khi chợ đã tan, rác rưởi đã được dọn sạch. Có những buổi đến trường sớm hoặc chiều chủ nhật. Lượm mấy trái bàng khô, đặt trên một chỗ nào đó, chẳng hạn là một tảng đá cứng, dùng một viên đá khác đập lên. Hạt bàng vỡ ra, để lộ bên trong lớp nhân màu hơi trắng đục.

Có thể một chút bụi, một chút đất dính lên đó. Không sao. Lấy bàn tay phủi qua hoặc đưa vạt áo lên lau. Thế là sạch rồi, và chia nhau. Cảm nhận hương vị của hạt bàng, một chút ngọt ẩn giữa sự pha trộn béo béo, bùi bùi, dẻo dẻo. Sao dám bảo là không ngon? Cười lên cho lời khen thêm vui.

Ôi, cái thời... món gì cũng hiếm và ăn nghe cũng ngon. Bây giờ nhiều trái cây ngoại nhập và được lai tạo cho có chất lượng cao, mới nhìn qua đã thấy thèm muốn, chẳng đứa trẻ nào bận tâm đến những trái bàng rơi rụng. Một chút bụi, một chút đất... sẽ bị kêu lên là dơ bẩn, phải lập tức vứt bỏ. Nhưng chắc chắn nó không đến nỗi độc hại sâu hiểm như những chất thuốc bơm vào trái bom, trái lê căng mọng nõn nà.

Thiên nhiên chỉ vô tình làm bẩn trái rừng, thiên nhiên không lừa phỉnh con người như con người lừa phỉnh nhau, biết rõ là giết nhau đó mà chẳng ngại ngần gì.

Ôi, cái thời... lũ trẻ con chúng tôi sống trong vòng tay bao dung của thiên nhiên. Trái sim, trái lót, trái dôm, trái bàng... đều đem lại tiếng cười và tiếng cười nào cũng trong trẻo như gió lành, suối ngọt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận