NGA - EU: Láng giềng như đối thủ?

PHAN XUÂN LOAN 08/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - “Với EU, Nga như một láng giềng, không may lại hành động như đối thủ”, đại diện cấp cao đặc trách đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố hôm 22-2 khi thông báo kết quả cuộc họp ngoại trưởng khối bàn các biện pháp trừng phạt Nga.

Bên phía Nga, Đài RIA Novosti nhận định: “Mối quan hệ Nga - EU đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử”.

“Hầu như không còn quan hệ gì”

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, khi trả lời phỏng vấn trên YouTube hôm 15-2, nói mối quan hệ đó hiện “hầu như không còn gì” và Nga cần phải chuẩn bị cho sự gián đoạn từ phía EU. “Muốn hòa bình - hãy chuẩn bị cho chiến tranh”, ông Lavrov tuyên bố.

Ảnh: The Atlantic

Quan hệ song phương đã không êm ấm nhiều năm qua. Làn sóng căng thẳng mới nhất xuất hiện từ 21-1, sau khi nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalnyi bị bắt, và Nghị viện EU thông qua nghị quyết kêu gọi Brussels đình chỉ việc xây dựng đường ống khí đốt Dòng phương Bắc, đồng thời cấm vận một số quan chức Nga, để gây áp lực đòi thả Navalnyi.

Trong điều kiện đó, chuyến thăm Nga của ông Borrell từ ngày 4 đến 6-2 không những không hóa giải bớt căng thẳng, mà lại như mồi lửa rơi vào đống than âm ỉ. 

Nhà báo Ba Lan Grzegorz Kuczyński gọi chuyến thăm là “thảm họa” trong bài viết tựa đề “Nga làm nhục EU”: “Nếu ai đó nuôi ảo tưởng rằng Borrell sẽ đến Matxcơva để mắng mỏ Nga..., thì cuộc họp báo sau chuyến thăm là một bất ngờ khó chịu: Lavrov đóng vai trò bên tấn công". 

"Chúng ta không nghe Borrell nói nếu Nga mong muốn đạt được quan hệ tốt đẹp với Brussels thì cần phải thay đổi chính sách. Ngược lại, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng hiện EU không thể được gọi là đối tác tin cậy của Matxcơva, nhưng vẫn có thể quay trở lại “hợp tác thực dụng”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga... cũng chỉ trích Hoa Kỳ, mà vị khách của ông không phản ứng..." 

"Borrell đáp trả thế nào trước những lời hùng biện hung hăng của người chủ trì cuộc họp? Ông ta nói đã chuyển lời kêu gọi thả Navalnyi và điều tra hoàn cảnh vụ đầu độc... Tóm lại, Borrel đã để Lavrov đánh mình, và bài phát biểu của ông ta trong cuộc họp báo chung là một thất bại hoàn toàn của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu”, theo inosmi.ru.

Giọng điệu bài báo của Kuczyński phản ảnh thái độ của Warsaw với Nga lúc này. Cần nhắc dù EU khẳng định họ là “một khối thống nhất”, mối quan hệ của các nước thành viên với Nga khá phân hóa. 

Một số nước dung hòa do có quan hệ lịch sử và văn hóa gần với Nga, như Hi Lạp và Bulgaria. Những nước khác dựa vào lợi ích kinh tế rõ ràng, chẳng hạn liên quan đến dự án Dòng phương Bắc, lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Áo đều nhất trí rằng đường ống dẫn khí đốt nên được hoàn thành và dự án không liên quan gì đến “vấn đề Navalnyi”.

Với những nước nhiều ảnh hưởng trong EU này, việc có được khí đốt tương đối rẻ của Nga sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Ba Lan và các nước Baltic lại tích cực ủng hộ việc áp trừng phạt với Dòng phương Bắc. 

EU đã thu hẹp bất đồng bằng các nguyên tắc và lệnh trừng phạt Nga, khác biệt ở chỗ chúng sẽ mang tính hình thức hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương.

