Lụt thành phố

BÙI NGỌC LINH (ĐỒNG THÁP) 01/12/2013 01:11 GMT+7

TTCT - Thành phố tôi nổi tiếng với mưa. Mưa rả rích. Mưa dai. Mưa không thèm nặng hạt mà cứ miên man từng sợi, như người nằm mơ đếm tóc của mình.

Phóng to

Mưa chầm chậm, khoan thai như người con gái làm duyên với mây với phố. Mưa đến phát bực, nhưng lại là mưa nhớ. Có người bảo thành phố này sinh ra để mưa hay sao ấy, mưa suốt thế. Đâu, làm gì có, mỗi năm mưa có vài bận thôi à. Chậc, mỗi bận vài tháng chứ mấy! Thành phố tôi có sáu tháng mùa mưa.

Những ngày mưa trắng trời trắng đất, mưa từ sáng đến tối, mưa nối đêm với ngày, mưa đến nỗi đứng cách mỗi cái quán bánh bèo cũng không nhận thấy mặt nhau, thành phố thế nào cũng “được” lụt. Lại hớn hở cắp ô, xắn quần tung tẩy. Lại thấy lòng thành trẻ thơ.

Lụt thành phố ngắn lắm nên phải tranh thủ, không nước lại về với đồng với biển. Người lớn bì bõm với những lo toan cho gia đình ngày lụt, mệt mà... hay hay. Không dưng trời cho mình thảnh thơi nhiệm sở, sạp chợ, ngõ hẻm bán buôn một ngày rất là “lý do”, lại có cơ hội hiếm hoi để í ới hỏi thăm nhau nước lớn nước nhỏ thế nào, chứ ngày bình thường có ai rảnh đâu, với lại cũng phải có lý do gì mới “buôn dưa buôn cà” được chứ.

Lụt thành phố (hay ở đâu cũng vậy, chắc là thế), lụt của người lớn thì ít mà của trẻ con thì nhiều. Bình thường không để ý, lụt mới biết con nít phố mình nhiều phết. Chúng hớn hở được ngày nghỉ học, lại nghịch nước thỏa thuê mà không bị mắng. Khi người ta coi nước đến mang điều may thì ai lại mắng kẻ háo hức với nước bao giờ.

Trong cái mơn man xôn xao của nước, lại nghe cái đằm thắm xóm giềng ngày xưa len lỏi về. Lại thơm thơm mùi bánh chuối, khoai nướng, lạc rang... Thế nên năm nào không lụt tự dưng thấy nhớ.

Nhưng dạo này khác rồi. Đôi khi nắng vẫn lên, trời vẫn trong mà “phố bỗng thành dòng nước uốn quanh”. Lúc đầu ngạc nhiên quá đỗi. Dần dà thành quen. Thấy nước lên bất thường hay nhanh quá, người thành phố nói với nhau chắc xả lũ đây mà. Sự hứng khởi với lụt cũng bớt đi. Không còn cái cảm giác trẻ thơ chờ đợi. Hay tại người ta thường vẫn ưa chờ đợi những gì thuộc về tuần hoàn sinh diệt của tự nhiên.

Thêm bàn tay con người, lụt không nhỏ như mơ ước của trẻ nhỏ. Lụt đi qua thành phố với những bất trắc và nỗi buồn. Trẻ thơ hình như cũng cảm thấy được cả điều đó. Nên có muốn cũng lội ít đi, vì mẹ phải giặt giũ nhiều hơn, phải lo toan nhiều hơn trong khi cuộc sống đã không thiếu những gánh gồng nặng nhọc.

Lại nghe mọi người nói về những thành phố khác tiêu điều vì bão lụt, những con người khác không còn được nhìn thấy một mùa xuân nữa sắp đến, những đôi mắt khác mỏi mòn, đau đớn vì mất mát. Bất chợt ước một mùa mưa bình yên.

PHONG VÂN (Huế)

Ngọc

Tốp công nhân đứng dậy, trên bàn lủ khủ đĩa, tô, chén... Tất cả đều sạch bách. Bữa cơm trưa quán bụi của dân lao động mà. Ăn một đĩa chưa đủ đô, gọi chén cơm thêm, bụng mới tàm tạm ấm. Tô canh dù lạt lẽo, cái miệng cũng không chê, đánh gọn.

Ở một quán ăn thường thường bậc trung, hai đôi trai gái cũng thường thường bậc trung đang dùng cơm trưa. Họ vừa ăn vừa chuyện trò tình tứ... Họ ra về, đĩa nào cũng còn cơm, ít thì còn 1/4, nhiều gần nửa đĩa.

Tôi “bị” sếp gọi đi ăn bữa cơm thân mật. Phía sếp: 6; đối tác: 3. Địa điểm: nhà hàng khách sạn Rose. Dĩa cơm trắng thơm nghi ngút khói. Thức ăn: 10 đĩa + 2 lẩu kèm vài chục lon bia khai vị... Tiệc tàn (khách phải về gấp nên hẹn dịp sau sẽ đi tăng 2, tăng 3). 10 đĩa mồi, cái nào cũng còn nửa đĩa... Cơm gần như còn nguyên vẹn.

Chợt nhớ những lần về thăm quê mùa lúa chín. Nhớ cái vàng rực rỡ của lúa. Nhớ dáng mẹ, dáng em đang cắt, bó, anh đang suốt, ba đang phơi lúa... rộn rã cả cánh đồng. Những tấm áo đẫm mồ hôi, những khuôn mặt đỏ bừng, nhễ nhại nhưng rạng ngời niềm vui mùa lúa trúng. Tôi ngắm đồng lúa vàng óng ả rồi vốc lên tay những hạt lúa còn đẫm mồ hôi, hạt ngọc.

Những hạt ngọc đời có đáng bị bỏ rơi...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận