Món nợ xa xỉ

HƯƠNG GIANG 06/06/2013 00:06 GMT+7

TTCT - Những phát hiện ban đầu về các dấu hiệu sai phạm trong dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” tại Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La) không phải là tin vui cho cả giới tài trợ lẫn những người thụ hưởng viện trợ phát triển chính thức ODA trong năm đánh dấu 20 năm ODA ở Việt Nam 1993-2013.

“Đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xem lại cách sử dụng nguồn vốn ODA cho phát triển trong giai đoạn tới” - một chuyên gia khuyến cáo.

Phóng to
Thiết bị dự án năng lượng mặt trời bị “xếp xó” tại trụ sở UBND xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La (ảnh chụp ngày 10-5) - Ảnh: Minh Quang

Câu chuyện thất bại của một dự án sử dụng vốn ODA ở Háng Đồng mà báo Tuổi Trẻ (1) vừa thực hiện loạt điều tra là một ví dụ điển hình cho loại dự án ODA “xa xỉ” mà ông Dương Đức Ưng, nguyên vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhắc tới trong cuộc trao đổi với TTCT.

Chúng ta đang lãng phí

Trong danh mục khoảng 530 dự án ODA được giới thiệu tại website của Bộ Kế hoạch và đầu tư, có tới 51 dự án có tên gọi “tăng cường năng lực”. Ví dụ: dự án nâng cao năng lực lập kế hoạch tài chính và huy động nguồn lực của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam giai đoạn II (viết tắt: Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình); dự án tăng cường năng lực kế toán cho các ngân hàng thương mại; dự án tăng cường năng lực phân tích chính sách tài chính phục vụ phát triển con người; dự án tăng cường năng lực cán bộ hải quan...

Theo ông Dương Đức Ưng, hiện nay chưa có một đánh giá chi tiết nào đối với các dự án tăng cường năng lực. “Không phải dự án tăng cường năng lực nào cũng có hiệu quả - ông Ưng nói - Nhất là những dự án không thể nhân rộng, kéo dài sau khi nhà tài trợ rút đi”.

Nhìn lại hai thập niên ODA vừa qua của Việt Nam, ông Ưng nói: “20 năm qua, rất ít khi bộ, ngành từ chối các dự án ODA. Không từ chối vì Việt Nam không có đủ tiền nên khi nhà tài trợ mang tiền đến làm thì tại sao lại không. Nhưng cái dở là trong số mười ưu tiên thì ta không nói được ưu tiên thứ nhất là gì, thứ hai là gì...

Bệnh thành tích, hay bệnh nhiệm kỳ cũng xuất hiện ở đây: ai cũng muốn hết nhiệm kỳ của mình phải có công trình gì đó, dù công trình đó dở dang mãi không xong. Mặc dù biết là vốn vay nhưng vẫn có tư duy đó là trách nhiệm của Chính phủ, Chính phủ phải trả”.

Theo ông Ưng, “xa xỉ” ở đây tức là các dự án mang công nghệ xa vời, hoặc đưa một kinh nghiệm xa lạ không phù hợp điều kiện tiếp thu ở một số địa phương Việt Nam. “Chúng ta làm nhà máy nước cho dân nhưng lại đi kèm là người dân phải bỏ tiền ra để làm đường ống vào nhà hoặc đồng hồ nước. Nhưng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, người dân ăn còn không đủ nên thà họ dùng nước ao, nước hồ còn hơn bỏ tiền ra mua thiết bị dùng nước sạch.

Khi nhà tài trợ dứt khoát yêu cầu làm theo tư tưởng thị trường như vậy thì rốt cục nước đổ không ra ruộng chứ người dân không dùng. Như vậy xa xỉ là bỏ nhiều tiền vào nhưng kết quả không đến tay người dân” - ông Ưng lấy ví dụ.

Một dạng xa xỉ khác là lãng phí, tham nhũng trong dự án ODA. Và trường hợp này không phải cá biệt.

Báo chí trong nước từng điểm mặt dự án hợp phần Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (SUDA) tại Cà Mau sử dụng vốn ODA Đan Mạch có số tiền bị tham nhũng, sử dụng sai mục đích chiếm tới gần 50% số kinh phí được tài trợ; dự án cải tạo, nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn khẩn cấp và giai đoạn 2 (ODA Nhật Bản) sai phạm hàng trăm tỉ đồng do thanh toán tiền dịch khống, sử dụng vốn dự án xây dựng hạng mục không có trong danh mục đầu tư dự án, dùng tiền ngân sách nộp thuế nhập khẩu mua ôtô thay nhà thầu; dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai III Hà Nội do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với vốn vay chủ yếu từ Nhật Bản cũng có những tiêu cực như thanh toán trùng lắp khối lượng tại gói thầu 3A trên 2,4 tỉ đồng; chi phí, hạch toán một khoản chi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chưa đúng quy định số tiền trên 3,6 tỉ đồng (2).

Như thế, những dự án này từ chỗ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thiết yếu lại trở nên “xa xỉ” vì chúng ta phải trả cái giá quá đắt từ việc sử dụng lãng phí và sai mục đích vốn vay.

Theo ông Ưng, trong bối cảnh tình hình ODA đã thay đổi: viện trợ cho không ít đi, vốn vay ưu đãi ít đi và ODA trở nên đắt hơn (thời gian trả nợ ngắn hơn, lãi suất cao hơn) thì Việt Nam cần tập trung ODA phát triển cơ sở hạ tầng là chính, giảm bớt các dự án kiểu mô hình hoặc những kiểu chung chung như “tăng cường năng lực”...

“Nợ công hiện đã quá 50% GDP, theo Thủ tướng nói đến năm 2015 sẽ vào khoảng 65% GDP. Vốn vay ODA chiếm tới 70% nợ công nên chúng ta phải thực tế hơn” - ông Ưng nói. Tuy không phủ nhận huấn luyện, đào tạo, tăng cường năng lực là cần thiết nhưng vị chuyên gia gắn bó với 20 năm kinh nghiệm làm về ODA cho rằng khi làm hời hợt, hình thức, các dự án này hầu như không phát huy tác dụng dài hạn và chỉ làm lãng phí tiền đi vay.

Cho tư nhân tham gia

Giữa năm trước, Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quyết định 958/QĐ-TTg), tiếp đến cuối tháng 4 năm nay Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ với chín lĩnh vực ưu tiên sử dụng, từ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển khoa học - công nghệ cao cho tới phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo vệ môi trường...

Là một trong các tác giả xây dựng đề án quản lý và sử dụng ODA, ông Ưng nói: “Một khúc mắc lớn nhất của ODA thời gian qua là có quá nhiều ưu tiên. Trong đề án mà tôi là đồng tác giả, chúng tôi không bảo vệ được tính tập trung cao mà rải ra cả chục lĩnh vực ưu tiên. Thế thì thật khủng khiếp!”. Trong khi đó, theo ông Ưng, lại xuất hiện tình trạng nhiều nhà tài trợ “lấn sân” bằng cách tự gặp địa phương, các bộ, ngành.

“Mà các bộ, ngành càng có nhiều dự án càng hay, không bao giờ từ chối dự án ODA nào cả, họ trình lên thì phải theo. Chúng ta không điều chỉnh được chính sách của mình vì nó cũng nằm đúng ưu tiên, mà ưu tiên của chúng ta thì quá rộng” - ông Ưng nhận xét.

Tổng số vốn cam kết ODA mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay đạt gần 80 tỉ USD, trong đó tỉ lệ giải ngân lên tới gần 50%, tuy không phải là con số đẹp nhưng vẫn được coi là một tỉ lệ thành công trên thế giới. Hiện nay ODA do cơ quan nhà nước tiếp nhận, gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính phủ, UBND các cấp, các doanh nghiệp nhà nước, trừ một số dự án nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á có vốn riêng cho tư nhân, không cần Chính phủ bảo lãnh.

Ông Ưng cho biết trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam vẫn chưa giải ngân được số vốn vay khoảng 7-8 tỉ USD đã ký kết và buộc phải chuyển sang cho giai đoạn 2011-2015. Lý do, ông nói, là hầu hết công trình do các bộ, các doanh nghiệp nhà nước làm đều phải kéo dài. Rất ít công trình làm đúng thời hạn.

“Nếu có sẵn vốn ODA thì sao không giao cho khu vực tư nhân làm trong khi một số doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực làm vẫn ấn dự án cho họ. Ngay từ năm 2009, Ban Bí thư ra chỉ thị cho phép khu vực tư nhân tiếp cận sử dụng vốn ODA như doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn chưa có văn bản nào đảm bảo tư nhân có thể tiếp cận được. Chúng ta mới có chính sách tổng quát, đề cập chung chung về sự tham gia của tư nhân; giờ cần thủ tục, luật lệ cụ thể để họ tiếp cận” - ông Ưng nói.

Để ODA phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới, ông Ưng cho rằng chủ dự án phải là người tự xây dựng ý tưởng cho bộ/ngành/địa phương mình sử dụng, chịu trách nhiệm thực hiện, duy tu, bảo dưỡng công trình và quan trọng hơn nữa là phải trả nợ chứ không thể quan niệm là “Chính phủ vay, Chính phủ trả”.

ODA Nhật là trường học lớn cho cán bộ Việt Nam

“Thứ nhất là tất cả công trình của Nhật Bản đều có hiệu quả. Thứ hai, ODA Nhật Bản là cầu nối quan trọng giữa công và tư. Nhờ đó, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật vào Việt Nam đứng đầu cả về số lượng vốn đăng ký và vốn giải ngân. Cái được thứ ba là ODA chính là vị sứ giả để phát triển mối quan hệ nhiều mặt, chính trị, kinh tế, xã hội; quan hệ giữa hai chính phủ, nhân dân, cá nhân hai nước. Đó là điều vô giá.

Trên thực tế chúng ta đã phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản. Ngoài ra, ODA Nhật Bản là trường học lớn cho cán bộ Việt Nam để học tính cách, trách nhiệm, phong cách và kỷ luật làm việc của người Nhật Bản” - ông Dương Đức Ưng.

___________

(1): Bài “Lật tẩy một bản báo cáo đẹp” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/548373/lat-tay-mot-ban-bao-cao-dep.html)
(2): Điểm danh các dự án ODA có sai phạm, tiêu cực,
www.tuanvietnam.net, 11-6-2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận