Năm 2022: Cả thế giới được tiêm vaccine?

HỒNG VÂN 06/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Hãng dược Moderna dự kiến sẽ có đủ vaccine cho tất cả mọi người vào năm sau. Kể từ đó, với mũi tiêm nhắc lại hằng năm, chúng ta có thể sẽ chung sống hòa bình với COVID-19.

 
 Em Jazmin Alessandra Barahona Escobar (10 tuổi) được tiêm vaccine COVID-19 của Sinopharm tại Bệnh viện El Salvador ngày 23-9-2021. Ảnh: Reuters

 Trả lời phỏng vấn một tờ báo Thụy Sĩ ngày 23-9, khi được hỏi khi nào chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường, ông Stéphane Bancel - CEO của Moderna - cho biết: “Vào ngày này, năm sau, tôi cho là như thế”. 

Theo ông Bancel, các nhà sản xuất vaccine sẽ sản xuất đủ vaccine để mọi người đều được tiêm trong vòng 12 tháng tới dù hiện nay chỉ khoảng 16 quốc gia trên thế giới đạt 70% dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Các liều tiêm bổ sung (mũi 3 trở đi) sẽ sẵn sàng ở một mức độ nào đó và trẻ sơ sinh sẽ được tiêm vaccine.  

Sự tự tin của nhà tỉ phú người Pháp điều hành Moderna về lượng vaccine cung ứng cho thế giới nhận được sự đồng tình của đối thủ Pfizer. 

Ngày 26-9, trả lời phỏng vấn Đài ABC, CEO của Pfizer là Albert Bourla khẳng định không thiếu vaccine. Ông cho rằng tiêm liều đầu tiên (cho người chưa tiêm mũi 1) và tiêm mũi bổ sung thứ 3 (cho người đã tiêm mũi 2) có thể diễn ra đồng thời. 

Theo Hãng Pfizer, đến tháng 9-2021, công ty đã sản xuất 2 tỉ liều vaccine và 500 triệu liều trong số này đã gửi đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 

Từ nay đến cuối năm, ông Bourla nói sẽ sản xuất thêm 1 tỉ liều, nâng tổng số liều vaccine COVID-19 hãng sản xuất trong năm nay lên 3 tỉ. 1 tỉ liều vaccine này được gửi đến các nước có thu nhập thấp và trung bình theo kế hoạch từ trước. 

Theo trang launchandscalefaster.org của Trung tâm Đổi mới sức khỏe toàn cầu Duke (Mỹ) do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ nhằm cung cấp dữ liệu chất lượng cao về triển khai và mở rộng quy mô các can thiệp y tế trên toàn cầu, dự báo các nhà sản xuất vaccine sẽ cung ứng tổng cộng hơn 12 tỉ liều trong năm 2021. 

Con số này tổng hợp từ công bố của các nhà phát triển vaccine nhưng có nhiều yếu tố không chắc chắn, do thiếu công bố từ nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc, Nga.

Trên thị trường, trừ vaccine Janssen (Hà Lan - Bỉ) và CanSino (Trung Quốc) là 1 liều tiêm, đa số các loại còn lại là vaccine 2 liều, rất hiếm vaccine 3 liều. 

Nếu thế giới dùng vaccine 2 liều, sẽ cần 11 tỉ liều để tiêm cho 70% dân số - ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng do tỉ lệ bao phủ vaccine đủ rộng để hạn chế sự lây lan và bảo vệ được những người không tiêm khỏi nhiễm bệnh.

Nếu các nhà sản xuất có thể đạt mục tiêu, thế giới sẽ có hơn 12 tỉ liều vaccine trong năm nay. Khi số vaccine này được phân bổ công bằng cho các nước trên toàn thế giới, nhu cầu tiêm cho 70% dân số của toàn thế giới có thể được đáp ứng trong năm nay.

Nhưng nhu cầu này có thể thay đổi nếu vaccine cho trẻ em được phê duyệt rộng rãi ở nhiều nước, làm thay đổi bức tranh về nhu cầu, khả năng đáp ứng của vaccine trong năm nay. Ngoài ra, một số nước sẽ tiếp tục dự trữ vaccine nhiều hơn nhu cầu thực tế để đề phòng rủi ro, làm giảm nguồn cung cấp tức thời cho các quốc gia khác.

Để đáp ứng nhu cầu của thế giới với hơn 12 tỉ liều cho năm nay, việc sản xuất vaccine phải tăng lên ở mức độ chúng ta chưa từng thấy trước đây. Tuy nhiên, dự báo, năng lực mở rộng sản suất vaccine không trải đều giữa các nhà sản xuất.

Nguồn cung năm 2021 chủ yếu do Pfizer/BioNTech và AstraZeneca dẫn đầu. Các chuyên gia của Trung tâm Đổi mới sức khỏe toàn cầu Duke dự báo trong năm 2022, vaccine công nghệ mRNA tiếp tục có ưu thế, chiếm phần lớn lượng vaccine được cung ứng. Tuy nhiên, Sinopharm và Sinovac cũng sẽ tăng đáng kể năng lực sản xuất vaccine công nghệ virus bất hoạt của mình.

Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai tiêm vaccine diện rộng, hiểu rõ bức tranh tổng quan về dự báo sản xuất, lịch cung ứng vaccine là rất cần thiết.

Nhưng điều này lại mù mờ, rời rạc, gây khó khăn cho việc đưa ra chính sách, ra quyết định về dự trữ vaccine hoặc các biện pháp khẩn cấp. 

Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ mua thêm 500 triệu USD vaccine Pfizer/BioNTech, nâng tổng số vaccine Mỹ cam kết hỗ trợ lên 1,1 tỉ liều cho toàn thế giới. Mỹ cũng dành thêm 370 triệu USD để hỗ trợ các chiến dịch tiêm vaccine trên toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết phân phối 500 triệu liều vaccine COVID-19 cho thế giới. 

Ngày 25-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ nâng số vaccine viện trợ cho các nước nghèo lên 120 triệu liều, gấp đôi so với cam kết trước đó. Trung Quốc cam kết cung cấp 2 tỉ liều cho toàn cầu đến hết năm nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận