TTCT - Ngập nước đô thị TP.HCM là chuyện dài lâu nay. Dù chính quyền thành phố quyết tâm giảm ngập, người dân vẫn đang loay hoay chống chịu với vấn nạn này. Một shop quần áo phải ngưng hoạt động vì nước tràn vào nhà trên đường D1 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: DUYÊN PHAN Sợ hư hao tài sản, ảnh hưởng đi lại Một nghiên cứu chính thức mới đây của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (CARE), Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, với sự tham gia của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), đã thực hiện khảo sát điều tra xã hội học tại tám điểm ngập đặc trưng của thành phố để đánh giá những vấn đề trên. Kết quả nghiên cứu cho thấy: gần 88% người dân được hỏi trả lời rằng họ chưa thể quên những vụ ngập gây thiệt hại nghiêm trọng vì hầu hết đã chứng kiến mức ngập cao bất thường. Khi đối mặt với ngập, trong số các vấn đề mà người dân lo sợ rất khác nhau mà chủ yếu là hư hao đến tài sản chiếm 35,7% và ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại chiếm 33,9%. Bảng dưới đây cho biết các vấn đề lo sợ của người dân được đặt ra trong khuôn khổ nghiên cứu: Dựa trên thang điểm mức độ lo sợ về ngập lụt được chia từ 0-5 (từ “Không lo sợ gì” đến “Rất lo sợ”) thì người dân trả lời đều có xu hướng lo sợ cho cuộc sống thường nhật của gia đình và người thân với mức trung bình là 3. Tương tự, mức độ xáo trộn công ăn chuyện làm cuộc sống hằng ngày được đánh giá ở mức điểm trung bình là 2,8. Đây là mức trung bình cao, chứng tỏ người dân chịu sự xáo trộn trong cuộc sống khá nhiều. Đặc biệt có đến 23,9% đánh giá ở mức 4 - mức khá xáo trộn và 6,7% ở mức 5 - mức rất xáo trộn (xem biểu đồ 1). Biểu đồ 1 : Mức độ lo sợ cho cuộc sống gia đình - người thân và xáo trộn cuộc sống hằng ngày Sự xáo trộn cuộc sống thường nhật phần lớn là do khó khăn khi tham gia giao thông, cụ thể có đến 41,9% chịu tình cảnh mất thời gian di chuyển kéo dài do kẹt xe vì đường ngập. Trong tình huống này, họ có những toan tính thích ứng khác nhau. Đáng chú ý phần lớn người dân (chiếm 36,4%) rất bị động cho việc đi lại, miễn cưỡng chấp nhận di chuyển trên đường ngập. Vì vậy, thời gian tiêu tốn nhiều hơn cho việc di chuyển không chỉ bao hàm chi phí cơ hội mà còn tác động đến tinh thần của họ (bởi những căng thẳng trên đường di chuyển do kẹt xe và ngập nước). Có 16,6% buộc phải ở nhà để làm việc; 4,9% hủy những hoạt động giải trí hay gặp gỡ người thân; 3,2% hủy lịch khám bệnh hoặc những cuộc hẹn quan trọng khác. Đặc biệt hơn có 14,2% hủy tất cả hoạt động trong ngày có sự kiện ngập diễn ra để đảm bảo an toàn cho mình (xem biểu đồ 2). Biểu đồ 2 : Những ảnh hưởng đời sống vì khó khăn đi lại khi bị ngập nước Tự tìm thông tin, tự thích ứng Nếu có sự ưu tiên để đối phó với sự kiện ngập, người dân thành phố đều tập trung vào các giải pháp tự thích ứng cho cả ba cấp độ ưu tiên I, II và III. Đối với ưu tiên I, đa số người trả lời cho rằng sẽ tự tìm cách bảo vệ tài sản của mình và gia đình (34,3%) và tự sắp xếp thời gian để đối phó với các tình huống (31%). Đối với ưu tiên 2, tỉ lệ này tương ứng là 29,6% và 25,5%. Tương tự, ưu tiên 3 cũng tập trung vào giải pháp tự bảo vệ tài sản của mình (45%). Về việc tìm đến các thông tin để biết chuyện gì đang xảy ra, tức phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin của cơ quan chức năng, chỉ chiếm 18,4% trong ưu tiên I, 2% trong ưu tiên II và 2,5% trong ưu tiên III. Điều này cho thấy người dân tiếp cận thông tin ngập nước đô thị rất hạn chế hoặc có thể hiệu quả từ các thông tin cung cấp về ngập lụt cho họ còn thấp. Thật vậy, có đến 92,1% số người kể lại rằng họ không tiếp nhận thông tin dự báo trước về sự kiện ngập đáng nhớ. Còn lại 7,5% số người được biết thông tin dự báo, chủ yếu qua các kênh truyền thông chính thống từ tivi, radio, báo giấy (chiếm 51,6% số ý kiến), qua kênh dự báo trên Internet (báo mạng và mạng xã hội - 12,9%). Nghiên cứu được thực hiện với số mẫu người dân phỏng vấn trong khả năng có thể (300 người) phủ khắp địa bàn thành phố, nhưng cho phép phản ánh ý kiến người dân từng kinh qua nạn ngập nước đô thị. Có thể thấy rằng tương tác giữa chính quyền và người dân chưa rõ nét, chưa có sự đồng điệu trong công cuộc chống ngập: cơ quan chức năng vẫn tập trung chủ yếu vào những quy hoạch thoát nước, còn người dân thì ta thán nạn ngập. “Xã hội hóa” chống ngập nên thật sự là sự tham gia chủ động của người dân với sự đồng hành của chính quyền, chứ không chỉ có sự tham gia các doanh nghiệp xây dựng các công trình hạ tầng thoát nước. Những giải pháp cộng đồng (community-based communication), đặc biệt giải pháp dự báo ngập cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa. Cung cấp thông tin ngập và dự báo ngập là một kênh kết nối quan trọng giữa người dân và nhà quản lý.■ (*) Tiến sĩ Trần Ngọc Tiến Dũng - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Tiến sĩ Ngô Thu Trang (Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM Tiến sĩ Isabelle Ruin và Tiến sĩ Nicolas Gratiot (IGE Grenoble, Pháp) Tags: Ngập nướcChống ngậpNgập ở TPHCMNgười dân lo gì
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.