TTCT - Mấy năm gần đây, với mục tiêu cải thiện thứ hạng, nhiều trường THCS ở địa phương tôi đã thay đổi cách dạy cho đội tuyển học sinh (HS) giỏi. Minh họa: Pinterest Theo đó, HS khối 8 được lựa chọn từ đầu học kỳ 2 và có nơi còn sớm hơn nữa vào đội tuyển thi HS giỏi để luyện thi vào giữa năm học lớp 9. Các em này ngoài giờ học chính khóa sẽ theo học chương trình luyện thi HS giỏi mỗi tuần ba buổi. Trong hè vẫn tiếp tục học và thời lượng sẽ tăng lên khi kỳ thi đến gần. Thầy cô chủ nhiệm được chỉ đạo miệng là phải tạo điều kiện tối đa cho các em bằng nhiều cách. Đầu tiên, những HS này không phải dự học thể dục hay tham gia các hoạt động tập thể khác, thậm chí miễn học một số tiết ở môn khác... cho đến khi dự xong kỳ thi. Giáo viên bộ môn phải cho điểm tuyệt đối nếu lịch ôn tập, lịch thi trùng với ngày kiểm tra của các em. Nghĩa là không dự kiểm tra, các em cũng được điểm 9, 10. Trước khi kỳ thi HS giỏi cấp huyện, tỉnh từ 7-10 ngày, các em được cho phép nghỉ hẳn, không phải đến lớp để tập trung ôn thi. Những ngày nghỉ này không được ghi vào sổ điểm danh và có những lớp gần tới ngày thi, sĩ số giảm đi là chuyện thường. Lý do: mỗi HS chỉ được đăng ký thi một môn nhưng có đến 8 môn thi dành cho HS giỏi. Kỳ thi HS giỏi thường qua ba vòng: cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Mỗi vòng thi cách nhau vài tháng. HS THPT còn cả vòng quốc gia. Chuyên học để thi như vậy nên các em này sẽ có nhiều khả năng học lệch, tất nhiên kết quả khó mà cao được. Môn dự thi HS đạt giỏi nhưng những môn còn lại chỉ đạt trung bình, dưới trung bình. Nhưng nhờ chỉ đạo nâng điểm các môn còn lại nên các em vẫn đạt thành tích tốt cuối năm học. Các em và phụ huynh mặc nhiên xem đây là sự đánh đổi hợp lý cho sự hi sinh khi chấp nhận vào đội tuyển. Các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh, thầy cô tăng cường giải bài tập để rèn luyện cho HS suốt mùa ôn thi. Còn lại các môn văn, sử, địa, sinh lại có cách học khác: thầy cô soạn trước một số đề cương rồi in ra, phát cho HS. Nhiệm vụ các em là phải học thuộc lòng càng nhiều càng tốt. Các tiết luyện thi HS giỏi những môn này, mỗi em ngồi một góc tập trung “tụng” cho nhuần nhuyễn, thầy cô chỉ việc căn cứ các câu hỏi trong sách giáo khoa mà soạn câu trả lời cho các em. Càng bám sát nội dung, khả năng đỗ càng lớn. Những giờ ôn thi này, có thầy cô chỉ ngồi bấm điện thoại, lên mạng..., tất cả phó mặc cho HS. Thi thoảng, các em được khảo bài xem việc nhập tâm đã đến đâu chứ không phải là việc hướng dẫn cách làm bài và các kỹ năng khác. Lòng ham thích môn học của các em không được khuyến khích mà còn ngược lại. Nếu còn duy trì thi HS giỏi bậc THCS, việc ra đề nên được xem lại. Bao giờ còn ra đề kiểu thuộc lòng thì việc HS đoạt thứ hạng cao trong thi HS giỏi chưa thuyết phục mọi người. Thầy cô vì vậy cũng chưa có sự tự hào là có công lao đào tạo được HS có thành tích. Vì sao như vậy? Nhiều năm qua, tuy ngành giáo dục đã phát động đổi mới trong kiểm tra đánh giá và thi cử nhưng một số nơi chưa đổi mới kịp thời. Đề thi vẫn nặng cách “tầm chương trích cú”, chưa phát huy sức sáng tạo của HS. Người dạy quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu nội dung. Phần nào năm trước đã ra đề thì bỏ hẳn, phần nào chưa ra thì tập trung ôn tập cho chắc ăn. Các môn khoa học xã hội chủ yếu học sao cho thuộc làu là có giải. Có đơn vị phân công HS học theo chủ đề, theo nội dung mà thầy cô dự đoán. Các đơn vị này chấp nhận tình thế có HS đạt điểm rất thấp vì không trúng tủ nhưng sẽ có HS đạt điểm rất cao vì đã thuộc kỹ nội dung đề thi ra. Như vậy thành tích vẫn được công nhận. Bậc tiểu học đã bỏ kỳ thi HS giỏi, nên chăng bậc THCS cũng vậy. Mất thời gian cho thầy và trò chỉ để làm mỗi việc học thuộc lòng. Các em trong đội tuyển chưa được phát huy sáng tạo trong cách làm bài, thậm chí còn sa vào rập khuôn như những gì thầy cô trang bị trước. Với cách dạy và học như vậy, có HS dự thi đoạt giỏi vòng huyện, vòng tỉnh nhưng bài kiểm tra học kỳ của chính bộ môn có giải lại dưới trung bình, ảnh hưởng đến xếp loại HS cuối năm dù thầy cô đã “nâng đỡ” các bài kiểm tra trước đó. Sự khác nhau giữa một HS ngoài đội tuyển và trong đội tuyển chưa rõ ràng. Việc luyện thi ngoài giờ chính khóa và cả trong hè làm cho các em căng thẳng suốt nhiều năm học và gây mệt mỏi cho cả thầy cô. ■ Các cấp quản lý nên xem lại tiêu chí đánh giá, xếp loại nhà trường thông qua thành tích có bao nhiêu HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi. Vì trong thực tế, có trường chấp nhận rèn luyện tranh tài với trường bạn chỉ với vài môn học mà thôi. Ví dụ các trường vùng sâu, vùng xa tập trung “gạo” bài HS chỉ mong có giải ở các môn sử, địa... là cũng được công nhận có thành tích. Các môn toán, tin học, tiếng Anh thì gửi HS tham dự cho có chứ biết bao giờ “bằng chị bằng em”. Tags: Học sinh giỏiTuyển học sinh giỏiHọc sinh gà chọi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".