Một cái nhìn từ đám đông 

TTCT- Sau vụ hai “hot girl” hẹn gặp nhau giải quyết mâu thuẫn gây náo loạn phố đi bộ Nguyễn Huệ, tôi - cũng là một người trong đám đông cư dân mạng tò mò - đã vào Facebook của cả hai cô bé để xem cụ thể câu chuyện là thế nào. Câu hỏi đầu tiên tôi có: Tại sao hai cô bé này lại bị phạt và bị chê trách?

The Franklin Chronicles
The Franklin Chronicles

Khi tôi ở tuổi vị thành niên, chuyện hiểu lầm, bất đồng quan điểm, cãi nhau với bạn đồng lứa là chuyện hết sức bình thường. Hẹn gặp nhau giải quyết vấn đề, “ba mặt một lời” cũng là chuyện dễ hiểu.

Trong lúc tức giận có đánh đấm, thụi cho nhau vài phát cũng không đáng ngạc nhiên. Tôi chưa từng trải qua chuyện đánh đấm, nhưng tôi đã học chung với những bạn trẻ từng động tay động chân với nhau, nhưng khi chia tay ra trường thì ôm nhau khóc như mưa. Những việc thế này người ta gọi là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Phim bom tấn trình chiếu một lần

Nếu đứng ở góc độ này nhìn lại câu chuyện phố đi bộ Nguyễn Huệ, việc hai bạn trẻ này hẹn gặp nhau để nói cho ra lẽ (còn nói không xong thì có thể “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” một chút) không hề xa lạ với học đường VN bây giờ.

Vậy tại sao nó lại thành xìcăngđan? Nếu những người theo dõi (followers) của hai bạn trẻ này không tò mò ùn ùn kéo nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hai cô bé này có bị phạt tiền không, có bị báo chí lên án không? Tôi nghĩ là không.

Vì vậy, câu chuyện phố đi bộ Nguyễn Huệ lẽ ra nên chuyển hướng nhìn về đám đông, về những followers, thay vì phê phán hai cô bé 18 tuổi này. (Ngoài ra, nếu bạn chịu khó vào Facebook của hai nhân vật chính này sẽ thấy cả hai không tới mức đáng lên án kịch liệt lắm, đơn giản là tuổi trẻ vô tư nghĩ sao nói vậy). Vậy khi nhìn vào đám đông chúng ta thấy gì?

Rõ ràng đây là đám đông đến từ mạng xã hội, hầu hết là những bạn trẻ cũng tuổi vị thành niên, trong số đó chắc không thiếu các bạn trẻ hăng hái “like” và “share” diễn biến mâu thuẫn dẫn tới cuộc hẹn này.

Những video của hai nhân vật chính nói về đối phương được cập nhật và chia sẻ liên tục, gây cho người ta ấn tượng rằng đây là kiểu mâu thuẫn nặng đô và có thù truyền kiếp (trên thực tế, mâu thuẫn giữa hai cô bé này chỉ quy về mặt vuông với mặt tròn, kiểu mâu thuẫn học đường đơn giản như “tại sao mày chê tao xấu?”).

Từ đây dẫn đến sự hiểu lầm về mức độ nguy hiểm của cuộc gặp mặt, dễ dàng được thổi phồng thành gặp để “xử” nhau kiểu phim Hương Ga, trong khi trên thực tế hai khổ chủ có thể chỉ gặp nhau nói dăm mười câu rồi đi về.

Vậy tại sao lại có sự thổi phồng ở đây? Tại sao đám đông hứng thú với cuộc gặp gỡ này như vậy? Ở đây, phải bàn tới yếu tố giải trí của cuộc gặp mặt. Các nghiên cứu tâm lý học đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa lịch sử loài người và bạo lực. Với lịch sử tiến hóa từ xã hội săn bắt thú và hái lượm, chúng ta bị thu hút bởi những gì có tính bạo lực (Goldstein 2013; Elbert et al. 2010; Buss & Shackelford 2013).

Ví dụ, phim ảnh bạo lực, những trò chơi bạo lực, các tờ báo chuyên viết về án mạng... đều được công chúng dễ dàng đón nhận. Ở cuộc gặp mặt này, yếu tố bạo lực còn được đi kèm về yếu tố “popularity” (nổi tiếng) của hai nhân vật chính. Hai cô bé này được coi là “hot girl”, tức là có sự đại diện cho cái đẹp, cái bắt mắt trong lòng đám đông mạng và ngoài ra, còn có mối quan hệ với cộng đồng LGBT Việt.

Kết hợp những yếu tố trên: bạo lực, sự “nổi tiếng”, “nhan sắc” của diễn viên chính, cộng với yếu tố “đồng tính”... đã hội đủ yếu tố cho một bộ phim thương mại câu khách ở mặt bằng phim Việt hiện nay. Không những thế, “phim” được trình chiếu miễn phí cho khán giả và chỉ chiếu có một lần mà thôi. Đám đông tò mò muốn đi xem là điều dễ hiểu.

Các đoạn phim quay lại về buổi tối hôm ấy cũng cho thấy hình ảnh một đám đông hào hứng cầm điện thoại chụp hình quay phim tứ phía (chắc cũng có bạn sẵn check-in lên Facebook để khoe mình đang ở ngay trung tâm chiến trường). Điều này làm tôi nghĩ tới những buổi công chiếu đầu của các bộ phim bom tấn.

cliparthut.com
cliparthut.com

Sự đa dạng trong thông điệp

Đến đây, câu hỏi cần đặt ra đã trở thành: Tại sao những yếu tố này lại trở thành yếu tố giải trí hàng đầu cho đám đông mạng, để các bạn trẻ sẵn sàng kéo nhau đi tìm cảm giác sảng khoái ở cuộc hẹn gặp của hai “hot girl”? Chúng ta có đang thiếu các phương tiện giải trí cho giới trẻ không?

Tôi nghĩ về mặt phương tiện, chúng ta không thiếu. Bản thân mạng xã hội đã là một phương tiện giải trí, bên cạnh những trò chơi điện tử, phim ảnh, âm nhạc, sách báo và các công viên với trò chơi cảm giác mạnh. Điều cần chú ý là những phương tiện giải trí này tôn vinh các giá trị nào.

Tôi cho rằng văn hóa giải trí của một số nhóm giới trẻ Việt đang rơi vào một vòng xoay của những yếu tố “mì ăn liền” có tính câu khách. Chúng ta không thiếu phương tiện, nhưng thiếu tính đa dạng trong thông điệp ở những phương tiện đó.

Triết gia Herbert Marcuse (1991) dùng cụm từ “one-dimensional man” (tạm dịch: sự tồn tại có tính “một chiều” của loài người) để nói về hiện tượng này, khi sự phát triển của công nghệ hiện đại tạo ra những “false needs” (tạm dịch: những nhu cầu không cần thiết), ví dụ như chủ nghĩa tiêu thụ, và là cái bóng khổng lồ chế ngự sự đa dạng, tính sáng tạo, cái nhìn khai phóng trong đời sống con người.

Hình tượng “một chiều” ở đây ám chỉ việc con người đang bị kẹt trong một kiểu sống mòn, khi các phương tiện truyền thông cùng nhau truyền tải lặp đi lặp lại một vài thông điệp và quảng bá một vài giá trị nhất định.

Với giới trẻ Việt hiện nay, muốn đi tìm phương tiện giải trí không khó, nhưng các bạn có xu hướng nghiêng về những lựa chọn nhất định. Ví dụ, phim ảnh phần lớn là phim bạo lực, phim có cảnh nóng để thu hút khán giả hoặc gần đây là phim có yếu tố đồng tính (và những bộ phim này hoàn toàn lẫn lộn khái niệm người đồng tính và người chuyển giới).

Sách truyện thì khai thác yếu tố ngôn tình. Trò chơi điện tử phần lớn cũng về bạo lực. Những bản nhạc hit thường chú trọng vào giai điệu bắt tai, thông điệp đơn giản, dễ tiếp nhận.

Bản thân những phương tiện giải trí này không xấu, nhưng việc thiếu tính đa dạng trong thông điệp đã ảnh hưởng không mấy tích cực đến hướng suy nghĩ, hệ thống giá trị, khả năng lý luận của những bạn trẻ, khi các bạn đang ở độ tuổi có thể tiếp nhận và học hỏi được nhiều nhất.

Chúng ta có những nhà xuất bản chuyên in sách ngôn tình, có nhiều bộ phim nước ngoài về những chuyện tình éo le dài hàng trăm tập chiếu năm này qua tháng nọ trên truyền hình, nhưng cũng có những bản nhạc cổ điển đã bị lãng quên.

Chúng ta có bao nhiêu bảo tàng để truyền tải kiến thức về mỹ thuật, kiến trúc, tôn giáo, âm nhạc, triết học? Chúng ta có bao nhiêu đất cho một đời sống phong phú, những tư tưởng khai phóng và nhận thức phát triển?

Ở đây có lẽ nên phóng chiếu cái nhìn về giáo dục. Nếu chúng ta có một nền giáo dục coi trọng tư duy khai phóng, dạy cho các bạn trẻ cách lý luận, cách nhìn nhận vấn đề, các hướng nhìn khác nhau của triết học, sẽ chẳng có một đám đông hào hứng kéo ra phố đi bộ Nguyễn Huệ chờ xem “phim chưởng” miễn phí.

Các bạn sẽ chọn lựa giải trí ở nhiều nơi khác, như đọc một quyển tiểu thuyết, đi xem tranh ở bảo tàng, hay nghe cà phê nhạc chủ đề, cho dù là bolero hay hard rock... Các bạn sẽ chẳng là những con người “một chiều” chỉ cắm đầu đi theo tiếng reo hò của đám đông cuồng nhiệt. Các bạn có lẽ sẽ đứng ngoài lề câu chuyện và tự hỏi: “Mắc cái chi mà tụi nó rảnh dữ vậy?”...■

Sự khủng hoảng về bản ngã

• “Cư dân mạng”, đặc biệt là “cư dân mạng trẻ” là cụm từ thường xuyên được nhắc đến thời gian gần đây, như một hiện tượng xã hội. Nó cho thấy tâm lý đám đông, hay nói cách khác là tâm lý bầy đàn đã ảnh hưởng khá mạnh lên một bộ phận giới trẻ. Họ dễ bị lôi kéo vào những “chuyện người ta”, những cuộc công kích, tranh luận, mổ xẻ (không chứa đựng tinh thần tri thức hay tính nhân bản mấy), mà chỉ đơn giản là tìm nhiều cách bộc lộ bản thân, lôi kéo sự chú ý của những người xung quanh.

Mạng xã hội giờ đây đã trở thành một phiên bản của xã hội thực và người ta ra sức chăm chút cho nó, cho hình ảnh bản thân biểu hiện tại đó. Việc sử dụng nút “like”, “comment” là một cách để người ta thể hiện cá tính, thể hiện quan niệm cá nhân và tìm kiếm đám đông ủng hộ mình, tìm kiếm cộng đồng nhằm khẳng định giá trị tồn tại của mình. Tuy nhiên, việc lạm dụng những yếu tố này và cả hiện tượng tìm mọi cách câu view cho thấy phần nào sự khủng hoảng về bản ngã của con người hiện đại. (Trần Phượng Linh - ĐH KHXH&NV)

• Gắn mình vào “cộng đồng mạng” - hiện tượng phổ biến của giới trẻ chúng tôi hiện nay, mà tôi cho rằng một trong những nguyên nhân sâu xa là do thiếu đi sự tự tin vào bản thân, vào tư duy nhược tiểu. Ở trong số đông, họ có cảm giác mình được bảo vệ, ý kiến của mình được công nhận. Nhưng đó cũng chỉ là những đám đông. Đám đông đó không có bản sắc và văn hóa riêng, vì khi hình thành được văn hóa riêng thì đám đông đó không còn là đám đông nữa, họ sẽ trở thành một tập thể. (Hồng Hưng - TP.HCM)

Nguồn: Buss, David M., and Todd K. Shackelford. 1997. “Human Aggression in Evolutionary Psychological Perspective”. Clinical Psychological Review 17 (6): 605-619.

Elbert, Thomas, R. Weierstall, and M. Schauer. 2010. Fascination Violence: On Mind and Brain of Man Hunters. National Institutes of Health.

Goldstein, Jeffrey. 1999. “The Attractions of Violent Entertainment”. Media Psychology: 271-282.

Marcuse, Herbert. 1991. One-dimensional Man: studies in ideology of advanced industrial society. London: Routledge.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận