TTCT - Đặt chân đến xã Tam Dị (huyện Lục Nam, Bắc Giang) nhiều người ngỡ ngàng vì ở mảnh đất miền trung du xa xôi này mà đường làng bêtông bóng láng, nhà cao tầng mọc lên san sát, xe con tấp nập qua lại từ đầu làng tới cuối làng... Chính nghề xuất khẩu lao động đã đưa làng quê nghèo khó ngày nào lột xác như hôm nay. Phóng to Văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động của bà Ngọc - Ảnh: Lâm Hoài Phóng to Đã 60 tuổi nhưng bà Ngọc vẫn mỗi tuần hai lần lái xe hơi rong ruổi từ Bắc Giang tới Hà Nội - Ảnh: Lâm Hoài Phóng to “Giám đốc làng” Nguyễn Cao Cường bên bàn làm việc. Cường đã giúp đỡ được hàng trăm lao động trong làng ngoài xã đi ra nước ngoài làm việc - Ảnh: Lâm Hoài Theo những vị cao niên ở Tam Dị, những năm 1980 do cơ chế bao cấp ngăn sông cấm chợ cả xã này nghèo xơ xác, dân chỉ biết an phận với nhà tranh vách đất, sống dựa vào dăm ba sào ruộng chiêm trũng, vài mảnh đất bạc màu khô cằn. Đổi đời Đến những năm 1990, cơn gió kinh tế thị trường thổi vào, bỗng chốc mảnh đất nghèo trở mình đứng dậy. Phong trào đi lao động nước ngoài không rõ được người nào du nhập từ đâu tới, chỉ biết hồi đó từ một vài người theo người thân “qua bển” làm ăn, rồi chẳng mấy chốc dân Tam Dị đua nhau đổ xô... xuất ngoại. Tính đến tháng 6-2009 toàn xã Tam Dị đã có hơn 1.300 người đi lao động ở nước ngoài, cứ hai nhà có một nhà có người đi, thậm chí có gia đình tới 5-6 người là con cháu, dâu rể ra nước ngoài làm việc. Từ chỗ chỉ biết quẩn quanh sau lũy tre làng, giờ đây những nông dân đất Tam Dị đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Những chuyến bay nối tiếp nhau cất cánh, ngoại tệ lại ồ ạt đổ về, bộ mặt làng xã của Tam Dị khởi sắc trông thấy từng ngày. Từ những làng trung tâm như Đại Lãm, Thanh Giã, Đông Thịnh, rồi kế đến những làng vùng sâu như Hòn Ngọc, Bãi Lời, Trại Trầm, Hồ Giẻ... những mái tranh xám xịt lần lượt được thay bằng những ngôi nhà ngói đỏ chót, không lâu sau tiếp tục “lên đời” bằng nhà mái bằng, nhà cao tầng sừng sững. Dọc đường làng, ngõ xóm hàng chục nhà cao tầng nối tiếp nhau, người dân dí dỏm đặt tên là “phố Hàn Quốc”, “phố Đài Loan” - ý nói về nơi mà chủ nhân của nó đang hoặc đã từng đi lao động. Chuyên nghiệp hóa Chủ tịch xã Tam Dị Nguyễn Ngọc Đán quả quyết rằng muốn chứng kiến sự giàu có của Tam Dị chỉ cần sáng sớm ra đường trung tâm xã sẽ thấy hàng chục xe con, xe ga đắt tiền xếp hàng bên lề đường. Chủ nhân của chúng vốn là nông dân đáng lẽ giờ này vác cày cuốc ra đồng thì lại đang lai rai ăn sáng hay cà phê trong các nhà hàng, quán giải khát.Chuyện các làng quê nghèo đói phất lên nhờ xuất khẩu lao động nay không còn hiếm nữa, thế nhưng nhiều nơi sự giàu có chóng vánh đó đã phải đánh đổi bằng không ít thứ: người lao động sau khi hết hợp đồng về nước rơi vào cảnh thất nghiệp, ăn chơi lêu lổng rồi dính vào tệ nạn xã hội; nạn cò mồi lừa đảo tung hoành, xuất hiện những đường dây đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp, thậm chí chính quyền sinh ra tham ô, gây nhũng nhiễu người dân. Nhưng người nông dân Tam Dị vốn chân lấm tay bùn đã quyết tâm thay đổi tư tưởng cam chịu thành suy nghĩ biết trông rộng, nhìn xa, sáng tạo cách làm ăn chuyên nghiệp. Việc xuất hiện các công ty ở thôn xóm vốn là chuyện hiếm có, thôn xóm ở miền núi trung du lại càng hi hữu hơn. Thế nhưng ở Tam Dị hàng chục công ty như Tổng công ty LOD, Công ty Sovilaco, Lasco, Tramexco thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam... tìm về tận xã mở văn phòng đại diện, trung tâm giới thiệu việc làm, liên hệ tuyển lao động. Hàng chục hội thảo cấp... làng được tổ chức tới tận thôn xóm. Người dân được trực tiếp thắc mắc, nghe tư vấn và ký hợp đồng với công ty tuyển dụng dưới sự bảo đảm về pháp lý của đại diện xã. Vài năm gần đây ở Tam Dị còn xuất hiện hẳn một nghề mới - nghề môi giới xuất khẩu lao động. Nhiều người không cần đi Tây mà vẫn có thể ngồi ở nhà hốt bạc từ nghề làm ăn chính đáng này. Từ năm 2007 khi Tam Dị lập hẳn một kế hoạch dành cho các hộ có người đi xuất khẩu lao động để hỗ trợ về chính sách, thủ tục... nhiều người năng động biết nắm bắt thời cơ khi nghe ngóng kế hoạch rục rịch trên giấy, đã âm thầm lên đường “tầm sư học đạo”: họ lặn lội xuống thành phố Bắc Giang, thậm chí về tận Hà Nội để tìm hiểu những “ngón nghề” về dịch vụ môi giới lao động đi nước ngoài. Các “chuyên gia làng” trở về, chẳng mấy chốc biến làng quê yên ắng trở nên sôi động, nhộn nhịp. Dẫn chúng tôi đi một vòng “thị sát” khu đào tạo lao động đi nước ngoài, giám đốc văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động Trần Thị Ngọc nói với giọng đầy tự hào: “Từ cái lớp học cỏn con này đã có hàng trăm lao động ăn nên làm ra rồi đấy”. Năm 1995 con trai cả của bà Ngọc đi lao động ở Hàn Quốc, mấy năm sau kéo cả vợ, em trai, em gái sang theo rồi gửi tiền về cho vợ chồng bà xây ngôi biệt thự “to vật vã” nhất nhì làng. Không chịu được cảnh ngồi không hưởng tiền, nhà to quá sử dụng không hết, bà Ngọc quyết định trưng dụng mở văn phòng tư vấn, đào tạo về xuất khẩu lao động, làm chi nhánh đại diện cho một tổng công ty lớn ở Hà Nội. Mỗi khóa trung tâm của bà Ngọc đào tạo được 20 lao động. Bà thuê giảng viên từ Hà Nội lên để dạy ngoại ngữ và nghiệp vụ chuyên môn cho lao động. Những học viên có hoàn cảnh khó khăn được bà miễn tiền học, phí khám sức khỏe. Giờ đây mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng bà vẫn đều đặn mỗi tuần hai lần lái xe con từ Bắc Giang tới Hà Nội để trao đổi công việc với các đối tác và đưa lao động đi làm thủ tục xuất khẩu lao động. Mới đây bà còn bắt mối với các trường đại học ở nước ngoài đứng ra làm trung gian tuyển sinh du học. Anh Nguyễn Công Cường (làng Thanh Giã) vốn là người từng đi lao động ở Cộng hòa Cyprus, trước khi hết hạn lao động trở về nước anh đã gây dựng cho mình đầu mối từ những công ty và bạn bè đang làm việc ở đây. Năm 2007 về nước Cường mạnh dạn đứng ra lập văn phòng môi giới xuất khẩu lao động, mở lớp học, thuê giảng viên, hoàn thiện các thủ tục pháp lý tuyển người sang làm việc ở Cyprus. Hôm chúng tôi đến, Cường đang hoàn thiện thủ tục cho 40 học viên vừa xong khóa đào tạo chuẩn bị sang lao động tại Cyprus, Hàn Quốc... Cường dí dỏm nói: “Đây là việc làm “hai trong một”, vừa tạo thu nhập cho mình vừa mở ra cơ hội kiếm tiền cho người khác”. Năm 2007, chính quyền xã Tam Dị lập ra ban chỉ đạo xuất khẩu lao động (XKLĐ) của xã do phó chủ tịch xã làm trưởng ban. Ban này có chức năng hỗ trợ về pháp lý, trợ giúp người lao động tiến hành các thủ tục đi lao động ở nước ngoài, làm đầu mối trung gian cho các công ty tuyển dụng lao động, giúp người lao động vay vốn và chuyển tiền về nhà. Theo ước tính của xã, mỗi tháng có hàng tỉ đồng được người lao động chuyển về xã qua kênh của ban chỉ đạo và người trực tiếp mang về. Từ năm 2000, Tam Dị còn lập hẳn quỹ hỗ trợ XKLĐ cho người dân vay để đi lao động ở nước ngoài, nguồn vốn của quỹ giờ đã lên tới hơn 12 tỉ đồng. Trưởng ban chỉ đạo XKLĐ Tam Dị Nguyễn Trọng Giáp khẳng định ở xã này tuyệt đối không có chuyện lừa đảo xuất khẩu lao động vì xã luôn tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng những doanh nghiệp, cá nhân hành nghề XKLĐ ở xã và các công ty về địa phương tuyển lao động. Diện tích chỉ hơn 200ha nhưng Tam Dị có tới ba trường THPT, hai trường THCS, trạm y tế, bưu điện khang trang, sạch sẽ. Hiện tại xã đang lập dự án quy hoạch tổng thể về khu thương mại, dịch vụ và khu dân cư mới văn minh, sầm uất, có cả nhà máy xử lý nước, bãi đỗ ôtô, bãi gom rác thải...
Ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính THÀNH CHUNG 28/11/2024 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng làm bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bí thư Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải THÀNH CHUNG 28/11/2024 Với 452 đại biểu tán thành (bằng 94,36% tổng số đại biểu), Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 'room' tín dụng cho nhiều ngân hàng ÁNH HỒNG 28/11/2024 Ngân hàng Nhà nước vừa tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.