Vì vậy, chuyến thăm của ông Borrell chỉ còn ý nghĩa như chiếc nhiệt kế đo đạc “nhiệt độ” mối quan hệ Nga - EU đã nguội lạnh đi nhiều qua năm tháng. Theo ông Lavrov, bước ngoặt là năm 2014, khi ở Kiev diễn ra cuộc cách mạng cam, theo cách gọi của phương Tây, còn theo Matxcơva là đảo chính.

Ông Lavrov (trái) và ông Borrell. Ảnh: Euronews

Từ đó đến nay, quan hệ Nga - EU chỉ có xấu đi. Sau Ukraine là cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Salisbury, Anh (tháng 3-2018), rồi Nga “can thiệp vào bầu cử nghị viện châu Âu” tháng 5-2019 và bây giờ là vụ Navalnyi.

Nên khi cựu lãnh đạo ngoại giao EU Federica Mogherini đưa ra nguyên tắc “hợp tác có chọn lọc giữa EU và Nga”, tờ Kommersant của Nga nhận định đây là một “mùa đông lạnh thực sự so với thời kỳ tương đối ấm áp vào đầu những năm 2000”.

Cấm vận thiệt hại đôi đường

Vấn đề là trong chính EU vẫn có không ít chính trị gia lần lượt nghi ngờ hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga, cho rằng chúng gây hại cho các nước EU không kém cho Nga.

Chẳng hạn, cựu thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini than phiền khối lượng hàng hóa xuất khẩu và thương mại của nước này với Nga trong giai đoạn 2013-2016 đã giảm hơn một nửa. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto thì lưu ý trong năm 2019, nước này mất khoảng 7 tỉ USD bởi các hạn chế xuất khẩu do trừng phạt EU với Nga.

Ý cũng đã nhiều lần lưu ý các lệnh trừng phạt đang làm khổ các công ty nước này. Năm 2019, Hiệp hội Các nhà sản xuất nông nghiệp Ý báo cáo thiệt hại xuất khẩu nông sản do Nga đáp trả các lệnh trừng phạt đã vượt quá 1 tỉ euro. 

Tháng 2-2020, tại Hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt chống Nga “không có bất kỳ tác động tích cực nào đối với châu Âu”.

Không ít các chính trị gia và chuyên gia kinh tế EU đã kêu gọi từng bước dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Cựu ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel từng chỉ trích Hoa Kỳ gây áp lực lên châu Âu khi yêu cầu thực hiện các lệnh trừng phạt Nga. 

Timofei Bordachev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu và quốc tế tại Học viện Kinh tế (Nga), phân tích lời kêu gọi này của ông Gabriel: “Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của các biện pháp này với Hoa Kỳ và EU. 

Với EU, các biện pháp trừng phạt là một cách gây áp lực lên Nga nhằm đạt được các mục tiêu chính trị của Brussels xung quanh Ukraine, nhưng với Mỹ, các biện pháp này là một công cụ cạnh tranh toàn cầu không chỉ với Nga mà còn với EU. Hoa Kỳ không lo lắng về số phận của Ukraine hay châu Âu”.

Cả Nga và EU đều không muốn những tác động tiêu cực với dự án khí đốt Dòng phương Bắc. Ảnh: Euronews

Bốn kịch bản

Trước ngày 22-1, báo Tự Do Nga đã phân tích những bước cấm vận xấu nhất có thể, trong đó nhấn mạnh “những trừng phạt nhạy cảm” nhất. 

Tờ báo dẫn lời Vadim Trukhachev, phó giáo sư của Đại học Nhân văn nhà nước Nga, nói danh sách này gồm việc dừng tất cả các dự án kinh tế lớn với Nga, cấm cấp tín dụng cho các ngân hàng Nga ở châu Âu, phong tỏa tài khoản và bất động sản của giới thượng lưu Nga ở châu Âu và đặc biệt là việc cấm nhập cảnh vào EU với Tổng thống Vladimir Putin và tất cả các bộ trưởng, ngoại trừ Lavrov.

Còn tờ Kommersant cho biết mạng lưới chuyên gia EU - Nga (EUREN) dự báo 4 kịch bản cho quan hệ song phương đến năm 2030 trên cơ sở ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài (các nước hậu Xô viết, Trung Quốc, Mỹ), vai trò của những thay đổi công nghệ, tình cảm công chúng, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

Kịch bản đầu tiên là châu Âu rơi vào chiến tranh mở, được kích hoạt bởi một chuỗi các sự cố ngoài ý muốn trong môi trường kỹ thuật số, trên biển hoặc trên không.

Kịch bản thứ hai là sự sụp đổ của dự án châu Âu thống nhất. EU lâm vào tình thế không thể đối phó với những khó khăn ngày càng tăng về kinh tế, xã hội trong đại dịch COVID-19. 

Tại nhiều quốc gia thành viên, quyền lực rơi vào tay những người theo chủ nghĩa dân túy. Đường lối cực đoan chiếm thế thượng phong ở Nga. Hoa Kỳ mải mê tham gia Chiến tranh lạnh với Trung Quốc, xa rời châu Âu và hình thành liên minh tạm thời với các nước châu Âu riêng lẻ. 

EU rơi vào hỗn loạn, dẫn đến sự tan rã dần. Nhóm chuyên gia cảnh báo: Viễn cảnh này có thể là giấc mơ của cánh bảo thủ Nga, nhưng một châu Âu tan rã không chắc sẽ khiến Nga an toàn và thịnh vượng hơn.

Kịch bản thứ ba là kết quả của quá trình chuyển giao chính trị diễn ra ở Nga. Người thay ông Putin là một chính trị gia thuộc thế hệ mới, trong làn sóng xã hội Nga đã mệt mỏi vì hệ thống cũ và nhu cầu thay đổi ngày càng tăng. 

Bình thường hóa quan hệ với EU sẽ diễn ra. Nga từ chối ủng hộ các nước cộng hòa Donbass và đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu Crimea trong cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. 

Nhiều người ở châu Âu sẽ vui mừng với “sự thống nhất của các giá trị”. Nhưng kịch bản này cũng có vấn đề bởi mối đe dọa từ các thành phần cực đoan, cả ở Nga và EU.

Trong kịch bản thứ tư, Nga và EU đối phó thành công COVID-19. Cả hai đối tác mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng. Nước Nga được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo kỹ trị, kế nhiệm Putin. 

Chính khách này theo đuổi thành công cải cách hành chính nhà nước, giảm mạnh tham nhũng và nâng cao hiệu quả tư pháp. Sức hấp dẫn đầu tư của đất nước tăng lên và Matxcơva quan tâm đến việc bình thường hóa ít nhất một phần quan hệ với phương Tây. 

Đổi lại, EU tham gia tích cực hơn vào chính trị toàn cầu và cần những thành công ngoại giao lớn. Thành tựu chính đến năm 2030 là việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, trong đó EU đóng vai trò hòa giải quyết định. 

Tuy nhiên, Matxcơva coi vấn đề chủ quyền của Nga với Crimea đã vĩnh viễn khép lại. Mối quan hệ giữa Nga và EU vì thế chuyển sang quan hệ đối tác lạnh nhạt. Đây cũng là kịch bản mà EUREN cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất.■

Trừng phạt nhưng không “đốt cầu”

Cuộc họp ngoại trưởng 27 nước EU tại Brussels ngày 22-2 đã nhất trí đưa ra trừng phạt các nhân vật chịu trách nhiệm cho việc kết án Navalnyi. 

Chính thức thì tên những người bị trừng phạt không được công bố, nhưng theo Reuters, đó là người đứng đầu Ủy ban điều tra Alexander Bastrykin, người đứng đầu Cơ quan Thi hành án liên bang Alexander Kalashnikov, chỉ huy Lực lượng bảo vệ Nga Viktor Zolotov và Tổng công tố Igor Krasnov. Họ sẽ bị cấm vào EU trong một năm và bị cấm giữ tiền trong các ngân hàng EU.

Bloomberg đưa tin EU đã không trừng phạt các doanh nhân Nga như các cộng sự Navalnyi kêu gọi, “vì một số thành viên của khối sợ đốt hết tất cả các cây cầu với Matxcơva”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận