Nhiếp ảnh gia Đào Tấn Phát: "Chỉ mong đừng thấy rắn là đập nó chết"!

HUY THỌ 12/02/2024 06:57 GMT+7

TTCT - Vài lần lên rừng xuống biển cùng Đào Tấn Phát, tôi hiểu vì sao giới nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam bảo nhân vật sinh năm 1990 này là "một tay máy đẳng cấp quốc tế".

Con thằn lằn ngón bị rắn rào xanh bắt được, rắn rào xanh có độc nên khi tiêm độc bằng động tác nhai thì thằn lằn vẫn cố đáp trả nhưng vô vọng. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Con thằn lằn ngón bị rắn rào xanh bắt được, rắn rào xanh có độc nên khi tiêm độc bằng động tác nhai thì thằn lằn vẫn cố đáp trả nhưng vô vọng. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Chuyện trong rừng Mã Đà…

Rừng Mã Đà (Đồng Nai) một đêm cuối mùa mưa năm 2023, tôi đi cùng Phát. Phát bỗng reo lên, rọi đèn chỉ: "Một con vạc sành chuẩn bị lột xác nè. Anh chịu khó đứng xem tầm 20 phút, nó sẽ hoàn tất việc lột xác".

Khi ấy, tôi nhớ lại "sự tích con vạc sành" mà mình đọc hồi nhỏ, nghe chuyện mà không biết vạc sành là con gì. Thậm chí ở thôn quê, nghe tiếng kêu rất to của nó cứ ngỡ là một loài chim. Ngờ đâu, con vạc sành hình dáng khá giống cào cào, nhưng có điều cặp râu rất dài.

Con vạc sành (Ảnh: Huy Thọ)

Con vạc sành (Ảnh: Huy Thọ)

Nhớ câu chuyện cổ tích, rồi tận mắt chứng kiến cuộc lột xác kéo dài 20 phút của con vạc sành trong rừng Mã Đà, tôi cứ nghĩ giá mà các học sinh có được những cuộc đi rừng thực tế với Phát, hẳn các em sẽ có những bài học về sinh vật - văn học theo tinh thần tích hợp vô cùng đắt giá.

17h, ngồi trên xe bán tải chạy chầm chậm, Phát bỗng bảo: "Em nghe có mùi con ve vòi voi. Loài này đang vào mùa sinh sản nên phát ra mùi hương đặc trưng, các anh có ngửi thấy gì không?".

Chúng tôi đều căng mũi ra nhưng không thấy mùi gì cả. Xe chạy tiếp chừng chục mét, Phát reo lên "nó kia rồi". Một con ve vòi voi đang đậu trên thân cây, và chúng tôi tha hồ chụp.

Sau khi xem xong cảnh con vạc sành lột xác, Phát bảo: "Hôm nay em ráng đãi mọi người chụp rắn lục đuôi đỏ với cú mèo rồi mới về nhé". Y như rằng chúng tôi chụp được hình cú mèo và rắn lục đuôi đỏ.

Chim hút mật. Ảnh ĐÁO TẤN PHÁT

Chim hút mật. Ảnh ĐÁO TẤN PHÁT

…và dưới biển

Giữa tháng 10-2023, đầu mùa chụp chim biển, Phát rủ tôi ra Long Sơn, Bà Rịa chụp ảnh. Tôi từng đi chụp chim biển ở Cần Giờ, cảm thấy rất khó, vì cũng ngụy trang đồ rằn ri, cũng bò lết rón rén, nhưng còn cách tầm 50m là con chim phát hiện, bay mất. Phát cười "đi với em, anh tiếp cận nó ở cự ly 4m".

Và quả thực, tôi không phải ngụy trang, không phải bò lết rón rén, mà… ngồi hẳn trên xe bán tải của Phát, hạ cửa kính, kê máy lên cửa mà chụp.

Phát lái xe chầm chậm, nhiều lúc chỉ cách chim tầm 4m, tha hồ bấm máy. "Nếu em phủ vải ngụy trang hết cả xe, mình có thể tiếp cận nó ở cự ly 2m".

Thấy tôi băn khoăn, Phát hỏi: "Theo anh, con chim có sợ con voi, con trâu không?". "Ta vẫn thấy chim thường đậu trên trâu, bò kia mà" - tôi trả lời.

Phát cười: "Đúng vậy, chim chỉ sợ con người. Con người săn bắt, tận diệt nó riết nên nó hình thành phản xạ cảnh giác tối đa với con người. Nếu cứ đi xe ô tô để tiếp cận để bắn hạ nó thì tương lai nó thấy xe hơi cũng sợ bay mất".

Phát đã "khai thông" cho tôi một băn khoăn mà nhiều người mới bắt đầu chụp ảnh chim thường có, về máy hiệu nào thì chụp tốt, tiêu cự càng dài mới càng "ngon" chăng… "Không có máy hiệu nào, đời nào là hoàn hảo cả. Với tôi, điều quan trọng bậc nhất khi chụp chim là khoảng cách. Thiết bị xịn đến mấy nhưng ở xa chủ thể thì cũng không bằng thiết bị kém hơn nhưng tiếp cận thật gần" - anh giải thích.

Chuồn chuồn. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Chuồn chuồn. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Đào Tấn Phát tốt nghiệp khoa mỹ thuật công nghiệp (ĐH Tôn Đức Thắng) thì học tiếp môn nhiếp ảnh ở Trường CĐ Sân khấu điện ảnh. Mới học hơn nửa đường, các thầy đã tin tưởng giao luôn cho anh đứng lớp. Tuy nhiên, vì bản tính không muốn ràng buộc, Phát chọn cuộc đời tự do lên rừng xuống biển.

Các thiết bị nhiếp ảnh ngày càng phát triển đến chóng mặt. Không phải ai cầm trên tay chiếc máy hiện đại cũng hiểu nó tường tận, dùng hết công năng. Thấy thiết bị nào mới xuất hiện đình đám, Phát mua ngay để tìm hiểu nó cặn kẽ.

Anh cho tôi xem những bức ảnh mà tôi ngỡ là của tạp chí chuyên ngành thiên nhiên hoang dã thế giới. Bức ảnh con nhông Natalia của Việt Nam (chụp tại Vườn quốc gia Bạch Mã, Huế) của anh đoạt giải nhì cuộc thi ảnh bò sát của Thái Lan năm 2019.

Nhông Natalia của Việt Nam - chụp tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế) vào tháng 5-2018. Ảnh đoạt giải 2 trong cuộc thi ảnh bò sát của Thái Lan năm 2019. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Nhông Natalia của Việt Nam - chụp tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Huế) vào tháng 5-2018. Ảnh đoạt giải 2 trong cuộc thi ảnh bò sát của Thái Lan năm 2019. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Bức ảnh chụp đôi chim trảu đang tung cánh bay trong mùa bắt cặp (chụp tại Đồng Nai tháng 12-2018) từng đoạt nhiều huy chương của FIAP và PSA, IFS trong nước lẫn quốc tế.

Chim trảu trong mùa bắt cặp (chụp tại Đồng Nai tháng 12-2018) từng đoạt nhiều huy chương của FIAP và PSA, IFS. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Chim trảu trong mùa bắt cặp (chụp tại Đồng Nai tháng 12-2018) từng đoạt nhiều huy chương của FIAP và PSA, IFS. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Bức ảnh chụp chuồn chuồn kim mùa giao phối tại ngoại ô TP.HCM (tháng 2-2019) đoạt nhiều huy chương FIAP và PSA (trong đó có 3 HCV gồm 1 FIAP và 2 PSA), rồi đoạt luôn giải năm 2020 trong cuộc thi của tạp chí Outdoorphotography.

Chuồn chuồn kim mùa giao phối tại ngoại ô TP.HCM (2-2019). Ảnh này đoạt HCV FIAP và PSA và thắng 1 giải năm 2020 trong cuộc thi của tạp chí Outdoorphotography. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Chuồn chuồn kim mùa giao phối tại ngoại ô TP.HCM (2-2019). Ảnh này đoạt HCV FIAP và PSA và thắng 1 giải năm 2020 trong cuộc thi của tạp chí Outdoorphotography. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Bức ảnh Rắn rào tre baby săn mồi, (chụp tại rừng Mã Đà tháng 12-2017) được nhiều tạp chí bò sát (Vương quốc Anh, Thái Lan, Ấn Độ) đăng tải 2018-2019…

Boiga cyanea: rắn rào tre baby săn mồi, ảnh chụp tại rừng Mã Đà (tháng 12-2017). Ảnh được nhiều tạp chí bò sát (Vương quốc Anh, Thái Lan, Ấn Độ) đăng tải. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Boiga cyanea: rắn rào tre baby săn mồi, ảnh chụp tại rừng Mã Đà (tháng 12-2017). Ảnh được nhiều tạp chí bò sát (Vương quốc Anh, Thái Lan, Ấn Độ) đăng tải. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Người Thái Lan thường mời anh qua hướng dẫn các đoàn làm phim, chụp ảnh về thiên nhiên hoang dã.

Ảnh chụp cặp nhạn đang tranh mồi (tháng 12-2021) tại Lý Nhơn. Ảnh thắng giải của trang viewbug vào năm 2022. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Ảnh chụp cặp nhạn đang tranh mồi (tháng 12-2021) tại Lý Nhơn. Ảnh thắng giải của trang viewbug vào năm 2022. Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

"Tôi không phải nhà khoa học về chim hay côn trùng, bò sát mà nghề chính là nhiếp ảnh lĩnh vực hoang dã, nhưng ở VN đâu còn bao nhiêu thú nên phải tập trung chụp côn trùng, bò sát và chim" - Phát nói.

Kiến thức và kỹ năng về nhiếp ảnh của anh là do học, tìm tòi và cả năng khiếu trời cho, vậy còn kiến thức về côn trùng, bò sát, chim là từ đâu?

Phát giải đáp: "Tôi đọc rất nhiều tài liệu khoa học và có sự giúp sức rất lớn của bà xã. Cô ấy tốt nghiệp khoa dược, chuyên ngành đông y, phụ tôi trong việc quan sát, ghi chép các tập tính của các loài. Và cô ấy chụp ảnh cũng "ác" lắm".

Bọ ngựa lá (Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT)

Bọ ngựa lá (Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT)

Niềm vui nhiều, nỗi buồn cũng sâu sắc, Phát trăn trở về chuyện những giống loài côn trùng, bò sát của VN ngày càng ít.

"Tôi đã chụp được gần 180 loài rắn ở VN, xem như gần hết. Có những ca thật đáng buồn, như con rắn lục Trùng Khánh (màu nâu đất) - một loài đặc hữu của VN - giờ khá hiếm, trong khi bên Trung Quốc đã mua về và cho sinh sản. Rắn lục Hòn Sơn (Phú Quốc) cũng rất hiếm, đang bị người Thái săn lùng mua. Có điều, loài này mang ra khỏi Hòn Sơn vài tháng là chết. Rắn mắt mèo ở Cà Mau nay gần như không còn thấy, nhưng qua Thái Lan thì có. Hay thằn lằn cá sấu Yên Tử ngày trước rất nhiều, nhưng nay gần như không còn vì Trung Quốc qua mua sạch…" - anh âu lo.

Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Ảnh: ĐÀO TẤN PHÁT

Tuy nhỏ tuổi nhất, nhưng Phát là thủ lĩnh của nhóm Tía Tô, gồm anh Dương Thái Dũng (một Việt kiều Hà Lan đã 35 năm theo nghề nhiếp ảnh hoang dã) và Nguyễn Dũng (một tay máy tên tuổi, nhân viên kỹ thuật của Hãng phim TFS).

Cả ba đã hợp tác thực hiện một series truyền hình thực tế mang tên "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã" phát trên HTV7, tới nay đã làm được 15 tập.

Lý giải về cái tên Tía Tô, Phát nói "đó là một thứ gia vị bình dân nhưng rất bổ ích của người Việt, nhóm chúng tôi mong mình được như lá Tía Tô". Và mục đích của "Việt Nam - Góc nhìn nơi hoang dã", theo Phát, chỉ là mong mọi người thấy con rắn đừng đập nó chết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận