TTCT - "Câu chuyện nhạc jazz và cuộc đời một nghệ sĩ thật sự có thể giúp chúng ta diễn đạt câu chuyện lớn hơn và sâu hơn về đời sống văn hóa và sự biến đổi văn hóa - chính trị - xã hội ở Việt Nam" Ành minh họaTiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau, tác giả cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội, trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Stan BH Tan-Tangbau học ngành Đông Nam Á học ở Singapore năm 1997, sống trên cao nguyên Đắk Lắk trong nhiều năm để hoàn thành luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Năm 2006, anh bảo vệ thành công luận án "‘Dust beneath the mist’: State and frontier formation in the central highlands of Vietnam, the 1955-61 period" tại Đại học Quốc gia Úc.Anh từng giảng dạy tại Đại học Ritsumeikan (Kyoto, Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Singapore, hiện là một nhà nghiên cứu độc lập. Chuyên môn của anh là nhân học số, tập trung nghiên cứu các câu chuyện văn hóa cũng như sự thay đổi chính trị - xã hội ở Đông Nam Á. Anh đã công bố nhiều nghiên cứu trên các tạp chí như Jazz Perspectives, Collaborative Anthropologies, Journal of Narrative Politics và Journal of Vietnam Studies, là đồng tác giả của hai cuốn sách Playing Jazz in Socialist Vietnam: Quyen Van Minh and Jazz in Hanoi và Jazz in Socialist Hà Nội: Improvisations between Worlds.Đây không phải là cuốn sách thuần túy về âm nhạc, cũng không phải là cuốn tiểu sử nhân vật. Nhạc jazz hay cuộc đời nghệ sĩ phải chăng là chất liệu để anh diễn đạt câu chuyện lớn hơn về đời sống văn hóa và sự biến đổi văn hóa - chính trị - xã hội ở Việt Nam?- Chuyện đời của anh Quyền Văn Minh thật vô cùng thú vị và đầy cảm hứng, là lý do chính khiến tôi muốn viết cuốn sách này.Từ khi được gặp anh Minh, nghe nhạc của anh, trong đầu tôi xuất hiện nhiều câu hỏi. Là một nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự biến đổi xã hội của Việt Nam, tôi nghĩ rằng những thập niên 1980-1990 thời bao cấp, rồi lúc Đổi mới, là giai đoạn còn khá mù mờ đối với nhiều người. Về mặt chính sách, một số người đã nghiên cứu nhưng còn ít ỏi. Về mặt đời sống thường nhật thì càng hiếm, tuy nhiên gần đây đã bắt đầu xuất hiện một số công trình viết về những câu chuyện cuộc sống, phố phường, giúp chúng ta có thể tìm hiểu một cách chi tiết hơn.Đương nhiên lúc trò chuyện, khi kể chuyện quá khứ, chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện về thời kỳ đó. Nhưng ít có người lấy những câu chuyện đó cho vào một khung phân tích dài hạn hơn để chúng ta nhìn thấy ảnh hưởng của thời đó đã tạo ra một nền móng như thế nào để thích ứng với sự biến đổi lúc Việt Nam bắt đầu thời kỳ Đổi mới.Trong cuốn sách này và cuốn Jazz in Socialist Hà Nội: Improvisations between Worlds (ấn hành tháng 3-2022) câu chuyện nhạc jazz và cuộc đời nghệ sĩ thật sự có thể giúp chúng ta diễn đạt câu chuyện lớn hơn và sâu hơn về đời sống văn hóa và sự biến đổi văn hóa - chính trị - xã hội ở Việt Nam. Ngược lại, có thể là jazz, một thứ âm nhạc dựa trên nguyên tắc ngẫu hứng và tương tác lẫn nhau, đã ngọt ngào bất ngờ chỉ dẫn một con đường linh động, uyển chuyển để giúp người chơi nhạc jazz bằng cách nào đó tìm ra cho mình con đường riêng biệt.