TTCT - Theo dự báo của các chuyên gia, chỉ một số phân ngành nhỏ trong năm 2019 có nhu cầu việc làm giảm sút, trong khi nhu cầu nhân lực ở phần lớn các ngành nghề đều tăng, chất lượng việc làm cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng của lao động VN vẫn còn rất nhiều hạn chế. Ảnh: Verdict Tiến sĩ Đào Quang Vinh, viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, đánh giá: công ăn việc làm trong năm 2018 do nền kinh tế tạo ra khá tốt và năm 2019 cũng sẽ tiếp nối với những chuyển biến tích cực. Ông nói: - Báo cáo gần đây của Chính phủ đã đưa ra dự báo nền kinh tế năm 2019 tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 6,8%, cao hơn so với con số dự báo đưa ra trước đó. Đồng thời, kể từ ngày 30-1-2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, tạo ra cú hích mới cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, quá trình xúc tiến đàm phán với EU để ký kết và kết thúc ký kết Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2019. Hai hiệp định nếu đi vào triển khai, dự báo sẽ tạo ra khoảng 20.000 công ăn việc làm, thuộc các lĩnh vực mà VN đang có thế mạnh như lắp ráp điện tử, chế biến gỗ, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, sản xuất cà phê. Các chuyển biến gần đây cho thấy một số ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh như du lịch, xây dựng, một số phân ngành trong nông nghiệp như sản xuất rau sạch, hoa quả không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Theo chiều hướng này, chỉ một số phân ngành nhỏ như khai khoáng và một số phân ngành nhỏ trong nông nghiệp có xu hướng giảm sút, còn lại hầu hết các ngành đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, xu hướng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ thông tin, những ngành sản xuất kinh doanh mới như bán lẻ online, vận tải công nghệ, trong đó đáng chú ý là ngành công nghệ thông tin sẽ chuyển biến rất tốt. Các dự báo đưa ra bức tranh khá tốt trong tuyển dụng ngành nghề kỹ sư, lĩnh vực ngân hàng tài chính, văn phòng. Đặc biệt, lao động bán hàng, phục vụ khách hàng cá nhân sẽ tăng lên. Đối với phân khúc nhân sự cấp cao, lao động VN hiện nay có đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không, thưa ông? - Lĩnh vực nhân sự cấp cao vẫn là điểm yếu của lao động VN. Hiện nay trong phần lớn các phân khúc về lĩnh vực nhân sự cấp cao từ các chuyên gia, giám đốc điều hành cho đến cấp trưởng phòng, trưởng nhóm nghiên cứu, bán hàng, marketing, kỹ thuật, kỹ sư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin, thì các dự báo cho thấy hiện chúng ta đang thiếu nghiêm trọng. Đó là thách thức lớn cho cung ứng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi cơ cấu trong thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN). Lợi thế lớn nhất hiện nay là VN đang ở thời kỳ dân số vàng (dân số trẻ) nhưng trình độ lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Mặc dù chỉ số cạnh tranh của lao động VN được đánh giá cao ở bậc giáo dục phổ thông, tỉ lệ người biết đọc, biết viết, tỉ lệ người tốt nghiệp phổ thông cao, nhưng chừng đó chưa đủ. Chương trình đào tạo phổ thông cũng đòi hỏi phải bám sát thực tế hơn, bám sát nhu cầu thị trường thay vì chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, hay kỹ năng đọc viết. Mặc dù đã nói nhiều về hướng nghiệp, cải cách giáo dục nhưng hiện nay số lượng các trường được xếp hạng đào tạo trong khu vực và quốc tế vẫn còn ít. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chưa làm việc được ngay, nhiều trường có chất lượng đào tạo quá thấp, có bằng cấp nhưng không có năng lực thực sự. Số đáp ứng được yêu cầu ngoài nguồn cung từ một số ít trường trong nước, còn lại phụ thuộc lượng đào tạo nước ngoài về. Trong khi đó, gần đây số lượng DN mới, chi nhánh công ty nước ngoài mới mở rất nhiều, một thời gian ngắn không thể đáp ứng được. Đang tồn tại bất cập giữa hệ thống đào tạo và nhu cầu thị trường. Thị trường đang phát triển rất nhanh nhưng hệ thống đào tạo chưa chuyển đổi kịp để đáp ứng. Nhìn lại tình hình việc làm trong năm 2018 vừa qua, thị trường lao động đã có chuyển biến gì? - Năm 2018, thị trường lao động đã có nhiều chuyển biến rất khả quan. Cụ thể, tỉ lệ thất nghiệp giảm, chỉ ở mức 2,1%; tỉ lệ thất nghiệp tại thành thị khoảng 3%; tỉ lệ thất nghiệp ở các nhóm trước đây có tỉ lệ thất nghiệp cao như thanh niên, lao động qua đào tạo bậc cao, đại học, cao đẳng cũng có xu hướng giảm xuống. Những ngành nghề, lĩnh vực có lao động tăng nhiều tiếp tục là những ngành lợi thế của lao động VN như điện tử, dệt may, da giày, chế biến gỗ, một số ngành mới như công nghệ thông tin, một số lĩnh vực thuộc kế toán, tài chính, ngân hàng. Nhìn chung, công ăn việc làm do nền kinh tế tạo ra là khá tốt, đặc biệt nhiều ngành đã có sự chuyển biến sang sử dụng lao động có tay nghề cao hơn, phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, năng suất lao động cao hơn đã tạo ra chất lượng việc làm tốt hơn. Những ngành trước đây sử dụng nhiều lao động phổ thông giờ đã áp dụng công nghệ mới, chuyển sang công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn, đi theo xu hướng đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh hơn, sạch hơn cũng đã thúc đẩy thay đổi cơ cấu việc làm theo hướng tích cực.■ Kỹ năng quản lý là khó tìm nhất Theo báo cáo Tương lai việc làm VN của Ngân hàng Thế giới xuất bản tháng 6-2018, chủ sử dụng lao động ở VN coi kỹ năng quản lý là kỹ năng khó tìm nhất. Khảo sát Quản lý thế giới xếp hạng VN thứ 24 trên tổng số 37 nước về kỹ năng quản lý. Hiện nay, tuy lĩnh vực đào tạo của VN có quy định những kỹ năng nào sẽ đưa vào giảng dạy, nhưng những gì được dạy lại không căn cứ vào bất kỳ thông tin nào về chủ sử dụng lao động hay thị trường lao động. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có đội ngũ giảng viên riêng, trong đó nhiều người chưa từng làm việc tại doanh nghiệp, trong khi cũng không có nhiều cơ hội nâng cao trình độ. Tuy 20% doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo, đồng thời một tỉ lệ lớn người lao động cho biết họ học được kiến thức mới từ công việc hằng ngày, nhưng công tác đào tạo của doanh nghiệp nhìn chung vẫn tách rời với hoạt động của ngành giáo dục, đào tạo. Theo báo cáo trên, từ năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng cao nhất vẫn diễn ra ở các công việc thủ công trình độ thấp, nhưng việc làm bán kỹ năng vẫn tăng tới 40%. Đồng thời, những nghề nghiệp có chuyên môn như kỹ thuật điện, tài chính, bán hàng, tiếp thị, quan hệ công chúng, kỹ thuật công trình đã tăng từ 17-25%. Tuy vậy, VN vẫn chưa sẵn sàng cho nền kinh tế tri thức khi chỉ có 8% lực lượng lao động có trình độ đại học, trong khi gần 85% chỉ có trình độ trung học trở xuống. Nhiều chủ sử dụng lao động khi tuyển dụng cho biết ứng viên thiếu những kỹ năng cần thiết ngay cả cho những công việc có trình độ thấp nhất. VŨ THỦY ghi Tags: Thị trường lao độngKỹ năng quản lýCông ăn việc làm2019
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo PGBank Phú Thuỵ, Gia Lâm vỡ nợ bị bắt TTXVN 14/09/2024 Chiều 13-9, tại xã Dương Xá và Dương Quang, huyện Gia Lâm (Hà Nội) lan truyền tin đồn thất thiệt về việc lãnh đạo chi nhánh PGBank Phú Thuỵ, huyện Gia Lâm vỡ nợ bị bắt.
Làm gì để các cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu được an toàn? TUẤN PHÙNG 14/09/2024 Sau vụ sập cầu Phong Châu, chuyên gia cho rằng ngoài kiểm tra, gia cố cầu yếu, phải chống khai thác cát bừa bãi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.