Một đề nghị mặc cả?

P. X. LOAN 02/10/2022 06:57 GMT+7

TTCT - Ngày 13-9 tại Kyiv, giữa lúc chiến dịch phản công của Ukraine lên đến cao trào, Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak và cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã giới thiệu dự thảo hiệp ước đảm bảo an ninh cho Ukraine, theo trang web của Văn phòng tổng thống Ukraine.

Một đề nghị mặc cả? - Ảnh 1.

Ông Zelensky và các binh sĩ Ukraine ở Kharkiv. Ảnh: Getty Images

Nội dung dự thảo kêu gọi ký kết "Hiệp ước An ninh Kyiv" - văn kiện chung về quan hệ đối tác chiến lược gắn kết Ukraine và các quốc gia "bảo đảm an ninh" cho họ.

Dự thảo hiệp ước đề nghị gì?

Về cơ bản, văn kiện này muốn cung cấp sự "đảm bảo an ninh mạnh nhất cho Ukraine" thông qua "cung cấp nguồn lực để duy trì một lực lượng phòng thủ đáng kể có khả năng chống chọi với Nga". 

Điều này đòi hỏi nỗ lực nhiều thập niên đầu tư lâu dài vào cơ sở công nghiệp quốc phòng, chuyển giao vũ khí mở rộng và hỗ trợ tình báo từ các đồng minh cho Ukraine, cũng như các nhiệm vụ huấn luyện chuyên sâu và tập trận chung dưới cờ Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Các đảm bảo an ninh cần ràng buộc về pháp lý dựa trên thỏa thuận song phương, nhưng được tập hợp lại trong một văn kiện chung, với các bên tham gia nòng cốt dự kiến là Hoa Kỳ, Anh, Canada, Ba Lan, Ý, Đức, Pháp, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Bắc Âu, Baltic và Trung Âu.

Các đảm bảo an ninh không phải là sự thay thế cho tham vọng gia nhập NATO của Ukraine. Ukraine cũng sẽ nỗ lực tham gia EU để được hưởng lợi từ điều khoản phòng vệ chung của khối này.

Nói ngắn gọn, hiệp ước không tuyên bố tình trạng trung lập hay từ bỏ mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Hiệp ước cũng không bắt buộc Ukraine phải giới hạn các lực lượng vũ trang. Trái lại, Ukraine còn trông cậy vào các quốc gia bảo đảm cung cấp nguồn lực để chống trả Nga và lấy lại những lãnh thổ đã mất.

Phát biểu giới thiệu dự thảo hiệp ước, ông Yermak tuyên bố Ukraine "vẫn giữ đường lối gia nhập NATO", và hiệp ước dự kiến không thay thế quyết tâm gia nhập NATO, mà chỉ là "để đảm bảo an ninh đến khi việc gia nhập được thực hiện". 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi văn kiện này là "bước đi đầu tiên quan trọng cho các bảo đảm an ninh cho Ukraine" và hy vọng nó sẽ được "lãnh đạo các quốc gia quyền lực nhất" ký kết. Ông Rasmussen thì hứa sẽ trình bày tất cả các khuyến nghị trong bản dự thảo ở các thủ đô hàng đầu thế giới, theo RIA Novosti.

Cần nhắc, vào tháng 3-2022, Ukraine từng nêu vấn đề đảm bảo an ninh cho họ khi đàm phán với phía Nga tại Istanbul. Kyiv tuyên bố sẵn sàng đưa vào văn kiện điều khoản về tình trạng trung lập, phi khối và phi hạt nhân hóa của Ukraine. Nay thì hình như họ đang đổi ý, với tình hình mới trên chiến trường.

Chỉ để mặc cả?

Có thể thấy, dự thảo hiệp ước không đếm xỉa gì tới các yêu sách từ Matxcơva gắn với "chiến dịch quân sự đặc biệt". Chính quyền Zelensky sẽ tiếp tục nắm quyền. Ukraine sẽ không phi quân sự hóa hay trung lập hóa. Dự thảo cũng như không nhắc gì tới người nói tiếng Nga ở Ukraine nói chung và Donbass nói riêng.

Dễ hiểu là sau khi dự thảo hiệp ước được công bố, Matxcơva phản ứng mạnh mẽ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói định hướng trở thành thành viên NATO của Ukraine vẫn còn, đồng nghĩa "mối đe dọa chính với Nga vẫn tồn tại", mà đó là một lý do quan trọng khiến Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt". 

Không chỉ thế, ông cho rằng: "Với bối cảnh và tình hình hiện tại, khó ai ngoài giới lãnh đạo Ukraine có thể cho Ukraine một sự đảm bảo an ninh. Lãnh đạo đất nước này phải loại bỏ mối đe dọa với Liên bang Nga. Họ hoàn toàn biết rõ đó là những hành động gì". 

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thì nói trên kênh Telegram của ông rằng một sự "đảm bảo an ninh" như đòi hỏi của Ukraine sẽ là "mở đầu cho Thế chiến III".

Vadim Kozyulin ở Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga bình luận trên RT: "Nga là bên tham gia chính trong quá trình này, và nếu không có Nga thì việc ký kết bất kỳ văn bản nào như vậy là không thể. Tôi nghĩ rằng Kyiv hiểu đây là một tài liệu mang tính tuyên bố hơn là một dự thảo hiệp ước thực sự khả thi".

Về phía mình, Ukraine coi dự thảo là chủ đề thương lượng tại các cuộc đàm phán tương lai. Chuyên gia của Viện Tương lai Ukraine Igor Popov nói trên ấn bản Strana rằng dự thảo hiệp ước có thể coi là lời báo trước về khả năng đàm phán giữa Kyiv và Matxcơva. 

Theo đó, "Văn kiện này đặt ra một khuôn khổ... Dù sao tôi có thể nói đây chỉ là những khuyến nghị để mặc cả. Ngoài ra, cuộc phản công của Ukraine vẫn tiếp tục và họ chưa đạt đến mức độ sẵn sàng [trên chiến trường] cho các cuộc đàm phán thực chất".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận