Một nền bóng đá mạnh...

HUY THỌ 20/06/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Trong những ngày chống chọi với COVID-19, đội tuyển bóng đá quốc gia đã mang lại cho người dân Việt một niềm vui tinh thần rất lớn.

Đó là lần đầu tiên môn thể thao vua đối với người Việt ghi được dấu son lịch sử: lọt vào tốp 12 đội mạnh nhất châu Á để tranh suất dự VCK World Cup.

Đội tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử. Ảnh: N. Khánh

 

Quan trọng hơn, bóng đá Việt góp mặt vào tốp 12 bằng thực lực, bản lĩnh và một nguồn tài nguyên con người phong phú.

Thực lực, đó là việc dẫn đầu bảng cho đến trận cuối cùng, chỉ chịu xếp sau một UAE vượt trội về nhiều mặt; chứ không hề có một chút nào gọi là ăn may.

Bản lĩnh, đó là ngay cả khi bị dẫn ba bàn, các cầu thủ vẫn giữ được tinh thần vững vàng để khiến đối thủ phải ngạc nhiên khi gỡ hai bàn không chỉ là danh dự.

Còn nguồn tài nguyên con người phong phú, đó là những cầu thủ vào sân từ ghế dự bị chả hề kém cạnh những người đá chính. 

HLV Nguyễn Đức Thắng, từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia và hiện ở đội Bình Định, nhớ lại thời anh còn thi đấu, HLV Alfred Riedl gần như không có lấy một phương án thay thế nào khả dĩ khi một trong 11 vị trí chính thức có vấn đề! 

Đường đến vòng chung kết World Cup 2022 có thể rất gian truân, khi dọc đường quá nhiều “hổ báo” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Arabia Saudi, Iraq, Iran... mà suất đến Qatar chỉ có 4,5; nhưng cũng không sao, bóng đá không phải chuyện thần thoại để Thánh Gióng mới ba tuổi đánh tan giặc ngoại xâm! 

Cứ kiên trì làm ăn tử tế, ắt rồi cũng đến ngày hái quả ngọt.

Chỉ có một điều còn lăn tăn, đó là bóng đá không chỉ có cầu thủ và HLV hay các nhà quản lý; mà theo dự án Tầm nhìn châu Á của AFC, một nền bóng đá hoàn chỉnh gồm 11 “cầu thủ” có vai trò quan trọng như nhau, đó là bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng đá trẻ, bóng đá học đường, marketing, y học thể thao, trọng tài, huấn luyện viên, truyền thông, người hâm mộ, và bộ máy liên đoàn bóng đá.

Nhiều vị trí trong đội hình này ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Nhưng cũng còn vài vị trí để lại nhiều âu lo, ví dụ truyền thông và người hâm mộ. 

Lực lượng CĐV bóng đá Việt bắt đầu gây lo ngại khi cứ đội nhà thua là lao đi tấn công trang cá nhân của trọng tài. Mới nhất, sau trận thua UAE, trang cá nhân của trọng tài người Iraq đã bị cả trăm ngàn comment rủa xả thô bạo, tạo nên một hình ảnh xấu xí của CĐV VN trong mắt bạn bè thế giới. 

Nhà báo Vũ Công Lập bình luận: Cái gọi là cộng đồng mạng đó không đại diện cho người Việt, nhưng để cái không phải là đại diện đó lại gây ầm ĩ thì thật đáng buồn.

Bên cạnh nỗi lo về vị trí CĐV, truyền thông cũng là điều đáng ngại, khi thay vì đóng vai dẫn dắt dư luận, cung cấp cho mọi người kiến thức bóng đá, thái độ ứng xử đúng mực khi thua cũng như thắng; thì lại hùa theo nhóm gọi là “dư luận” trên mạng bằng những bình luận thiếu chuyên môn.

Chưa thể có một nền bóng đá mạnh đúng nghĩa, nếu có sự chênh lệch về phát triển của 11 vị trí kia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận