Nếu ta cười nổi (*)

MINH TRANG 05/07/2009 03:07 GMT+7

TTCT - Mỵ sinh ra vốn nghèo đói xấu xí, vì không có ai lấy làm vợ nên Mỵ theo thống lý Pá Tra tình nguyện về làm nô lệ.

Phóng to
Giờ học môn văn của học sinh lớp 11A2 Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Ánh sáng tình yêu soi đường khiến Mỵ tỉnh ngộ, trong đêm tối vùng dậy cùng với A Phủ chạy thoát khỏi nhà thống lý nhưng chạy mãi, chạy mãi mà vẫn thấy trước mắt một chiếc lò gạch cũ... Chao ôi thật xót xa!

Rất nhiều người đã cười khi đọc đoạn văn trên, cười cho cái sự ngu ngơ... kỳ lạ của người viết bài khi “chiếc lò gạch cũ” - đặc trưng của truyện ngắn Chí Phèo - bỗng dưng xuất hiện trong câu chuyện Vợ chồng A Phủ. Tiếc thay, đó lại là bài dự thi môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua...

Một chuyện khác: tôi có đứa em trai đang học lớp 3, một hôm thằng bé nằng nặc đòi phải dò thật kỹ một đoạn chính tả. Tôi hỏi có phải ngày mai thi tập viết không, nó lắc đầu nói không và giải thích ngày mai thi tập làm văn, cô bắt về học thuộc lòng đoạn văn cô đọc cho viết này, học xong phải đưa gia đình kiểm tra và ký nhận vào đó mới cho làm bài.

Nhìn thằng bé đọc vanh vách từng dòng, không sai chữ nào, tôi ngao ngán tự hỏi: đâu rồi những câu văn hồn nhiên nhưng chân thật của lứa tuổi học trò, đâu rồi những suy nghĩ non nớt nhưng cảm động và thật thà. Em đem về khoe cả nhà điểm 10 đỏ chói của môn tập làm văn, ai cũng cười vui vẻ, riêng tôi, tôi không cười nổi...

Chưa năm nào người ta lại đắn đo, cân nhắc khi công bố điểm thi như kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Cá biệt, ở một số tỉnh ĐBSCL, sở giáo dục - đào tạo còn ra quyết định hoãn công bố kết quả vì... điểm môn văn thấp bất ngờ. Ở Kiên Giang tỉ lệ bài thi môn văn từ 5 điểm trở lên chưa được 25%. Ở Đồng Tháp tỉ lệ này là 21,8% và An Giang là 40% (Tuổi Trẻ, ngày 20-6-2009). Nghĩa là không có tỉnh nào đạt mức 50% số bài trên 5 điểm, chưa kể trong số những bài đủ điểm đậu ấy có bao nhiêu bài là đậu vớt, bao nhiêu bài dừng lại ở mức đúng chứ chưa kể hay.

Chưa bao giờ học sinh lại cảm thấy áp lực với một môn xã hội như thế, thầy cô chấm bài thì được đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, bất ngờ từ cách chắp vá đoạn văn theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia cho đến cách “phăng” quá cỡ của những em giàu trí tưởng tượng. Báo chí và độc giả chờ được đọc những bài văn ngô nghê, thiếu kiến thức và thừa suy luận để làm câu chuyện tiếu lâm kể cho nhau nghe mỗi lần hội họp, để tự hỏi vì sao các em có thể viết được những lời văn như thế và để cười, dù đôi lúc cười ra nước mắt!

Tôi đem chuyện này hỏi vài bạn học sinh vừa thi tốt nghiệp xong thì nhận được những câu trả lời cũng... bất ngờ không kém. Có em nói rằng: những bạn làm văn “kỳ cục” như thế là do cố tình, vì biết chắc dù có thi cũng chẳng đậu nên “gây sự chú ý” bằng cách viết ra những câu văn “thiếu muối” trầm trọng. Đa số những học sinh này coi kỳ thi chỉ là trò đùa, làm được thì làm, không thì... thừa giấy vẽ voi, viết như viết kịch bản cho phim hài. Còn có bạn do cuống vì “tủ đè”.

Bởi thông thường ở trường lớp đã quen với cách học vẹt toàn bộ ý văn của giáo viên một cách máy móc, rập khuôn, vô thức và vô cảm nên khi bước vào phòng thi tâm lý lo lắng về thời gian đã làm đảo lộn trình tự sắp xếp các ý học thuộc từ các bài lẫn nhau, thành ra mới có việc “sau khi thoát khỏi nhà thống lý Pá Tra, Mỵ xuống đồng bằng rồi gặp Tràng nên vợ chồng sinh con đẻ cái, sống rất hạnh phúc”, trong khi Tràng và Mỵ là hai nhân vật ở hai truyện ngắn hoàn toàn khác nhau.

Phải chăng sĩ tử của chúng ta bây giờ là vậy? Thay vì chọn việc học tập nghiêm túc và hệ thống kiến thức một cách bài bản, các em lại đang chọn cho mình một kiểu học văn an toàn. Chán, nhạt nhưng chắc chắn đúng vì y chang văn mẫu. Và buồn thay, một bộ phận giáo viên hình như cũng đang chọn giải pháp ấy để dẫn đường cho các em. Nhưng những kết quả điểm số từ kỳ thi vừa qua đã nói lên tất cả.

Cách học “photocopy” này đang dần giết chết óc tư duy sáng tạo vốn tràn trề ở lứa tuổi các em. Có lẽ trong phòng thi có không ít học sinh từng ước rằng: giá mà có người nhắc cho mình chữ đầu tiên, chỉ một chữ thôi thì cả bài văn ùa về trên giấy!

Cười không nổi! Dù mọi chuyện đang gần giống với những truyện cười...

Điểm môn Văn thấp bất thường: Sẽ chấm thẩm định
Điểm thi môn văn bất thường tại ĐBSCL

______________

(*) Tên cuốn sách tập hợp những câu chuyện văn hóa đã đăng trên báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ phát hành năm 2006.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận