TTCT - Trong những tranh luận, chỉ trích, cãi cọ về chuyện giới trẻ lười hoặc không chịu sinh con, ít người để ý tới một thế hệ "liên đới": những người sẽ không bao giờ được làm ông nội bà ngoại. Ảnh: KQEDHệ quả của việc tỉ lệ sinh chững lại đã nói rất nhiều, vậy còn khi số lượng ông bà, hay nhìn từ góc ngược lại là số cháu trai cháu gái trên thế giới ít hơn thì sao? Cấu trúc xã hội, kinh tế và bản thân những người lớn tuổi ấy sẽ ảnh hưởng thế nào?Không cháu buồn lắm ai ơiNăm 2023, khoảng 35% người Mỹ tuổi từ 50 đến 90 tuổi không có cháu, tăng 5% so với năm 2018, theo dữ liệu điều tra dân số của Trung tâm nghiên cứu gia đình & hôn nhân quốc gia, Đại học Bowling Green.Những người Mỹ mong đợi trở thành ông bà không khỏi thất vọng khi con cái họ không muốn sinh con. Sau chuyến đi sắm đồ sơ sinh cùng một bà bạn cho đứa cháu sắp chào đời của bạn, bà Ann Brenoff, 74 tuổi, thừa nhận với tờ Wall Street Journal bà thấy "ghen tị vô cùng". Hai con của Brenoff, ở độ tuổi 30, đều tuyên bố không muốn có con.Theo dữ liệu liên bang, 2023 cũng là năm có ít trẻ sơ sinh được sinh ra ở Mỹ nhất kể từ năm 1979 tới nay. Tình hình ở nước láng giềng Canada cũng chẳng khá hơn là bao. Theo tờ The Globe and Mail, năm 2022 toàn Canada chỉ ghi nhận 351.000 ca sinh nở, đánh dấu tỉ lệ sinh thấp nhất ở quốc gia này kể từ năm 2005. Đồng thời, khảo sát của Cục Thống kê Canada cho thấy 34% người dân từ 15 đến 49 tuổi không có ý định sinh con. Tệ hơn, số lượng người ở tuổi có thể làm ông bà hiện đông hơn trẻ em dưới 14 tuổi tới 2 triệu người. Trong tương lai, cứ 5 người già thì sẽ có 4 người không được lên chức ông bà.Nhiều bậc lão niên không thể làm ông bà phải… mượn cháu của anh chị em để vui thú ẵm bồng. Cathrin Bradbury, cộng tác viên viết bài thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh từ năm 1947 đến 1962) cho báo Toronto Star, sẵn sàng "chia sẻ" cháu nội 11 tháng tuổi Stefan với bốn anh chị em của bà. Trong khi ông bà của Bradbury có tận 33 đứa cháu thì ba mẹ bà chỉ có 9. Tới thời bà thì em Stefan chiếm ngôi siêu đích tôn. Trừ con trai bà (tức cha của Stefan), tất cả 8 đứa con của các anh chị em bà đều theo "chủ nghĩa không con".Tranh: Dianne Dengel (Fine Art America)Theo tác giả Zosia Bielski của The Globe and Mail, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Baby Boomer ở Canada phải chấp nhận sự thật rằng họ sẽ không bao giờ được làm ông bà. Nói "chấp nhận" thì dễ, chứ làm thì khó. Chia sẻ với Bielski, Zinni Kershianbaum, 66 tuổi, sống ở tỉnh bang Ontario (Canada), cho biết bà đã phải mất nhiều năm mới vượt qua được cảm giác buồn bã, thất vọng trên nhiều phương diện sau khi con gái 34 tuổi quyết định không có con và con trai 38 tuổi thắt ống dẫn tinh.Có nhiều lý do khiến bà Kershianbaum buồn bã. Đầu tiên là vì từ lâu, bà đã vẽ sẵn viễn cảnh quây quần bên những đứa cháu sau khi về hưu. Đây cũng là tư duy chung, được hình thành từ nhỏ, của nhiều người đồng trang lứa với bà. "Trong khái niệm của họ, cuộc sống gia đình chuẩn mực là phải có trẻ con. Bản thân họ đã có con và do đó họ mong muốn có cháu" - Jeannine Hess (Đại học Khoa học ứng dụng Zurich, Thụy Sĩ) chia sẻ với trang mạng Swissinfo.Những người này kỳ vọng sẽ được làm cha mẹ lần hai thông qua việc chăm sóc cháu, và làm tốt hơn lần một, khi giờ đây họ đã có nhiều kinh nghiệm, thời gian, kiên nhẫn và tiền bạc. Họ cũng xem chức vụ ông bà là công việc lý tưởng cho 20-30 năm hưu trí. Riêng trường hợp của Kershianbaum, vì đã góa chồng 15 năm, bà mong có cháu để lấp đầy những năm tháng sống một mình.Không có cháu còn khiến người già cảm thấy không bằng bạn bằng bè. Họ cảm giác lạc lõng khi bạn bè thi nhau khoe ảnh đàn cháu trên Facebook, trong khi mình chẳng có đứa cháu nào để đăng.Mặt khác, việc người trẻ không muốn sinh con cũng khơi dậy sự bất an trong lòng bậc cha mẹ lớn tuổi. Họ không khỏi tự hỏi phải chăng bản thân đã làm gì sai trong những năm tháng nuôi dạy con cái khi xưa, khiến chúng giờ đây không muốn lặp lại trải nghiệm này.Một phần nỗi buồn còn đến từ lo lắng không ai nối dõi tông đường, nhất là với một gia đình có xuất thân là nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng người Do Thái (Holocaust) như bà Kershianbaum.Thêm vào đó, không ít người sợ rằng con cái họ không có ai chăm nom ở tuổi xế chiều. Chưa kể đối với những người nhập cư cố gắng vượt mọi khó khăn, vất vả, mong đổi đời cho con cháu, cảm giác thất vọng càng tăng thêm bội phần.Với ngần đó trăn trở, Bielski tin rằng dù bậc cha mẹ lớn tuổi ngày nay đã cố gắng thấu hiểu và đồng cảm hơn với lứa con cái trưởng thành trong mọi quyết định của chúng, mâu thuẫn giữa hai bên xoay quanh chuyện sinh cháu ẵm bồng là chuyện khó tránh khỏi.Sẽ ra sao nếu không có cháu?Hệ lụy đầu tiên dễ thấy của việc con cái không sinh cháu cho cha mẹ lớn tuổi đó là tác động đến nhân khẩu học về mặt quy mô và hình thái gia đình. Mỗi người chúng ta sẽ có ít người thân hơn, trong khi số người lớn tuổi sẽ tăng lên, theo chuyên trang sức khỏe lão hóa AgeBuzz. Các gia đình sẽ chỉ còn duy trì chiều dọc mà không phát triển chiều ngang, nghĩa là có thể có nhiều thế hệ sống cùng một lúc nhưng có ít thành viên mới hơn, quan hệ gia đình như anh chị em họ không được mở rộng.Về mặt kinh tế, lượng người trẻ trong lực lượng lao động - bao gồm trong các bộ phận hỗ trợ người lớn tuổi - trở nên ít đi, trong khi lượng người cao tuổi cần được chăm sóc tăng lên, gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.Về mặt sức khỏe, những người lớn tuổi không có cháu có thể bỏ lỡ nhiều lợi ích từ việc tương tác xã hội với bọn nhóc dễ thương.Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolution and Human Behavior năm 2017 cho thấy những người chăm cháu có thể sống lâu hơn những người không chăm. Trong nghiên cứu, những ông bà chăm sóc cháu có nguy cơ tử vong thấp hơn 37% so với những người không có cháu để chăm và những ông bà không chăm sóc cháu. "Có mối liên hệ giữa việc chăm cháu và giảm căng thẳng, mà chúng ta thừa biết căng thẳng có liên quan tới nguy cơ tử vong cao hơn" - tiến sĩ Ronan Factora, chuyên gia y học lão khoa tại Hệ thống y khoa Cleveland (Mỹ), giải thích trên trang clevelandclinic.org về kết quả của nghiên cứu trên.Theo Đài WPTV, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy dành thời gian bên đàn cháu mang đến nhiều tiếng cười - "phương thuốc" tăng cường khả năng miễn dịch, hạ huyết áp, kích thích cả lưu lượng máu và hoạt động tinh thần.Tranh: Raed Al Rawi (Saatchi Art)Theo chuyên trang sức khỏe The Healthy, chăm cháu còn giúp ông bà minh mẫn, năng động, duy trì khả năng học hỏi cái mới, có mục đích sống và có động lực chăm sóc bản thân. Thêm vào đó, khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston (Mỹ) phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu dài hạn trên 376 ông bà và 340 đứa cháu, họ phát hiện ra rằng mối quan hệ gần gũi về mặt tình cảm giữa ông bà và cháu ở tuổi trưởng thành có liên quan đến việc giảm triệu chứng trầm cảm ở cả hai thế hệ.Một nghiên cứu khác trên 186 phụ nữ Úc được công bố trên tạp chí của Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ năm 2014 cũng cho thấy những người bà trông cháu một lần một tuần đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức so với những người không chăm cháu. Tuy nhiên, mọi thứ đều cần sự điều độ. Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng những ông bà trông trẻ năm ngày trở lên mỗi tuần đạt điểm thấp hơn trong các bài kiểm tra nhận thức, trong khi những người đạt điểm cao nhất chỉ chăm cháu một ngày một tuần.Nhưng hãy chớ loTất nhiên, không hưởng những lợi ích sức khỏe và tinh thần từ việc chăm cháu, nhiều người lớn tuổi vẫn có nhiều cách để sống vui, khỏe, có ích. Họ có thể tự do đi du lịch - một mình hoặc với con cái để tăng gắn kết tình cảm, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè… mà không vướng bận giờ nào đón cháu tan học, giờ nào dỗ cháu ngủ. Tất cả những hoạt động tương tác xã hội này đều có tác dụng tương đồng với việc chăm cháu, theo WPTV.Chưa kể trong thời đại tuổi thọ ngày càng tăng này, nhiều người lớn tuổi thậm chí có thể không đủ sức khỏe để trông cháu, mà ngược lại sẽ cần con cái chăm sóc.Nhưng nếu vẫn muốn có người để yêu thương, có cột mốc hạnh phúc để ăn mừng, chẳng hạn như sinh nhật đầu tiên hay lễ tốt nghiệp mẫu giáo của cháu, Wall Street Journal khuyến khích người già tham gia chương trình "ông bà nuôi" - đóng vai trò giống như ông bà thực thụ trong cuộc đời của một đứa trẻ.Thông qua kết nối từ một người bạn, bà Elnora Terry, một phụ nữ 84 tuổi độc thân đã ly hôn, sống ở thành phố Nashville, bang Tennessee (Mỹ), đã có thể khỏa lấp nỗi đau mất đứa con duy nhất bằng cách tham gia chương trình ông bà nuôi tại một trung tâm chăm sóc trẻ em từ tháng 6-2012. Hơn 12 năm qua, những đứa trẻ ở trung tâm trìu mến gọi Terry là "bà" và trong nhà bà dán đầy những bức tranh do bọn trẻ vẽ. Cứ tưởng chỉ phụ huynh châu Á mới hay thúc giục, thậm chí hờn trách con cái không chịu sinh cháu cho họ ẵm bồng, hóa ra dân Mỹ cũng thế, dù "nhẹ đô" hơn.Khảo sát 1.000 người dân Mỹ trưởng thành do Công ty phân tích dữ liệu YouGov thực hiện hồi tháng 9-2023 cho thấy 21% bị mẹ gây áp lực phải sinh con vì bà muốn có cháu. 8% cho biết áp lực đến từ cha của họ, 9% từ mẹ của bạn đời và 3% từ cha của bạn đời. Tags: Tỷ lệ sinhÔng bàĐại gia đìnhTam đại đồng đườngSinh con
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".