Nga và Ukraine: 5 kịch bản chiến sự 2024

TƯỜNG ANH 16/01/2024 10:15 GMT+7

TTCT - Cả Ukraine lẫn Nga đã tiễn năm 2023 bằng những đợt tấn công lớn vào hậu phương của nhau, gây nhiều thương vong, báo hiệu một năm mới tiếp tục khốc liệt. Những kịch bản chiến sự nào được dự kiến cho năm 2024?

Ảnh: The Print

Ảnh: The Print

Chuỗi oanh tạc mới nổ ra vào những ngày cuối năm 2023, đặc biệt vào ngày 29-12, khi Nga tấn công hàng loạt địa điểm sâu trong lãnh thổ Ukraine, đợt tấn công tên lửa lớn thứ hai sau đợt tấn công ngày 20-10-2022. 

Khi đó, để trả đũa vụ Kiev tấn công cầu Crimea, Nga đã phóng hơn 200 tên lửa vào Ukraine. Trong đợt tấn công lớn thứ hai vừa rồi, tổng cộng 158 tên lửa đã được Matxcơva sử dụng, đánh vào các nhà máy, nhà kho quân sự ở Dnepr, Odessa, Khavkov, Ukraine.

Di sản nóng của 2023

Lý do được Nga đưa ra là trước tình trạng nguồn cung vũ khí từ phương Tây giảm, Chính phủ Ukraine đang cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất vũ khí trên lãnh thổ nước mình. Đã có thương vong dân sự, mà theo các nguồn tin Ukraine, gồm 30 người chết và hơn 160 người bị thương.

Đáp lại, phía Ukraine ngày 30-12 đã pháo kích hàng loạt vào trung tâm Belgorod (thành phố phía nam nước Nga, cách Matxcơva 700km và cách biên giới Ukraine chỉ 35km), "một trong những vụ pháo kích nặng nề nhất" kể từ đầu cuộc chiến. 

Theo phía Nga, cuộc pháo kích cũng đã trúng vào nhiều địa điểm dân sự: cửa hàng bách hóa Belgorod, khu liên hợp thể thao Dynamo và tòa nhà Đại học Kỹ thuật quốc gia... Đến sáng 31-12, đã có 24 người chết, gồm 4 trẻ em, và hơn 100 người bị thương.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố bằng cách tấn công Belgorod, Ukraine đang cố gắng "đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những thất bại ở mặt trận", cũng như "kích động Nga thực hiện những hành động như vậy". Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công vào Belgorod được thực hiện bởi tên lửa Vilkha và Vampire MLRS.

Ngay sau đó, vào 31-12, quân đội Nga đã đáp trả bằng việc tấn công các trung tâm ra quyết định và các cơ sở quân sự trong thành phố Kharkov, "đặc biệt vào khu phức hợp khách sạn Palace cũ, nhắm vào các đại diện của Tổng cục Tình báo và Lực lượng Vũ trang Ukraine, những người trực tiếp tham gia lập kế hoạch và thực hiện vụ tấn công khủng bố ở Belgorod", cùng địa điểm triển khai tạm thời của đơn vị cực hữu "Right Sector". 

Nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov cho biết vụ tấn công của Nga vào khách sạn Kharkov, nơi các sĩ quan Anh trú đóng, còn nhằm đáp trả việc Anh đã "cầm tay chỉ việc" cho Kiev tấn công Belgorod.

Giai đoạn cuối năm 2023, đầu 2024 còn nóng ở các trạm kiểm soát biên giới phía tây Ukraine, khi hàng dài công dân Ukraine, đặc biệt là nam giới, xếp hàng chờ rời khỏi đất nước để tránh lệnh tổng động viên, dự kiến hiệu lực từ giữa tháng 1-2024. 

Về phía Nga, theo Reuters, tính tới tháng 10-2022, ước tính 700.000 người đã rời khỏi đất nước để né quân dịch. Còn với Ukraine, theo ban tiếng Ukraine của Đài BBC, tính tới tháng 11-2023, 650.000 nam giới Ukraine từ 18 - 60 tuổi đã rời đất nước.

Tên lửa của Nga gây thiệt hại ở Kyiv. Ảnh: Reuters

Tên lửa của Nga gây thiệt hại ở Kyiv. Ảnh: Reuters

5 kịch bản

Cổng thông tin Ukraine Strana.ua ngày 31-12 (ấn bản bị cấm cả ở Ukraine lẫn ở Nga) đã công bố 5 kịch bản liên quan đến chiến sự Ukraine trong năm 2024.

(1) Ukraine hết khả năng chống cự do gặp khó khăn với sự trợ giúp của phương Tây giảm dần, chảy máu quân đội và thất bại động viên quân dịch, mất ổn định nội bộ hoặc do cán cân lực lượng ở mặt trận thay đổi mạnh theo hướng có lợi cho Nga do việc động viên ở Nga cùng các yếu tố khác.

Kết quả của việc này sẽ là một thất bại quân sự với Ukraine, hoặc chuyển sang đàm phán với việc chấp nhận các điều kiện then chốt của Matxcơva. 4-6 tháng đầu năm 2024 là thời điểm nguy hiểm nhất với Ukraine. 

Trong giai đoạn này, người ta sẽ rõ liệu nước này có nhận được sự giúp đỡ từ các đối tác phương Tây hay không, liệu chính quyền có thể "tái khởi động" quá trình động viên để bổ sung quân lực hay không và liệu hệ thống nhà nước của Ukraine có thể trụ vững trước nguy cơ mất ổn định hay không.

Nếu Ukraine sống sót qua những tháng này, thì câu hỏi đặt ra là liệu Nga có ban hành lệnh động viên hay không. Nếu có, tất cả phụ thuộc vào việc Ukraine có giữ vững thế trận trước sức ép gia tăng của Nga hay không. Nếu Ukraine giữ vững thì điểm quan trọng tiếp theo sẽ là cuộc bầu cử ở Mỹ và những hậu quả của chúng với chính sách của Washington về Ukraine.

(2) Chiến tranh tiêu hao. Nếu các thử thách trên không dẫn đến sự sụp đổ với cuộc kháng cự Ukraine, chiến tranh sẽ còn kéo dài. Rủi ro với Ukraine vẫn còn. Tuy nhiên, rủi ro đáng kể về một cuộc chiến tranh kéo dài cũng nảy sinh với Nga. Nhìn chung, một cuộc chiến tranh kéo dài là nguy hiểm và khó lường đối với tất cả các bên.

(3) Bất ổn và thất bại của Nga. Phương án này có thể xảy ra nếu xuất hiện một số trường hợp bất khả kháng nào đó (chẳng hạn cái chết của Putin) hoặc một số sai lầm thảm khốc của giới lãnh đạo Nga trong chính sách đối ngoại và đối nội, dẫn đến sự suy thoái mạnh mẽ kinh tế - xã hội và quan hệ với các đối tác chủ chốt (chủ yếu là Trung Quốc), hoặc do đánh giá cực kỳ sai lầm về cân bằng lực lượng ở mặt trận, dẫn đến những thất bại nặng nề (như đã xảy ra vào năm 2022), hoặc do hiệu ứng mệt mỏi tích lũy và bất mãn của xã hội và quân đội trước một cuộc chiến kéo dài và thiếu triển vọng rõ ràng về kết thúc hoặc chiến thắng. 

Không thể loại trừ khả năng xảy ra bất kỳ kịch bản nào trong số này. Nhưng hiện giờ các khả năng này ít hơn nhiều so với một năm trước.

(4) Các nước NATO tham chiến. Kịch bản có thể xảy ra nếu Nga tăng phần cược vào cuộc chiến, hoặc nếu các nước NATO đi đến kết luận rằng cần phải tiến hành một "cuộc tấn công phủ đầu" để ngăn chặn thất bại của Ukraine, hoặc nếu nói chung nếu xung đột toàn cầu bùng lên giữa phương Tây và các nước không thuộc phương Tây, nơi mặt trận Ukraine sẽ chỉ là một trong nhiều mặt trận.

Hiện tại, khả năng này có vẻ không cao - bởi thành tích của người Nga ở mặt trận không đến nỗi quá tệ để họ phải dốc toàn lực gây xung đột với phương Tây. Ở phương Tây, quan điểm phổ biến vẫn là không tham gia một cuộc chiến trực tiếp với Nga, vì điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới. 

Các quốc gia lớn nhất không thuộc phương Tây (ngoại trừ Nga, Iran và Triều Tiên) vẫn chưa thể hiện mong muốn chiến đấu. Mặc dù các biến cố trên thế giới hiện đang phát triển nhanh chóng và dữ dội, không ai có thể dự đoán chính xác được tương lai.

(5) Đình chiến hoặc hòa bình dựa trên các điều khoản thỏa hiệp. Sau khi kế hoạch chiến lược của Nga nhằm đánh bại nhanh chóng Ukraine bị phá vỡ vào tháng 3-2022, và kế hoạch chiến lược của Ukraine và phương Tây nhằm đánh bại nhanh chóng Nga bị phá vỡ vào năm 2023, việc thực hiện phương án thỏa hiệp hòa bình, hoặc ngưng bắn với việc cố định tiền tuyến có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Số lượng người ủng hộ phương án này ngày càng tăng. Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc ký kết hòa bình hay đình chiến sẽ xuất hiện vào năm tới, với việc Tổng thống Mỹ Biden sẽ quyết định có ký kết một thỏa thuận với Putin để chấm dứt chiến tranh trước bầu cử Mỹ hay không. 

Rủi ro của một cuộc chiến tranh kéo dài (bao gồm cả rủi ro xung đột lan rộng) quá hiển nhiên đối với mọi người. Và điều này tạo ra cơ hội kết thúc chiến tranh trong một tương lai không xa. Có lẽ sớm nhất là vào năm 2024.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận