Nam tính cũng đã khác?

KIM DUY 10/03/2012 22:03 GMT+7

TTCT - 1. Tôi không thuộc típ người đánh giá người đối diện qua ngoại hình đẹp hay xấu. Vậy mà có lần, vào năm học lớp 9, một hôm con trai tôi phàn nàn: “Không hiểu sao mấy đứa con gái ở lớp hay chọc con”.

“Giao diện” đẹp: bằng chứng của sự nỗ lực!
Bạn không thấy nhàm chán sao?
Hệ quy chiếu

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi nhìn gương mặt trắng trẻo, búng ra sữa, da không có một nốt trứng cá nào của cậu con trai và đoán có lẽ do con trai tôi trông dễ thương nên bạn gái thích chọc chăng? Tự nhiên tôi buột miệng hỏi: “Thế bọn con gái lớp con có xinh không?”. Con trai tôi trề môi: “Xấu òm, mặt đứa nào cũng đầy mụn”.

Tôi đoán không ít bà mẹ như tôi hỏi con câu đó. Với tôi chỉ là câu hỏi bình thường, gần như một kiểu phản xạ, hỏi cho có vấn đề và không quan tâm đến câu trả lời.

Đến năm lớp 10, con trai tôi bỗng dưng nổi nhiều mụn trứng cá có nguy cơ để lại sẹo nếu không biết chăm sóc. Dù biết rõ là mụn dậy thì, vấn đề bình thường của tuổi mới lớn nhưng tiếc làn da “Hàn Quốc” của con trai, tôi cũng phải ra hiệu thuốc tây tìm mua thuốc về trị mụn cho con.

Tôi mang câu chuyện này kể với một anh bạn đồng nghiệp mới biết rằng chính anh cũng tự tay mua thuốc về xức mụn trứng cá cho cậu con trai 16 tuổi! Anh còn nói phải làm giúp nó và căn dặn không được nặn mụn, nếu không sẽ hư hết da mặt như mình ngày xưa (trông ngầu lắm).

Hỏi thăm nhiều người mới thấy không chỉ mình tôi mà giờ đây nhiều phụ huynh cũng bận tâm đến việc bảo vệ làn da cho ngay cả con trai, khác hẳn với thời xưa, hầu như chẳng có cha mẹ nào đặt vấn đề bảo vệ “nhan sắc” cho con trai theo kiểu như vậy. Cái đẹp nam tính được đánh giá qua các tiêu chí mạnh mẽ, phong trần, cơ bắp, nước da nâu đậm, có mụn trứng cá hay thậm chí có sẹo (nhỏ) cũng không quan trọng... Nam tính không qua vẻ ngoài thiên nặng về cái đẹp mà quan trọng hơn còn là cử chỉ, dáng điệu, cách nói năng, biết lịch sự, lễ phép...

Thế nhưng, có quan sát trên các tạp chí thời trang, phim ảnh bây giờ mới thấy tiêu chuẩn đẹp trai kiểu nam tính có hơi khác hơn trước. Vẻ đẹp con trai trắng trẻo lại được ưa chuộng, đẹp hơn nữa là có làn da... mịn màng!

2. Có theo dõi trên các trang mạng của tuổi teen mới thấy một điều giờ đây iPhone mới là điều kiện tối thiểu để thể hiện đẳng cấp. Đó không phải là việc gì đáng chê trách, thế nhưng muốn để người khác xuýt xoa về tiêu chuẩn đẹp còn phải có phụ kiện đi kèm. Có thể nói thế hệ dưới 20 tuổi bây giờ là thế hệ ra đời và lớn lên trong thời công nghệ số. Đến nỗi các nhà quan sát cho rằng ngay cả ở các nước tiên tiến, thế hệ chưa già vẫn đang ghen tị, so bì với thế hệ trẻ về cái nhanh nhạy “số hóa” và được hưởng thụ từ “số”.

Thật ra, đây không phải là điều bất thường hay lên án một xã hội lao vào tiêu dùng mà quên đi các giá trị thẩm mỹ truyền thống. Có tiêu dùng mới kích cầu xã hội, nhưng nhiều người cho rằng chính việc kích cầu quá mức này đã làm lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Ngay cả các phim ca nhạc của Việt Nam dành cho lứa tuổi teen bây giờ cũng có phong cách hệt các phim ca nhạc của Hàn Quốc là đất nước mạnh quảng cáo về thời trang qua phim ảnh.

Những cô gái, chàng trai có ngoại hình, vũ điệu đẹp và cách ăn mặc thì na ná nhau về màu sắc, kiểu dáng với những mái tóc vàng chóe, váy ngắn, quần bó... Giai điệu nhạc thì ngang ngang... Nhiều người lớn tuổi lắc đầu, không hiểu có gì đẹp/hay mà chúng thích thú đến thế!

3. Thời trang là sự vận động nhanh, thay đổi liên tục. Thập niên 1970 ở miền Nam, thời trang theo phong cách hippy ra đời đã khiến bao cha mẹ sốt ruột vì những mái tóc dài (nam), quần pat, áo eo... Thế nhưng nó cũng chỉ có một giai đoạn.

Cái đẹp trước hết là sự bắt mắt, gây cảm tình ngay từ phút ban đầu cho người đối diện. Tuy nhiên, đã đến lúc người ta thấy rằng dường như lớp trẻ bây giờ đã quá chú trọng đến hình thức bên ngoài mà quên đi việc rèn luyện tư cách? Nhiều cha mẹ cũng có chủ trương cho con mình đẹp mà không chú ý đến giá trị bản thân là quan trọng, dẫn đến một lớp trẻ sống hời hợt, thiên về hình thức, đua đòi, thích hưởng thụ và tìm mọi cách để có điều kiện hưởng thụ.

Hơn ai hết, cha mẹ phải là người hướng dẫn gu thẩm mỹ cho con cái tùy theo hoàn cảnh. Được làm con người là hạnh phúc, là ân sủng trời ban. Giá trị bản thân là quan trọng và tri thức là điều kiện cần, ngoại hình đẹp thì tốt, nhưng không có ngoại hình như mong muốn cũng không phải là điều thiệt thòi quá mức, mỗi người đều có vẻ đẹp riêng của mình.

Con người như hạt ngọc, càng được mài giũa càng đẹp. Tư cách con người cũng thế. Một trang web có giao diện đẹp nhưng nội dung không hay, không lôi cuốn chắc chắn sẽ không thu hút lượt người vào xem!

-----------------

Bạn tôi từng là tín đồ của shopping. Kỷ lục của bạn là mua 13 đôi giày và vô số quần áo trong hai tháng đi học ở nước ngoài. Bạn biết làm điệu, luôn tự tin và giữ hình ảnh mình trước mọi người. Sau khi bạn lấy chồng, mọi việc thay đổi.

Thời gian chăm sóc chồng con đã chiếm hết những buổi đi spa, làm tóc. Ngân sách mua sữa, mua tã cho con khiến bạn không bước vào các cửa hàng thường xuyên. Bạn không hẳn xấu đi, nhưng không còn sự tỏa sáng như trước.

Rồi một ngày bạn gọi: “Đi shopping đi”. Tôi ngạc nhiên, hơi lo sợ cuộc sống gia đình của bạn có vấn đề. Thường mọi người hay đi shopping để giải tỏa căng thẳng. Nhưng không phải. “Gia đình vẫn OK lắm, không có gì sứt mẻ. Nhưng mình cần tìm lại một cảm giác” - bạn nói.

Tôi cùng bạn bước vào một khu mua sắm hiện đại. Bạn nhanh nhẹn hẳn lên khi hòa mình vào ánh đèn tràn trề của các quầy hàng, thoang thoảng mùi nước hoa, những dãy áo quần sang trọng. Nhưng bạn không mua sắm gì nhiều, chỉ đúng một đôi giày cao gót màu tím giá phải chăng. Bạn vui mừng, rạng rỡ hẳn lên. “Mình tìm lại được sự tự tin của mình rồi, oh la...la...la. Đôi giày cao gót luôn giúp mình cảm thấy hấp dẫn và nữ tính”.

Đúng là cái đẹp cứu rỗi thế giới. Tôi mừng cho bạn. Vì ít ra bạn vẫn biết yêu bản thân mình, vẫn biết làm thế nào để tôn bản thân mình lên một cách đúng mực. Tôi luôn tin rằng những ai biết tự chăm sóc bản thân mình tốt mới có thể chăm sóc người khác được.

***

Các đồng nghiệp trong cơ quan đang xôn xao khi nhận thiệp mời đám cưới của “nhân vật của năm”. Cô dâu là một cán bộ năng lực tốt, tính tình cởi mở, chân thành nhưng bao lâu nay luôn nhận được những ánh nhìn ái ngại của mọi người vì “ống chề”. Đã ở cái tuổi đầu bốn còn đuôi thoải mái, cô thậm chí hình như còn chưa bước vào một mối tình sâu sắc nào. Không nói ra nhưng ai cũng đều nhất trí là bởi cô kém sắc. Bao nhiêu đám giới thiệu đều thất bại.

Nhưng cô không lấy vậy làm buồn. Cô vẫn đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với bạn bè. Cô thăng tiến tốt trong công việc. Cô không bị ám ảnh bởi câu “phụ nữ xấu thì không có quà”. Tôi phục cô, bởi tôi chỉ cần nổi một cái mụn trên mặt là đã ngại chẳng muốn gặp ai rồi.

Rồi đến ngày cô mời cưới. Chú rể rất ổn. Ổn đến nỗi mà bao bạn bè và đồng nghiệp phải ghen tị ngược. Hai người gặp nhau khi đi du lịch ở nước ngoài. Cùng tham gia hoạt động cộng đồng, cùng yêu thiên nhiên nên họ nhanh chóng bắt sóng được với nhau. Nhưng cô không thấy mình may mắn hay đặc biệt hơn người khác. Cô đón nhận hạnh phúc đến với mình hồn nhiên như thể tạo hóa đã ban tặng tình yêu cho cô vì cô là người xứng đáng được hưởng.

***

“Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không chịu nhận mình xấu”, tôi nghe loáng thoáng mấy anh con trai châm chọc vậy. Nhưng tôi lại thấy khía cạnh tích cực của lời châm chọc này.

Tôi ủng hộ những người không chịu nhận mình xấu, luôn tự tin ngẩng cao khi biết rõ cái đẹp tỏa sáng từ tâm hồn và nhân cách của mình. Nhưng nếu một ngày bạn thấy cần thêm chút tự tin, đừng ngại tô thêm chút son môi, chải chút mascara và kiêu hãnh bước trên một đôi giày cao gót. Bạn đang giúp thế giới đẹp hơn đấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận