Nếu không vì Covid, sẽ chẳng có Squid Game

TRÚC ANH 05/11/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Một biến cố cá nhân đã giúp đạo diễn Hwang Dong Hyuk viết được kịch bản Squid Game, nhưng phải cần đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới đưa được tác phẩm hoàn chỉnh đến với thế giới.

 
 Ảnh: Netflix

Squid Game (Trò chơi con mực) là bộ phim sinh tồn phản địa đàng (dystopia, xã hội giả tưởng tàn khốc và đáng sợ), xoay quanh 456 con người tuyệt vọng vì nợ nần ngập đầu, cùng tham gia “phiên bản người lớn” của các trò chơi trẻ con của Hàn Quốc. Đó là một dạng đấu trường sinh tử, ai thua sẽ ăn một phát đạn vào đầu, và duy nhất người thắng cuối cùng được về nhà với giải thưởng lớn.

Bộ phim chỉ với 9 tập này đã trở thành hiện tượng toàn cầu, đứng đầu danh sách xem nhiều nhất trên Netflix ở 90 quốc gia, điều bất ngờ với chính lãnh đạo nền tảng streaming lẫn tác giả kịch bản và đạo diễn Hwang.

Kịch bản Squid Game được ấp ủ từ năm 2008, viết xong năm 2009, nhưng trong suốt một thập niên, nó bị các hãng phim trong nước từ chối vì câu chuyện giả tưởng này quá méo mó và phi thực tế. Đại dịch COVID-19 đã khiến tương lai u tối đó trở nên “có lý” hơn. Đó là chưa kể trong thời khắc tăm tối, thể loại phim dystopia sẽ khiến khán giả quan tâm hơn.

10 năm, 2 thái độ tiếp nhận

Squid Game bấm máy nửa cuối năm 2020, khi thế giới đã biết virus SARS-CoV-2 và sự tàn phá của nó được vài tháng, và khởi chiếu tháng 9-2021, khi thế giới đối mặt với chuyện bất bình đẳng về vắc xin. Hai mốc thời gian này là ví dụ tuyệt vời cho câu “đúng nơi, đúng lúc”.

Thế giới tối tăm trong Squid Game được Hwang dựng nên với cảm hứng từ Battle RoyaleLiar Game và các tác phẩm cùng chủ đề sinh tồn mà nhà làm phim sinh năm 1971 đọc trong các quán cà phê truyện tranh ở Seoul trong 1 năm thất nghiệp, và cả nhà, mẹ bà và bản thân anh phải mượn nợ.

“Tôi đồng cảm với các nhân vật trong đó, những người tuyệt vọng tìm kiếm tiền bạc và thành công. Nếu có một đấu trường sinh tử như vậy trong đời thật, tôi tự hỏi mình có tham gia để kiếm tiền cho gia đình không? Và tôi nhận ra mình là nhà làm phim, mình có thể tự kể những câu chuyện như vậy, và bắt tay vào viết kịch bản [Squid Game]” - Hwang nói với The Guardian trong bài phỏng vấn đăng ngày 26-10, tức 40 ngày sau khi Squid Game khởi chiếu, cho thấy sức hút của loạt phim vẫn còn.

Năm 2009, các nhà đầu tư và cả diễn viên phẫn nộ với những vụ giết người tàn bạo và sự vô lý của các cá nhân sẵn sàng đấu nhau đến chết vì tiền mà Hwang vạch ra trong kịch bản. Nhưng đến năm 2020, Netflix cho rằng những cuộc “đấu tranh giai cấp” đó có vẻ đã thành hiện thực. Hwang cũng nghĩ thế. 

“Sau gần 12 năm, thế giới đã thay đổi thành một nơi mà các câu chuyện sinh tồn bạo lực và kỳ dị được hoan nghênh. Nhiều người xem đã bình luận về việc series này liên quan đến đời thật như thế nào. Các trò chơi [trong phim] cũng tương đồng với khát khao trúng độc đắc với những thứ như tiền mã hóa, bất động sản và chứng khoán [trong đời nay]. Vì vậy nhiều người rất đồng cảm với câu chuyện tôi kể” - Hwang trả lời phỏng vấn tờ báo trong nước The Korea Times.

 
 Ảnh: Netflix

Năm 2021 quả là thời điểm thích hợp để tung ra Squid Game, sau khi thế giới trải qua một năm tả tơi vì COVID. Biết bao nhiêu người chật vật vì tài chính sẽ thấy mình trong các nhân vật của phim, và sự bất bình đẳng, hố sau giàu nghèo cũng gần như tương tự. Và như Hwang nói với báo Wall Street Journal hồi đầu tháng 10, “ngay việc triển khai vắc xin cũng khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào việc một quốc gia có giàu có hay không”.

Trong Squid Game, cuộc sống của con người là xấu xa, tàn bạo và ngắn ngủi, các chuẩn mực xã hội bị xé bỏ, và những người chơi mắc kẹt trong một cuộc chiến chống lại tất cả. “Chúng ta đang sống trong thế giới Squid Game” - Hwang nói với The Guardian.

Dù đang sống trong thời khắc không mấy gì tốt đẹp, người ta lại thích những phim còn u ám tồi tệ hơn. Theo giáo sư Susan Watkins từ Trường Nghiên cứu văn hóa và nhân văn (Đại học Leeds Beckett), các phim và trò chơi điện tử thuộc thể loại phản địa đàng, hậu tận thế đã trở nên vô cùng phổ biến từ đầu đại dịch, và Squid Game đã đón đúng thời điểm để ra mắt. 

“Tôi nghĩ đó là vì chúng ta đang sống trong thời kỳ như hậu tận thế và phản địa đàng, và mọi người muốn xem những gì họ đang trải qua được thể hiện dưới dạng tác phẩm tưởng tượng như thế nào” - Watkins, chuyên gia về văn chương hậu tận thế, nói với The Independence.

Nghe có vẻ hơi ngược, nếu thực tế chán chường sao lại tìm sự “giải thoát” trong một thế giới giả tưởng còn tệ hơn? Sự thật là thực tế càng đen tối - như ta thấy trong đại dịch hiện nay - người ta càng thích tìm đến tác phẩm phản địa đàng, vì chúng “giúp ta nghĩ về thực tế đang diễn ra và đặt ra các câu hỏi mà có lúc ta sẽ phải đối mặt, chẳng hạn các cá nhân đặt mối quan tâm, mục tiêu và mong muốn của họ lên hàng đầu đến mức nào? Họ cố gắng và làm việc tập thể đến mức nào?” - Watkins giải thích.

Thành công của Squid Game vượt mong đợi của Hwang, nhưng chuyện cả thế giới đón nhận và “cảm thấy có liên quan” là điều mà anh thật sự nhắm tới khi làm phim. 

“Tôi đã muốn làm ra thứ gì đó có thể khiến cả thế giới đồng cảm chứ không chỉ người Hàn Quốc. Đó là ước mơ của tôi” - Hwang nói. Theo Netflix, khoảng 95% người xem Squid Game không phải ở Hàn Quốc và bộ phim có phụ đề trong 31 ngôn ngữ và 13 bản lồng tiếng.

New York Times: Một số nhà phê bình chỉ trích Squid Game vì bạo lực vô nghĩa hoặc chỉ có một thông điệp mơ hồ. Ông sẽ trả lời những lời chỉ trích đó thế nào?

Đạo diễn Hwang Dong Hyuk: Với những khán giả thấy bộ phim này hơi kém thú vị, tôi khuyên họ nên xem phim lại, vì Squid Game không thực sự nói về trò chơi sinh tồn mà là về con người. Tôi nghĩ chúng ta sẽ vừa xem phim vừa tự hỏi: “Có phải ta đã quên mất điều gì mà lẽ ra mình không được phép bỏ qua? Có ai cần tôi giúp đỡ mà tôi không biết về họ không? Tôi có nên giúp họ không?”. Tôi nghĩ nếu xem lại bộ phim, khán giả sẽ có thể nhận thấy những yếu tố tinh tế này nhiều hơn. 

Điểm sáng nhân tính

Squid Game thật ra cũng không hoàn toàn tăm tối, bởi vẫn có những tia sáng của nhân tính len lỏi giữa những màn bạo lực đẫm máu. Những hành động chỉ đơn giản như hỏi nhau tên thật thay vì gọi nhau bằng mã số, chia nhau trái bắp, chìa bàn tay ra trong lúc khó khăn nhất mang lại ấm áp cho bộ phim, chứ không phải lối trang trí sặc sỡ sắc màu được cố ý thêm vào để thấy sự tương phản lố bịch giữa chốn địa ngục trần gian.

Khán giả lẫn giới chuyên môn đều đánh giá một trong những trường đoạn ấn tượng nhất của Squid Game được thể hiện xuất sắc không phải bởi các nhân vật nam chính hay bọn ác nhân, mà là 2 nữ thứ chính: Kang Sae Byeok (diễn viên kiêm người mẫu Jung Ho Yeon thủ vai) và Ji Yeong (Lee Yoo Mi).

Ji yeong (trái) và Kang Sae byeok, hai vai thứ chính lấy nhiều nước mắt người xem. Ảnh: Netflix

Sae Byeok bỏ Triều Tiên sang Hàn Quốc, cần có tiền để lo cho em trai và đón mẹ cùng sang, còn Ji Yeong vừa mãn hạn tù vì tội giết người cha bạo hành. 

Trong khi những người đàn ông bận rộn bày mưu tính kế, lên kế hoạch tác chiến, tìm đồng đội, thì 2 cô gái trẻ tách biệt hẳn ra, rồi sự trớ trêu tàn nhẫn của trò chơi buộc họ phải đối đầu nhau trong trận sinh tử cuối cùng. 

Khi biết chỉ 1 trong 2 người còn sống chỉ sau 30 phút nữa, họ ngồi xuống và tán chuyện, cùng nói về cuộc hẹn không bao giờ thực hiện được - đến Maldives uống 1 ly mojito, trong khi những người còn lại dồn hết hy vọng vào may rủi của trò chơi bi. Một trường đoạn thực sự lấy nước mắt người xem.

“Đây là lúc mà bộ phim tỏa sáng. Khi biết rằng một trong 2 nhân vật này chỉ còn nửa giờ để sống, [người xem] được chứng kiến một khoảnh khắc phi thường, đầy kịch tính khi không ai phải giả vờ để lừa dối người kia hoặc đánh lừa hệ thống sẽ lấy mạng họ” - Kyung Hyun Kim, tác giả sách về văn hóa đại chúng Hàn Quốc, bình luận trên Foreign Policy.

“Khi thực hiện dự án này, mục tiêu chỉ là đứng đầu danh sách xem nhiều trên Netflix trong ít nhất một ngày. Nhưng cuối cùng bộ phim thành công hơn nhiều - được xem nhiều nhất trên Netflix từ trước tới nay. Thật bất ngờ. Điều này cho thấy khán giả toàn cầu đồng cảm với những thông điệp tôi gửi gắm” - đạo diễn Hwang nói với The Guardian.

Trò đầu tiên đã cho thấy mạng sống con người rẻ rúng vậy, thì thông điệp ở đây là gì - nhà báo hỏi qua Zoom, và Hwang đáp từ Seoul: “Bởi vì bộ phim lấy động lực từ một ý tưởng đơn giản: chúng ta phải chiến đấu vì mạng sống trong những hoàn cảnh bất bình đẳng”.

Gần 500 con người đủ thành phần, đa tính cách, chỉ có chung một điểm là nợ ngập đầu và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để giành chiến thắng. Trên tầng cao, những kẻ siêu giàu vừa vui vẻ “thưởng thức” cảnh đấu giết trực tiếp, vừa đặt cược vào những tay chơi triển vọng.

Squid Game chỉ trích chủ nghĩa tư bản, bất bình đẳng không giấu giếm, và Hwang xác nhận điều này với The Guardian. “Chẳng có gì sâu sắc. Nó rất đơn giản. Tôi tin rằng trật tự kinh tế chung toàn cầu là bất bình đẳng và rằng 90% trong tất cả chúng ta nghĩ là nó bất công. Trong đại dịch, các nước nghèo không thể tiêm chủng cho dân. Họ nhiễm virus và thậm chí chết trên đường. Vì thế đúng là tôi có cài thông điệp về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Như đã nói, chả có ẩn ý gì sâu xa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận