Nga - Czech: Kho đạn & mối quan hệ nổ tung

TƯỜNG ANH 28/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Trục xuất 18 nhà ngoại giao, cáo buộc tình báo Nga đứng sau vụ nổ kho đạn năm 2014 ở Vrbetitsa, truy tìm “Petrov và Boshirov”, loại “Rosatom” khỏi cuộc đấu thầu hoàn thiện nhà máy điện hạt nhân…, chính quyền Cộng hòa Czech đã thực hiện tất cả những động thái đó chỉ trong một buổi chiều thứ bảy 17-4. Vì sao quan hệ giữa Praha và Matxcơva đột ngột xấu đi?

Quả bom thông tin được Praha giật kíp đột ngột chiều 17-4: Thủ tướng Czech Andrej Babish và phó thủ tướng, quyền ngoại trưởng Jan Hamacek tuyên bố trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga, cho rằng với một quốc gia nhỏ bé như Czech, số nhân viên ngoại giao Nga đang làm việc hiện là “quá nhiều”.

Cảnh sát chống bạo động Czech bảo vệ Đại sứ quán Nga ở Praha ngày 18-4. Ảnh: AP

 

Đáp trả bất đối xứng

Hãng tin Nga Interfax dẫn một nguồn tin ngoại giao thừa nhận số nhà ngoại giao Nga ở Czech quả lấn át số nhà ngoại giao Czech ở Nga. Năm 2018, Đài BBC tính số người Nga được nhà nước ủy nhiệm tại Czech lên tới 140 người, bao gồm khoảng 50 nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Đã nhiều lần Praha đề nghị tinh giản, nhưng Matxcơva khước từ, khiến xuất hiện cáo buộc những cơ quan đại diện Nga ở Czech đã biến thành “ổ gián điệp”.

Tuy nhiên, lý do chính khiến “giọt nước tràn ly”, theo thông báo của Thủ tướng Babish, là 18 nhân viên ngoại giao này bị tình nghi dính líu đến vụ nổ kho đạn ở Vrbetitsa, đông Czech, vào tháng 10-2014, làm hai người Czech thiệt mạng.

Bộ Ngoại giao Nga đã phản đối mạnh mẽ những “đồn thổi vô căn cứ và huyễn hoặc” này. Matxcơva nhấn mạnh: “Điều này càng vô lý hơn, vì nhiều năm trước, giới lãnh đạo Czech đã quy lỗi vụ nổ cho các công ty sở hữu những kho đạn này”. Ngày 18-4, Matxcơva trả đũa: trục xuất 20 nhà ngoại giao Czech tại Nga. Đại sứ quán Czech tại Matxcơva nay chỉ còn lại vỏn vẹn 5 người.

Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Aksyonov nhận định việc Praha cho 18 nhà ngoại giao Nga 48 giờ để thu xếp về nước, trong khi Matxcơva chỉ cho các nhà ngoại giao Czech 24, cùng “tỉ số” 18-20, là “biện pháp đáp trả bất đối xứng, cho thấy sự phẫn nộ [của Nga]”.

Bộ đôi bí ẩn 

Sau khi điều tra vụ nổ kho đạn Vrbetitsa, cảnh sát Czech tuyên bố truy nã hai người Nga sử dụng hộ chiếu tên Alexander Petrov và Ruslan Boshirov. Nhiều chi tiết ly kỳ được tạp chí nổi tiếng của Czech Respekt đăng tải ngay sau đó. 

Bộ đôi bí ẩn Borishov và Petrov trên truyền hình Nga RT. Ảnh: RT

 

Tờ này nói rõ hai công dân Nga bị truy nã chính là những người bị buộc tội đầu độc cựu nhân viên Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) Sergei Skripal và con gái Yulia trong scandal Salisbury năm 2018. 

Theo các điều tra của nhóm Bellingcat và ấn bản The Insider, “núp dưới các hộ chiếu tên Petrov và Boshirov là những công dân Nga Anatoly Chepigu và Alexander Mishkin”.

Ba năm trước, Chepigu và Mishkin trở thành tin tức toàn cầu khi Anh tuyên bố họ liên quan trực tiếp đến vụ đầu độc cha con Skripal ở Salisbury. Trong khi các nhà báo điều tra đang tìm hiểu nhân thân, xuất thân, cấp bậc, nơi trú ẩn… của những kẻ bị cáo cuộc, bộ đôi này lại tự nguyện xuất hiện trên kênh truyền hình quốc tế Nga RT để trả lời phỏng vấn.  

Họ khẳng định mình là nạn nhân, chỉ tình cờ tới Salisbury để tham quan thì bị vu vạ. Trước làn sóng cáo buộc của phương Tây, họ lo sợ cho tính mạng mình nên đến RT trình bày câu chuyện “để được bảo vệ”, yêu cầu London “phải xin lỗi vì các cáo buộc vô căn cứ”. 

Sau đó, không nghe nói gì về họ nữa. Cặp bài trùng “Petrov và Boshirov” trở thành một meme hài hước ở Nga và tưởng như đã biến mất vĩnh viễn.

Nhưng tuần rồi, họ bất ngờ “tái xuất”. Lần này, Petrov và Boshirov được phát hiện có thêm những nhân thân khác - Nikolai Popa người Moldova và Ruslan Tabarov người Tajik.

Respekt tường trình: Chepiga và Mishkin đã làm đơn xin đến thăm các nhà kho ở Vrbetitsa, vốn có quy cách bán công khai; được bảo mật, nhưng có thể tới thăm với mục đích kinh doanh. Người nước ngoài được yêu cầu phải gửi kèm bản sao hộ chiếu trong đơn xin. Các giấy tờ mang tên Boshirov và Petrov đã được gửi qua e-mail. 

Họ nhập cảnh Czech ngày 11-10-2014 với hộ chiếu của Popa và Tabarov, và được phép vào Vrbetitsa trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 17-10. Người ta không biết chính xác họ có đến các kho đạn không, nhưng vụ nổ đầu tiên xảy ra hôm 16-10 tại nhà kho số 16.

Vẫn theo Respekt, chính xác vào những ngày này tại kho hàng trên, một lô vũ khí đang được chuẩn bị chuyển đi: Một tay buôn vũ khí người Bulgaria tên là Emelyan Gebrev mua hàng ở đây để bán lại cho quân đội Ukraine. 

Hồi mùa thu năm 2014 đó, giao tranh ở Donbass đang khốc liệt và Matxcơva quả thực có động cơ. Tay buôn súng Gebrev cũng từng suýt bị đầu độc vào năm 2015 bằng cùng chất Novichok được dùng trong vụ đầu độc cha con Skripal; và các đặc vụ Nga một lần nữa lởn vởn gần điểm nóng.

Đưa lại toàn bộ giả thiết điều tra của Respekt, cổng thông tin New Prospekt (Nga) mỉa mai: “Không phải trinh thám nữa, mà là phim giật gân. Theo kịch bản này có thể dựng một bộ phim gay cấn hoặc loạt phim truyền hình nhiều tập. Chờ xem mùa hai với cuộc săn lùng kẻ phản bội”.

Ly kỳ như phim

Giống như vụ nổ kho đạn liên quan tới chiến sự ở Ukraine, không phải vô cớ mà dù đã lên tiếng về “ổ gián điệp” Nga từ lâu, nhưng đến nay Czech mới trục xuất 18 nhà ngoại giao ở Praha.

Hình ảnh kho vũ khí bị nổ tung ở Czech. Ảnh: BBC

 

Vụ việc lần này thực sự ly kỳ hơn phim trinh thám, nếu tin lời thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Trả lời báo giới ngày 18-4, bà Zakharova cho rằng “có cảm tưởng… các đối tác phương Tây phải làm thế để che giấu tính thời sự và tầm quan trọng của thông tin được Nga cũng như Belarus công bố về âm mưu đảo chính Hiến pháp ở Belarus”.

Thì ra chỉ một ngày trước khi nổ ra scandal trục xuất, ngày 17-4 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã thông báo về việc an ninh Belarus và Nga phát hiện và vô hiệu một âm mưu đảo chính nhà nước ở Belarus.

Theo thông cáo sau đó của Cơ quan an ninh Nga (FSB), Yuri Zyankovich, người mang song tịch Hoa Kỳ và Belarus, và Alexander Feduta, công dân Belarus, đã lên kế hoạch đảo chính quân sự ở Belarus theo kịch bản “cách mạng màu”, với sự tham gia của những người theo chủ nghĩa quốc gia. Kế hoạch được thảo luận trong một diễn đàn kín trên Internet. 

Sau đó, họ tổ chức họp bí mật tại Matxcơva, mời cả các tướng lĩnh có tư tưởng đối lập của quân đội Belarus tham dự. Đặc biệt, Zyankovich đến Matxcơva “sau khi tham vấn ở Hoa Kỳ và Ba Lan”.

Theo FSB, phe đối lập đã chọn ngày 9-5 để tiến hành đảo chính quân sự. “Mục tiêu cuối cùng là thay đổi trật tự hiến pháp với việc bãi bỏ chức vụ tổng thống và trao quyền lãnh đạo đất nước cho “Ủy ban hòa giải dân tộc”. 

Zyankovich sẽ phụ trách khối quốc hội và hệ thống luật pháp của đất nước, trong khi Feduta tham gia vào cải cách chính trị và công tác tư tưởng”.

Cùng ngày, kênh truyền hình ONT của Belarus công bố đoạn video được cho là ghi lại cuộc họp của những kẻ chủ mưu. Một người tham gia cuộc họp nói trong đoạn video: “Nhiệm vụ số 1: loại bỏ kẻ chủ chốt. Nhiệm vụ số 2: chiếm đóng, chặn quân nội vụ, chặn cảnh sát chống bạo động. Nhiệm vụ số 3: chiếm một số nơi có tính biểu tượng ở trung tâm thành phố, bao gồm đài phát thanh, truyền hình, và đọc lời kêu gọi. Sẽ tốt hơn nếu phong tỏa được Minsk để họ không thể lôi kéo quân đội bên ngoài”. Trong đoạn video có cảnh Feduta và những đồng mưu khác bị bắt giữ ngay trên đường phố Matxcơva.

Riêng tổng thống Lukashenko trong bài phát biểu trên kênh Telegram sau đó, khi nói về âm mưu đảo chính và mưu toan sát hại ông cùng gia đình, đã đưa các giả định về “dấu vết Mỹ”. ■

Vấn đề điện hạt nhân

Bình luận về quyết định trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga của Czech, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Edward “Ned” Price viết trên Twitter: “Hoa Kỳ ủng hộ Cộng hòa Czech trong phản ứng quyết liệt với các hành động phá hoại của Nga trên lãnh thổ Czech… Chúng ta phải kiên quyết đáp trả các hành động của Nga đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, an ninh năng lượng hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của các đồng minh và đối tác của chúng ta”.

Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Aksyonov phân tích bình luận của ông Price, cho rằng nguyên nhân dẫn tới cáo buộc nhắm vào Nga còn nhằm “loại trừ Rosatom của Nga tham gia đấu thầu để hoàn thành hai tổ máy của nhà máy điện hạt nhân ở Dukovany của Czech. Xét thực tế là công ty Trung Quốc trước đó cũng đã bị loại, chỉ còn lại các công ty Mỹ, ở đây vấn đề kinh tế thuần túy đã phát triển thành vấn đề chính trị”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận