TTCT - Trong bầu không khí căng thẳng của xung đột Nga - Ukraine, thật khó để kỳ vọng thế giới hướng sự chú ý vào một báo cáo dày đến 3.675 trang vừa được công bố về các tác động hiện tại và tương lai của biến đổi khí hậu. Nhưng những thông điệp cùng cảnh báo của nó về tương lai của nhân loại là không thể phớt lờ. Ảnh bìa báo cáo mới nhất của IPCC.“Bình thường mới” của khí hậuTài liệu khổng lồ (bản mềm với định dạng PDF có dung lượng gần 300MB) được nói đến là phần thứ hai trong bốn phần của báo cáo đánh giá lần thứ sáu (AR6) do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 28-2.Trong khi phần đầu tiên, ra mắt ngay trước thềm hội nghị COP26 cuối năm ngoái, tập trung vào các thay đổi trên bình diện vật lý, cụ thể như đo lường sự nóng lên toàn cầu trong các kịch bản phát thải khác nhau, báo cáo lần này đưa ra cái nhìn toàn cảnh về tác động của biến đổi khí hậu lên thế giới tự nhiên và xã hội loài người, đồng thời bao quát khả năng đối phó của các cộng đồng trước các dự liệu môi trường khắc nghiệt.Viễn cảnh được báo cáo vẽ ra là bi quan: Trong thế kỷ 21, sự bất ổn khí hậu sẽ trở thành “bình thường mới” với thiệt hại dồn về các cộng đồng vốn đã sẵn trong tình cảnh yếu thế. Đây không chỉ là một bài phân tích về tác động của biến đổi khí hậu mà còn là “một Atlas ( tập bản đồ) về sự thống khổ của con người”, theo lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres sau buổi họp báo ngày 28-2.17 chương của báo cáo cho thấy không một châu lục nào hoặc bình diện nào của cuộc sống con người có thể tránh khỏi sự hiện diện của biến đổi khí hậu. IPCC cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lũ, hạn hán cũng như thời tiết khô hanh tạo điều kiện cho cháy rừng đang ngày một tăng và kéo theo đó là các mối đe dọa đến sự an toàn, an ninh lương thực và sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương.Thế giới sinh vật cũng đang tới hạn chịu đựng. Các nghiên cứu được IPCC trích dẫn cho thấy 14% các loài động thực vật sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu nhiệt độ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - điều gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai gần với tốc độ phát thải như hiện nay. Đồng thời, mốc 1,5 độ C cũng sẽ khiến cho 90% các rạn san hô - một thành phần quan trọng giúp duy trì đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển nhiệt đới - không còn khả năng sống sót.Vậy còn loài người? Các cơ chế giúp chúng ta sống sót đến ngày hôm nay có thể không còn hoạt động. Sự kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm tăng cao có thể khiến vô hiệu hóa việc điều hòa thân nhiệt của cơ thể, khiến cho việc rời phòng lạnh ra vui chơi ngoài trời trở thành bất khả.Cần chú ý rằng, dù cho ra một công trình đồ sộ như vậy, tự thân IPCC không hề thực hiện bất kỳ một nghiên cứu hay đo lường quan trắc nào. Thay vào đó, nhờ có các nhóm làm việc với hàng trăm chuyên gia về biến đổi khí hậu trên khắp thế giới, IPCC điểm qua một lượng lớn các nghiên cứu khoa học đủ độ xác tín, thực hiện công tác tổng hợp và xét duyệt qua nhiều cấp để cho ra một bản báo cáo được đồng thuận bởi toàn bộ 195 quốc gia thành viên. Với khối lượng công việc khổng lồ và ngày càng tăng như vậy, không khó hiểu khi thời gian giữa mỗi lần xuất bản báo cáo ngày một giãn ra: phúc trình lần 2 ra mắt sau lần đầu chỉ 4 năm, nhưng bản báo cáo lần 6 đã cách lần 5 tới 8 năm.Học cách thích ứngTrước những mối nguy “đe dọa một tương lai khả dĩ cho cuộc sống của con người”, các quốc gia cần tiếp tục cam kết với các biện pháp giảm thiểu (mitigation) và thích ứng (adaptation) - IPCC nhắc lại thông điệp đã được đề cập xuyên suốt trong kỳ báo cáo trước.Tuy nhiên, lần này, các nhà nghiên cứu thuộc các nhóm làm việc còn đưa ra một luận cứ mới: Nhóm các biện pháp thích ứng, khi được thực hiện tốt, còn có khả năng cải thiện tình hình cao hơn cả các biện pháp giảm thiểu các nguồn phát thải.Trong các năm gần đây, các nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu tại địa phương, đặc biệt là cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, xuất hiện ngày một nhiều và đạt được kết quả nhất định. Thành phố Ahmedabad ở Ấn Độ là một ví dụ: Chính quyền nơi này đã gặt hái thành công bước đầu với “cơ chế phòng vệ trước nắng nóng cực đoan”, gồm các tiêu chuẩn giúp hạn chế lưu nhiệt trong các công trình xây dựng cũng như hệ thống cảnh báo nhiệt độ sớm đầu tiên tại khu vực Nam Á. Bên cạnh đó, Kenya cũng đang có được thành công với mô hình bờ kè cát giúp cải thiện nguồn nước ngầm tại bờ sông thêm 40%, hạn chế tác động của hạn hán lên người dân địa phương.IPCC cũng chỉ ra một số mô hình tạo ra lợi ích vượt trên cả công năng khí hậu ban đầu. Một trong số đó chính là rừng ngập mặn ven biển - mô hình đã được Indonesia áp dụng rất thành công, không chỉ giúp loại bỏ carbon ra khỏi bầu khí quyển mà còn ngăn chặn xói mòn do nước biển dâng, cải thiện trữ lượng cá đánh bắt, cân bằng dinh dưỡng hệ sinh thái, đồng thời mang lại nguồn thu từ du lịch.Thế nhưng, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại rằng tốc độ thực hiện các dự án nâng cao khả năng thích ứng vẫn còn chậm, trong khi khối lượng công việc phải làm ngày một tăng. Một số dự án chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, trong khi không có đóng góp, thậm chí cản trở các thay đổi mang tính nền tảng trong dài hạn: ví dụ cụ thể là việc xây tường ngăn nước biển dâng quanh thành phố dù có thể giúp cải thiện triều cường trong một sớm một chiều nhưng lại làm chệch hướng các dòng biển và gây xói mòn tại một địa điểm khác cách xa hàng ngàn cây số. Các rạn san hô đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt độ tăng. Trong ảnh: Rạn san hô Great Barrier của Úc bị “tẩy trắng”. Ảnh: Getty ImagesChính trị của khoa họcSức nặng của các kết luận trong báo cáo của IPCC không chỉ nằm trên giấy hay ngoài hiện trường, mà còn có mang tính chính trị sâu sắc. Trước khi được xuất bản, một số quốc gia đã đặt nghi vấn về các đề nghị chính sách trong báo cáo “làm lợi cho các quốc gia khác”, dẫn đến những tranh cãi liên miên trong nội bộ chuyên gia và quốc gia thành viên IPCC, nguồn tin của tờ The Economist cho biết.Cũng không có gì khó hiểu: Các báo cáo của IPCC vốn sinh ra để làm căn cứ khoa học cho các cuộc đôi co tưởng như không hồi kết về khí hậu trên nghị trường quốc tế. Câu chuyện thì xưa như Trái đất: Các nước nghèo, vốn ít phát thải, nhưng nhận nhiều trái đắng từ biến đổi khí hậu, muốn được hưởng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và đền bù tổn thất, trong khi các nước phát triển - cũng là các trùm phát thải - không muốn rút hầu bao.Không biết vô tình hay hữu ý mà phần thứ hai của AR6 được công bố trong trong lúc cộng động quốc tế còn chưa hết bàng hoàng sau hành động quân sự nhắm vào Ukraine của Nga. Tưởng như không mấy liên quan nhưng chiến sự Nga - Ukraine cũng đang được các nhà hoạt động và chuyên gia khí hậu nín thở theo dõi.Trả lời tạp chí Time trong khi đang trú ẩn tránh không kích của Nga, Svitlana Krakovska, trưởng phái đoàn Ukraine tại IPCC, bày tỏ lo ngại rằng hành động của Nga ở Ukraine có thể đảo lộn tình hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí hậu cũng như dập tắt nhiều cơ hội giải quyết tranh chấp tài nguyên giữa các quốc gia, kéo theo cơ hội thực hiện được các gợi ý chính sách chung của IPCC ngày càng mong manh.Trong khi đó, các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich tại Đức (18 đến 20-2) cũng lo rằng viễn cảnh chiến tranh có thể bẻ gãy các hứa hẹn về hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu vừa đạt được tại COP26. Hiểm họa chiến tranh có thể khiến các nước đang phát triển rót ít ngân sách hơn dự kiến cho các chương trình chống thiên tai và nước biển dâng, tờ Politico dẫn lời lãnh đạo các nước này.Căng thẳng Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng giá dầu đi kèm cũng nhắc nhở thế giới, đặc biệt là châu Âu, về sự lệ thuộc của khu vực này vào nhiên liệu hóa thạch - một trong những nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.“Từ các sự kiện gần đây, có thể thấy sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của chúng ta đã khiến cho nền kinh tế và an ninh năng lượng trở nên mong manh trước các biến cố địa chính trị” - ông Guterres nói trong cùng bài phát biểu hôm 28-2, thời điểm giá dầu bắt đầu leo thang sau các lệnh cấm vận kinh tế mà phương Tây áp lên Nga. Người đứng đầu LHQ gọi nhiên liệu hóa thạch là “ngõ cụt”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của năng lượng tái tạo đối với tương lai của nhân loại. Tags: Ô nhiễmMôi trườngBiến đổi khí hậuThiên nhiên
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.