TTCT - Năm 2024 sẽ tốt hơn, tôi tin là vậy. Bấp bênh mà ta đang trải chỉ là một cơn ốm. Việt Nam sở hữu một điều cốt tử, một thứ hiệu nghiệm hơn mọi phương thuốc đặc trị, đó là sức trẻ. Sức trẻ của một đất nước một trăm triệu dân. Làm phi công nhiều năm, tôi nhận ra một điều, khi ai đó đặt câu hỏi về công việc của tôi, họ muốn nghe. Nghề bay ít có thông tin đại chúng, gây tò mò nên mọi người muốn nghe kể chuyện. Nhưng những ngày cuối năm này có vẻ khác. Khi bằng hữu hỏi thăm, tôi cảm giác như họ muốn nói, muốn giãi bày và cả muốn thở than."Cuối năm bên hàng không thế nào?" - bạn bè hay bắt đầu như vậy. Tôi sẽ vắn tắt vài câu, hoặc nhún vai cười trừ. Rồi nhanh như cách ta bấm nút bỏ qua quảng cáo, tôi nhường sân khấu lại cho người hỏi.Và họ sẽ bắt đầu kể.Mới giữa năm thôi, nhìn dòng tiền vẫn còn thấy ổn. Vậy mà đến tháng 11 là thả dốc không phanh. Hợp đồng rớt la liệt. Khách hàng cạn ngân sách, hủy không làm nữa. Mọi năm tháng 12 là chạy tụt quần làm báo giá cho năm sau, nhưng năm nay ngồi chơi không. Năm sau không biết thế nào.Ảnh: Mai Hoàng GiangẤy là lời của những người bạn trong ngành quảng cáo. Nhiều ngành khác cũng không hơn. Bất động sản, xây dựng, thiết kế nội thất, ba ngành liên quan đến đất cát này bị ảnh hưởng trực tiếp thì chắc không phải bàn. Đến IT - ngành mà từ đầu dịch đến giờ nhân viên lên lương liên tục - cũng đã nhập hội thở dài. Giờ thì không chỉ những tay mơ mới ra trường mới sợ bị làn sóng sa thải cuốn trôi mà cả những cây đa cây đề. Một người bạn tôi đang giữ chức tech lead - một vị trí quan trọng trong một công ty công nghệ - kể sáng nào đi làm anh cũng tự hỏi không biết hôm nay đến công ty có nhận trát sa thải không. Ngành IT mà cho nghỉ thì đột ngột dứt khoát, nói kiểu ngôn ngữ bây giờ là phũ hơn người yêu cũ của bạn. Cách đối đãi thẳng tay này dễ gây sang chấn cho những nhân viên cấp cao, thu nhập cao, không còn trẻ, một vợ hai con và một số nợ trong ngân hàng. Vì thế, anh bạn tôi luôn tự chuẩn bị tinh thần.Tôi nhớ đến chuyện cắt giảm nhân sự của các hãng bay 5 sao ở Trung Đông hồi đầu dịch. Những hãng này luôn tự hào với đội ngũ phi hành đoàn dạn dày kinh nghiệm của mình - yếu tố cộng điểm cao vào điểm số an toàn cao chót vót của họ, nhưng khi thắt lưng buộc bụng, phi công và tiếp viên ở đầu bảng thâm niên bị trảm đầu tiên. Lý do: lương của họ là cao nhất.Việt Nam là vậy, Nhật Bản cũng không khá.Nhật Bản đang hứng chịu đợt lạm phát lớn nhất trong 41 năm qua. (Ảnh: https://www.tagesspiegel.de)Đồng yen Nhật xuống kỷ lục, còn gần 16.000 đồng, làm người Việt bên đó khóc ròng. Thu nhập của họ bỗng nhiên bị thổi bay hơn 1/3. Đồng lương này, nếu chỉ nhìn con số, vẫn cao hơn lương ở nhà. nhưng nếu tính cả số tiền cọc vài trăm triệu đã đóng để được xuất khẩu lao động, cộng với công lao tha hương cầu thực gian khó thì không bõ.Nhiều người không chịu được đã bỏ về Việt Nam. Những người ở lại thường không có lựa chọn. Đa số phải gửi tiền về cho nhà đều đều mỗi tháng, nên đành phải cắn răng gửi đồng lương đã bị suy thoái bóp cho teo tóp. Một số rất ít không buộc phải gửi tiền về, như Huy, thì giữ lại. Huy là kỹ thuật viên cao cấp làm cho Toyota. Anh không có nhiều trách nhiệm ở quê, nên mới được chọn kiểu phòng thủ này."Cần lắm em mới gửi tiền về, không thì em cứ để bên này. Chờ nó lên lại" - Huy nói với tôi.Tôi cho đó là một ý hay. Bỏ ngân hàng lấy lời và chờ thời.Nhưng làm gì có chuyện lấy lời. Bên Nhật, gửi ngân hàng coi ngang như mất tiền. Bên đây gửi tiết kiệm lãi chỉ khoảng 0,001%, cao nhất là 0,002% cho tiền gửi 10 năm, mà ngân hàng còn thu phí quản lý tiền gửi. Tiền mình gửi vào, lúc lấy ra chỉ có sứt mẻ. Không phải ở đâu cũng như Việt Nam, 5-6-7% lãi suất đâu. Năm 2023 vừa rồi, Chính phủ Nhật đã làm một việc quan trọng với loại tiết kiệm 10 năm, tăng nó lên một trăm lần. Nghĩa là từ nay mở số tiết kiệm 10 năm, 1 triệu yen (165 triệu VND) mỗi năm lời 2.000 yen (320.000 VND).Kinh tế ảm đạm như chiều đông kiểu đó không nằm trong suy tính của người Nhật. Tháng 3-2023, nước này gỡ bỏ mọi quy định chống dịch, xuất nhập giản tiện. Người ta hy vọng nhờ đó du lịch sẽ phóng lên như một quả bóng bay căng tròn. Đâu có ngờ, bong bóng chỉ thăng thiên được mỗi mùa hoa anh đào đầu tháng tư, sau đó thì xịt.Nhật vậy, nhưng láng giềng của Nhật có vẻ vẫn khỏe. Không biết Hàn Quốc có suy thoái hay không, nhưng nhìn vào cách người dân đi du lịch Việt Nam, tôi đoán là không.Nếu có dịp đến sân bay quốc tế Đà Nẵng vào buổi tối, lắng nghe xem ngôn ngữ nào vang lên nhiều nhất trong nhà ga, bạn sẽ nghe chủ yếu là tiếng Hàn. Ngước mắt lên các bảng điện tử, bạn sẽ thấy một loạt tên các hãng Hàn Quốc. Những chuyến bay của vài hãng Việt Nam lọt thỏm giữa rừng chuyến của Korean Air, Asiana, Tway, Jin Air, Air Busan, Jeju Air… Trong một thoáng, có thể bạn sẽ tưởng nhầm mình đang đứng trong sân bay nào đó ở xứ kim chi.Nhộn nhịp này đem lại hứng khởi cho người làm du lịch Đà Nẵng. Bác tài chở tổ bay nói với tôi: năm nay Đà Nẵng trúng đậm nghe. Khách nội địa lúc lên lúc xuống đến rồi lại đi, nhưng khách Hàn thì an tâm là đông đều cả năm. Lượng khách Hàn giờ đã ngang ngửa trước dịch, khi ấy Đà Nẵng được gọi là Korea town. Mà Hàn Quốc hắn chịu chi nữa chứ.Bên đó mấy năm gần đây có phong trào tiêu tiền không cần biết ngày mai. Có hẳn tên luôn, dịch ra tiếng Việt hơi thô, là kệ bà nó, cứ tiêu đi. Cái này xuất phát từ sự ức chế của người trẻ. Giá nhà bên đó cao quá, để dành cả đời người chắc mới mua được cái nhà bếp, nên người ta không thèm để dành nữa, làm tháng nào xào luôn tháng đó. Thiếu thì đi vay. Bên Hàn thẻ tín dụng tràn lan, ai ra đường cũng có dăm cái lận lưng. Tha hồ mượn nợ tiêu xài.Chục năm xuất khẩu lao động ở Seoul, nên bác tài rành chuyện bên đó như dân Hàn rành ăn kim chi. Rồi anh kể, bên Hàn hẹn hò chàng dắt nàng đi ăn nhà hàng trên mức bình dân một tẹo thì sương sương một tối hết 2-3 triệu tiền mình là thường. Tiền đó, tính đi, sang Đà Nẵng vào quán đi ăn được bao nhiêu. Cả đại gia đình đó chứ. Lợi vậy nên qua đây hỏi sao hắn không tiêu mạnh.Đà Nẵng trúng đậm còn nhờ khách Ấn nữa. Người Ấn Độ không có kiểu trăm nghìn đổ một trận cười. Dân tộc thông minh ấy đi đâu tiêu chi cũng tính toán thiệt hơn kỹ lắm. "Nhưng mà hắn đông ớ kìa, nên nhiều cái ít cũng thành một cái nhiều" - bác tài hào hứng.Năm 2023, hàng không và du lịch kết hợp với các thành phố để quảng bá hình ảnh Việt Nam sang Ấn Độ. Từ đó, du khách Ấn Độ bắt đầu sang ta nhiều hơn.Korea town sầm uất nhộn nhịp là vậy, China town thì có chiều đìu hiu quạnh quẽ. Trái với dự đoán sáng sủa cuối năm ngoái, thực tế năm nay lại nhuộm một vẻ u hoài. Lịch bay đầu tháng phát cho phi công, ai cũng có 1-2 chuyến từ Cam Ranh đến Trung Quốc như ngày trước dịch. Nhưng gần đến ngày thì chuyến bay bị hủy. Lịch bay chỉ là kế hoạch, nhưng kế hoạch không chuyển hóa thành thực tế được. Đang có một trở lực nào đó ngăn không cho dòng khách từ phương Bắc tràn về. Trong lúc chờ đợi, dòng người này rẽ hướng sang Thái và tiêu tiền ở Bangkok, Pattaya, Chiềng Mai…Thường thì khi có tâm sự, người lý tưởng nhất để ta thấp cao sự lòng là kẻ đồng cảnh ngộ (hoặc cảnh ngộ thống thiết hơn). Nếu vậy thì bạn bè tôi đã chọn đúng người để chia sẻ. Ngành hàng không năm rồi cũng đâu thoát được bóng râm suy thoái. Các chuyến bay không cất cánh, các hãng bay gặp khó khăn, nên các phi cơ dần bị trả về cố chủ, hệ quả là phi hành đoàn ít có việc. 2023 đã là năm hạn thứ tư liên tiếp của ngành bay.2024 hy vọng sẽ tốt hơn, tôi tin là vậy. Theo thiển ý của tôi, bấp bênh mà ta đang trải qua chỉ là một cơn ốm. Với vài người, có thể là một cơn bạo bệnh. Nhưng ngay cả vậy thì cũng không phải là vô phương. Việt Nam sở hữu một điều cốt tử, một thứ hiệu nghiệm hơn mọi phương thuốc đặc trị, đó là sức trẻ. Sức trẻ của một đất nước một trăm triệu dân. Một trăm triệu dân và chưa có dấu hiệu dừng lại.Cái vế sau - chưa có dấu hiệu dừng - mới thật sự là quan trọng. Người láng giềng của ta chắc hiểu điều này. Trung Quốc tuy tỉ rưỡi dân, nhưng 2023 là năm thứ hai liên tục ghi nhận dân số giảm. Dân số giảm nghĩa là tương lai u ám. Vì lẽ này mà họ vô cùng ưu tư. Việt Nam không những đông dân mà dân số lại trẻ và còn tăng liên tục. Ấy là dấu chỉ của một nền kinh tế tràn trề nhựa sống, nhiều kỳ vọng.Mà kỳ vọng chẳng phải là nhiên liệu chính của cỗ máy kinh tế mà loài người mình đang vận hành đó sao? Nên tôi đoán chúng ta sẽ khỏi nhanh và phục hồi mạnh mẽ. Nền kinh tế top 40 hoàn vũ phải có sức bật trẻ khỏe như vậy.Tất nhiên, chuyên môn của tôi không phải là kinh tế mà là hàng không - ngành tuy trẻ trung nhưng bốn năm rồi chỉ mới ngưng được máy trợ thở chứ chưa bò dậy nổi. Song kinh nghiệm từ đấy cho tôi thấy sau gần nửa thập kỷ như vậy, người ta tìm được cách thích nghi. Cái chi không đánh gục được ta sẽ làm ta khỏe hơn. Khỏe để tiếp tục thích nghi năm khó khăn thứ năm. Hoặc để đón nhận năm tốt đẹp đầu tiên. ■ Tags: Phi côngHàng khôngSuy thoái kinh tếLạm phátDu khách
Ông Trump chọn người dẫn chương trình Fox News làm bộ trưởng quốc phòng THANH HIỀN 13/11/2024 Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử ông Pete Hegseth - người dẫn chương trình của Fox News làm bộ trưởng quốc phòng.
Ông Trump chọn tỉ phú Elon Musk đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ THANH HIỀN 13/11/2024 Tổng thống đắc cử Donald Trump thông báo tỉ phú Elon Musk và cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy sẽ lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ.
Nhà vườn Bến Tre tiếc đứt ruột nhổ bỏ hoa Tết MẬU TRƯỜNG 13/11/2024 Một số nhà vườn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre phải nhổ bỏ hàng ngàn giỏ hoa cúc mâm xôi được trồng cho mùa Tết 2025. Vì sao lại có chuyện trái khoáy này?
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.