Mùa màng xã hội

HOÀNG HỒNG - MINH 11/11/2011 10:11 GMT+7

TTCT - Thời cả xã hội là xã hội nhà nông đã qua đi, ít ra là ở các thành phố hôm nay.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Xã hội nhà nông xưa nhiều nghèo khổ và bấp bênh, nhiều bệnh tật và đói nghèo, nhiều dốt nát và áp bức... nhưng tất nhiên không chỉ có thế.

Một trong những cái hay và đẹp nhất của xã hội nhà nông ngày xưa là con người sống với nhịp điệu. Nhịp điệu của thời gian, của thời tiết, của mùa màng, của lễ hội.

“Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà...”.

Nhớ tới thuở nào đi điền dã ở Tây nguyên, mùa mưa rầu rĩ dai dẳng ở đó được người dân gọi là “mùa quên”. Uống rượu và nhảy múa, còn làm gì được hơn? Và cầu khấn lòng thành để cho kho lương thực đừng hết sớm.

Mọi vận động, dù nhanh, dù chậm, chỉ có thể bền bỉ được nếu nó tôn trọng nhịp điệu. Con báo đuổi mồi hay con rùa cần mẫn cũng đều tuân thủ nhịp điệu. Mọi vận động bề nổi, phong trào, không hiểu biết và không tôn trọng nhịp điệu sẽ chỉ đi đến rối loạn, hỏng hóc, kiệt quỵ.

----

Nếu hôm nay bạn muốn tổ chức một lễ hội mấy trăm năm có lẻ gì đó của Sài Gòn và bạn muốn rằng khách bốn phương sẽ hạ cánh đông đảo ở phi trường Tân Sơn Nhất, bạn hẳn sẽ có nhiều việc phải làm. Nhưng hãy chú ý, đừng tổ chức vào cái tháng mười chẳng hạn. Tại sao? Bởi vì người dân của nhiều xã hội đã phát triển đã tổ chức lại đời sống... theo nhịp điệu mùa màng. Mùa màng xã hội.

Tháng mười là tháng học hành. Trẻ em đi học chính quy, ngoại khóa. Người lớn đi làm, đi học ngoại khóa về thể thao, văn hóa nghệ thuật hoặc cả về chính quy. Bạn sẽ chỉ đón được những du khách là người về hưu thôi, với ngoại lệ nhỏ những người khác chưa về hưu, tỉ như những người trúng xổ số, những người mà con cái họ đã trưởng thành...

Bạn nhất định đi công cán làm ăn ở xứ đã phát triển vào mùa hè? Thì cứ đi đi, nhưng hãy chuẩn bị thêm tiền để không gặp ai thì ra bãi biển nằm phơi nắng nghe sóng vỗ, hay lên núi du ngoạn chơi thả hồn cùng mây trời. Không ai tiếp bạn đâu, dù là mấy ông chủ hãng tư nhân hay các ông quan chức nhà nước. Nếu bạn để dành được tiền thì việc du lịch các thành phố lớn ở châu Âu vào mùa hè là điều đáng làm, vì các thành phố đó bỗng dưng vắng tanh, ngủ gật trong nắng hè.

Sau những hối hả của cái thuở ban đầu “mải miết làm ăn quên cả mệt”, đến một lúc nào đó xã hội cũng phải nghĩ lại câu hỏi về tính hướng đích của các hoạt động làm nên đời sống của mình.

Các thành phố hôm nay chộn rộn quá. Xã hội của các thành phố chúng ta vừa chui ra khỏi nửa chừng cái nền văn minh mùa màng nông nghiệp đã lại quên sạch nhịp điệu mùa màng này.

Cuộc sống luôn là một tổng thể. Không thể chỉ có mải miết sản xuất và buôn bán. Làm việc suốt quanh năm ngày tháng, bạn đủ tiền để mua một chục cái đàn, nhưng bạn sẽ không đủ thời gian để tập chơi một bài đàn ra đầu ra đũa. Đầu bù tóc rối làm ăn, rồi một hôm ngẩng lên chê vợ chê chồng mình sao già nhanh thế.

Phải xem xét lại việc tổ chức đời sống, học hành. Phải nâng số ngày nghỉ phép bắt buộc dành cho người lao động lên, bất kể họ ở khu vực nào, nhà nước hay tư nhân. Mười ngày một năm? Không đủ. Phải tiến tới 20 ngày, rồi sau này 30 ngày phép một năm. Đưa số ngày nghỉ phép bắt buộc đó vào trong luật lao động! Hãy nhớ rằng việc tổ chức lao động xã hội cho giỏi quan trọng hơn bản thân sự lao động.

Phải xem xét lại việc tổ chức rộng khắp, phong phú, khoa học đời sống văn hóa tinh thần, thể thao, với những khóa học hành, tập luyện, thi đấu, biểu diễn, trao đổi.

Hãy trả lại cho con người chúng ta nhịp điệu mùa màng. Trả lại mùa màng xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận