Mẹ già, bệnh Parkinson và chén nhựa

VĂN CƠ 04/05/2011 10:05 GMT+7

TTCT - 1. Mẹ tôi bệnh nặng, tôi bàn với gia đình đưa bà lên thành phố, vừa để chữa bệnh vừa tiện cho tôi có điều kiện chăm sóc bà hơn.

Bữa đầu bà xuất hiện ở nhà, bọn trẻ reo lên như được quà, chúng vẫn còn nhớ những lần về quê được bà cho đi lội ruộng tắm sông thỏa thích. Thật không thể tin được chỉ mới hơn năm năm mà mẹ tôi từ một phụ nữ nông thôn khỏe mạnh giờ nhăn nhúm như trái táo khô, tóc tai xơ xác, dáng đi xiêu vẹo.

Bà bị bệnh Parkinson, lại không được chữa trị, chăm sóc đầy đủ nên tình trạng mới tệ đến thế.

Những ngày đầu trôi qua quay cuồng với các xét nghiệm rồi cũng đến lúc mẹ được điều trị ngoại trú, tôi đưa mẹ về nhà. Mấy đứa nhỏ hồi đầu tíu tít bên bà, về sau tản dần vì chẳng biết nói chuyện gì với bà. Một bữa nọ, tôi nghe con bé thét lớn sợ hãi, hỏi ra mới biết nó đang ngồi học bài thì nghe có tiếng khò khè ở sau lưng, trong cảnh tranh tối tranh sáng nó thấy một dáng người run rẩy với nhúm tóc lơ thơ ló ra, nó sợ tới mức kêu toáng lên trước khi kịp nhận ra đó là bà nó...

Thế đấy, có chút xáo động trong nhà tôi từ khi mẹ xuất hiện nhưng tất cả không chỉ dừng lại đó...

2. Căn bệnh liệt run khiến bà làm gì cũng khó khăn, cứ mỗi khi chú tâm vào việc gì đó, bà lại đờ đẫn một lúc rồi run lẩy bẩy. Từ bữa về nhà, bà đã làm rơi đổ đủ thứ đồ vật, mỗi khi uống nước, bà làm cả mấy đứa nhỏ đều phải nín thở theo dõi.

Một hôm, đứa con trai nghịch như quỷ sứ của tôi chạy rầm rầm vào phòng, nó tổng kết rằng bà đã làm vỡ mấy cái bát ăn cơm và vài cái ly từ khi về nhà, chưa kể các đồ vật khác. Rồi nó đề nghị tôi mua cho bà một chồng đồ nhựa để bà dùng!

Tôi bất chợt thấy mình cứng đơ cả người, câu chuyện này sao mà giống y như câu chuyện cổ tích tôi học hồi bé: có một đứa nhỏ thấy cha lấy vỏ trái dừa khô làm chén ăn cơm cho ông nội vì sợ ông làm vỡ hết mấy cái chén sứ quý giá trong nhà. Nó bèn kiếm mấy cái vỏ dừa đem cất đi, hỏi thì nó hồn nhiên trả lời là để dành cho cha khi về già có mà dùng, giống như ông nội vậy. Người cha nghe thế liền hối hận, thôi không bắt ông nội ăn cơm trong vỏ dừa khô nữa.

Dĩ nhiên là tôi thấy sốc vì chuyện nhà tôi rõ ràng là vậy, chẳng có cổ tích gì ở đây hết. Với tư cách một người bố, tôi bảo nó bà cần được thoải mái, còn nó không được có ý kiến gì hết. Nó chấp nhận, có lẽ vì tôi là bố nó.

Nhưng suốt cả đêm tôi cứ phân vân. Dường như câu chuyện không dừng lại ở vỏ trái dừa khô hay bài học luân lý về luật nhân quả, quả báo. Có vẻ như chính thái độ của người cha mới là điều đáng nói: anh coi trọng mấy cái chén sứ hơn nhân phẩm cha mình, anh không quan tâm vị thế của người cha già trong gia đình, anh không dành cho cha sự tôn trọng mà ông xứng đáng được hưởng.

3. Sáng hôm sau, tôi nói với các con: “Bà cần được ăn ngon ngủ yên và nếu bà không tự múc cơm được thì bố sẽ tìm mọi cách để bà không bị đói, kể cả việc phải đút bà ăn. Còn việc mấy cái chén nhựa thì chỉ là chuyện nhỏ, bố biết có chỗ bày bán thứ hàng nhựa cao cấp này”.

Tôi và mấy đứa nhỏ hộ tống bà vào siêu thị, tôi dừng ở hàng đồ nhựa và chỉ vào những đồ vật xinh xinh bày đầy trên kệ. Bà có vẻ thích mấy thứ hàng nhựa đủ màu còn hơn bọn trẻ nữa. Chúng tôi lựa chọn được một lô một lốc đủ thứ cần dùng, tôi thấy thằng con tôi lấy ra một cái tô nhỡ có hình chuột Mickey bên trong và “dụ dỗ” bà nó: “Bà ráng ăn nha, bà phải ăn khi nào thấy hình con chuột này lộ ra hết thì mới được, chứ chỉ lộ ra một phần cơ thể của nó là chưa đủ đâu!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận