TTCT - Thống kê công bố trong dịp tết vừa rồi cho thấy một lượng lớn du khách đổ về thành phố Đà Nẵng. Nhưng điều mà thành phố này cần hướng tới không chỉ là các dịch vụ du lịch nhất thời. Ánh sáng đánh thức Đà Nẵng đang được nhiều du khách ngợi ca là “Thành phố đáng sống”. Trong ảnh: người dân TP lẫn du khách thư giãn trên tuyến đường Bạch Đằng đoạn gần cầu sông Hàn Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam Thật sự đây là một nơi chốn có những nét kỳ lạ khác thường, đủ sức lôi cuốn để trở thành một thành phố mở, nơi tụ hội lý tưởng để hào kiệt bốn phương tới sinh sống phát triển như số phận nó từng có. Lịch sử đã nói nhiều và ta đã biết quá rõ. Đâu phải tự nhiên mà từ năm 1617 vùng đất này được người nước ngoài tôn xưng là “Quảng Nam quốc”; đâu phải tình cờ mà linh mục dòng Tên Alexandre De Rhodes - nhà truyền giáo đầu tiên đến xứ ta và góp công tạo ra chữ quốc ngữ - đến đây lần đầu từ năm 1624; rồi dấu ấn các cộng đồng Hoa, Nhật sống tại Hội An; rồi người Pháp ngấp nghé Đà Nẵng đầu tiên khi muốn bước vào xứ Việt; rồi người Mỹ dính đến Việt Nam cũng bắt đầu từ Đà Nẵng hồi năm 1965... Nuôi lại những hào hoa một thuở Đó là chuyện xưa. Trở lại lịch sử hiện đại, tính đến thập niên 1970, đây là vùng đất quê hương thứ hai của một cộng đồng người Việt gốc Hoa sinh sống lâu đời và bền vững. Dấu tích còn lại của họ là các khu phố nhà cổ làm chành hàng (thương điếm) dọc đầu đường Bạch Đằng gần chợ Hàn, nơi thu gom hàng hóa nông thổ sản theo các con thuyền đem về Hong Kong và nhiều hàng công kỹ nghệ từ Hong Kong chuyển sang (đến Singapore thấy các con phố bảo tồn thời lập quốc của họ còn thua xa các con phố này của chợ Hàn hồi đó), rồi ngôi trường mang tên Thọ Nhơn dạy tiếng Hoa và chơi bóng rổ nổi tiếng hồi những năm 1970 (đến nỗi trận đấu chung kết bóng rổ giữa Thọ Nhơn và Phan Châu Trinh luôn là sự kiện của giới học sinh thời đó). Cũng lúc ấy, ở đây có một cộng đồng người Bắc lâu đời sinh sống từ trước năm 1945 cho đến cuộc di cư 1954 mà dấu ấn để lại dễ thấy nhất là tiệm bánh cuốn Tiến Hưng trên đường Trần Phú (xưa là đường Độc Lập). Trước còn có tiệm bánh mì Tiến Thành gần đó có lối làm bánh mì thịt y như bánh mì ở phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) bây giờ, một tiệm phở Bắc mang tên Cấp Tiến nằm trên đường Trần Hưng Đạo gần đó. Và không ở đâu mà cộng đồng người Huế, Quảng Trị hòa nhập lâu đời như ở Đà Nẵng đến nỗi hình thành một phong cách bún bò Huế kiểu Đà Nẵng, mà đối với người viết bài là ngon nhất Việt Nam, với sợi bún nhỏ, khi ăn nhiều lúc chấm một ổ bánh mì giòn rụm vào nước dùng nghi ngút khói. Đây cũng là vùng đất rất cởi mở về tôn giáo, chỉ trên một đoạn đường Nguyễn Hoàng cũ (nay là Hải Phòng) dài chưa tới một cây số thì đầu đường là một nhà thờ Tin Lành lớn, cuối đường là một chùa Cao Đài, cách đó một quãng là Trường Bồ Đề, một ngôi trường Phật giáo nổi tiếng và không xa là giáo xứ Công giáo Tam Tòa. Đây cũng là nơi rất nhiều cư dân nước ngoài chọn sinh sống, với ngôi trường quốc tế do chính các ông bà giáo Tây giảng dạy là Trường Lycée Pascal sau đổi thành Nguyễn Hiền, Trung tâm Văn hóa Pháp - nơi hằng ngày học sinh đến học về ngôn ngữ và văn minh Pháp trong môi trường lịch thiệp (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Bạch Đằng và Trần Phú)... Một tập hợp cư dân thành đạt, phong lưu khắp nơi từng chọn nơi đây là quê hương bên cạnh những người Quảng Nam để hình thành một thành phố thanh lịch, văn minh, đẳng cấp vang bóng một thời. Người Đà Nẵng từ xưa biết cách làm cho thành phố mình có duyên hơn cho chính cư dân mình tận hưởng chứ không chỉ chuyên chú cho việc làm du lịch. Chẳng hạn về cách tắm biển thôi, ngày xưa cư dân có một “danh mục” các bãi tắm phong phú để chọn lựa khi quyết định đi tắm biển: bãi tắm Mỹ Khê cát trắng phau nhưng không có hậu cảnh đẹp, bãi Nam Ô với những bãi đá và một ngọn núi nhô ra biển để hẹn hò, hay bãi tắm Tiên Sa êm như mặt hồ nằm trong một vịnh nhỏ tuyệt đẹp (đây là bãi tắm riêng thời đó, chỉ tướng tá quân đội mới vào được), hoặc dong thuyền ra khỏi cửa Hàn đi vòng bán đảo Sơn Trà đến bãi Bàn, bãi Soài - nơi không thể đến bằng đường bộ và chứa đầy cảm giác hoang dã khám phá, cùng lắm mới ra biển Thanh Bình đá banh vì bãi này lúc đó ô nhiễm rác khá nhiều... Đây là thành phố của khám phá, một đô hội đầy đủ tiện nghi lại nằm sát thiên nhiên hoang dã. Hãy thử dong thuyền khám phá sông Hàn, hoặc lên Bà Nà (ngày nay lên bằng cáp treo), nhưng thanh niên ngày trước thì đi lên bằng đường bộ ngoằn ngoèo sau đó làm một chuyến trekking vào rừng thăm các biệt thự săn bắn hoang phế còn lại từ thời Pháp. Hay khám phá những cánh rừng của đèo Hải Vân, hoặc đi sâu vào vùng Đại Lộc đến các thung lũng nằm sát chân núi vùng Khâm Đức, Thượng Đức cảnh đẹp mê hồn… Xa hơn một chút trong vòng bán kính 150km bạn có thể vươn đến Quảng Trị ở phía bắc, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) ở phía nam hay núi rừng Tây nguyên... Hầu như không có một thành phố nào của Việt Nam có được sự kỳ thú đó. Tất cả những việc này ngày xưa đều do các nhóm cư dân hoặc đoàn thể tự làm vì thích thú, say mê. Chẳng hạn, người Đà Nẵng ai cũng biết gia đình Út Môtô nổi tiếng về nghề cơ khí, nhưng quan trọng nhất là cuối tuần cả gia đình ra sông Hàn lái canô lướt ván giải trí và giúp cho thành phố khỏe mạnh hẳn lên (bờ sông Hàn ngày trước có những dốc để đưa canô xuống trượt nước, lướt ván). Còn các chuyến phiêu lưu khám phá lúc ấy thường do Hướng đạo Đà Nẵng thực hiện (Hướng đạo Đà Nẵng thuộc Đạo An Hải nổi tiếng nhất ở miền Trung thập niên 1970). Đô thị Đà Nẵng về đêm - Ảnh: Đăng Nam Những chỉ số của một thành phố để quay về Ở tất cả các thành phố lớn có du lịch phát triển như Hà Nội, Huế, TP.HCM..., hay Singapore, Bangkok..., người ta không sống “giả vờ” để làm du lịch. Người ta sống đời sống thật của mình và nếu đó là sống đẹp sẽ lôi cuốn khách đến thăm viếng, rồi đến sống và làm ăn. Đây là mục đích quan trọng nhất Đà Nẵng nên nhắm tới. Trên một khuynh hướng đã có sẵn trong lịch sử như đã nêu, Đà Nẵng với điều kiện hiện có cần phải nhắm đến mục tiêu sống đẹp này. Đà Nẵng không nên chỉ là các khu resort tách biệt xa xôi đâu đó, không nên chỉ là chỗ vãng cảnh dọc bờ sông Hàn hay chỉ là một lần bắn pháo hoa mỗi năm. Không nên là một nơi chỉ toàn nói về chuyện buôn bán đất đai, bất động sản, chạy dự án hay nhậu nhẹt tưng bừng…mà cần tạo lập trở lại cái khí vị văn hóa tao nhã, khỏe mạnh từng có một thời. Người viết bài có vài người quen kết hôn với chồng là người Mỹ và họ về sống ở Đà Nẵng hạnh phúc, đó là một tín hiệu mừng. Nhiều bạn cũ là dân Đà Nẵng nay là giáo sư âm nhạc hàng đầu ở Mỹ, bác sĩ ở Đức, nha sĩ ở Canada… đều muốn khi về hưu thì quay lại đây để sống, đó là tín hiệu đáng mừng nữa. Tuy nhiên, cho đến nay, bạn bè thân quen trong và ngoài nước chưa thấy ai báo tin là sẽ về sống và làm việc luôn tại đây. Con số người quay về sống tại Đà Nẵng là một chỉ số thành công quan trọng mà thành phố này cần theo dõi và chăm sóc. Nhớ đến kinh nghiệm của một thị trưởng ở Mỹ. Để thành phố mình hấp dẫn mọi người, ông đi khắp nước mời gọi những đầu bếp giỏi, chủ nhà hàng tài năng và các doanh nhân nhiệt huyết... về thành phố lập nghiệp, chọn những vị trí phố đẹp nhất để họ mở quán ăn, cà phê, bar nhạc, tiệm sách... Tất cả giúp thành phố ông thi vị, tiện lợi và nhiều kỷ niệm. Nhiều lúc người ta gắn bó với một nơi chốn vì có một góc ngồi cà phê đẹp, thân tình; một quán ăn ngon, chu đáo; một tiệm sách nhỏ phong phú; một giọng hát đẹp của chủ nhân một quán bar... Paris là một thành phố của các quán cà phê đẹp, nơi các triết gia, tiểu thuyết gia hàng đầu đến và viết nên lịch sử kia mà. Sài Gòn ngày xưa ai cũng nói về cà phê Brodard, Givral, Continental... Đà Nẵng vào những năm 1973, 1974 nổi tiếng vào tận Sài Gòn cũng vì có các quán Cafeteria đẹp hàng đầu của miền Nam. Và dĩ nhiên là cần phải bảo lưu thiên nhiên và các kỷ niệm cho một thành phố. Trong quá trình đô thị hóa vừa rồi, Đà Nẵng đã hi sinh khá nhiều cảnh quan thiên nhiên gắn với ký ức thành phố. Hàng cây cổ thụ tuyệt đẹp vươn cao và chịu được bão táp trên đường Thống Nhất dọc hai ngôi trường Nam Tiểu học và Nữ Trung học, vốn là kỷ niệm của bao thế hệ học trò Đà Nẵng ở khu “học hành” này, bị đốn bỏ để mở rộng con đường (khu “học vấn” này gồm hai trường trên và các trường vang bóng một thời như Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Bán Công...). Dốc “Cầu vồng” dễ thương, khác lạ được “san phẳng” để có một đại lộ thẳng tắp ít hồn vía (trong khi nhiều thành phố, khu du lịch người ta bỏ tiền đắp đồi cho có dáng chạy cong quẹo lên xuống đa dạng). Những con phố mới mở mang quá nắng vì thiếu bóng cây, vì thế thiếu đi những vùng vi khí hậu dễ chịu... Một chỉ số lôi cuốn khác của một thành phố tao nhã chính là các điểm tên tuổi văn hóa của đời sống thường, chẳng hạn nói đến Đà Lạt có nhiều cái nhưng ngày xưa người ta kháo nhau về cà phê Tùng, điểm ca nhạc của Lê Uyên Phương, nơi Khánh Ly ca, ngày nay là quán cà phê hát với nhau ở Dinh 3 nơi có một phụ nữ hát đam mê... Đà Nẵng cần phải có một đời sống văn hóa thật như thế để tạo ra cái kỳ thú riêng cho mình. (*) Bài 3 - Xây dựng đô thị tương lai: Tìm đến nguyên liệu ánh sáng Tags: Đà Nẵng
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.