TTCT - Việc giá xăng dầu tăng lên gần 10% giữa tuần qua cộng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xin tăng giá điện khiến nhiều người đặc biệt lo ngại về khả năng lạm phát tăng cao và một mặt bằng giá mới có thể sẽ đến trong vòng 1-2 tháng tới. Ngay sau khi xăng tăng giá, nhiều loại hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo, gây áp lực lên đời sống người dân. Trong ảnh: chợ công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, phát biểu trước báo giới rằng mức tăng đúng lẽ ra còn lớn hơn nhiều, khoảng 4.500-6.000 đồng/lít, tức là khoảng 20-30% chứ không chỉ dừng lại ở mức 10%. Theo ông Thỏa, lý do mức tăng thực tế thấp như vậy vì Nhà nước đã hạ mức thuế nhập khẩu xăng dầu xuống bằng 0% trong khi mức thuế nhập khẩu định mức cho xăng dầu lên tới 25-35%. Nói cách khác, Nhà nước đã giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu xăng dầu để hạn chế bớt mức tăng giá của xăng dầu bán lẻ trong nước. Còn theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chỉ làm CPI cả năm tăng khoảng 0,84%, trong đó mức tác động trực tiếp là 0,24% và mức tác động gián tiếp là 0,6%. Tác động cá biệt của đợt tăng này tuy lớn nhưng không phải quá lớn. Câu hỏi và cũng là mối lo ngại của người dân là liệu còn có các đợt tăng giá kế tiếp hay không? Và con số tăng CPI cả năm sẽ như thế nào? Vai trò cần nhắc của doanh nghiệp Giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vì nhiều lý do. Các yếu tố được nhiều người nhìn thấy nhất là chi phí đầu vào, thí dụ trong trường hợp của giá bán lẻ xăng dầu là câu chuyện giá nhập khẩu thế giới và biến động của tỉ giá hối đoái. Việc tăng thuế và các nghĩa vụ khác với Nhà nước cũng có tác động làm tăng giá. Hai yếu tố khác, ít được nhắc đến hơn, là mức độ cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giá nguyên vật liệu của thế giới là biến số mà cả Nhà nước và doanh nghiệp đều không kiểm soát được. Thuế, tỉ giá và tính cạnh tranh trên thị trường là thứ doanh nghiệp không kiểm soát được nhưng Nhà nước có vai trò nhất định trong việc xác định các giá trị này. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là biến số doanh nghiệp có thể kiểm soát, và Nhà nước có thể gây ảnh hưởng. Trong trường hợp tăng giá của các mặt hàng cơ bản ở Việt Nam như điện và xăng dầu, Nhà nước và doanh nghiệp có những vai trò nhất định trong việc hạn chế đà tăng giá. Theo như lời ông Nguyễn Tiến Thỏa, trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua Nhà nước đã đóng góp vào việc hãm đà tăng mạnh qua hành động giảm thuế nhập khẩu. Đợt tăng này cũng không bị ảnh hưởng bởi tỉ giá vì tỉ giá hối đoái đã được Ngân hàng Nhà nước giữ không đổi trong khoảng một năm trở lại đây. Như vậy, thủ phạm của đợt tăng giá này, nói theo cách loại trừ, thì còn lại ba yếu tố là giá xăng dầu thế giới, mức độ cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Yếu tố giá đầu vào của thế giới được nhắc đến nhiều, trong khi có ít bình luận về vai trò của thị trường cạnh tranh và năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ai cũng biết thị trường cạnh tranh khiến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và làm giá hàng hóa và dịch vụ rẻ đi, có lợi cho người tiêu dùng. Đó là lý do duy nhất khiến Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế tập trung trong những thập niên trước sang kinh tế thị trường trong khoảng ba thập niên trở lại đây. Tuy nhiên trên một số thị trường, thí dụ như thị trường điện và xăng dầu, cuộc cải cách theo hướng thị trường hóa và nâng cao mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Điều này dẫn tới một thực trạng mà nhiều quan chức, giới phân tích và dư luận nhìn nhận là tính thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường này. Nhìn về dài hạn, để hạn chế nhu cầu (xin) tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, Nhà nước cần phải đẩy mạnh việc cải cách các thị trường này theo hướng tăng số lượng doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên cùng một thị trường và đảm bảo sân chơi cạnh tranh thật sự bình đẳng và đúng luật. Trong khi các cuộc cải cách này có thể mất thời gian và không thể làm ngay trong ngày một ngày hai, việc giao hệ thống chỉ tiêu về hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có đa số vốn nhà nước cần phải được thực hiện một cách minh bạch và triệt để, để các doanh nghiệp này có cơ sở tham chiếu và động cơ đủ mạnh để cải tổ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chốt chặn nằm trong chính sách tiền tệ? Tác động gián tiếp của việc tăng giá năng lượng đối với CPI là nó làm tăng chi phí đầu vào của tất cả doanh nghiệp trong cả nước. Hiệu ứng tăng giá của hàng loạt doanh nghiệp vận tải trong những ngày qua là ví dụ sống động cho điều này. Chi phí đầu vào tăng sẽ có hiệu ứng làm tăng mức giá cả hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp này bán ra trên thị trường, điều có thể kiểm chứng ngay tại một sạp bán thịt heo bình thường trong chợ. Tuy nhiên, mức tăng thứ cấp này cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào khả năng hấp thu các cú sốc chi phí của hệ thống doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp có khả năng quản trị chi phí tốt, có vùng đệm lợi nhuận tốt và hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh thì sức hấp thu chi phí của họ cao, dẫn tới mức ảnh hưởng cuối cùng lên CPI thấp hơn. Ngược lại, trong trường hợp sức hấp thu chi phí của họ thấp thì tăng giá đầu vào sẽ dẫn ngay tới việc tăng nhanh giá đầu ra và khiến ảnh hưởng cuối cùng lên CPI cao. Một điểm khác quan trọng hơn nữa, liên quan đến tăng trưởng CPI và thường được nhiều người nói đến là chính sách tiền tệ. Với chính sách tiền tệ nới lỏng thì người dân và doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm nhiều hơn và có khả năng chi trả tốt hơn. Điều này dẫn tới câu chuyện tăng trưởng tốt hơn nhưng cũng làm CPI tăng mạnh hơn vì nhu cầu mua sắm cao sẽ làm tăng giá của hàng hóa và dịch vụ. Trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Chính sách thắt chặt này đã được áp dụng hầu như trong suốt cả năm ngoái và đã phát huy tác dụng làm CPI tăng với tỉ lệ khá thấp trong những tháng đầu năm 2012. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt thật sự được duy trì trong cả năm 2012 thì rủi ro lạm phát từ lý do tiền tệ không lớn. Phần còn lại, vì thế nằm ở chỗ các cú sốc về chi phí (như giá năng lượng và lương thực thực phẩm thế giới tăng đột ngột) và khả năng hấp thụ các cú sốc chi phí này của hệ thống doanh nghiệp. Với tiềm lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng như thực trạng của môi trường cạnh tranh trong nước, có lý do để lo ngại rằng ảnh hưởng của các cú sốc chi phí đến tăng trưởng CPI là khá lớn. Cộng với việc giá các mặt hàng thiết yếu như năng lượng ở Việt Nam khả năng sẽ còn tăng (nhiều) nữa trong năm nay, thật đáng lo ngại về khả năng lạm phát của Việt Nam sẽ được giữ ở mức một con số như dự tính của Chính phủ. Tags: Lạm phátNăng lượngTiêu điểmTăng giáXăng dầuGiá điện tăng
Quốc vương Campuchia: Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em, bạn bè lâu đời DUY LINH 28/11/2024 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni nhấn mạnh Campuchia có quyết tâm cao để tiếp tục vun đắp mối quan hệ này.
Nga nói sẽ 'tất tay' nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 28/11/2024 Tổng thống Vladimir Putin hôm nay cho biết Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay để đánh Ukraine nếu Kiev sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng mong hai tân bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với Chính phủ NGỌC AN 28/11/2024 Thủ tướng mong muốn các bộ trưởng cùng 'đồng cam cộng khổ' với tập thể Chính phủ, kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của Chính phủ qua các thời kỳ.
Ô tô lao qua làn đường ngược lại, húc văng 3 xe máy ở Thủ Đức MINH HÒA 28/11/2024 Ô tô 7 chỗ chạy trên đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bất ngờ lao qua làn đường ngược lại, ủi văng 3 xe máy khiến 2 người bị thương nặng.