TTCT - Hôm 8-4, Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat (Vương Thụy Kiệt) gửi văn thư lên Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo rút khỏi vị trí đứng đầu nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư của Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền, đồng nghĩa từ chối vai trò kế vị chức thủ tướng. Trước đó, hôm 5-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành đạo luật cho phép tổng thống Liên bang Nga giữ chức vụ thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, tức đến năm 2036. Bức thư “cáo lão điền viên” của ông Vương mượn lý do đại dịch COVID-19 “đột kích từ năm ngoái... Với những biến thể mới xuất hiện, nhiều người cho rằng đây sẽ là một cuộc khủng hoảng kéo dài”. Theo ông, làm thủ tướng cần có một lộ trình đủ dài để “không chỉ xây dựng lại Singapore sau COVID-19 mà còn dẫn dắt giai đoạn tiếp theo của nỗ lực xây dựng quốc gia”, mà ông thì nay đã 60 tuổi rồi, nên khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc, ông sẽ đâu đó khoảng 65, mà tới lúc đó mới làm thủ tướng, e rằng sẽ chẳng còn mấy thời giờ để phục vụ và thi thố tài năng!Từ chuẩn bị kỹ lưỡng...Một lý do có vẻ sòng phẳng, song nếu đọc giữa những dòng chữ đúng kiểu Á Đông, cũng có thể thấy ông Vương ngầm ngụ ý (và cả trách móc?) chuyện ông Lý do đại dịch mà đã quyết định lưu lại ghế thủ tướng, thay vì về hưu vào tháng 2-2022, khi ông 70 tuổi như đã hứa. Đại ý, ông Vương nhắm chờ không được nên quyết định rút lui.Ba thế hệ thủ tướng Singapore, từ trái sang: ông Lý Quang Diệu, ông Goh Chok Tong và ông Lý Hiển Long. Ảnh: The Straits Times Trong khi đó, nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư của Singapore (gọi tắt là nhóm 4G), gồm các bộ trưởng đương nhiệm, đã ra một văn thư về việc ông Vương rút lui. Theo đó, ưu tiên hiện giờ là giải quyết những thách thức cấp bách và đảm bảo Singapore vươn lên mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng COVID. Vì vậy, nhóm 4G cần thêm thời gian để chọn một nhà lãnh đạo khác trong nhóm và do vậy, đã đề nghị Thủ tướng Lý Hiển Long “tiếp tục giữ cương vị thủ tướng cho đến thời điểm đó, khi người kế nhiệm mới được nhóm lựa chọn và sẵn sàng tiếp quản”.Cụm từ “sẵn sàng tiếp quản” ý nói dù nhóm có chọn ai thì vẫn phải chờ xem nhân vật đó tập việc thế nào đã. Văn thư này cho thấy một chi tiết rất Singapore: các bộ trưởng thế hệ thứ tư chọn ứng viên thủ tướng tương lai.Nếu gác qua một bên chuyện xin cáo lui của ông Vương mà nhìn vào tình hình Singapore từ năm ngoái, nhất là cuộc bầu cử Quốc hội tháng 7-2020, e rằng ông Vương nay đang trả giá cho bảng thành tích tập việc không được sáng sủa cho lắm. Ở cuộc bầu cử trước đó năm 2015, PAP giành được 83/89 ghế, chỉ chừa 6 ghế cho Đảng Công nhân (WP). Sang năm 2020, PAP vẫn giành được 83 ghế, song WP đã giành tới 10 ghế còn lại. Đặc biệt, WP giữ được các đơn vị bầu cử Aljunied và Hougang truyền thống của họ, và giành thêm được đơn vị bầu cử Sengkang mới thành lập, qua đó trở thành phe đối lập lớn nhất ở Quốc hội Singapore kể từ năm 1966. Xét tỉ lệ cử tri thì còn đáng báo động nữa với PAP: Năm 2020 chỉ có hơn 61% cử tri bỏ phiếu cho họ, so với gần 70% năm 2015. 6 ứng viên thuộc PAP thậm chí đã mất trắng 13.500 đô Sing tiền cọc do thất cử với số phiếu quá thấp!Tính sổ cuộc bầu cử thì “trăm dâu đổ đầu tằm”, mà tằm ở đây là ông Vương, lúc đó đã là phó thủ tướng xử lý mọi công việc chính phủ, người thừa kế tương lai của Lý Thủ tướng từ tháng 5-2019, từng kinh qua các ghế bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế, tài chính, giáo dục, và là nghị sĩ từ năm 2011.Ông Vương đã xuất hiện rất nhiều ở các diễn đàn công khai, mấy năm qua, nhiều không kém ông Lý. Ngay khi nhậm chức phó thủ tướng, ông đã lĩnh xướng cuộc đối thoại “Cùng nhau xây dựng tương lai của Singapore” với những tuyên ngôn đầy tự tin: “Mỗi thế hệ lãnh đạo phải tự giành lấy quyền lãnh đạo cho chính mình. Tôi biết, và các đồng nghiệp của tôi biết, rằng chúng tôi phải giành được sự tin tưởng của các bạn. Tôi muốn làm như vậy bằng cách làm việc với các bạn, cho các bạn, cho Singapore. Những từ ngữ này thể hiện niềm tin sâu sắc của chúng tôi, lý do tại sao chúng tôi quyết định tham gia chính trường”.Ông Vương Thụy Kiệt. Ảnh: Facebook Heng Swee Keat Con đường tiến thân của ông Vương có thể được xem là “khuôn vàng thước ngọc” trên chính trường Singapore. Học tập cơ bản ở các trường danh tiếng, Học viện Raffles lừng lẫy của Singpore, học kinh tế ở Christ’s College, Cambridge (Anh), gia nhập cảnh sát, cao học hành chánh công ở Harvard. Ra trường, phục vụ cho cảnh sát quốc gia, rồi làm ở Bộ Giáo dục, được chọn làm thư ký riêng của Thủ tướng Lý Quang Diệu, rồi giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (tức ngân hàng trung ương). Bước vào nghị trường năm 1993, ông Vương trải qua một lộ trình công chức thực hành chuyên môn đa ngành gần như hoàn hảo. Con đường đó cũng cho thấy đặc tính của chính trường Singapore: thủ tướng được chuẩn bị sẵn từ trước, với sự sẵn sàng tối đa có thể. Ông Vương cáo lui thì nhân vật tiếp theo vẫn sẽ như vậy....Tới không biết chuyển giao cho aiTrước vụ ông Vương xin rút lui ba ngày, hôm 5-4 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc luật cho phép ông giữ chức vụ thêm 2 kỳ 6 năm nữa, mở đường cho ông làm tổng thống đến năm 2036. Đầu năm 2020, Foreign Policy 21-1 đã báo trước: “Tin tức về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch về hưu khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc năm 2024 không gây bất ngờ đặc biệt. Ông Putin đã cai trị đất nước ông trong hơn hai thập kỷ, bao gồm cả 4 năm giai đoạn 2008-2012, mà... ông giữ chức thủ tướng thay vì tổng thống”.Những sửa đổi hiến pháp dự báo như trên đã được đem ra bỏ phiếu cuối tháng 6-2020 và được các nhà lập pháp Nga thông qua vào tháng 3 vừa rồi. Luật mới cho phép ông Putin tái tranh cử sau khi nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông kết thúc vào năm 2024. Ông Putin lần đầu tiên được bầu làm tổng thống vào năm 2000 nên nếu mọi sự diễn ra như dự kiến, nhiều khả năng ông sẽ cầm quyền ở Nga suốt 36 năm, hơn 1/3 thế kỷ, một kỷ lục của thế giới thế kỷ 21. Ông Putin (trái) từng "nhường" cho ông Medvedev làm tổng thống Nga trong bốn năm. Ảnh: AFP Foreign Policy cũng so sánh với Singapore: “Những người Nga lạc quan, bao gồm một số người thân cận với Điện Kremlin, tưởng tượng ra những điểm tương đồng với Singapore. Người cha sáng lập thành bang này, Lý Quang Diệu, tiếp tục phục vụ trong nội các sau khi ông thôi chức thủ tướng, nhằm đảm bảo mọi thứ sẽ hoạt động bình thường và hiệu quả như dưới sự cai trị của cá nhân ông”.Song, điều này cho tới nay đã không diễn ra tại Nga. Người từng đóng vai tổng thống Nga thay ông Putin, rồi trở lại chức thủ tướng Nga cho đến ngày 15-1-2020 và từng được xem là người thừa kế, Dmitry Medvedev, nay đã được cho thôi việc, thay bằng Mikhail Mishustin, cựu lãnh đạo ngành thuế Liên bang Nga.Quả thật, chuyện ông Medvedev thay ông Putin một khóa hao hao giống chuyện ông Goh Chok Tong đứng chân thủ tướng trong khi đợi ông Lý Hiển Long “lên ngôi” ở Singapore. Nhưng mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy hai nước đều bầu cử đa đảng, Singapore có phần “châm chước” hơn cho phe đối lập, nên WP mới có cơ hội ngày càng phát triển địa bàn.Vấn đề còn ở chỗ ông Putin có thể tự tin cho rằng chính người dân Nga muốn ông tiếp tục, như thể hiện qua cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2020 với 79% ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp. Chỉ có điều, trong khi ông Putin xây dựng quyền lực cho riêng mình, một thực tế là quyền lực đối trọng của các tổ chức và cá nhân khác ở Nga đã suy giảm. Ông dần trở thành hiện thân cho chính Nhà nước Nga.Singapore quả là đang trải qua một cuộc “khủng hoảng thừa kế mini”, nhưng về lâu dài sự ổn định và những nhân tài đầy rẫy trong chính quyền của Lý Thủ tướng là điều không dễ lung lay. Trong khi đó ở Nga, câu hỏi ai đủ sức thay ông Putin vẫn là một khoảng trống mênh mông. Sau khi ông Putin thôi chức, ngay cả là tới tận năm 2036 - lúc ông đã 84 tuổi - nếu như sức khỏe cho phép (cũng có thể lắm như ông đang ra sức tự quảng cáo), ai sẽ kế thừa khi thiếu một sự chuẩn bị có hệ thống như ở Singapore? Không lẽ ông Putin không màng đến nguy cơ “sau ta là đại hồng thủy”? Ở Nga, sức ép và thách thức cũng khác hẳn so với đất nước nhỏ bé Singapore. Theo một nghiên cứu của RAND mới đây, ngay cả không tính các vấn đề đối ngoại, 4 yếu tố đối nội đang tạo ra sức ép không ít với ông Putin: sự căng thẳng giữa giới tinh hoa Nga và các đối đầu phe nhóm, gia tộc; vai trò của các siloviki (các bộ quyền lực) và cơ quan an ninh; thách thức kinh tế; và sự không hài lòng của công chúng.■ Tags: Vladimir PutinNhân sựLý Hiển LongThừa kếVương Thụy KiệtTổng thống trọn đời
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...