Đây có thể xem là cuốn sách về nhân học văn hóa không?- Có. Về phương pháp, đó là một cách tiếp cận dân tộc chí (ethnography), dùng sự tương tác giữa nhân vật chính và người viết, cả hai người đều đóng vai trò tương đương nhau, không để xảy ra tình trạng bất đối xứng giữa nhà nghiên cứu và chủ thể nghiên cứu mà chúng ta vẫn hay gặp trong các công trình nghiên cứu thông thường.Thông qua chuyện đời của anh Minh, cuốn sách chỉ đường cho độc giả của các ngành khác nhau, có trình độ am hiểu và mức độ quan tâm về Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung khác nhau, hiểu về nhạc jazz nói riêng và âm nhạc nói chung khác nhau, tự nhận thức về tương tác giữa cá nhân và cộng đồng, xã hội, chính trị và những động lực rộng lớn hơn như sự lưu thông toàn cầu của những ý tưởng văn hóa như âm nhạc.Về phần mình, tôi nghĩ rằng với sự hiểu biết hiện nay, muốn đưa ra một lý thuyết nhân học xây dựng trên cơ sở nghiên cứu về nhạc jazz Việt Nam vẫn còn quá sớm. Dù đã xuất bản hai cuốn sách về nhạc jazz Việt Nam, tôi nghĩ là cần phải viết thêm ít nhất một cuốn nữa mới đủ cơ sở để kiến tạo một lý thuyết riêng với chủ đề là nhân học jazz Việt Nam mà có thể áp dụng để so sánh với quan hệ nhạc jazz và văn hóa - xã hội các nước châu Á hoặc các nước thuộc nhóm chủ nghĩa xã hội ngày xưa.Tiến sĩ Stan BH Tan-Tangbau thuyết trình tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2022.Trong quan sát của anh, đời sống biểu diễn, đi kèm cơ hội hành nghề nói chung của nghệ sĩ jazz và diện mạo công chúng nhạc jazz Việt hiện nay ra sao?- Câu hỏi này đã được đề cập trong cuốn sách Jazz in Socialist Hà Nội: Improvisations between Worlds. Nếu chúng ta coi giai đoạn đầu của nhạc jazz ở Việt Nam là tìm cho nhạc jazz một không gian riêng, để nó tồn tại trong khung âm thanh Việt Nam với tư cách là loại âm nhạc nghiêm túc, chính thống và nghệ thuật đẳng cấp cao, thì giai đoạn tiếp theo là tìm cách nào đó xây dựng một lớp khán giả trong nước không chỉ thích thứ âm thanh này mà còn không mang thành kiến rằng đây là âm nhạc phương Tây, âm nhạc Mỹ, là văn hóa không phải của "tôi".Mặc dù nhạc cổ điển có xuất xứ từ nước ngoài nhưng người ta chơi và nghe nhạc cổ điển trước hết vì coi nó là nghệ thuật âm nhạc đẳng cấp cao, thậm chí là di sản văn hóa của nhân loại không biên giới. Với khán giả ở Việt Nam nói chung, nhạc jazz chưa có được một vị trí như nhạc cổ điển. Các nghệ sĩ jazz sau Quyền Văn Minh đều phải có trách nhiệm tiếp tục cố gắng xây dựng lớp khán giả như vậy trong nước.Đương nhiên, là nhạc sĩ hành nghề thì bản thân họ phải tìm cách nào đó để kiếm sống bằng âm nhạc. Việc chơi các loại âm nhạc để sinh sống, thậm chí chơi loại "jazz" dễ nghe trong đám tiệc, tức là "đi làm", là việc bình thường, đó cũng là cách xây dựng khán giả trong nước cho nhạc jazz. Dù trong bất cứ trường hợp biểu diễn nào, đã là nhạc sĩ jazz thì họ vẫn luôn biết cách đưa nét ngẫu hứng của jazz vào cho hay hơn. Quyền Văn Minh là thế. Những nghệ sĩ bắt đầu chơi jazz ở Hà Nội với anh Minh cũng thế.Khi Lưu Quang Minh bắt đầu xây dựng bộ môn nhạc nhẹ, tiền thân của khoa jazz ở Học viện Âm nhạc quốc gia, cũng là lúc Việt Nam dạy nhạc nhẹ một cách chính thống để phục vụ xã hội nâng cao giá trị nghệ thuật của âm nhạc đại chúng. Chúng ta phải ghi nhận sự nỗ lực của nhạc sĩ jazz ở Việt Nam khi họ duy trì chơi nhạc jazz trong một môi trường mà loại âm nhạc này chưa được phổ biến.Thế hệ của Quyền Văn Minh, Lưu Quang Minh và Hoàng Tùng ở nhạc viện và nhiều nghệ sĩ cùng chơi nhạc jazz với Quyền Văn Minh những năm 1990 đã mở ra một con đường cho nhạc jazz. Thế hệ hiện tại còn phải nỗ lực hơn để giúp kiến tạo tương lai của nhạc jazz ở Việt Nam. Theo tôi, đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ.Nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong buổi biểu diễn Father, Son and Jazz II ngày 27-4-2009. Ảnh: Deborah Jan AronsonAnh dành gần 10 năm "tâm sự" cùng nghệ sĩ Quyền Văn Minh để có chất liệu viết cuốn sách. Suốt quá trình đó anh gặp trở ngại gì?- Tôi gặp thách thức chứ không phải trở ngại. Câu chuyện cuộc đời vốn là ký ức không được sắp xếp một cách hệ thống cố định. Thay vào đó, nó là những tường thuật được kể phụ thuộc vào cảm xúc, thời điểm, địa điểm và cách nhìn lúc kể chuyện. Vì lẽ đó, trong suốt 10 năm tâm sự, nhiều câu chuyện hay được (không phải "bị") lặp đi lặp lại nhưng mỗi lần kể đều có thêm một góc nhìn khác, một lớp quan hệ khác, rất phong phú, rất sống động. Khi phân tích những câu chuyện đó để xử lý thông tin viết sách đối với tôi mới là việc khó. Tôi phải nghĩ rất lâu xem nên viết, nên bố trí những câu chuyện như thế nào để độc giả có thể tìm thấy được những điểm trung chuyển cuộc đời của một cá nhân đã hòa hợp với nhạc jazz một cách huyền ảo.Kể từ ngày đến Sài Gòn học tiếng Việt cấp tốc, đã ngót 25 năm anh học tập, điền dã, nghiên cứu, sinh sống (nay đã về Singapore) và thỉnh thoảng lưu trú ở Việt Nam, vùng đất này có hấp lực gì khiến anh gắn bó lâu đến thế?- Từ lúc 25 tuổi (ta) tôi đặt chân vào Việt Nam, nay tôi đã 50 tuổi, có thể nói là một nửa cuộc đời đã dính dáng với Việt Nam. Việt Nam là nơi đầy những câu chuyện truyền cảm hứng cho bất cứ ai, lý do này đã cuốn hút tôi về đây tiếp tục công việc nghiên cứu. Nhưng tôi tiếp tục về Việt Nam chủ yếu là vì tình cảm của con người ở vùng đất này. Về Việt Nam, các anh chị em lúc nào cũng tạo cho tôi cảm giác như hồi hương.Dù tôi sinh sống ở bất cứ nước nào, tôi luôn biết sẽ về Việt Nam. Có thể đó là cái duyên của tôi với Việt Nam. Là một nhà nghiên cứu Việt Nam học, con người và vùng đất này đã cho tôi tất cả. Tôi còn chưa làm đủ bổn phận với Việt Nam. ■Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội là cuốn sách viết về cuộc đời nghệ sĩ Quyền Văn Minh - một người tận hiến cho sự phát triển của nhạc jazz ở Việt Nam, cụ thể là ở Hà Nội, với những trả giá và đánh đổi trong một giai đoạn nhiều cam go (thập niên 1980-1990).Bìa sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội, Hiền Trang dịch, Omega + và NXB Hội Nhà Văn, 10-2022. Ảnh: Nguyễn Quang DiệuĐó là hành trình ngược dòng quá khứ, trở về một Hà Nội xưa cũ, Hà Nội những năm tháng chiến tranh, thời bao cấp, thời đổi mới… thông qua con đường âm nhạc. Những câu chuyện được kể tại căn hộ ở phố Hàng Giấy tái hiện đời sống chính trị - xã hội, đời sống cá nhân và gia đình, cơ duyên nghe nhạc jazz trên radio vào năm 1968, tình yêu với nhạc jazz, đam mê và niềm tin vào bản thân để chơi jazz, ước mơ, phẩm giá và thành tựu của Quyền Văn Minh từ một cậu bé, thanh niên cho đến khi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, một giáo viên saxophone và nhạc jazz được thừa nhận. Đó đích thực là một đời sống khốn khó nhưng kiên cường để luôn được chơi jazz và vun đắp cho tương lai của nhạc jazz ở Việt Nam. Mỗi phần đời là một track (bản nhạc), chứa đựng những tuyên ngôn cá nhân, những cuộc gặp gỡ, những chuyến đi và những độc thoại nội tâm đáng chú ý… của anh.Khởi đi từ câu chuyện cuộc đời nghệ sĩ Quyền Văn Minh, cuốn sách đã tái hiện thời cuộc và nhiều sự kiện lịch sử để trả lời nghiêm túc cho các câu hỏi: Nhạc jazz ra đời ở Việt Nam như thế nào? Nhạc jazz có từng bị cấm không? Những người Việt nào chơi jazz ở Việt Nam lúc bấy giờ? Họ học chơi jazz ở đâu và bằng cách nào? Họ có ứng tác được không? Có không gian cho họ biểu diễn hay không? Jazz Việt là gì? Những người nào đã khởi xướng jazz ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa?...Stan BH Tan-Tangbau dành gần 10 năm thực hiện các cuộc phỏng vấn, trò chuyện, ghi âm với nghệ sĩ Quyền Văn Minh ngay tại Hà Nội. Trên nền thông tin và tư liệu ấy, anh xâu chuỗi thành câu chuyện đời, chuyện nghề, chuyện xã hội, chính trị và lịch sử Việt Nam một thời đoạn.Cuốn sách này không phải là một nghiên cứu toàn diện về nhạc jazz ở Việt Nam từ trước đến nay, nhưng bằng cách tái hiện ký ức lịch sử cá nhân và "thuật lại sống động cách nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở Việt Nam như thế nào", nó là một câu chuyện độc đáo. Tags: Quyền Văn Minh và nhạc jazzÂm nhạcQuyền Văn MinhNhạc jazzJazzStan BH Tan-TangbauĐối thoại
Quốc hội Hàn Quốc yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật DUY LINH 03/12/2024 Rạng sáng 4-12 (giờ địa phương), Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Chính thức: Nghỉ 9 ngày liền dịp Tết Nguyên đán 2025 HÀ QUÂN 03/12/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có thông báo chính thức về việc nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật khẩn cấp BÌNH AN 03/12/2024 Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tối 3-12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn.
Lê Tuấn Khang chỉ đang diễn và khán giả trẻ quá dễ dãi? THƯỢNG KHẢI 03/12/2024 'Mình xin lỗi nhưng mình coi mà thấy nhạt quá. Có lẽ vì không phải là người miền Tây nên không hiểu được'; 'Cộng đồng mạng có làm quá không?'... là những bình luận độc giả gửi về Tuổi Trẻ Online.