TTCT - Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đặc biệt ở Trung Đông, diễn ra tình cảnh gần như ai muốn làm gì thì làm, đánh đâu thì đánh, miễn là đủ súng đạn và tiền của. Lebanon là một trường hợp điển hình. Hôm thứ hai 7-10 vừa qua là kỷ niệm đúng một năm thảm kịch Gaza, khi phe Hamas đột ngột tấn công Israel, dẫn tới tình hình loạn như cào cào hiện giờ.Tỉ thí Hezbollah - IsraelBáo Iran Tehran Times 8-10 chạy tít: "Tên lửa Hezbollah trút như mưa xuống Israel", kèm tựa phụ: "Nỗi đau của người Israel đang gia tăng". Bài báo viết: "Hezbollah đã bắn tên lửa xuống các thành phố của Israel nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập mặt trận hỗ trợ quân sự của mình cho Gaza vào ngày 8-10-2023".Còn nhớ hôm đó, binh lính Hamas và các nhóm kháng chiến Palestine khác đã phá vỡ hàng rào xung quanh Gaza để tiến hành một chiến dịch ở Israel, giết chết 1.139 người và bắt giữ khoảng 250 người, Al Jazeera 8-10 nhắc lại. Kinh hoàng nhất là vụ tấn công 3.000 người đang tham dự liên hoan âm nhạc Supernova, gần ấp chiến lược Re'im, giết 364 người, theo France 24 7-10, sự kiện được chiếu trên truyền hình khắp thế giới. Hamas ra tay hôm trước, hôm sau tới phiên Hezbollah: "Hôm chủ nhật, Hezbollah cho biết họ đã phóng tên lửa dẫn đường và pháo vào ba đồn ở Shebaa Farms "để thể hiện tình đoàn kết" với người dân Palestine" (Reuters 8-10-2023).Trên đây là chuyện năm ngoái, khi Hezbollah bắt đầu ra tay. Một năm sau oán thù thêm nặng, Hebollah tấn công cùng khắp, quy mô và lớn hơn nhiều. "Hezbollah cũng nhắm vào các cuộc tụ họp và vị trí quân sự của Israel ở miền bắc bằng các cuộc tấn công tên lửa khi họ tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Gaza, bảo vệ Lebanon và người dân Lebanon" (Tehran Times 8-10). Đọc kỹ bài báo, có thể đếm được tới ba vụ tấn công vào các cuộc tụ họp của quân đội Israel. Các vụ tấn công này nổ ra chỉ hai ngày sau tin Thủ tướng Israel Benjamin Netenyahu họp với các tướng chỉ huy sư đoàn 36 tại một căn cứ ở vùng biên giới giáp Lebanon. Nếu Hezbollah chủ ý "săn" ông Netanyahu, thì cũng không có gì lạ.Có điều, ông Netanyahu không những vẫn vô sự mà qua hôm sau, ông còn tuyên bố sẽ tung bộ binh vào Lebanon. Cụ thể, sư đoàn quân dự bị 146 của Israel có mặt ở miền nam Lebanon ngay trong ngày 8-10, theo The Guardian. Đây đã là sư đoàn thứ tư được triển khai ở vùng giáp ranh và nam Lebanon, cho thấy Israel chưa có ý định dừng lại chiến dịch Mũi tên phương bắc đã được khởi động từ tuần trước.Cụ thể hơn, quân đội Israel cho biết cuộc tấn công trên bộ sẽ bao gồm "các cuộc đột kích hạn chế, cục bộ và có mục tiêu" nhằm loại bỏ cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở vùng biên trên thực tế đang tranh chấp giữa hai nước, tức đường ranh giới xanh. Đối diện những lực lượng du kích như Hezbollah và Hamas, Israel không thể cứ sử dụng không quân mãi, mà phải chuyển sang "lùng và diệt" - chiến lược từng được quân đội Anh sử dụng thành công ở Malaya từ cuối những năm 1940.Nhiều dấu hiệu cho thấy Israel đang triển khai chiến lược này một cách bài bản: phó đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn quân đội Israel, trong họp báo 1-10 đã "bật mí": "Lực lượng đặc nhiệm đã tiến vào các hang ổ của Hezbollah tại hàng chục địa điểm dọc biên giới với Israel, thu thập thông tin tình báo, phát hiện các kho vũ khí cất giấu, bao gồm cả vũ khí tiên tiến do Iran sản xuất... Đặc nhiệm đã phát hiện và phá hủy hơn 700 cơ sở khủng bố của Hezbollah song vẫn còn rất nhiều việc phải làm". Muốn sớm đạt mục đích bình định, phải nhanh chóng "bứng" dân chúng khỏi các làng mạc: đây là điều mà người dân Lebanon đang phải "vâng lời" trước lệnh sơ tán các ngôi làng Lebanon trên bờ biển cách đường ranh giới xanh hơn 30km.Xe tăng và binh lính Israel ở khu vực biên giới với Lebanon. Ảnh: The Times of IsraelSong song với chiến lược "lùng và diệt" là triệt hạ đối phương và lấn đất. Cũng theo The Guardian, việc Israel triển khai nhanh chóng bốn sư đoàn khắp miền nam Lebanon và ném bom dữ dội khắp Lebanon, bao gồm thủ đô Beirut, cho thấy họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công còn quy mô hơn nữa. Đến đây, nhất thiết phải dự báo hậu vận của việc tung bốn sư đoàn bộ binh vào Lebanon. Câu hỏi cơ bản là liệu quân đội Israel có bám chặt phương châm "đột kích hạn chế" hay không? Nên nhớ cho tới giờ trong quá khứ các cuộc triển khai bộ binh của họ vào Lebanon về cơ bản là thất bại.Người Lebanon sẽ không cam chịu?Chủ nhật 6-10, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, được Sky News của Anh phỏng vấn, đã nhắc lại lời kêu gọi "thực hiện đầy đủ nghị quyết 1701 để chấm dứt chiến tranh và buộc Israel phải ngừng xâm lược Lebanon cùng các hành vi vi phạm liên tục chủ quyền của Lebanon". Ông tố khổ: "Thật không may, lời kêu gọi này vẫn chưa được thực hiện, đặc biệt là vì Netanyahu không coi trọng cộng đồng quốc tế".Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có mục đích giải quyết tình hình chiến sự Lebanon năm 2006. Nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoàn toàn hành động thù địch giữa Israel và Hezbollah; rút quân đội Israel khỏi Lebanon để thay thế bằng lực lượng của Lebanon và Lực lượng lâm thời Liên Hiệp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) ở miền nam Lebanon; giải giáp các nhóm vũ trang, bao gồm Hezbollah; không có lực lượng vũ trang nào khác ngoài UNIFIL và quân đội Lebanon ở phía nam sông Litani, cách biên giới khoảng 30km về phía bắc.Nghị quyết nhấn mạnh nhu cầu của Lebanon trong việc được kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của mình. Vấn đề là nghị quyết 1701 lẽ ra phải được thực thi từ năm 2006, song tới nay vẫn chỉ là một văn kiện mà mực chữ ký chắc đã mờ, còn trong lãnh thổ Lebanon nay là lực lượng Hezbollah đông đảo và bốn sư đoàn bộ binh Israel. Trả lời câu hỏi về việc liệu ông có liên lạc trực tiếp với Hezbollah hay không, ông Mikati cho biết: "Tôi không có liên lạc trực tiếp và Tổng thống Nabih Berri là người phù hợp để thực hiện các cuộc liên lạc này. Chúng tôi nhấn mạnh, Tổng thống Berri và tôi... cam kết thực hiện nghị quyết 1701".Tới đây là một câu hỏi khó: Quân đội Lebanon làm gì trong cuộc chiến này? Ông Mikati tránh né câu trả lời trực tiếp: "Quân đội sẵn sàng tăng cường vị thế của mình về mặt nhân sự ngay lập tức, nhưng không có đủ trang thiết bị cần thiết, vì vậy chúng tôi cần thêm thời gian để tăng cường trang thiết bị... Có một cam kết quốc tế cung cấp cho quân đội các thiết bị cần thiết để có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chúng tôi không muốn bạo lực hay chiến tranh mà là sự ổn định lâu dài. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ nghị quyết 1701".Ông cũng cho biết các ưu tiên của chính quyền Lebanon lúc này: "Mối quan tâm chính của tôi với tư cách thủ tướng là an ninh của Lebanon, an toàn của đất nước và người dân, thực hiện nghị quyết 1701 và sự trở về của người dân Lebanon từng phải di dời khỏi các thị trấn và làng mạc nơi họ từng sinh sống. Yêu cầu chính của chúng tôi là đã đến lúc người dân miền nam (Lebanon) phải được trở về nhà".Ý nguyện giản dị đó hiện khó bề thực hiện: "Tôi không tuyên bố ngừng bắn nhưng chắc chắn rằng ngay khi Israel ngừng bắn thì việc bắn phá từ Lebanon sẽ dừng lại. Thay vì giết chóc và hủy diệt, chúng ta hãy dùng đến giải pháp ngoại giao". Tới đây, phải nhắc một chuyện hơi nhạy cảm: ông Thủ tướng Makati từng là nhà sáng lập và sở hữu Tập đoàn Makati mà Forbes 10-8 đánh giá là có tài sản trị giá 2,8 tỉ USD, khởi đầu từ việc bán điện thoại vệ tinh, hốt bạc trong cuộc nội chiến Lebanon những năm 1980 và nay đang bán điện thoại vệ tinh ở châu Phi cho Ghana, Liberia, Benin...Trường hợp Lebanon, do đó, là thí dụ cụ thể của tình thế nhiễu nhương có thể xảy ra ở những vùng tranh chấp và bị bỏ mặc, sau khi trật tự đơn cực suy sụp, còn đa cực thì chưa hình thành.■ Trong tình hình chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra (5-11), ở Trung Đông mọi phe phái có vẻ đều đang cố gắng hết sức để giành giật ưu thế trên thực địa, nhằm đặt chính quyền mới ở Washington vào thế đã rồi. Chính quyền Joe Biden đã sắp mãn nhiệm và với thời gian ít ỏi còn lại, sẽ phải để cuộc xung đột Trung Đông cho người kế nhiệm. Dù chính quyền mới nào thay thế ông Biden, đây cũng sẽ là một trong những vấn đề đối ngoại đầu tiên họ phải giải quyết trong bốn năm nhiệm kỳ.Những cuộc tấn công dồn dập của ông Netanyahu và quân đội Israel vừa qua đã cho họ mức độ linh hoạt và tự quyết cao hơn nhiều so với cách đây khoảng nửa năm, khi chiến dịch của Israel tại Gaza vấp phải chỉ trích dữ dội từ cộng đồng quốc tế và cả áp lực từ Washington. Đa số cử tri Mỹ đứng về phía Israel trong cuộc xung đột hiện tại. Ví dụ, cuộc thăm dò của Hội đồng Đối ngoại (Chicago) vào tháng 8 cho thấy 60% người Mỹ muốn Mỹ ủng hộ quân sự cho Israel tới khi Hamas thả hết con tin, và 50% nói họ muốn những ủng hộ đó tiếp tục tới khi Hamas bị xóa sổ hoàn toàn. Tuy nhiên, hơn 60% người được hỏi cũng nói không muốn Mỹ can dự trực tiếp vào xung đột. Tags: Bầu cử Tổng thốngTổng thống MỹIsraelTrung ĐôngLebanon
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận đượ'".