Nga - NATO: “Ngày mai đã chiến tranh”?

TƯỜNG ANH 09/02/2022 08:02 GMT+7

TTCT - Có lẽ chưa bao giờ kể từ cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945, người Nga phải đối mặt với câu hỏi của tác giả Boris Vasiliyev, vốn đã trở thành một tựa phim nổi tiếng: “Ngày mai đã chiến tranh”, rõ ràng như hiện nay. Một cuộc chiến chưa (và hy vọng là không) xảy ra, nhưng người ta đã phải sống với nó mỗi ngày.

Không khí căng thẳng thường trực xuất hiện trên truyền thông phương Tây, sau khi Kremlin đưa ra dự thảo hiệp ước (mà phương Tây gọi là tối hậu thư) về những yêu sách an ninh của Nga với NATO và Mỹ vào ngày 17-12-2021. 

Nội dung tóm gọn như sau: (1) NATO đưa ra đảm bảo bằng văn bản rằng họ sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Đông, cụ thể là kết nạp Ukraine, Moldova và Gruzia; 

(2) Các căn cứ quân sự nước ngoài, lực lượng dự phòng và vũ khí tấn công (bao gồm tên lửa và hạt nhân) sẽ không được triển khai trên lãnh thổ những nước này; 

(3) Quân đội và vũ khí các nước NATO sẽ rút khỏi lãnh thổ các nước thành viên Romania và Bulgaria. 

Đặc biệt, Nga nhấn mạnh yêu cầu câu trả lời bằng giấy trắng mực đen bởi đã không còn tin những hứa hẹn của NATO.

Binh sĩ Ukraine phóng tên lửa Javelin của Mỹ trong một cuộc tập trận ở Donbass hồi tháng 12-2021. Ảnh: AP

 

Yêu sách an ninh hay tối hậu thư

Ngay sau khi bản dự thảo được công bố, Matxcơva đã tiến hành nhiều biện pháp ngoại giao cho thấy họ không muốn chiến tranh và buộc phải đưa ra yêu sách an ninh do NATO vi phạm lời hứa không mở rộng về phía Đông trước đây. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova, trên tài khoản Telegram cũng như Facebook, dẫn lại câu hỏi của nhà báo Mỹ Keir Simmons (NBC) đặt cho Tổng thống Nga hồi tháng 6-2021: 

“Nó được viết ở đâu, lời hứa [không thực hiện mở rộng NATO về phía Đông], nó được ghi nhận ở đâu?”, và phúc đáp: Tháng 12-2017, trang web của National Security Archive (một tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Đại học George Washington, Mỹ) đã công bố các tài liệu liên quan đến cuộc đàm phán thống nhất nước Đức năm 1990, phản ánh rõ ràng cam kết của phương Tây không mở rộng NATO về phía Đông.

Bản sao các bài phát biểu trước công chúng, giấy tờ của Quỹ Mikhail Sergeyevich Gorbachev cũng như điện tín, thư từ và bản ghi âm các cuộc trò chuyện được Bộ Ngoại giao và các cơ quan đối ngoại của các quốc gia khác chính thức giải mật trực tiếp hoặc gián tiếp nói về nghĩa vụ của các nhà lãnh đạo các nước phương Tây hàng đầu không mở rộng NATO tới biên giới với Liên Xô, mà trong rất nhiều ví dụ, nổi tiếng nhất là tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker trong cuộc gặp Gorbachev vào ngày 9-2-1990: “Không (tiến) một inch về phía Đông”.

Thế nhưng, theo bà Zakharova, giai đoạn vừa qua, hai làn sóng mở rộng đã diễn ra, cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đã tiếp cận biên giới Nga, lực lượng dự phòng đa quốc gia được triển khai ở khu vực Baltic, các trung tâm vũ khí hạng nặng tiên tiến được lập nên ở châu Âu, cường độ tập trận tăng cường, cơ sở hạ tầng quân sự được hiện đại hóa và ngân sách quân sự của các quốc gia NATO tăng lên, “tất cả tạo tiền đề cho sự cố xuất hiện và làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn ”.

Bài viết ký tên Tổng thống Nga Vladimir Putin có tựa đề “Về sự thống nhất lịch sử người Nga và Ukraine” (12-7-2021) và trả lời phỏng vấn của các quan chức ngoại giao Nga cho truyền thông lý giải mối quan tâm của Matxcơva: 

“Những lời lẽ hung hăng cũng như tư tưởng tân quốc xã đang chiếm ưu thế ở Ukraine. Người Nga và tiếng Nga đang bị chèn ép ở Ukraine - nơi đang thúc đẩy quân sự hóa và từ lâu NATO đã xây dựng cơ sở hạ tầng". 

"Truyền thông phương Tây và Ukraine cũng như các quan chức nước này đang tích cực lặp lại những võ đoán về “cuộc xâm lược” sắp xảy ra của Nga vào Ukraine. Trên thực tế, tất cả những điều này chỉ là vỏ bọc thông tin để chuẩn bị cho các cuộc khiêu khích quy mô lớn, bao gồm cả khiêu khích quân sự”. (nguồn: kremlin.ru)

“Quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ, do lỗi của Washington, đã đi đến một điểm mấu chốt nguy hiểm. NATO đang thực hiện hành động thù địch ở “sườn phía Đông” của họ: các cuộc tập trận đột xuất, chạm trán nguy hiểm và điều động tàu chiến và máy bay, rồi cuối cùng là phát triển quân sự trên lãnh thổ Ukraine. 

NATO đang đánh tráo khái niệm: họ nói về an ninh cho tất cả mọi người, nhưng trên thực tế quy tắc này được diễn giải là quyền tự do tham gia một liên minh quân sự cụ thể, với cái giá là an ninh của người khác. Chỉ có an ninh cho tất cả, hoặc đơn giản là nó không tồn tại”. (nguồn: www.mid.ru)

Về phần mình, trong phát biểu tại Berlin hôm 20-1-2022, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho rằng “[Washington] không nhận được báo cáo đáng tin cậy nào cho thấy người dân tộc Nga hoặc nói tiếng Nga đang bị đàn áp ở Ukraine”, trong khi “có những báo cáo đáng tin cậy rằng ở Crimea và Donbass, người Ukraine phải đối mặt với sự đàn áp về văn hóa và bản sắc dân tộc”.

Ngoại trưởng Blinken còn khẳng định “NATO là một liên minh phòng thủ và không có ý định gây hấn với Nga. 

Ngược lại, NATO đã cố gắng suốt nhiều năm để xích lại gần Nga hơn, nhưng những nỗ lực này rất tiếc đã bị từ chối”. 

NATO cũng không bao vây Nga, với lập luận biên giới trên đất liền của Nga dài hơn 20.000km, trong khi các thành viên NATO chỉ chiếm 1.215km - chưa đầy 1/16: “Nga có biên giới trên bộ với 14 quốc gia. Chỉ 5 là thuộc NATO”.

Hoa Kỳ thừa nhận đang hoạt động tích cực trong khu vực, nhưng “thay vì thúc đẩy xung đột ở miền Đông Ukraine như Nga đã làm, Mỹ đã cung cấp hơn 350 triệu USD viện trợ nhân đạo kể từ năm 2014 cho những người bị ảnh hưởng bởi hành động xâm lược của Nga". 

"Mặt khác, Nga triển khai hơn 100.000 quân, bao gồm các đơn vị thiện chiến, gần biên giới của đất nước mà họ đã xâm lược trước đây. Đây không chỉ là luân chuyển quân. Chỉ có 5.000 binh sĩ NATO được triển khai tạm thời ở các nước Baltic và Ba Lan, tức ít hơn 20 lần!” (nguồn: www.state.gov)

Cuối cùng, ngày 26-1 NATO và Mỹ đã gởi Matxcơva văn bản phúc đáp với yêu cầu không công khai các cuộc đàm phán song phương. 

“Chúng tôi không công bố tài liệu này vì tin rằng ngoại giao có cơ hội thành công cao hơn nếu tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán diễn ra bí mật”, ông Blinken giải thích. Tuy vậy, ông cũng phần nào tiết lộ bản chất của thỏa ước trong cuộc họp báo một giờ sau khi chuyển lời phúc đáp.

Cụ thể, NATO sẽ không từ bỏ nguyên tắc mở cửa, bao gồm cho Ukraine, Gruzia và Moldova. Việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine là phù hợp với quan hệ của các nước này và không thể bị thách thức bởi bất kỳ “lực lượng thứ ba” nào. 

Đồng thời, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với Nga trong việc triển khai các hệ thống tên lửa tấn công ở châu Âu, các vấn đề an ninh quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm, và mong muốn xem xét lại cuộc đàm phán về một hiệp ước tên lửa trung cấp và cũ hơn mà chính quyền trước đây của Hoa Kỳ không gia hạn.

Đến ngày 2-2, báo chí Tây Ban Nha công bố toàn văn phản hồi từ Hoa Kỳ và NATO với các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh. Theo đó, Mỹ sẵn sàng thảo luận với Nga về các nghĩa vụ chung để hạn chế việc triển khai các hệ thống và lực lượng tên lửa tấn công ở Ukraine. 

Hoa Kỳ và NATO cũng tuyên bố hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân ở Đông Âu. Mỹ sẵn sàng bắt đầu đối thoại kiểm soát vũ khí với Nga về tên lửa tầm trung và tầm ngắn. 

NATO đã tuyên bố không muốn có một cuộc đối đầu nhưng sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề mang tính nguyên tắc của họ (tức việc tự do mở rộng). Matxcơva từ chối bình luận về văn bản rò rỉ này, chỉ sang phía Mỹ với yêu cầu không công khai, và khẳng định nguồn rò rỉ không phải từ Nga.

Cuộc tỉ thí sắp tới hồi kết?

Sau khi Washington gửi phúc đáp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 28-1, trong trả lời phỏng vấn 4 đài phát thanh Nga, khẳng định: “Chiến tranh sẽ không nổ ra nếu điều đó phụ thuộc vào Nga”, nhưng Nga sẽ không cho phép phương Tây “phớt lờ một cách thô bạo lợi ích của Nga”. 

Nhắc câu trả lời của Washington: “Người Mỹ nói: Quyền lựa chọn liên minh là thiêng liêng”, Larvov nhấn mạnh: “với điều kiện nó không đe dọa an ninh của bất kỳ quốc gia nào khác”. Mặt khác, Nga cũng phủ nhận những đồn đoán về việc họ sẽ công nhận các cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine.

Trong khi đó, phản ứng của NATO có phần lập lờ. Cũng ngày 28-1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn Đài “Tiếng vọng Matxcơva”, khẳng định NATO “cần khôi phục các mối quan hệ ngoại giao với Nga”, “NATO và Nga có thể thương lượng tại bàn đàm phán để ngăn chặn xung đột”, và “NATO không đe dọa Nga”, nhưng liên quan đến việc NATO mở rộng về phía Đông thì “Phần Lan và Thụy Điển, những nước không phải là thành viên NATO, đã khuyên NATO không ký đề xuất của Nga về việc không mở rộng khối”!

Giải thích những lập luận của NATO, đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya, trong phát biểu tại Hội đồng Bảo an vào ngày 31-1-2022, cho biết việc động binh của Nga từng diễn ra trên lãnh thổ Nga trước đây và không gây ra sự lo sợ nào, và hiện các binh sĩ Nga vẫn đóng ở nơi họ triển khai chứ hoàn toàn không ở biên giới Nga - Ukraine.

Ông Nebenzya đặt câu hỏi: “Con số 100.000 quân Nga ở biên giới Ukraine lấy từ đâu?”. Theo ông, người dân Ukraine đang bị “tích cực tẩy não” - điều được thúc đẩy bởi cảm tính bài Nga và ảo tưởng rằng vì một tương lai tươi sáng mà cần phải phấn đấu để trở thành thành viên EU và NATO bằng bất cứ giá nào. 

Hoa Kỳ, trong khi đó, “dường như sẵn sàng hy sinh Ukraine vì lợi ích địa chính trị của mình”. Ông nhắc nhở: “Tình hình ở Ukraine chỉ có thể được khắc phục nếu Kiev thực hiện các thỏa thuận Minsk, vốn chủ yếu cung cấp một cuộc đối thoại trực tiếp với Donetsk và Lugansk”.

Trong những ngày đầu tháng 2, trả lời báo giới về kết quả cuộc gặp với Tổng thống Hungary Viktor Orban, Tổng thống Nga Putin đã đánh giá về phản ứng của Hoa Kỳ với các đảm bảo an ninh: rõ ràng các mối quan tâm cơ bản của Nga đã bị phớt lờ khi ba yêu cầu chính không được xem xét đầy đủ. 

Bằng cách đó, Mỹ và NATO đang tước đi cơ hội của Nga trong việc lựa chọn con đường đảm bảo an ninh. Ông Putin cũng khẳng định không ở đâu trong các văn kiện của NATO có điều khoản về “chính sách những cánh cửa mở”.

Tình hình sắp tới sẽ ra sao? Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Nga Mikhail Pogrebinsky dự báo: Sau vụ rò rỉ phản ứng của Mỹ đối với tối hậu thư của Nga, Matxcơva sẽ đưa ra một luận cứ nghiêm túc để chứng minh rằng Kremlin không nói suông và Washington nên nhượng bộ. 

Chuyên gia này tin rằng chính Hoa Kỳ đã chủ động cho rò rỉ tài liệu trên các phương tiện truyền thông nhằm công khai nói rõ họ không muốn đàm phán với Nga về các vấn đề an ninh quan trọng mà Nga quan tâm.

Trong hoàn cảnh này, chỉ một lập luận nào đó rất có trọng lượng từ Nga mới có thể buộc Hoa Kỳ nhượng bộ và vẫn ngồi vào bàn đàm phán! Pogrebinsky chắc chắn rằng Nga thực sự có một con át chủ bài nào đó dự bị, nếu không, Nga đã không có bước đi nghiêm túc như tối hậu thư vừa qua. 

Theo Pogrebinsky, lá bài đó có thể đã hé lộ phần nào qua chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Trung Quốc, nơi ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận về một "trật tự thế giới mới", mà báo Mỹ New York Times đã lập tức gọi là "một liên minh chống lại phương Tây".

“Chúng ta sẽ chứng kiến những cuộc đấu khẩu khó khăn về mặt ngoại giao. Nhưng điều chính là quá trình đàm phán đã được khởi động, và tôi chắc chắn rằng nó sẽ tiếp tục. Không có giải pháp thay thế hợp lý nào cho điều này". 

"Các cuộc đàm phán của Nga với Mỹ và NATO sẽ nhiều tầng lớp và khó khăn. Và tôi nghĩ những tuần tới sẽ mang tính quyết định trong các cuộc đàm phán với phương Tây” - thượng nghị sĩ, người từng giữ chức thứ trưởng Ngoại giao Nga trong nhiều năm Grigory Karasin, nhận định.

Chiến sự trên… Internet

Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, không ít bản tin “máu lửa” xuất hiện trên truyền thông phương Tây không khỏi khiến người ta lầm tưởng việc Nga xâm lược Ukraine là “chuyện đã rồi”. 

Gần đây nhất, trên trang chủ của Hãng tin tài chính Bloomberg ngày 5-2 treo tiêu đề “Nga xâm lược Ukraine”, 30 phút sau tin bị tháo xuống và hai tiếng sau xuất hiện lời xin lỗi.

Lý do: hãng tin đã chuẩn bị nhiều tiêu đề cho các tình huống về Ukraine và tiêu đề trên “vô tình được xuất bản”. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc truyền thông Mỹ gần đây đăng tải một lượng lớn thông tin chưa được xác minh, xuyên tạc và có chủ đích khiêu khích về những gì đang xảy ra ở Ukraine “đã trở nên rõ ràng với hầu hết mọi người”. 

Ông còn nhắc tuyên bố gần đây của chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng mối đe dọa chiến tranh không tăng, “nhưng sự ồn ào đã tăng lên”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận