​MẸ ƠI, CON MUỐN CÓ PHÒNG RIÊNG

VĂN CƠ 10/01/2015 22:01 GMT+7

Quan niệm tam - tứ đại đồng đường, chuyện con cháu là chuyện của cả nhà và sự eo hẹp về kinh tế khiến chuyện phòng riêng cách đây 20 năm không được chú ý lắm. Nhưng ngày nay, phòng riêng đã trở thành một suy nghĩ nghiêm túc.

1. Sau khi ăn tân gia nhà cậu em trai về, chị T. nghe con gái thỏ thẻ: “Mẹ ơi, con cậu út nhỏ tuổi hơn con mà có phòng riêng rồi, thích quá, lớp con tụi nó cũng vậy đó mẹ”. Chị T. biết chuyện này không mới mẻ gì, bởi bản thân chị hồi tầm tuổi con cũng thích leo lên tầng áp mái, nơi mà lúc bé chị rất ngại bước vào, chỉ để nghĩ ngợi lung tung. Bây giờ bạn bè chị nếu có điều kiện đều cố gắng xây cho con căn phòng nho nhỏ, nhưng chuyện một không gian riêng tư không chỉ dừng lại ở sự tách biệt mà là cách ứng xử với không gian đó ở phụ huynh và những đứa trẻ mới lớn.

Rất nhiều gia đình Việt xem việc bố mẹ ngủ chung với con cái hay anh chị em chen chúc nhau trên một chiếc giường là bình thường, không ít kỷ niệm ấu thơ và những trận cãi vã nảy lửa cũng xuất phát từ không gian chung này. Quan niệm tam - tứ đại đồng đường, chuyện con cháu là chuyện của cả nhà và sự eo hẹp về kinh tế khiến chuyện phòng riêng cách đây 20 năm không được chú ý lắm. Nhưng ngày nay, phòng riêng đã trở thành một suy nghĩ nghiêm túc.

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng ủng hộ chuyện cho con ra riêng ngay trong nhà. Anh S. - một ông chủ gia đình khá giả - phát biểu ngay: “Đừng có mà mơ! Tôi là tôi cấm tiệt, nhà tôi vẫn để anh em nó ngủ chung, phòng không được phép đóng cửa để tôi còn kiểm tra, ai biết mấy đứa ăn chưa no lo chưa tới làm cái gì trong đó. Trước đây tôi để tivi trong phòng, tụi nó ham coi phim, ngủ dậy muộn, tôi mang ra phòng khách luôn. Con cái chưa tự ý thức được thì ở riêng chỉ tổ mất kiểm soát”.

 

2. Khi con có phòng riêng thì tình trạng thường xảy ra là chúng có ý thức “sở hữu tư nhân” rõ rệt, có đứa bé tí giờ đây cũng được bố mẹ cho phòng riêng và ngay lập tức tất cả những gì trong đó đều là của nó, nó có thể sở hữu không gian bằng cách dạng chân tay ngay cửa ra vào, cấm cửa đứa khác nếu thấy ghét và chiêu đãi nếu thấy thích, không cho phép ai mang ra bất cứ thứ gì và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng cách tấn công hay ăn vạ. Đứa lớn có thể điềm tĩnh hơn nhưng mặt mũi cũng hình sự nếu có ai lỡ miệng chê bai phòng mình, chúng cũng không thích bố mẹ tự tiện vào phòng hay thay đổi vị trí đồ đạc và phê bình này nọ. Đặc biệt là chúng tự cho phép mình có thể ở dơ nhưng không thích người khác nói mình ở dơ và vô cùng tự ái nếu bố mẹ cưỡng chế chúng dọn dẹp hay ra tay dọn dẹp giúp chúng.

Nhiều bà mẹ từng hết hồn khi lôi từ gầm giường của con cả tá quần áo dơ bốc mùi, chén đĩa chưa rửa, đồ chơi hỏng và nhiều thứ khó gọi tên khác. Nhưng khó xử hơn cả là có đứa đưa bạn vào phòng rồi đóng cửa lại làm bố mẹ thắc mắc mà không dám la vì ngại con quê với bạn.

Chị T. tâm sự: “Trước đây tôi cũng mê nhiều thần tượng ca nhạc lắm nhưng chỉ cắt hình ảnh từ tạp chí dán vào sổ tay của mình thôi, bây giờ con dán ảnh ngôi sao chình ình trên tường cứ như ảnh thờ vậy. May mà nó nghe lời tôi gỡ xuống nên chưa có xung đột gì dù nó cũng cãi là chỉ dán trong phòng nó thôi mà”. Chị K. - một bà mẹ ba con, hai gái một trai - phân vân: “Tôi thấy nhà mình đang ở chung rất ổn, tụi nhỏ lúc nào cũng quấn lấy nhau nhưng nhiều lúc tôi muốn thằng con lớn ý tứ hơn trong lúc thay áo quần chẳng hạn, chưa kể sách truyện “người lớn” của nó để lung tung, lỡ đứa bé tò mò đọc thì sao”. Lớn tiếng như anh S. nói trên cũng thừa nhận: “Phòng riêng thì tốt thôi nhưng riêng tới đâu để con còn tham gia sinh hoạt chung của gia đình và cha mẹ còn kịp can thiệp khi cần. Tôi biết nhiều đứa tự nhốt mình trong phòng riêng chơi game suốt, ba mẹ bất lực đành an ủi là nó chơi trong phòng cũng là trong nhà, còn hơn vạ vật ở mấy tiệm net. Tôi không chắc mình xử lý được việc này nên cấm ra riêng là thượng sách”.

 

3. Có vẻ việc bố trí một phòng riêng cho con đã đi nhanh hơn việc ứng xử như thế nào cho hợp lý với vấn đề này. Một cánh cửa ngăn cách có vẻ mỏng manh nhưng lại mang tính xác lập chủ quyền mạnh mẽ trong ý thức của trẻ, dù chúng vẫn còn đang chịu sự quản thúc của bố mẹ. Sự nhầm lẫn ở đây là thay vì xác lập sự tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái thì căn phòng riêng lại có khả năng phân chia ranh giới và hạn chế sự can thiệp của bố mẹ vào cuộc sống của con.

Minh họa: Bích Khoa
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận